Tối tối, người trong xóm thường ra sân hóng mát. Họ nhìn ra quốc lộ IA, xe cộ chạy ầm ào, đèn đuốc sáng choang. Lại nhìn về phía Nam, tuyến huyện lộ từ Hòa Vinh đi Hòa Tân đèn đường cao áp sáng đến nhức mắt. Rồi họ nhìn những bóng đèn dầu tù mù trong nhà, thở dài. Những người đàn bà đã lớn tuổi trong xóm quạt giấy phành phạch trên tay nói với nhau: “Chắc tới khi mình xuống lỗ cái xóm này cũng chưa có điện sáng trong nhà”.
Những đứa con của chị Huỳnh Thị Cúc phải học dưới ánh đèn dầu - Ảnh: K.Duy |
Đó là xóm Gò Dông thuộc thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa. Đi trên QLIA qua cánh đồng Phước Lộc thẳng cánh cò bay, nhìn về phía tây sẽ thấy ngôi làng đó. Chỉ cách quốc lộ chừng 300-400m, là nơi giao nhau giữa TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa, đường điện cao thế cũng đi gần như ngang trên đầu, thế mà cái xóm được hình thành từ “hồi nẳm” chống Tây ấy cho đến nay vẫn tù mù đèn dầu hàng đêm.
“NHÀ NỘI TỐI THUI, HỔNG THÍCH!”
Bà Nguyễn Thị Xun và “hệ thống đèn dầu” trong nhà – Ảnh: K.Duy
“Nghĩ ở tận vùng sâu vùng xa, trên đồi trên núi người ta còn có điện thắp sáng, còn mình ở ngay sau lưng thành phố mà phải sống cảnh đèn dầu, thiệt buồn” – bà Nguyễn Thị Xun, năm nay 74 tuổi, một cư dân trong xóm vừa mang lỉnh kỉnh đèn lớn, đèn nhỏ trong nhà để “khoe” với tôi, vừa nói như thế. Nhà bà có cả thảy 8 cây đèn, từ loại hột vịt cho đến đèn tọa đăng. “Nhưng bây giờ dầu lên giá dữ quá, tới 9.000 đồng/lít rồi. Nếu mà thắp cho sáng hết nhà thì chắc mỗi tháng cũng mất tới 8 lít, kể cả tiền sạc bình nữa, chịu hổng nổi, nên phải tiết kiệm. Đèn tọa đăng chỉ có tết nhất hay lễ lạc gì đó mới đem ra thắp mà thôi” – bà Xun nói.
Khi chúng tôi đến thì chồng bà Xun, ông Văn Tấn Tặng, đã đạp xe chở chiếc bình ắc-quy đi thị trấn Phú Lâm cách xóm chừng 4 cây số để sạc, kịp về tối xem ti-vi. Bây giờ, 15 gia đình của xóm Gò Dông đều có ti-vi, chỉ toàn là ti-vi trắng đen 14 hay 17 inch đời cũ, chạy bằng bình điện. Chị Huỳnh Thị Cúc, một cư dân của “xóm đèn dầu”, kể: “Năm ngoái tôi vô Hòa Vinh để mua cái ti-vi Sanyo này, cô chủ cửa hàng điện tử hỏi chớ sao không thêm tiền mua ti-vi màu mà mua ti-vi trắng đen. Tôi hỏi ngược lại: Chỗ chị có cái ti-vi màu nào chạy bằng bình sạc hôn? Cô ấy chịu. Nghe nói nhà tôi chỉ ở cách cửa hàng chừng ba cây số mà không có điện, cô ấy tròn mắt như không tin”.
Bây giờ đã vào mùa hè. Trời bắt đầu nóng. Vật bất ly thân đối với cư dân “xóm đèn dầu” là những chiếc quạt lát, quạt giấy. “Mình ở mấy chục năm nay, nóng nực gì cũng chịu được. Chỉ thương cho mấy đứa cháu ở thành phố về chơi, ở lại nhà nội một đêm, mình phải thức suốt để quạt mà tụi nó vẫn giãy dụa khó ngủ. Hôm sau, mới mờ sáng là đòi cha mẹ chở về vì “Nhà nội tối thui, lại nóng nực, con hổng thích!” – bà Nguyễn Thị Xun buồn buồn nói vậy.
KHÔNG ĐIỆN: SÁNG TẠO VÀ... TỐI TẠO
Anh Nguyễn Khắc Chung bên 4 chiếc bình ắc-quy và chiếc quạt chạy bình – Ảnh: K.Duy
Biết chúng tôi thắc mắc khi nhìn 3 chiếc quạt điện trong nhà, anh Nguyễn Khắc Chung, 30 tuổi, giải thích ngay: “Mấy cái quạt này mua để khi có lễ lạc gì đó thì mướn máy nổ về chạy điện, chứ bình thường chỉ để đó... chưng chứ biết lấy gì xài”. Vợ chồng anh Chung sống cùng với cha mẹ, so với những nhà khác, đây là gia đình nhìn có vẻ khá giả hơn. Nhà có đến 4 chiếc bình ắc-quy, “một cái xài ti-vi, còn một cái xài quạt. Cứ hai, ba ngày lại mang bình hết điện đi sạc, lấy bình nạp đầy điện về sử dụng”. Nghe tôi thắc mắc chuyện bình điện làm sao đủ mạnh để chạy được quạt 220V, anh Chung cho biết: “Nóng nực quá cũng phải nghĩ cách chớ. Tôi nghiên cứu độ một cái biến trở 12V cho cái quạt nhỏ chạy được điện bình, đỡ phải quạt tay”.
Nhưng không có điện thì sáng tạo không thể nhiều bằng... “tối tạo”. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, vợ anh Chung, là giáo viên của Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Hòa Tân Đông, huyện Tây Hòa), than thở: “Kể từ ngày về đây làm dâu, em chỉ tranh thủ soạn bài, chấm điểm, làm sổ sách vào ban ngày, được lúc nào hay lúc đó chứ ban đêm tối thui, nhức mắt không làm được”. Cũng phải thông cảm cho cô dâu xóm đèn dầu này bởi cô sinh ra, lớn lên trong ánh điện sáng, bây giờ phải đến sống ở vùng tối, mới 6-7 giờ chiều mà đã tưởng khuya lắc khuya lơ này. Thành ra anh Chung, sau một thoáng tự hào về “sáng tạo biến trở cho quạt chạy bình” của mình cũng so bì: “Nhà ngoại tôi ở thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) cũng nằm giữa đồng, cũng chỉ vài hộ gia đình, ở xa trạm hạ thế điện cả 2 cây số mà cũng có điện thắp, còn ở đây...”.
Chị Huỳnh Thị Cúc và những người dân trong xóm Gò Dông nói rằng đất đai ở đây rộng rãi, màu mỡ nhưng không có điện thành chẳng ai trồng trọt được gì nhiều vì không thể kham nổi chuyện phải xách nước đi tưới một diện tích lớn được. Còn các em nhỏ trong xóm, chuyện học hành bằng đèn dầu hẳn là khó khăn hơn các bạn cùng trang lứa ở những nơi “hiện đại” có điện sáng...
BAO GIỜ GÒ DÔNG SÁNG ĐIỆN?
Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Thành Long: Huyện đã nhiều lần làm việc với xã Hòa Thành về chuyện giải quyết điện thắp sáng cho xóm Gò Dông, nhưng hiện vẫn chưa tìm được hướng ra. Được biết trước đây Hòa Thành cũng đã có ý định lập khu tái định cư để di dời xóm này, nhưng bà con không đồng ý. Còn việc kéo điện thì xã không thể triển khai vì không có nguồn kinh phí. Chính vậy, việc này đang gặp khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Xun cười giơ cả lợi: “Ông nhà tôi cùng với anh Nguyễn Tấn Huân bên cạnh đã nhiều lần đi xin với địa phương để bắt điện về xóm. Ba, bốn lần cả xóm rục rịch chuẩn bị mỗi nhà vài triệu bạc để bắt điện, nhưng năm này qua, năm khác đến mà chẳng thấy điện đâu. Tối tối, tôi với bà Sáu Vằn nhà bên thường hay nói với nhau: “Không chắc khi mình xuống lỗ trong nhà đã có điện sáng”!”. Anh Chung thì nói: “Ở Trạm bơm Đông Mỹ phía bên kia quốc lộ có trạm hạ thế, từ đó sang đây chỉ chừng 400m đường chim bay, chỉ có cách đó là tiện nhất. Hồi trước cũng nghe nói xã có tính phương án làm bình hạ thế cho đường điện cao thế, nhưng nếu chỉ 15 hộ dân này góp thì khó thực hiện vì giá trị đầu tư rất lớn”. Còn chị Huỳnh Thị Cúc cho biết: “Bây giờ nếu bảo đóng 5 triệu để kéo điện, bà con sẵn sàng. Giá điện tính 2.000 đồng/KW tui cũng “chơi”. Nếu vốn đầu tư lớn quá thì có thể cho bà con trả dần hằng năm cũng được”.
Bao giờ xóm Gò Dông có điện? Chúng tôi đặt câu hỏi đó với lãnh đạo UBND xã Hòa Thành và nhận được lời giải thích của Phó Chủ tịch xã Mai Tấn Lý thế này: “Chuyện kinh doanh điện trên địa bàn xã Hòa Thành do Chi nhánh điện Phú Lâm đảm trách nên nếu có kéo điện đến Gò Dông là do chi nhánh điện kéo. Vấn đề điện thắp sáng ở xóm Gò Dông chắc Đảng ủy và HĐND xã sẽ phải kiến nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết, chứ hiện giờ xã đâu có nguồn kinh phí đầu tư được”.
Như thế, nghĩa là câu trả lời cần thiết để “hóa kiếp đèn dầu” cho cái xóm giáp ranh thành phố này vẫn chưa có được...
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG