Thứ Sáu, 04/10/2024 02:27 SA
Ở nơi bị lũ cô lập bốn ngày đêm
Thứ Sáu, 06/11/2009 07:36 SA

Đã bốn ngày đêm chống chọi với lũ dữ, bốn ngày đêm sống trong sợ hãi, chịu đói, chịu rét… người dân xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân dường như kiệt sức. Nhiều người đang sống trong cảnh đau đớn vì mất người thân, mất nhà cửa. Họ đã bật khóc khi gặp bà con đến thăm hỏi, chia sẻ...

 

xs1091006.jpg
Một trong nhiều ngôi nhà bị lũ làm sập hoàn toàn ở Xuân Sơn Bắc – Ảnh: L.PHONG

 

Những ngôi làng xã Xuân Sơn Bắc nằm trong thế “gọng kìm” với một bên là núi cao, một bên là lưu vực của đoạn sông Kỳ Lộ rộng lớn quanh năm nước chảy cuồn cuộn. Vậy nên khi lũ lớn, xóm làng ở đây hoàn toàn bị chia cắt. Sau bốn ngày lũ trôi qua, chúng tôi mới đi được ca nô vượt qua sông Kỳ Lộ, đi bộ tiếp một đoạn đường, rồi xuống con xuồng nhỏ chèo qua sông Con, tiếp tục đi bộ, đi xe đạp trên quãng đường dài gần 5km bị nước lũ xé toang thành vực sâu hoặc bồi lấp nặng, mới đến được thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc...

 

TAN HOANG TÂN BÌNH

 

Vừa đến đầu xóm, chúng tôi gặp bốn người đang khiêng một bọc vải lớn và nhiều người dân đứng than khóc. Hỏi ra mới biết, họ đang khiêng xác nạn nhân Võ Thị Mười (44 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi từ đêm ngày 2/11, sau 4 ngày mới tìm được xác. Anh Phan Xuân Thanh, một người dân gần nhà ông Đức, nghẹn ngào: “Tôi đã chứng kiến bà Mười lên gác thò đầu ra cửa sổ kêu cứu khản giọng, dù đứt ruột đứt gan, nhưng tôi đành bất lực đứng nhìn chứ không có cách nào thắng được dòng lũ dữ để cứu bà. Sau khi cuốn trôi bà Mười, lũ dữ cũng đã nhấn chìm, cuốn sập ngôi nhà bà thành đống gạch vụn…”

 

Từ bên kia con đường làng, một người đàn ông với đôi mắt đỏ hoe, chỉ mặc độc chiếc quần đùi ướt sũng, tiến về phía chúng tôi rồi vừa khóc, vừa nói như trách móc: “Cả làng tan hoang, dân ở đây đau xót tiễn đưa bà Tãi bị chết trong lũ về nơi an nghỉ cuối cùng. Còn vợ tôi cũng chết thảm, bị lũ cuốn trôi cách nhà gần 2km và không có một mảnh áo che thân, nhà cửa tan tác…”. Đó là ông Trương Tấn Đức, chồng bà Mười, vừa từ TP Hồ Chí Minh trở về để lo mai táng vợ. Gia đình ông Đức có ba đứa con, mấy năm nay ông Đức lặn lội xuôi vào Nam làm thuê để nuôi đứa con lớn là Trương Tấn Trung đang học đại học công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Còn bà Mười ở nhà một mình tảo tần nuôi 2 đứa con nhỏ, vậy mà…

 

Đi qua chiếc cống trên đường bị lũ phá hỏng nặng, chúng tôi mới chứng kiến hết được cảnh làng xóm Tân Bình tan hoang sau lũ. Hơn 90% ngôi nhà ở đây đều bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều ngôi nhà sập, nứt vách nặng, nhiều người dân đang phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Chị Phan Thị Diệp vẫn còn bàng hoàng, sợ hãi kể lại: “Nước lũ dâng cao ngập đến mái nhà, cả làng ngồi trên nóc và đều khóc, kêu cứu. Khi chỉ còn vài tấc nước nữa là nhà bị lũ nhấn chìm, tôi kéo sợi dây chuẩn bị buộc mấy mẹ con lại để nếu lũ có cuốn trôi thì chết chùm để người ta dễ tìm được xác. Cũng may, lũ không lớn thêm nữa…”

 

Có mặt ở thôn Tân Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc Nguyễn Văn Dũng phờ phạc vì mấy ngày lo cứu hộ nói: Tôi còn nhớ những người cao niên kể lại năm Giáp Tý (Minh Mạng thứ chín), một trận đại hồng thủy đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của người dân Phú Yên. Đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền về trận lụt lịch sử này: Giáp Tý Khải Định cửu niên/Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn/Tuy Hòa cho tới Tuy An… Nhưng, với tôi chưa có trận lũ nào tàn phá kinh hoàng như trận lũ đang diễn ra trong mấy ngày qua ở nơi này. Thôn Tân Bình có đến 468 hộ dân đều bị thiệt hại do lũ; đường giao thông, hệ thống điện, sản xuất hoa màu… đều bị hư hỏng nặng. Gia súc, gia cầm đều trôi sạch. Ở các thôn khác như Tân Phước, Tân Long cũng đều bị lũ làm xác xơ…

 

xs3091006.jpg
Đường sá ở Xuân Sơn Bắc tan nát sau lũ – Ảnh: L.PHONG

 

TRƯỜNG HỌC BỊ SAN BẰNG

 

Trong khi tiếp cận những ngôi nhà vỡ vụn ở thôn Tân Bình, chúng tôi chứng kiến ngôi trường tiểu học Xuân Sơn Bắc bị đổ sập. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng cho biết, trường này do Tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ vốn xây dựng rất kiên cố và đưa vào sử dụng năm 2005. Thế nhưng, cơn đại hồng thủy đã san bằng 10 phòng học, còn dãy nhà của cán bộ, giáo viên thì bị trụt móng hư hỏng. Tất cả tài liệu sổ sách của giáo viên đều ngập nước hư hỏng hoàn toàn. Phân trường tiểu học thôn Tân Bình với 3 phòng học cũng bị lũ cuốn phăng…

 

Ở Phân trường tiểu học thôn Tân Bình, em Trịnh Minh Thể, học sinh lớp 4, đang ngồi trên đụn cát cao ở sân trường, hỏi chúng tôi: “Cháu rất nhớ học, nhưng chú ơi trường sập rồi biết khi nào mới học lại?”. Tôi chẳng biết trả lời ra sao, đành đạp xe đạp đi tìm nhà cô giáo Trần Thị Kim Thanh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc, để hỏi giùm cho em Thể. Cô giáo Thanh rơi nước mắt: “Trường lớp bỗng chốc tan hoang, xót quá anh ạ! Ở hai phân trường tiểu học có đến 20 lớp học với 312 học sinh. Hiện giờ, nhà trường vẫn “bó tay” chứ chưa biết hướng khắc phục như thế nào! Tuy nhiên, trước mắt, để ổn định việc dạy và học, chúng tôi sẽ mượn tạm nhà dân hoặc đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ bố trí tạm phòng học ở nhà văn hóa hoặc UBND xã. Còn về lâu dài, thì phải trông chờ tỉnh, huyện đầu tư xây dựng lại trường, chứ không để học sinh vì không có trường mà nản lòng nghỉ học”.

 

CẢ LÀNG ĐANG CHỊU ĐÓI, RÉT

 

Chiều tối ngày 5/11, khi chúng tôi chia tay bà con Tân Bình và rời ngôi làng còn đang bị cô lập này, đông đúc người dân xúm lại đề nghị nhà báo chuyển lời nhờ tỉnh, huyện và các cấp sớm cứu trợ cho bà con. Chị Trương Thị Thư vừa dắt chiếc xe đạp đi theo, vừa nói: Đồ đạc mặc ấm đều ngập ướt. Lúa, gạo đều bị trôi hoặc nước ngập gây hư hỏng hết rồi. Nước sạch để uống cũng không có. Hôm qua có chiếc máy bay trực thăng thả mì gói cứu trợ, nhưng quá ít và người có người không. Còn chiều nay bà con không còn cái gì để ăn!

 

Có lẽ đã bốn ngày đêm chống chọi với lũ dữ, bốn ngày đêm sống trong sợ hãi, chịu đói, chịu rét… người dân xã Xuân Sơn Bắc dường như đã kiệt sức và đang từng phút, từng giây trông chờ sự cứu trợ lương thực, thực phẩm. Bác Nguyễn Mơ, 85 tuổi, nói theo: “Tôi già rồi, ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng bọn nhỏ thì tội nghiệp lắm. Mấy hôm nay, chúng nó ngơ ngác vì mất trường học, vì đói ăn, vì rét…

 

Một Xuân Sơn Bắc tan hoang do lũ và vẫn đang bị cô lập bởi nước lũ từ sông Kỳ Lộ; một Xuân Sơn Bắc với với 806 hộ dân rất khó gượng dậy sau trận lũ lịch sử này. Vùng đất bị cô lập ấy rất cần sự động viên, chia sẻ, trợ giúp, kịp thời của đồng bào cả nước.

 

 

Phóng sự của LƯU PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau bên dòng Tam Giang
Thứ Năm, 05/11/2009 10:00 SA
Đi rừng bẫy chồn
Thứ Năm, 22/10/2009 19:00 CH
Giăng lưới chim sẻ
Thứ Tư, 07/10/2009 19:07 CH
Thấy và nghĩ dọc đường Nam bộ
Chủ Nhật, 04/10/2009 19:00 CH
Tan tác vùng nuôi tôm hùm Vũng La, Vũng Me
Thứ Tư, 30/09/2009 19:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek