Thứ Năm, 28/11/2024 07:33 SA
Thấy và nghĩ dọc đường Nam bộ
Chủ Nhật, 04/10/2009 19:00 CH

Lúc này thời tiết đã bước vào cuối thu 2008, bầu trời Nam bộ trong veo, mưa hoàn toàn chấm dứt, chỉ còn nắng nhẹ, rất thuận lợi cho một chuyến tham quan dài ngày.

 

3.jpg
Tác giả tại khu di tích Cao Lãnh Đồng Tháp

 

Năm anh em chúng tôi - không phải là “năm anh em trên một chiếc xe tăng” mà là năm con người thuộc diện U.80, U75, U.68 đã nghỉ hưu, được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Ngọc Chi giúp đỡ đi thăm các tỉnh nam bộ.

 

Động lực là ý nghĩ muốn hiểu biết thêm về những đổi thay của đất nước cùng những tình cảm với bạn bè ở các tỉnh đã quen biết khi còn đang làm việc, khiến mấy anh em tạm quên đi sự già nua của tuổi tác, sức khỏe, thực hiện trọn vẹn một chuyến đi bổ ích và đáng nhớ.

 

Khởi hành tại Tuy Hòa, nghỉ đêm tại nhà khách chính phủ - khách sạn Tao Đàn thành phố Hồ Chí Minh, sáng hôm sau từ sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ mất ba mươi phút, chuyến bay chở khách đã hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống huyện Côn Đảo. Xe của văn phòng ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo chờ sẵn, đón đưa đoàn về khách sạn nghỉ ngơi. Từ đây chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan có thể nói rất đặc biệt tại cái nơi “địa ngục trần gian” ba mươi ba năm về trước.

 

Như mọi người đã biết, trước đây bọn thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai đã xây dựng tại Côn Đảo ba cụm với mười ba nhà tù để giam giữ, đày ải những người yêu nước. Không phải một, cũng không phải mười mà có đến hàng trăm xà lim, chuồng cọp, cùng với gông, cùm và sự tra tấn tàn bạo đã giết chết hoặc làm cho tàn phế suốt đời hàng ngàn chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi đã trực tiếp xem “hầm xay lúa” nơi giam giữ, đày ải bác Tôn Đức Thắng, các xà lim chúng giam đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng... cả đoàn viếng nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương trên phần mộ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có cả người quê Phú Yên, thăm mộ và nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu(*).

 

Tại nơi đây, kẻ thù tàn ác, man rợ bấy nhiêu thì cuộc đấu tranh của tù nhân càng dũng cảm, mưu trí bấy nhiêu. Trên đảo còn ghi lại hình ảnh, lai lịch của các tên chúa đảo, chúa ngục mặt người, dạ thú, có tên đã bị các chiến sĩ yêu nước vạch mặt, trừng trị, có tên phải bỏ mạng vì nhiều nguyên nhân khác không kịp sám hối, nhưng cũng có một số ít người còn chút nhân tính đều được lịch sử nhà tù ghi lại để nhớ về họ một cách công bằng.

 

Ngày nay, xung quanh các dãy nhà tù đã được trồng cây tạo cảnh quan xanh mát, phía trước là bờ biển được xây dựng mới hoặc tu bổ đường sá, nhiều cụm nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên phục vụ khách du lịch, xa xa ở hai đầu Côn Đảo là cảng cá, bến cá tấp nập ghe thuyền ra vào khai thác đại dương, biển cả. Nguồn thủy sản tại Côn Đảo chưa thật lớn nhưng tiềm năng là gần như vô tận.

 

Với hai chuyến bay mỗi ngày và cũng mỗi ngày vài chiếc tàu thủy chở khách từ đất liền cập bến, đưa trung bình từ năm trăm đến một nghìn lượt du khách đến tham quan và tìm cơ hội hợp tác làm ăn, đã nói lên sự quan tâm, đến cả quá khứ, hiện tại và tương lai đối với Côn Đảo, thật là một sự thay đổi lớn lao, đáng trân trọng.

 

Với diện tích tự nhiên xấp xỉ bằng một huyện trung bình của đất liền, có sẵn cả trăm cây số đường bộ, có sân bay, bến cảng. Trên cơ sở này, quy hoạch mở rộng và đầu tư xây dựng quy mô lớn, hiện đại hơn, làm cho Côn Đảo trở thành một trung tâm của các nghề khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản đủ tầm cỡ, để từ đây xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới rất thuận lợi. Hai mươi năm trước, xí nghiệp quốc doanh đánh cá Côn Đảo đã hình thành ý tưởng này nhưng vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan mà chưa thực hiện được. Giờ đây tỉnh bạn dường như đang bắt đầu lại với tầm suy nghĩ rộng lớn hơn, lạc quan hơn, táo bạo hơn và cũng có căn cứ khoa học hơn.

 

Cùng với nghề cá, Côn Đảo còn là một địa chỉ du lịch hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, danh lam thắng cảnh và có thể còn là nơi hình thành dịch vụ, phục vụ nghỉ ngơi của ngành dầu khí quốc gia với vai trò vệ tinh cho một loạt giàn khoan, giếng khoan thuận lợi và tiết kiệm rất lớn so với phải vào đất liền.

 

Được biết thời gian qua và hiện tại, Ban lãnh đạo huyện Côn Đảo và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch đưa lao động dân cư ra Côn Đảo. Khoảng hơn mười năm gần đây, số lao động, dân cư đã tăng gấp 5 lần so với trước. Theo hướng này hoàn toàn có khả năng xây dựng Côn Đảo trở thành một huyện đông dân cư, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa và vững mạnh về quốc phòng.

 

Những điều tai nghe, mắt thấy và suy tưởng, khiến các thành viên trong đoàn mong và tin rằng trong một tương lai không xa, địa phương bạn sẽ biến nơi đây - một thời là địa ngục trần gian - trở thành thiên đường của cuộc sống.

 

Chúng tôi rời Côn Đảo trong tình cảm mến yêu và hy vọng. Hẹn ngày trở lại!

 

2.jpg
Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút

Trên đường tiếp tục đi thăm đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, chúng tôi ghé thăm tỉnh Bến Tre. Tại đây đoàn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và anh Mười Kỷ một cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của tỉnh Bến Tre đã tiếp đón niềm nở, chân tình. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn đoàn thăm khu lưu niệm nữ tướng quân, cũng là một người bạn của tỉnh Phú Yên, bà Nguyễn Thị Định. Khu lưu niệm rộng khoảng một hécta với hai công trình chính là nhà lưu niệm cao, to, đẹp, dáng vẻ uy nghi được sắp xếp như một nhà thờ có tượng bán thân bà Nguyễn Thị Định và nơi thắp hương của người đến viếng; một nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật lưu niệm về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của chị Ba, người con gái Bến Tre, một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu cho tinh thần kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Quần thể toàn khu lưu niệm đang được trồng hoa, trồng cây xanh với từng dãy ghế đá, chắc chắn khi hoàn thành sẽ là nơi viếng thăm, vui chơi của các từng lớp nhân dân trong tỉnh.

 

Chúng tôi đi thăm tiếp nhà lưu niệm cụ Đồ Chiểu, một nhà nho đồng thời là một nhà thơ, nhà chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu với các tác phẩm văn chương bất hủ Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... Nhà lưu niệm được xây dựng ngay nơi yên nghỉ hơn một trăm năm trước của cụ cùng người thân trong gia đình. Quả thật đây là một khu lưu niệm đúng nghĩa, nó vừa đẹp, vừa tôn nghiêm lại rất gần gũi như chính cuộc đời của cụ.

 

Về lại thị xã Bến Tre, tỉnh đưa chúng tôi đi thăm một số nơi trong thị xã và thăm cầu Rạch Miễu sắp khánh thành, cầu Rạch Miễu có thể xem là biểu tượng mới và hiện đại nhất trong vùng, khi cầu khánh thành, toàn tỉnh Bến Tre không còn là ốc đảo, nó sẽ tôn vẻ đẹp và trù phú vốn có của mảnh đất, con người xứ dừa, của “dáng đứng Bến Tre” lên gấp bội phần.

 

Đoàn đến tỉnh Sóc Trăng, các đồng chí Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đón chúng tôi tại một khách sạn của thành phố Sóc Trăng, đưa chúng tôi đi thăm chùa Dơi, chùa Đất Sét, là hai địa điểm tham quan du lịch của tỉnh. Trong đoàn, hầu hết các thành viên khi còn làm việc ít nhất cũng một vài lần đến đây, nay đang trên đường vào thành phố, tận mắt chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng toát lên dáng hiện đại với hệ thống đường sá, công viên cây xanh, khách sạn, nhà hàng, công sở, khu văn hóa, thể thao gần như hoàn chỉnh, nói lên sự phát triển bề thế với từng bước đi rất vững chắc của tỉnh bạn.

 

Các anh, chị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tuy rất bận nhưng đã gặp gỡ đoàn rất chân tình, để lại trong lòng mỗi người ấn tượng khó quên.

 

Sau hai ngày ghé thăm Bến Tre, Sóc Trăng, chúng tôi đến tỉnh Kiên Giang, điểm đầu tiên tỉnh đưa chúng tôi đi thăm khu vực lấn biển của thành phố Rạch Giá. Tại đây, trong khoảng gần 10 năm, thành phố đã có thêm hàng chục hécta đất do lấn biển, nhiều tòa nhà, công sở cao 4-5 tầng, một số trục đường mới được xây dựng. Thành phố hình thành rõ nét khu vực lấn biển nói lên tư tưởng chỉ đạo rất mới của tỉnh Kiên Giang. Đoàn đến tham quan, thắp hương kính viếng người anh hùng dân tộc vùng Nam bộ Nguyễn Trung Trực và tham quan khu đền thờ tại thành phố Rạch Giá.

 

Buổi tối, các anh Sáu Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy, anh Bảy Sương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và anh Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp đoàn. Trong câu chuyện, chúng tôi biết được tỉnh Kiên Giang mỗi năm sản xuất trên hai triệu tấn lúa, nửa triệu tấn thủy sản các loại, công nghiệp xi măng Hà Tiên khẳng định vị trí của mình bằng cách sản xuất nhiều triệu tấn sản phẩm xi măng, cơlanhke chất lượng cao. Trong bữa cơm tối, thân mật vui vẻ anh Sáu Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy thông tin cho đoàn biết về cuộc tìm kiếm khai quật hài cốt liệt sĩ mới đây đã phát hiện nhiều bộ hài cốt các chiến sĩ tù nhân ở Phú Quốc bị bọn địch dã man đóng cả chục chiếc đinh 10-20 vào đầu vẫn còn nguyên dấu vết trong các hộp sọ thu được. Sáng hôm sau, một cán bộ ngoại vụ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đưa chúng tôi lên tàu du lịch cánh ngầm rời bến cảng Rạch Giá và sau khoảng 150 phút đã đến huyện đảo Phú Quốc.                              

 

Đảo Phú Quốc, ngày nay là huyện đảo Phú Quốc có diện tích gần bằng nước Singapore, cách đất liền tỉnh Kiên Giang khoảng một trăm kilômét. Hai phần ba diện tích trên đảo là rừng nguyên sinh, phần còn lại được nhân dân trồng cây hồ tiêu, tại đây có nhiều làng chế biến nước mắm và các loại thủy sản khô rất nổi tiếng. Trên đảo có hệ thống đường sá tốt và đang được tiếp tục hoàn chỉnh. Phú Quốc có một bến tàu chính, nhiều cảng cá và sân bay dân dụng. Trong thời kỳ chiến tranh, toàn bộ phía bắc đảo là rừng rậm và căn cứ hoạt động của du kích, trung và nam đảo dân cư thưa thớt làm nghề khai thác, chế biến thủy sản, tại vùng trung tâm đảo Phú Quốc, kẻ địch xây dựng một nhà tù khổng lồ giam giữ những người dân yêu nước và các chiến sĩ cách mạng. Bề ngoài chúng gọi Phú Quốc là trại tù binh nhưng trên thực tế, tại nhà tù Cây Dừa kẻ địch đã tập trung về đây đủ mọi thành phần và giam giữ với một chế độ cai quản hà khắc. Số liệu ta nắm được đến nay, có lúc tại nhà lao Cây Dừa Phú Quốc, số người yêu nước bị giam giữ lên đến hai vạn, số bị tra tấn và ốm đau bệnh tật chết khoảng hai nghìn người, nhưng qua khai quật của đơn vị tìm kiếm mồ mả liệt sĩ thì số người chết đã lớn hơn rất nhiều. Đoàn đến thăm một khu khai quật với những cái hố do xe ủi, xe xúc đào sâu đến hai mươi mét, rộng cả trăm mét, phát hiện được những nấm mộ chôn tập thể nhiều người, trong đó có bộ xương còn nguyên dây xích trói, hộp xương sọ bị đóng đinh như anh Sáu Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy đã nói hôm trước. Chúng tôi gặp chị Năm Nghĩa, một nhà ngoại cảm đã giúp phát hiện nhiều mồ mả liệt sĩ đang ngồi đãi từng mảnh xương, từng đốt xương. Chị Nghĩa cho biết hiện còn rất nhiều hố chôn tập thể cho nên con số vài ngàn liệt sĩ như đã biết trước đây chắc chắn còn thấp so với sự thật.

 

Đoàn lần lượt ghé thăm một vài nơi giam giữ của địch đối với các chiến sĩ cách mạng, trong số đó chúng tôi biết tại tỉnh nhà hiện nay có cả chục người còn đang sống từng bị địch giam ở đây. Dãy chuồng cọp bằng dây thép gai, các thùng konex đặt giữa trời bất kể nắng mưa để giam hãm, hành hạ những người có hành động phản kháng, chống đối lại chúng. Điều chúng tôi chỉ có thể nói được là sự tàn ác, man rợ đến kinh tởm, khủng khiếp, dù cho nó đã mãi mãi đi vào quá khứ và đã trở thành lịch sử của dân tộc ta.

 

Theo lời của cô thuyết minh, hơn mười hai năm tồn tại của nhà lao Cây Dừa Phú Quốc (1965-1973) có rất nhiều cuộc đấu tranh của tù nhân là các chiến sĩ cách mạng, bọn ác ôn nhiều lần bị vạch mặt, tố cáo, một số ít anh em đã dũng cảm, mưu kế vượt ngục ra căn cứ cùng du kích chiến đấu cho đến lúc chiến tranh kết thúc. Thật đáng khâm phục, thật đáng tự hào về những người đồng chí của mình. Chúng tôi nghĩ dù còn khó khăn, song tỉnh ta cố gắng tổ chức cho nhiều cán bộ đi thăm Côn Đảo, Phú Quốc, sẽ là một việc làm cần thiết, chính đáng của lãnh đạo tỉnh nhà.

 

Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng nhiều vô kể, nước mắm đóng thùng, đóng can, đóng chai và cả đóng ve, mỗi ve chỉ vài chục cc rất tiện lợi cho khách du lịch sử dụng. Ngoài nước mắm, các loại cá khô, mực khô do người dân đánh bắt, chế biến tại chỗ được bày bán tại khách sạn, nhà hàng. Sau thủy sản là hồ tiêu cũng nhiều và đa dạng với đủ loại bao bì, trọng lượng bày bán cho du khách. Bến cá tấp nập ghe thuyền, có cả ghe thuyền từ Campuchia đánh cá ngoài khơi cũng vào neo đậu. Chợ đảo Phú Quốc họp theo phiên, riêng chợ đêm thì tối nào cũng họp để cả người dân lẫn du khách mua bán trao đổi thật nhộn nhịp.

 

Đến thăm huyện đảo Phú Quốc, chứng kiến cảnh thanh bình khiến trong lòng mỗi người chúng tôi và chắc cũng giống với mọi du khách khác đến đây đều mong ước nơi đây sớm trở thành một đô thị lớn của đất nước, trở thành cửa ngõ giao thông phía tây nam Tổ quốc vươn ra với bạn bè gần xa trên thế giới. Mơ ước đó, quả thật cũng không còn quá xa vời, vì vài tháng trước đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các ngành Trung ương và tỉnh Kiên Giang đã phát động lễ khởi công xây dựng tại đây sân bay quốc tế Phú Quốc.

 

Côn Đảo - Phú Quốc, hai địa danh bi tráng một thời của Tổ quốc mà mình có vinh dự được đến thăm. Chúng tôi mong hai nơi này vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đồng thời cũng cần nhanh chóng biến nó thật sự thành nơi làm ăn phát đạt, hấp dẫn, để những người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế gần xa chứng kiến một thiên đường của cuộc sống. Nhất định con người Việt Nam, trực tiếp là người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo và người dân tỉnh Kiên Giang - Phú Quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, bằng sức lao động sáng tạo của mình, thêu dệt nên bức tranh hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, biến Côn Đảo, Phú Quốc thành viên ngọc sáng lấp lánh, trường cửa của phía nam đất nước.

 

Theo thói quen nghề nghiệp của những cán bộ chính trị, những “ông già” hưu trí tạm thời sơ kết đợt đầu của chuyến đi ngót một tuần qua từ thành phố Hồ Chí Minh qua ba tỉnh với hai huyện đảo nổi tiếng là Côn Đảo, Phú Quốc bằng đường bộ, đường không, đường biển, nhận thấy mảnh đất, con người Nam bộ thật hùng vĩ, đáng yêu và rất giàu có. Đất trời phương nam tươi đẹp khích lệ chúng tôi quên hết mệt nhọc, tiếp tục cuộc hành trình về thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tại thành phố Long Xuyên, đoàn được tỉnh bạn đón tiếp tại một khách sạn du lịch lớn trực thuộc một câu lạc bộ của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Các đồng chí An Giang vừa đón tiếp phục vụ khách rất đàng hoàng lại vừa tham gia kinh doanh du lịch để hội có nguồn thu trang trải cho mọi hoạt động. Đây là điểm khác biệt so với Phú Yên và có thể với nhiều tỉnh ở miền Trung nữa.

 

Đêm đầu nghỉ tại thành phố Long Xuyên, các thành viên trong đoàn tranh thủ gặp một số bạn bè đến thăm - sáng hôm sau tỉnh đưa chúng tôi đi ô tô qua phà thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại cù lao Ông Hổ - đây là một khu lưu niệm quy mô lớn có nhà thờ, tượng đài và nhà trưng bày thân thế sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, phía sau là khu lưu giữ phần mộ các cụ thân phụ, thân mẫu của Bác. Thật tôn nghiêm nhưng cũng thật gần gũi. Tiếp đó, đoàn đi thị xã Châu Đốc thăm khu thắng cảnh Núi Sam, đền thờ Bà Chúa Xứ, thăm huyện biên giới Tịnh Biên giáp với Campuchia và cửa khẩu Tịnh Biên. Nhớ lại, tối qua, khi ăn cơm với đoàn, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nói vui: Tỉnh An Giang hiện có ba thứ giá trị, đó là lúa, cá và đá, quả thật với gần ba triệu tấn lúa, gần một triệu tấn cá (cả cá nuôi và khai thác đánh bắt) với vô số các mỏ đá, bãi đá đang được khai thác phục vụ làm đường giao thông và xây dựng các tỉnh Tây Nam Bộ, đã thấy An Giang quả thật là một địa phương giàu có. Đoàn dừng nghỉ chân và ăn trưa tại thị xã Châu Đốc, gặp rất đông anh chị em lãnh đạo thị xã, thị trấn, cán bộ quản lý các khu du lịch chuyện trò rất vui vẻ, qua đó chúng tôi biết thêm tỉnh bạn trên đường phát triển khá toàn diện và cũng đang gặp không ít khó khăn, trong đó có cái khó về tiêu thụ lương thực và cá ba sa. Thế mới hiểu, ở đời thiếu thốn cũng khó mà khi làm được, dư thừa lại càng khó hơn. Chân thành mong tỉnh bạn vượt qua cái khó khăn tạm thời này để vững bước đi lên.

 

Chúng tôi lại về thăm tỉnh Đồng Tháp, một tỉnh cũng giàu có không kém với mức tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tốc độ nhanh, lại là nơi đang có vinh dự quản lý, chăm sóc phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ.

 

Sau một đêm nghỉ ngơi gặp thăm các anh lãnh đạo tỉnh, sáng hôm sau đoàn đến thắp hương kính viếng cụ thân sinh Bác tại khu lăng mộ cách thành phố Cao Lãnh về phía nam khoảng vài cây số. Khu lăng mộ có hình vỏ sò thật độc đáo, tôn nghiêm, xung quanh trồng nhiều cây cao bóng mát và vô số các loại hoa. Không cần thuyết minh, du khách đến đây đều hiểu và thành kính biết ơn người đã sinh ra Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Tiếp đó tỉnh đưa chúng tôi về thăm căn cứ của Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến tại Xẻo Quýt về phía đông, giáp với tỉnh Tiền Giang. Vốn là những cán bộ từng sống, công tác tại vùng căn cứ cách mạng, nhưng chúng tôi thấy Xẻo Quýt thật đặc biệt, tại đây bốn bề ngập đầy nước, đường vào căn cứ phải đi bằng thuyền, mỗi chiếc chỉ chở từ một đến hai người. Nhà cửa, hầm hố đã hư hỏng nhiều nhưng vẫn nhận ra cách bố trí nơi làm việc, ăn ở, thế chống trả bọn địch khi chúng phát hiện xua quân càn quét và hướng rút lui an toàn. Đồng chí cán bộ văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và cán bộ Ban quản lý khu căn cứ đồng thời là khu du lịch cho biết suốt hơn hai mươi năm tồn tại để lãnh đạo cuộc kháng chiến, kẻ địch không biết bao nhiêu lần đánh phá căn cứ nhưng cuối cùng chúng đều thất bại. Ghé thăm nhà lưu niệm Tỉnh ủy Đồng Tháp trong thời kỳ kháng chiến, tại đây dù điều kiện xây dựng khó khăn hơn nhiều so với căn cứ ở vùng rừng núi nhưng tỉnh bạn đã trưng bày khá đầy đủ hiện vật, hình ảnh các thế hệ lãnh đạo của Tỉnh ủy suốt hơn hai mươi năm, giúp khách tham quan đến đây hiểu rõ thêm một thời hào hùng của cách mạng. Điều đặc biệt thú vị là toàn bộ khu di tích đã trở thành một khu du lịch với nhiều nhà cửa, công trình vui chơi giải trí núp dưới rừng cây rợp bóng mát rất sạch, đẹp, khiến bất cứ ai đến đây luôn cảm thấy mới mẻ và đầy thích thú.  

 

Đến thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bạn đưa đoàn đi một vòng nội, ngoại ô thành phố, đi ngang qua các khu công nghiêp đang được đầu tư xây dựng, toàn cảnh toát lên thế đứng vững chải và giàu có của một địa phương. Tỉnh Tiền Giang nằm trên bờ bắc cầu Mỹ Thuận đi về thành phố Cần Thơ, thủ phủ đồng bằng sông Cửu Long và bờ tây cầu Rạch Miễu sang Bến Tre đang chuẩn bị khánh thành như đã kể ở phần trên. Chúng tôi đi thăm khu bảo tàng chứng tích chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút, đánh tan năm vạn quân Xiêm sang xâm lược nước ta cuối thế kỷ mười bảy, nói lên thiên tài quân sự của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chúng tôi thăm nhà lưu niệm bà Nguyễn Thị Thập, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch lâu năm của Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một chiến sĩ kiên cường của phong trào cách mạng miền Nam và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ lịch sử.

 

Nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quá mức sang trọng, vừa phục vụ khách vừa khai thác các dịch vụ kinh doanh khá đông vui, các anh lãnh đạo tỉnh nhiệt tình đã giao trách nhiệm cho văn phòng đón tiếp phục vụ đoàn khá chu đáo.

 

4.jpg

Tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc tại khu di tích Cao Lãnh (Đồng Tháp)

 

Sáng hôm sau đoàn đi thăm khu bảo tàng chiến thắng Ấp Bắc, tại chính nơi đây, năm 1963 diễn ra trận chiến đấu quy mô lớn đầu tiên, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã diệt gần hết một tiểu đoàn ngụy và cố vấn Mỹ, mở màn phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” đi vào lịch sử.

 

Sang ngày thứ mười một của chuyến đi, chúng tôi về đến Long An, tỉnh bố trí cho đoàn nghỉ tại nhà khách – khách sạn cao nhất của thành phố Tân An, đoàn đi thăm nhà vườn, thưởng thức thanh long đỏ ruột, một loại trái cây mới lai tạo giống đang tham gia thị trường xuất khẩu cùng với tỉnh Bình Thuận. Ý định của tỉnh đưa đoàn đi về hướng cửa khẩu Mộc Hóa để xem các công trình khai hoang biến vùng đầm lầy ven Đồng Tháp Mười thành ruộng, thành vườn để mở mang sản xuất nông công nghiệp. Khi đi ngang và được các đồng chí cán bộ văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh giới thiệu, đoàn dừng chân và vào nhà thờ tộc của tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn cũ đã ra lệnh đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam. Xem qua mới biết ông Dương Văn Minh thuộc dòng dõi “danh gia vọng tộc”. Vốn là những người từng trải qua cuộc chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt và chịu nhiều hy sinh, mỗi thành viên trong đoàn đều biết cách ghi nhận hành động thức thời của một vị tướng, cụ thể là của ông ta, tránh cho một cuộc tàn phá, đổ vỡ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Phải chăng, đây cũng là một cử chỉ yêu nước của một người Việt Nam tuy có hơi muộn nhưng vẫn rất ý nghĩa, rất đáng ghi nhận.

 

Đoàn dừng chân tại tỉnh Long An từ buổi chiều hôm trước và sáng hôm sau nhưng nhiều đồng chí trong ban lãnh đạo tỉnh tiếp đoàn rất thân mật, chân tình. Tỉnh biết trong đoàn Phú Yên có một người là Phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã cho mời các chị chủ tịch, phó chủ tịch Hội làm vườn tỉnh cùng đến chung vui. Anh Phùng Xuân Bảy (Bảy Đà Rằng) vốn công tác Phú Yên vào thi công đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương đang ở Long An cũng đến dự cuộc gặp mặt và dự chiêu đãi thật vui vẻ, ấm cúng.

 

Chia tay tỉnh Long An, hành lý của đoàn bổ sung thêm quà tặng của tỉnh bạn là một tạ gạo nàng hương chợ đào nổi tiếng, chúng tôi về thành phố Hồ Chí Minh. Anh Lê Hoàng Quân, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố tiếp chúng tôi và ăn cơm tối với đoàn. Hôm sau các đồng chí thành phố cử một bác sĩ đưa đoàn đi kiểm tra sức khỏe cả ngày. Thật mừng, suốt hơn hai tuần đi liên tục mà sức khỏe mỗi người vẫn giữ được bình thường. Chúng tôi tiếp tục tham quan khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đi siêu thị mua sắm và thư giãn.

 

Ngày thứ mười lăm của chuyến đi, đoàn đến tỉnh Bình Dương, đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và chị Tuyết - Phó văn phòng đã đón tiếp đoàn thật niềm nở, chu đáo. Thời gian lưu lại Bình Dương, đoàn đi dạo qua các khu công nghiệp, tham quan khu đô thị mới được quy hoạch, đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng và tham quan khu du lịch Đại Nam nổi tiếng tại thị xã Thủ Dầu Một. Vốn là những người quen biết lâu ngày gặp lại, chúng tôi trò chuyện cởi mở, tự nhiên. Điều thấy rõ ràng là tỉnh Bình Dương tiếp tục trên đường công nghiệp hóa mạnh mẽ, giá trị sản lượng sản xuất công nghiệp tăng cao, ngân sách tỉnh thu rất khá, đời sống cán bộ, công nhân viên và nhân dân được cải thiện nhanh chóng, rõ rệt. Biết rõ tuổi tác, sức khỏe và trong mối quan hệ thân tình, các đồng chí Bình Dương có nhã ý mời các thành viên trong đoàn, ai có điều kiện thì một vài năm một lần đến thăm lại tỉnh. Cũng từ đây câu chuyện vui có vẻ tiếu lâm về “dự án một cây, một con” được lưu truyền làm cho cái tuổi cổ lai hy mà vẫn phì cười mỗi khi nhớ lại.

 

Hai ngày cuối cùng, đoàn đến thăm thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trước tiên chúng tôi đến thăm thắp hương tại đền thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh, bậc công thần mở đất phương nam, tiếp đó thăm văn miếu trân biên tại thành phố Biên Hòa và thăm tổng công ty nông sản xuất khẩu Donafoox, tại đây anh Võ Văn Một - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gặp thăm hỏi sức khỏe và trò chuyện thân mật. Quả thật những điều tai nghe, mắt thấy tại tỉnh Đồng Nai, một tỉnh sẵn có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trước đây nay đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, tỉ trọng các ngành kinh tế thay đổi nhanh chóng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu nhập quốc dân toàn tỉnh và thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, ngân sách tỉnh hiện tại chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh mời đoàn đi thăm chiến khu Đ cách thành phố Biên Hòa khoảng bảy mươi cây số. Chúng tôi đến thăm gần như hầu hết các địa điểm quan trọng trong kháng chiến được khu bảo tàng lưu giữ, thăm chính nơi hình thành Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Cả đoàn vô cùng xúc động được đến thăm một khu vực thiêng liêng đã hằn sâu trong ký ức gần cả đời người. Tại chiến khu Đ còn ghi lại câu nói của kẻ thù trong những năm chiến tranh ác liệt rằng: “Sài Gòn còn thì chiến khu Đ mất, chiến khu Đ còn thì Sài Gòn mất”. Đúng là chiến khu Đ còn thì Sài Gòn mất vào tay nhân dân và ngày nay Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển để trở lại với danh hiệu cao quý vốn có và xứng đáng là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

 

Gần hai mươi ngày đi thăm mười tỉnh, thành phố miền Nam của Tổ quốc, dọc đường, đoàn quan sát và cảm nhận rất nhiều điều mới mẻ. Tại đồng bằng Sông Cửu Long, vùng kinh tế dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực. Những tỉnh chúng tôi đến thăm đều sản xuất mỗi năm trên dưới vài triệu tấn lúa, khai thác và nuôi trồng cả triệu tấn thủy hải sản, một số tỉnh đã hình thành khu công nghiệp. Dù là địa bàn có khó khăn về vật liệu xây dựng nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, công trình kiến trúc đô thị được xây dựng tương đối nhanh với quy mô lớn, tốc độ phát triển và sự thay đổi từng ngày thật đáng ghi nhận. Rồi đây, cầu Rạch Miễu khánh thành đưa vào hoạt động, cầu Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm cùng với một loạt chủ trương, chính sách, biện pháp mạnh của trung ương giành cho đồng bằng Sông Cửu Long, nhất định sẽ là những cú hích cho sự cất cánh. Với Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh bạn đang tiến rất nhanh trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Phan Thiết, Mũi Né, vùng kinh tế động lực phía nam đất nước đang từng ngày, từng giờ thu được thành tựu mới vô cùng quan trọng. Với Côn Đảo, Phú Quốc các tỉnh bạn đang bỏ lại phía sau những gì đang thuộc về quá khứ để mở cửa, khám phá và kiến tạo tương lai, xây dựng tại nơi đây những thiên đường mới trên chính cái nơi từng là “địa ngục trần gian” do kẻ thù gây ra.

 

Những cán bộ hưu trí chúng tôi luôn sống trong cảm xúc mới mẻ từ chuyến đi này, vì nhận thấy đất nước mình đang từng ngày, từng giờ thay đổi theo chiều hướng phát triển, đi lên, và cũng nhận thấy quê hương Phú Yên mình cũng đang vươn lên với bạn bè. Tất cả những điều quan sát, ghi nhận đã làm cho những “ông già” càng thêm trẻ lại.

 

Tháng 12/2008- tháng 9/2009

 

_______________

(*) Hài cốt dưới phần mộ chị Sáu đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa về quê nhưng tại Côn Đảo vẫn giữ nguyên phần mộ như từ trước

 

 

Bút ký NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tan tác vùng nuôi tôm hùm Vũng La, Vũng Me
Thứ Tư, 30/09/2009 19:05 CH
Hàn Quốc không chỉ là phim ảnh
Thứ Bảy, 26/09/2009 14:00 CH
Truy quét “vàng tặc”
Thứ Tư, 23/09/2009 14:30 CH
Tuyệt kỹ Huỳnh Kim Hồng
Thứ Năm, 17/09/2009 19:00 CH
Nơi lấy tình người gieo mầm thiện
Chủ Nhật, 13/09/2009 14:30 CH
Dọc đường Tây Nguyên
Thứ Tư, 09/09/2009 19:13 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek