Thứ Sáu, 04/10/2024 04:36 SA
Giăng lưới chim sẻ
Thứ Tư, 07/10/2009 19:07 CH

Với nhiều người, hình ảnh những chú chim sẻ trên sân phơi, ruộng lúa... vô cùng quen thuộc. Thế nhưng gần đây, bóng dáng của những đàn sẻ bắt đầu thưa dần. Con người giăng lưới và chim sẻ trở thành một trong những đặc sản, có khắp các nhà hàng, quán nhậu.

 

RẬP CẢ BẦY CHIM

 

chim-se-2091007.jpg
Một người rập chim đang giăng lưới trên sân kho
Chim sẻ có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa thu. Khi những cơn mưa đầu mùa kéo về, vụ hè thu vừa kết thúc thì nhiều đàn sẻ xuất hiện. Từ vài chục đến hàng trăm con sẻ ríu rít trên ngọn cây, đường dây điện rồi ùa xuống sân phơi nhặt lúa, sạn. Nắm được đặc tính này, một số người nghĩ ra cách bắt chúng. Để có thể thâu gọn một lần vài chục con hoặc hết cả đàn sẻ, họ dùng hai tấm lưới đan bằng sợi nilon, lỗ nhỏ, mỗi tấm dài khoảng 5-7m, cao khoảng 2,5m. Đầu tấm lưới được luồn hai cây sào tre, trên và dưới đầu mỗi cây sào luồn hai sợi dây diền. Khi rập chim, hai tấm lưới được trải đều cách nhau chừng 2m, căng bằng các sợi dây đầu ngoài (dây lao) và sợi dây do người ngồi trong bụi cây giữ (dây bồng) chờ giật. Ở giữa hai tấm lưới, người ta cột chân hoặc luồn dây vào mũi vài con sẻ đã nuôi lâu ngày, chúng chạy qua chạy lại làm mồi. Thấy vậy, lũ sẻ bên ngoài “ham vui” nhào vô, thế là người ngồi chờ sẵn ở đầu dây bồng giật mạnh, hai cánh rập ụp lại, lũ sẻ không đường thoát. Mỗi lần, họ bắt được từ vài con đến vài chục con.

 

Anh Nguyễn Văn H ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), kể: “Tôi đi rập chim sẻ đã 7 - 8 năm nay. Ban đầu, khi rảnh việc nhà nông, thấy sẻ nhiều, tôi đi rập để cải thiện bữa ăn. Bắt được nhiều, tôi bán, thấy có tiền nên ham. Nay đến mùa gặt lúa, ngày nào tôi cũng đi rập chim sẻ”. Anh H nghe nơi nào có chim sẻ là có mặt. Một lần, nghe người ở quê đi làm ăn xa về “điềm chỉ”, anh và mấy người bạn chạy xe máy hơn nửa ngày đến tận Phú Túc (tỉnh Gia Lai). Lần đó anh ở lại 3 ngày, rập được cả ngàn con sẻ mang về đồng bằng tiêu thụ. Anh H cho biết thêm: “Mấy năm trước sẻ rất nhiều, chỉ cần biết sẻ ăn chỗ nào, mình tranh thủ một lát chiều đã rập được cả bầy chim”.

 

Để giăng lưới được nhiều chim sẻ, cũng cần phải có bí quyết. Ông Đặng Phi Sanh ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), người đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nói: “Đi rập chim sẻ phải chọn thời điểm. Tháng 8 hoặc tháng Chạp, sau vụ gặt, sân phơi nhiều lúa, sẻ đồng về đông. Thứ đến phải biết xứ đồng và phải chịu khó chờ đợi, tuyệt đối không nôn nóng”. Tháng 8, trời đã có mưa. Lũ sẻ thấy mồi, háu ăn, cứ ào xuống sân cả đàn. Người rập ngồi trong bụi cây, dù ướt hết mình nhưng lòng khoái trá. Ông Sanh cho biết thêm: “Chọn chim mồi phải lựa những con sẻ lớn để chúng có sức chịu đựng. Tốt nhất là có một vài con chim con để trong sân lấy tiếng kêu, sẻ bên ngoài nghe tiếng, sẽ đến rất đông”. Ngày nào “trúng mánh”, ông Sanh có thể rập được vài trăm con. Thấy ông “làm ăn” được, nhiều người trong làng cũng sắm lưới, lồng đi theo, có người dẫn cả đứa con mới lớn theo “học nghề”. “Người rập ngày càng đông, chim sẻ không còn nhiều như trước nữa” - ông Sanh nói.

 

chim-se091007.jpg
Các chú chim sẻ đã bị bắt

 

“HÓA ĐỜI” CHIM SẺ

 

Rập được chim sẻ, người ta đem ra chợ bán. Nếu đã có “mối” thì họ sẽ đến tận nhà mua. Bà Nguyễn Thị T ở xã An Mỹ, một người chuyên mua lại chim sẻ từ những người đi rập trong vùng, cho hay: “Lúc nào trong nhà tôi cũng có một lồng chim, sẵn sàng cung cấp cho bạn hàng của mình khi họ cần. Mỗi chiều tôi góp được khoảng vài trăm con, giá bình quân từ 16.000 - 20.000 đồng một chục”. Sau khi mua, bà bán lại cho các quán nhậu, nhà hàng với giá “nhích” hơn tùy theo thời điểm. Bà T nói: “Dân nhậu rất thích món đồng quê, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết”.

 

Chim sẻ được chế biến thành nhiều món. Trước tiên là món tiết pha rượu. Thân hình chim sẻ nhỏ, không dễ để vặt lông cho sạch. Theo một người trong “nghề”, muốn vặt lông nhanh nhất thì dùng nước nóng khoảng 500C pha thêm ít... xà phòng hoặc nước rửa chén rồi ngâm (?!). Sau đó thì tha hồ chế biến, tùy theo sở thích của “thượng đế” mà làm món chim sẻ nướng muối ớt, rôti, nấu cháo hay hầm thuốc bắc (theo đông y, thịt và tiết chim sẻ vị ngọt, tính âm, có công dụng bổ ngũ tạng, dùng để chữa suy nhược cơ thể). Các quán nhậu trên đường Bạch Đằng, Độc Lập (TP Tuy Hòa)… không thiếu món chim sẻ. Ở TP Hồ Chí Minh, không khó gặp cảnh rán chim sẻ trên bếp ở vỉa hè. Gần đây, khi chim sẻ đã cạn, báo đài nói đến việc giả chim sẻ rán. Người ta cắt mỏ, rán những chú vịt “baby” cho săn lại và bảo là chim sẻ. Cũng may, nhiều người không nhầm chim với vịt.

 

CHIM SẺ VỀ ĐÂU?

 

Trước đây, chim sẻ rất nhiều, nhiều đến nỗi chúng vào tận mái nhà làm tổ, xuống sân nhặt sạn, ban đêm ngủ kín cả một cây vườn. Từ ngày con người giăng rập, săn lùng khắp nơi, chim sẻ đã vơi dần. Đến thời điểm này, trên những sân kho, đàn sẻ chỉ còn vài con, vừa thấy người chúng đã bay vút. Ông Mai Hưng ở An Nghiệp tiếc rẻ: “Chim sẻ không phá hoại mùa màng, không gây hại. Nếu bắt bằng cách bắn ná thì không tài nào hết. Đằng này họ bắt bằng cách giăng lưới cả đàn. Cứ vài ngày lại thấy có người đến giăng, như vậy chim không cách nào sinh sôi kịp.”

 

Cùng với các loài chim khác như cu xanh, cu cườm, chim mía, cút rừng…, chim sẻ cũng bắt đầu vắng bóng. Lo rằng sau này, hình ảnh đàn sẻ cả trăm con sà xuống sân kho, góc đồng chỉ còn trong ký ức mà thôi.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thấy và nghĩ dọc đường Nam bộ
Chủ Nhật, 04/10/2009 19:00 CH
Tan tác vùng nuôi tôm hùm Vũng La, Vũng Me
Thứ Tư, 30/09/2009 19:05 CH
Hàn Quốc không chỉ là phim ảnh
Thứ Bảy, 26/09/2009 14:00 CH
Truy quét “vàng tặc”
Thứ Tư, 23/09/2009 14:30 CH
Tuyệt kỹ Huỳnh Kim Hồng
Thứ Năm, 17/09/2009 19:00 CH
Nơi lấy tình người gieo mầm thiện
Chủ Nhật, 13/09/2009 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek