Một ngày sau bão, một ngày hàng trăm người dân ở làng biển Vũng La, Vũng Me, thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) bàng hoàng và bất lực đứng nhìn những bè tôm bị bão đánh tan trôi dạt trước mặt biển (ảnh 1), một ngày “những tỉ phú tôm hùm” ở làng này bỗng chốc trắng tay do lồng nuôi bị vỡ, rách làm cho hàng chục ngàn con tôm hùm trôi theo sóng biển.
Một ngày ròng rã, bà cụ Nguyễn Thị Thương (61 tuổi) ở Vũng Me ngồi lặng khóc trước biển bởi toàn bộ dàn bè với trên 250 con (mỗi con nặng hơn 0,3kg) tôm hùm bị trôi sạch ra biển. Bà Thương trắng tay và nợ ngân hàng 40 triệu đồng (ảnh 2).
Thiệt hại nặng nhất là gia đình anh Đoàn Văn Lợi nuôi trên 5.000 con tôm hùm, trong đó có khoảng 1/3 số lượng tôm cỡ 0,7 – 1kg nuôi trên những chiếc bè đã bị bão và sóng đánh tan (ảnh 3).
Sau bão, tôm trong lồng chạy ra biển rất nhiều nên hàng chục người dân ở đây đã dùng lưới vây hoặc thả dọc theo biển để đánh bắt tôm (ảnh 4).
Theo ông Ngô Thanh Thắng, Trưởng thôn Dân Phú 2, toàn thôn có 264 hộ nuôi tôm hùm với 5.921 bè và 152 lồng. Thống kê ban đầu có đến 80% hộ nuôi tôm hùm bằng bè bị thiệt hại nặng nhiều tỉ đồng. Hiện nước sông, suối đổ ra biển làm nguồn nước biển trong vịnh bị đục ngầu nên người dân chưa thể lặng kiểm tra nguồn tôm bị mất và khắc phục lồng, bè bị hư hại do thiên tai.
Phóng sự ảnh của NGUYÊN LƯU - NGỌC CHUNG
MỘT TÀU CÁ VỚI 12 THUYỀN VIÊN ĐANG TRÔI NGƯỢC RA BIỂN Chiều 30/9, tàu cá mang số hiệu PY 92143TS với 12 thuyền viên của chủ tàu và là thuyền trưởng Lê Xiêm, trú phường 6 (TP Tuy Hòa) vẫn còn trôi tự do trên biển. Chiếc tàu trên bị hỏng máy lúc 1g sáng 30/9, khi đang câu cá ngừ đại dương tại tọa độ 12 độ vĩ Bắc, 112,03 độ kinh Đông. Liên lạc với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, ông Lê Xiêm cho biết do không thể sửa chữa được máy, nên tàu này hiện đang trôi tự do theo hướng Đông Bắc, ngược ra biển Đông. Trong ngày hôm qua, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng đã thông báo vụ tàu cá bị nạn nói trên với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Hải quân vùng IV, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, Trung tâm Radio Nha Trang...; đồng thời đề nghị giữ liên lạc và tìm phương án cứu hộ tàu PY 92143TS. Tuy nhiên, đến 16g ngày 30/9, vẫn chưa có phương án nào được triển khai. Trong khi đó, các tàu thuyền hành nghề trên biển đều đã vào bờ tránh bão nên không có tàu ngư dân hoạt động ở khu vực gần chiếc tàu bị nạn. Được biết, tần số liên lạc của tàu PY 92143TS là 7903. LY KHA Cả nước có 74 người chết,12 người mất tích * Lũ xuống nhưng còn ở mức cao Theo tổng hợp thiệt hại lúc 18g chiều 30/9, bão số 9 và lũ đã làm 74 người chết, 12 người mất tích và 179 người bị thương. Quảng Ngãi là tỉnh bị thương vong về người cao nhất trong trận bão lũ này, với 22 người chết, 4 người mất tích, 82 người bị thương. Ngoài ra, có tổng cộng 6.230 ngôi nhà bị sập, trôi; hơn 171.000 ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng; 146.750 nhà bị ngập; hơn 52.700 hộ dân phải di dời, sơ tán. Hiện chưa thể thống kê giá trị thiệt hại cụ thể do bão lũ gây ra. Hôm qua, lũ lớn đã xuất hiện và gây ngập nặng nhiều vùng ở ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Riêng tại Phú Yên, trưa 30/9, sông Ba tại Củng Sơn đạt đỉnh lũ 33,5m - mức báo động 3, tại Phú Lâm lên mức 3m, dưới báo động III 0,2m. Sau đó, lúc 13g, mực nước sông Ba tại Củng Sơn đo được 31,9m, trên báo động II 0,4m; tại Phú Lâm: 2,43m, dưới báo động II 0,27m. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk tiếp tục xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất khu vực ven sông. NGUYÊN HÒA Phú Yên bị thiệt hại 34 tỉ đồng * Ba người bị thương, hơn 170 nhà bị sập và hư hỏng Ngày 30/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, bão số 9 với sức gió đo được tại Phú Yên cấp 9 đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 34 tỉ đồng, trong đó, hai địa phương bị nặng nhất là thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Toàn tỉnh có ba người bị thương, gồm hai người ở thôn Thạch Khê (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) và một người tại thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa). Toàn tỉnh có 32 nhà bị sập và hư hỏng hoàn toàn, 139 nhà khác và nhiều trụ sở xã, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bị hư hỏng nặng. Về sản xuất nông nghiệp, có 132,5 ha hoa màu bị hư, hơn 40.000 cây ăn quả bị đổ ngã; 118 lồng bè nuôi tôm hùm, ghẹ, cá mú bị chìm, 5,5 ha hồ nuôi cá mú bị vỡ thiệt hại hoàn toàn; 17 tàu thuyền chìm tại chỗ. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi cũng bị sạt lở, bồi lấp nhiều nơi với khối lượng 4.700m3 đất đá. Hệ thống lưới điện cũng bị thiệt hại với 29 trụ điện, 15 trụ điện thoại, truyền thanh bị đổ ngã… NGUYÊN TRƯỜNG Phát hiện một xác chết trên sông Ba Một xác chết không rõ danh tính được người dân khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa phát hiện vào lúc 15 giờ ngày 29/9 bên bờ Sông Ba, thuộc địa bàn xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Nạn nhân là một phụ nữ khoảng 50-60 tuổi, mặc áo ngắn tay, quần soọc đen, có đeo bông tai; thi thể nạn nhân đang trong thời kỳ phân hủy. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. PHƯƠNG