Thứ Sáu, 04/10/2024 04:33 SA
Sự trở về sau bốn năm mất tích của cô gái câm điếc
Thứ Tư, 14/10/2009 14:00 CH

Những ngày gần đây, cả thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) dường như đều hạnh phúc khi hay tin cô gái Phạm Thị Thu Sanh (tên ở nhà là Sẻ) đã về nhà bình yên sau gần 4 năm bị thất lạc và mất tích…

 

sanh.091014.jpg
Sanh (thứ hai từ phải sang) trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 23, tối 2/10/2009.

 

Chiều ngày 10/10, khi đoàn xe của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định cùng với các anh chị ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định và người nhà của Sanh vừa về tới đầu thôn Bàn Nham Nam, dân làng hay tin đã đứng chận kín cả con đường dẫn vào nhà. Họ đang chờ đón đứa con của thôn sau hơn 4 năm thất lạc, những tưởng không bao giờ trở về nữa. Khi đưa em Sanh vào nhà, bà con ùa theo, hỏi han, động viên, chúc mừng, mọi người ai nấy, không ai bảo ai, những giọt nước mắt cứ tuôn trào. Những cái ôm thân thiết, những lời thăm hỏi của tình làng nghĩa xóm đã vỡ òa. Thật khó có ngôn từ nào diễn tả hết niềm vui ấy.

 

CHUYỆN BUỒN NĂM XƯA

 

Ông Phạm Văn Thận, bố Sanh, có lẽ là người vui mừng nhất. Gạt những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày đoàn viên, ông bồi hồi nhớ lại…

 

“Nhà tôi có tám đứa con, bốn trai, bốn gái. Cả nhà, ai cũng thương Sanh, bởi nó là đứa gánh thiệt thòi. Chưa đầy 3 tháng tuổi, Sanh bị bệnh nặng, sau một đêm chết đi sống lại, cháu không biết khóc, biết cười, và không bao giờ nói được. Vào tháng 12/2005, lúc đó Sanh được 18 tuổi. Hôm ấy trời mưa rất to, nước ngoài đường trắng xóa. Sau bữa cơm chiều, khoảng chừng hơn 6 giờ tối, khi cả nhà đang ngồi xem ti vi thì không thấy Sanh đâu. Mọi người vội đổ xô đi tìm. Ai cũng nghĩ chắc Sanh bị nước cuốn trôi. Cuộc kiếm tìm kéo dài cả đêm, rồi kéo dài đến nhiều ngày sau nữa… Cả nhà tôi, rồi bà con dòng họ, đi khắp chốn từ Mỹ Quang, An Chấn (Tuy An) đến cả Nha Trang, Sài Gòn… để tìm Sanh. Hết năm này tháng nọ, người nhà bỏ không biết bao nhiêu tiền của để đi tìm nhưng Sanh vẫn bặt vô âm tín. Đến bữa cơm, hầu như không ai muốn ăn… Niềm hy vọng mỗi lúc một cạn, nỗi đau buồn càng ngày càng đầy. Sau đó, nhà làm đơn “Nhắn tìm trẻ lạc” gởi đến đài truyền hình, truyền thanh… Hết năm 2005, sang năm 2006, vợ tôi ngày một héo mòn vì thương nhớ con, lại thêm cơn bệnh nặng đã khiến bà không vượt qua khỏi…”

 

Đến những năm sau, việc tìm kiếm cô gái tật nguyền mất tích gần như tuyệt vọng. Anh Phạm Hoài Sinh, anh trai của Sanh, thổ lộ: Hai năm gần đây, cả nhà tôi nghĩ không còn cơ hội được gặp Sanh nữa rồi. Năm Sanh mất tích, trong xã cũng có mấy người câm mất tích. Không ai trong số họ trở về nhà…

 

“NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY”

 

CÒN MỘT NGƯỜI CÂM BỊ MẤT TÍCH

 

Đó là ông Nguyễn Hữu Thuận, sinh năm 1965 ở thôn Bàn Nham Bắc. Ông Thuận bị mất tích năm 2005, cũng thời điểm em Phạm Thị Thu Sanh thất lạc. Mặc dù, gia đình và chính quyền đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm nhưng đến giờ gia đình vẫn chưa biết tung tích của ông Thuận.

Đó là một câu thơ trong bài “Cuộc chia ly màu đỏ” của cố nhà thơ Nguyễn Mỹ, và là tên một chương trình truyền hình đang rất được mọi người chờ đón xem trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Chính từ chương trình này, thông tin của cô gái Phạm Thị Thu Sanh đã “về” nhà sau 4 năm bặt vô âm tín.

 

Người báo cho gia đình ông Phạm Văn Thận thông tin về em Sanh là chị Nguyễn Thị Trúc Hương, người bà con ở cách nhà Sanh vài bước chân. Hôm Sanh về đoàn tụ gia đình, chị Hương cho biết: “Tối 2/10, khi xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, khoảng 21 giờ, đang phát về việc tìm kiếm người thân của chị Bùi Lạng Sơn, một người câm đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định, để đi trò chuyện cùng với chị Lạng Sơn, có một em cũng ở trung tâm đi theo để nói chuyện bằng ngôn ngữ cử chỉ. Khuôn mặt cô gái ấy chỉ thoáng qua khuôn hình chỉ vỏn vẹn vài giây, nhưng đó là những khoảnh khắc cực kỳ giá trị đối với chị Hương: Chị nhận ra, hình như đó là cô bé Sẻ mến thương đã mất tích nhiều năm nay. “Tôi cảm giác như có luồng điện chạy dọc sống lưng khi thấy Sanh. Hình ảnh của Sanh bây giờ và hồi xưa cứ luân phiên xuất hiện trong trí nhớ. Linh cảm mách bảo tôi đó là người cháu thất lạc bốn năm về trước… Tôi vội vã băng rào chạy qua nhà báo cho anh Thận, rồi chụp lấy điện thoại gọi vào đường dây nóng của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, hỏi tên con bé đứng đó có phải là Sanh không…”

 

Ngay sau khi nhận tin báo của chị Hương, gia đình Sanh đã liên lạc, cũng như tìm kiếm thông tin trên mạng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và xác định được địa chỉ nơi Sanh đang sống. Người anh trai Phạm Hoài Sinh và người dượng Trần Văn Yên đã tức tốc ra Bình Định, tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Anh em, dượng cháu được gặp mặt ngay sau đó vài phút. “Tôi thốt lên: “Đó đúng là nó rồi!”. Em tôi từ nhỏ đã vừa câm vừa điếc, bị thất lạc, biết làm sao nói được, chỉ được đường nào về nhà… Cuộc hội ngộ bất ngờ ấy khiến ai cũng giàn giụa nước mắt…” – anh Sinh vẫn rất xúc động nhớ lại.

 

VUI CUỘC ĐOÀN VIÊN

 

Thế rồi những người làm chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” cũng đã đến. Họ được bà con trong thôn tay bắt mặt mừng như người thân quen. Riêng Sanh buồn vui lẫn lộn vì hai tiếng “mẹ ơi” và gần như ngất đi một lúc. Những người xung quanh cũng chẳng cầm lòng được vì niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao này. “Sanh là con út mà phải tật nguyền để gánh tội cho cả gia đình, nên ai cũng thương nó hết, nó đi  lạc, cả thôn này buồn chứ không phải riêng nhà ông Thận đâu. Cứ tưởng nó đi luôn, ai dè có ngày trở về mừng quá” - chị Cao Thị Hoa, người cùng thôn nói.

 

doan-vien.091014.jpg

Niềm vui vỡ òa của gia đình ông Phạm Văn Thận khi đứa con gái tật nguyền Phạm Thị Thu Sanh trở về sau 4 năm mất tích.   - Ảnh: K.CHI

 

Theo lời anh Sinh, Sanh kể vào đêm cô mất tích, có mấy người bịt mặt đến rủ đi chơi. Họ chờ trước nhà và chở Sanh đi! Trên đường đi, lúc thì Sanh di chuyển bằng ô tô, lúc thì xe máy và họ đưa em đến một căn nhà hoang, đâu đâu cũng toàn người xa lạ. Sợ hãi, cô bé chỉ biết ú ớ, rồi thiếp đi. Đến lúc tỉnh dậy, thấy mình đang ở một nơi khác nơi được đưa đến lúc đầu. Sanh nhớ lại: “Khi tỉnh dậy thì trời đã khuya, em thấy mình ở trước cổng một cơ sở nuôi dạy trẻ và họ đưa em đến bệnh viện điều trị do sức khỏe em còn yếu. Đồng thời, dỗ dành bảo sẽ đưa em về nhà. Em lặng thinh và ngoan ngoãn nghe theo. Sau này em mới biết là mình được đưa về Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Nguyễn Nga (số 02 đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

 

Lúc  bấy giờ, Sanh chưa được học hành, lại bị câm và có biểu hiện bất thường về sức khỏe, thường hay cầm dao có ý định tự  sát. Khoảng 20g30 ngày 25/12/2005, cơ thể Sanh mềm nhũn, rồi bỗng nhiên lăn ra đất. Đến ngày 26/12/2005, Sanh được cơ sở Nguyễn Nga bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định nhờ giúp đỡ.

 

Biên bản bàn giao của cơ sở Nguyễn Nga cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định ghi: “Vào lúc 23g30 ngày 19/12/2005, cơ sở có tiếp nhận một bé gái khoảng 15 tuổi do xe thồ đưa từ bến xe liên tỉnh đến. Khi đến cơ sở, bé mặc quần tây xanh, áo thun trắng bên trong. Tiếp theo là áo sơ mi vàng nhạt. Bên ngoài cùng là áo khoác màu đỏ có hoa, trên tay mang một túi xách đựng quần áo cá nhân, với đầy đủ vật dụng. Trên tai em có đeo một đôi hoa tai bằng vàng tây hình tròn, trên cổ có đeo sợi dây dù đen có mặt hình trái tim màu tím. Ngoài ra, trong túi áo có một sợi dây chuyền và hai chiếc nhẫn bằng vàng tây được đựng trong chiếc hộp màu đỏ, cùng với 40.000 đồng. Đồng thời, không có giấy tờ tùy thân nên không xác định quê quán, tên tuổi”.

 

Chị Ngô Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Đinh, người đã cùng đoàn đưa em Sanh về với gia đình, kể: Chúng tôi nhận em Sanh vào trung tâm vào cuối tháng 12/2005. Lúc về trung tâm, em ốm lắm, nhưng lại buồn bã và đòi tự tử suốt, không ăn uống gì hết. Sau một thời gian ở lại, được nuôi dưỡng, Sanh đã hòa nhập. Ở đó, ai cũng quý mến Sanh vì em chăm chỉ và rất gọn gàng, sạch sẽ. Sau một thời gian chúng tôi có hỏi tình hình, quê quán của em nhưng chỉ nhận được vài tiếng ú ớ không thành lời, và chỉ có những cử chỉ như là tay bị trói và đánh đập. Sau đó chúng tôi cho em học may. Sanh thông minh và sáng dạ, học rất nhanh, nếu có điều kiện có thể cho em tiếp tục theo học nghề này.

 

VĨ THANH

 

Trở về gia đình sau hơn 4 năm mất tích, giờ đây, em Sanh có thể sống bình yên nơi mình sinh ra và lớn lên. Thế nhưng em trở về, lại gợi lên một vấn đề, đó là vì sao em bị bắt cóc, hay là thất lạc, những vết thương mà theo em bị mổ xẻ còn thẹo trên cơ thể là từ đâu có? Ai là người bắt cóc, và với mục đích gì?… Vì theo lời gia đình, khi em mất tích trên người có đeo một số nữ trang bằng vàng 18k như dây chuyền, hoa tai, nhẫn, đồng hồ. Đến khi vào cơ sở Nguyễn Nga và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định, số nữ trang đó vẫn còn nguyên và được trung tâm giữ gìn cho đến ngày em về nhà.

 

Câu hỏi này đang chờ các ngành chức năng có trách nhiệm vào cuộc để làm sáng rõ hơn việc mất tích một cách khá bí ẩn của không chỉ cô gái Phạm Thị Thu Sanh, mà cả một số người câm ở huyện Đông Hòa.

  

KIM CHI - VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giăng lưới chim sẻ
Thứ Tư, 07/10/2009 19:07 CH
Thấy và nghĩ dọc đường Nam bộ
Chủ Nhật, 04/10/2009 19:00 CH
Tan tác vùng nuôi tôm hùm Vũng La, Vũng Me
Thứ Tư, 30/09/2009 19:05 CH
Hàn Quốc không chỉ là phim ảnh
Thứ Bảy, 26/09/2009 14:00 CH
Truy quét “vàng tặc”
Thứ Tư, 23/09/2009 14:30 CH
Tuyệt kỹ Huỳnh Kim Hồng
Thứ Năm, 17/09/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek