Thứ Năm, 28/11/2024 06:46 SA
Nỗi đau bên dòng Tam Giang
Thứ Năm, 05/11/2009 10:00 SA

Ở phía nam thị xã Sông Cầu có dòng Tam Giang hiền hòa soi bóng dừa xanh. Đây là nơi diễn ra lễ hội truyền thống Sông nước Tam Giang  vào mùng 5, mùng 6 tết hằng năm, có tiết mục thả hoa đăng xuống dòng sông để cầu trời yên biển lặng. Ngày ngày những con nước từ phía thượng nguồn vẫn về đây, rồi yên ả trôi ra cửa biển. Vì vậy, ít có ai ngờ, đây lại là một trong những nơi bị thiệt hại nặng ở Phú Yên trong đợt lũ vừa qua.

 

hinh-hieu.091105.jpg

Những gì còn lại của ngôi nhà ông Nghĩa chỉ có thế này - Ảnh: H.NGỌC

 

XUÂN PHÚ - NHIỀU NGƯỜI CHẾT

 

Chúng tôi khi vừa đặt chân lên thị xã Sông Cầu sau lũ, thật sự bàng hoàng khi thấy một bên thành cầu Tam Giang bị sụp xuống, còn ngôi nhà thủy tạ quen thuộc bị đổ nhào xuống lòng sông.

Những người dân ở đây nói rằng, đây là cơn lũ lớn nhất từ trước đến nay. Bởi theo họ, nước lụt năm 1987, trước đó được xem là cao nhất, cũng chỉ lém qua quốc lộ 1A; còn nước lũ lần này thì ngập quốc lộ 1A gần 2 mét. Trong chốc lát nước ngập tràn như muốn nhấn chìm cả nhà cửa, vườn tược, phố phường ở hai bên bờ sông Tam Giang. Người dân hoảng hốt chạy lũ và có nhiều người do không lường hết tốc độ lũ lên nhanh, nên đã không chạy kịp.

 

Ngôi nhà nhỏ của anh Đỗ Kim Hùng ở khu phố Long Bình bị lũ cuốn phăng, mang theo cả tiếng kêu cứu thất thanh của vợ con anh đang bám víu trong đó. Ngày thứ hai sau lũ, bà con hàng xóm mới tìm được xác của vợ anh, chị Đặng Thị Thu Thủy. Còn thi thể cháu Đỗ Quốc Trung, 8 tuổi, thì tìm được trước đó một ngày.

 

Bão tan lũ rút, người dân phường Xuân Phú bàng hoàng hay tin cả phường có đến 9 người chết vì lũ.

 

Tiếp chúng tôi trong trụ sở UBND phường còn ngập ngụa bùn và ngấn nước lũ còn lưu lại trên nửa vách tường, anh Lê Văn Thế, Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường Xuân Phú cho hay: Đây là phường có số người chết nhiều nhất thị xã Sông Cầu. Trong đó, cùng trường hợp một nhà chết hai người như gia đình anh Đỗ Kim Hùng, còn có hai trường hợp thương tâm khác là: hai chị em ruột Huỳnh Thị Vân (SN 1995) và Huỳnh Dư Hạnh Nguyên (SN 2000); hai chị em ruột Võ Thị Kim Quân (SN 2002) và Võ Thị Kim Quyền (SN 2007). Phường Xuân Phú bị ngập rất nặng, nên gia sản của người dân bị hư hại rất lớn.

 

XUÂN THÀNH - TAN NÁT GHE XUỒNG

 

Đối diện với Xuân Phú, bên bờ nam Tam Giang, là phường Xuân Thành là một khung cảnh vô cùng ngổn ngang. Tàu thuyền tránh bão neo đậu dọc bờ nam Tam Giang bị ngã nghiêng, hư hại la liệt. Đi dọc bờ sông càng bắt gặp cảnh tượng tan hoang, khi ghe xuồng bị quật gãy nát, nhiều chiếc bị chìm, còn một số chiếc bị quăng lên cả trên mặt đường.

 

Bên một chiếc xuồng máy bị hư nặng, một chị tay bế con ngồi nhìn xuống chiếc xuồng buồn rầu kể với chúng tôi: “Tôi là Huỳnh Thị Lan còn chồng tôi là Huỳnh Văn Thành, chúng tôi có hai con còn nhỏ, nhà tôi chỉ có chiếc xuồng này để làm ăn, bây giờ chiếc xuồng hư, không có tiền sửa chữa, không biết rồi phải làm thế nào đây”.

 

Thấy chúng tôi ghi hình cảnh tàu thuyền hư hại, ông Huỳnh Văn Cận ở Dân Phước nói: “Có nhiều tàu hư lắm nhưng đã chìm hết dưới sông, hay trôi ra biển mất rồi. Nước chảy mạnh quá, nhiều người ra neo tàu bị bức neo trôi cùng tàu ra biển. May nhờ chiếc tàu Hàn Quốc đang hút cát ở vịnh Xuân Đài vào cửa trú bão có đèn pha lớn đi cứu kịp thời. Không thì đã mất thêm vài chục mạng”.

 

Trên đường xuống cảng cá Dân Phước, trụ sở UBND phường Xuân Thành thật đông cán bộ và thanh niên tụ họp để triển khai việc dọn dẹp vệ sinh trên địa bàn phường. Ở đây chúng tôi gặp cả Bí thư Đảng ủy phường Trần Xuân Hạt, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Mười, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Xuân Chánh. Lãnh đạo phường nói rằng: Phường Xuân Thành bị thiệt hại quá nặng. Có 122 chiếc ghe bị hư, trong đó có 49 chiếc bị chìm; còn xuồng bị chìm 68 chiếc. Với cư dân phường này, gia sản là chiếc ghe chiếc xuồng, mất ghe mất xuồng là coi như trắng tay. Đây cũng là nơi người dân nuôi nhiều lồng tôm hùm trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Dự ước qua bão, có khoảng 30- 40 số tôm hùm bị thiệt hại.

 

XUÂN LÂM - NHÀ TRÔI THEO LŨ

 

Đi trên ĐT644 ngược dòng Tam Giang, chúng tôi không còn nhận ra đôi bờ sông xanh mát ngày nào, vốn bắt ta thường phải ngoái nhìn với một thoáng mơ màng khi có dịp qua đây. Tan hoang và xác xơ, hàng loạt thân dừa gãy đổ theo dọc triền sông, chốc chốc lại bắt gặp cả những bụi tre to bị nước cuốn bật lên cả gốc rễ. Trên những đọt cây đầy bùn rác, còn treo cả những chăn màn, quần áo bị nước lũ cuốn trôi từ nhà dân mắc lên đó.

 

6.091105.jpg
Tàu thuyền bị hư hại ở phường Xuân Thành - Ảnh: K.LIÊN

 

Trên đường đi, dễ nhận thấy bờ vai phía nam đập Đá Vải bị vỡ cả đoạn. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá mạnh qua đây và tràn về phố phường ở thị xã Sông Cầu.

 

Ngược lên Xuân Lâm đường đi nhiều chỗ bị sạt lở và cát bồi, bên đường bắt gặp nhiều nhà dân xiêu vẹo. Trụ sở xã Xuân Lâm mới xây là công trình khang trang kiên cố nhất ở đây. Vì thế, ở đây đang có hai hộ dân nhà cửa bị sập hoàn toàn được xã bố trí cho ở tạm. Ở Xuân Lâm này có 22 trường hợp khác cũng có nhà bị sập hoàn toàn, được chính quyền xã vận động bà con hàng xóm cho tá túc ở nhờ.

 

Chủ tịch UBND xã Mai Thanh Hồng nói: Ở xã chúng tôi có hai trường hợp người chết, trong đó có một cụ già trên 80 tuổi. Nếu chúng tôi không triển khai tốt công tác ứng cứu thì số người chết chắc rất nhiều vì lũ lên nhanh quá bà con không kịp chạy. Cán bộ xã cùng lực lượng thanh niên đã cứu được hàng chục trường hợp người dân đu trên các đọt tre đọt dừa. Trong bão chúng tôi lo cho tính mạng người dân. Lũ bão qua rồi, giờ lo dân đói dân rét.

 

Chúng tôi đến ngay phía trước trụ sở xã, theo hướng chỉ của anh Mai Thanh Hồng: “Mấy hôm trước, đấy là một xóm năm mái nhà”. Còn trước mắt chúng tôi lúc này tất cả chỉ là bình địa, chỉ còn lại có mấy giếng nước. Bên một giếng nước ông Trần Minh Nghĩa lúi húi nhặt lên bộ đồ thờ đồng thau bị vùi trong cát. Ông kể với chúng tôi trong nước mắt: “Chỉ có một đêm mà nhà tôi không còn gì hết, bây giờ không biết sống làm sao đây”

 

Nhà ông Nghĩa cũng còn cái may là hai đứa con ông thoát ra được ngôi nhà bị nước cuốn leo lên hai đọt dừa kêu cứu. Cả hai đã ôm đọt dừa trong mưa gió từ 8 giờ đêm đến 4 giờ sáng và được cán bộ và thanh niên của xã đến cứu.

 

Chúng tôi rời Xuân Lâm. Mưa vẫn còn rơi xuống dòng sông Tam Giang mà ở đây được gọi là sông Bình Nông. Dòng sông đã hiền hòa trở lại, nhưng những nỗi đau mất mát thì chưa kịp nguôi ngoai. Câu nói của ông Nghĩa cứ bám trong suy nghĩ: “Bây giờ không biết sống sao đây?” Đấy là câu hỏi của hàng ngàn người dân đang sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, đang rất cần lời giải đáp từ những tấm lòng trách nhiệm và nhân ái.

 

Phóng sự của HIẾU NGỌC - KIM LIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi rừng bẫy chồn
Thứ Năm, 22/10/2009 19:00 CH
Giăng lưới chim sẻ
Thứ Tư, 07/10/2009 19:07 CH
Thấy và nghĩ dọc đường Nam bộ
Chủ Nhật, 04/10/2009 19:00 CH
Tan tác vùng nuôi tôm hùm Vũng La, Vũng Me
Thứ Tư, 30/09/2009 19:05 CH
Hàn Quốc không chỉ là phim ảnh
Thứ Bảy, 26/09/2009 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek