Quán đặc sản biển nằm bên cầu Bình Phú (xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu) hướng mặt ra đầm Cù Mông, gió thổi lồng lộng. Không đợi thực đơn, một trong bốn ông khách có dáng người bệ vệ hất hàm hỏi cô phục vụ khá đỏm dáng: Có hải sâm, bào ngư không em? Thay cho câu trả lời, cô gái chỉ tay về những chiếc hồ kính, thau nhựa đang được sục khí oxy, bên trong vài chục con hải sâm, bào ngư vốn được mệnh danh là nhân sâm của biển cả đang bò ngang, bò dọc. Ông khách sành điệu hất hàm: Lấy hết cho anh, nhớ cho vào thùng xốp!
Hải sâm, bào ngư được bày bán công khai dọc QL1A đoạn qua xã Xuân Bình, Xuân Cảnh – Ảnh: V.TÀI |
MÓN ĐẶC SẢN
Trên cung đường dài hơn 2 km đi qua các xã Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hòa (huyện Sông Cầu), người ta bày bán các loại hải sản quý hiếm như hải sâm, bào ngư, cá ngựa, sao biển… do ngư dân săn bắt được từ đại dương nhằm phục vụ thực khách. Ngày càng có nhiều người tìm mua hải sâm, bào ngư nên ngư dân Sông Cầu ra sức “tầm nã” hai loài vốn được mệnh danh là sâm dưới lòng đại dương bằng lưới giã cào, lưới vây, về bán lại cho các đầu nậu dọc quốc lộ 1A đoạn từ xã Xuân Bình đến Xuân Cảnh.
Đến đây, khách sẽ tha hồ lựa chọn hải sâm, bào ngư, cá ngựa sống rộng trong hồ kính, thùng xốp được sục khí oxy hoặc ngâm trong rượu bọt. Trong vai một khách hàng tìm mua hải sâm, bào ngư xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng tôi tìm đến quán Thủy (xã Xuân Cảnh), nơi chuyên mua cá ngựa, hải sâm, bào ngư, sao biển từ ngư dân rồi về phân phối cho các nơi. Sau một hồi huyên thuyên về tác dụng trợ lực của hải sâm, bào ngư, chị chủ quán hạ giọng nhẹ nhàng: “Các anh thông cảm! Hải sâm, bào ngư dạo này hút quá, cung không đủ cầu nên tôi không dám nhận thêm đơn đặt hàng. Các anh thử ghé đến chỗ bà Loan, bà Tâm xem sao, nhưng chắc họ cũng không có nhiều đâu. Bắt được con nào, ngư dân giao cho tôi ngay vì tôi đã ứng tiền trước cho họ rồi”.
ĐUA NHAU ĐI BẮT
Cảm ơn sự nhiệt tình của bà chủ vựa hải sản, chúng tôi lân la đến các quán khác, sau đó đến cảng cá Dân Phước. Lúc chủ các tàu thuyền hối hả giao cá cho bạn hàng, chúng tôi bắt gặp không ít hải sâm, bào ngư nằm lẫn lộn trong những giỏ cá tôm. Bắt chuyện với một ngư dân tên Thành, anh ta vui vẻ cho biết: “Mấy con hải sâm, bào ngư chết là do tụi này giã lưới cào, không chủ tâm bắt chúng. Anh muốn mua hải sâm, bào ngư sống thì ghé lại mấy chiếc thuyền kia. Toàn dân săn chuyên nghiệp đó!”.
Sau khi nghe tôi hỏi: “Có hải sâm, bào ngư không?”, một ngư dân nước da đen trạy tên Hùng liền kéo xuống chiếc thuyền nhỏ, chỉ vào một chiếc xô nhựa, bên trong có 4 con hải sâm và 5 con bào ngư đang cựa mình trong luồng oxy nhân tạo. Để có mớ “chiến lợi phẩm” này, anh Hùng đã thức trắng đêm cùng với giàn giã cào, cày đi xới lại “nát” cả một vùng biển Sông Cầu.
Theo anh Hùng, bào ngư và hải sâm chuyên sống ở các bãi đá ngầm hoặc các lỗ dưới đáy biển. Muốn đánh bắt, phải lặn xuống biển, lần theo các bãi đá ngầm. Khi thấy bào ngư hay hải sâm, ngư dân cầm móc sắt nhẹ nhàng móc vào miệng gẩy nhẹ ra. Phải hết sức nhanh nhẹn và dứt khoát trong động tác; bào ngư hoặc hải sâm sẽ co miệng, lăn ra. Vài năm gần đây, cánh thợ lặn ở Sông Cầu, với sự trợ giúp đắc lực của máy thổi khí, có thể “phục” hàng giờ dưới biển mà không thèm ngoi lên, hụp xuống. Bởi vậy, những con hải sâm, bào ngư hoặc cá ngựa, đẻn biển, sao biển… đều khó có thể thoát khỏi tay họ. Nếu gặp may, thì mỗi đợt thủy triều rút (khoảng từ 3-4 ngày), một ngư dân có thể kiếm được 1-2 kg bào ngư. Hiện tại, một ký bào ngư lỗ có giá từ 400.000 - 500.000 đồng, còn bào ngư đá (cả vỏ) có giá từ 600.000 - 800.000 đồng; hải sâm từ 20.000 -150.000 đồng/con tùy theo kích cỡ.
Cách thứ hai là dùng lưới giã cào. Sau khi ra khơi, giàn cào được đưa xuống biển. Trong bán kính 3 km, tôm, cá, hải sản quý cũng khó thoát khỏi miệng lưới này. Có bữa, gặp may, ngư dân “trúng” vài ký hải sâm, bào ngư. Nhiều ngư dân nhận thấy giá trị kinh tế của các loại hải sản này nên đã sắm thêm đồ nghề, giàn lưới để săn bắt. Những “thợ săn” chuyên nghiệp như anh Hùng đã sắm bình oxy, hằng đêm đưa thuyền ra khơi. Có khí oxy, tỉ lệ hải sâm, bào ngư sống cao và bán được giá hơn.
MAI NÀY CÓ CÒN HẢI SẢN QUÝ?
Theo tài liệu y học cổ truyền, bào ngư, hải sâm vị mặn, tính ấm, vào được kinh tâm, tỳ, thận và phế quản. Các y thư cổ đều nói hải sâm, bào ngư bổ được thận kinh, ích được tinh tủy, tiêu được đờm dãi, giữ gìn điều nhiếp được tiểu tiện, có tính tráng dương đạo, sát được trùng, chữa được những chứng lở có sâu, lại giáng được hỏa, bổ ích cho thận, thông lợi được tràng vị, nhuận được chỗ táo kết, chữa được chứng hư lao, ốm yếu gầy còm… Bởi vậy, từ xa xưa, hải sâm, bào ngư được mệnh danh là sâm của biển cả, được coi là một trong “ngũ danh thái” (năm loại thực phẩm nổi tiếng) cùng với óc khỉ, tay gấu và yến sào. Còn về mặt thực phẩm, cùng với yến sào, vây cá, thịt hải sâm, bào ngư là cao lương mỹ vị nổi tiếng.
Mớ "chiến lợi phẩm" bào ngư được anh Hùng rộng sẵn chờ giao mối lái
Trước đây, việc khai thác bào ngư, hải sâm chưa rộ. Từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, người dân mới bắt những con to bằng lòng bàn tay trở lên. Những tháng còn lại, họ để cho các loại hải sản này sinh sản và phát triển. Tuy nhiên hiện nay, cung không đủ cầu nên quanh năm, ngư dân Sông Cầu ra khơi tìm “thần dược”. Hễ nước triều rút là người dân lại đổ xô đi săn bào ngư, hải sâm.
Qua tiếp xúc với những người làm nghề này và đầu nậu bán hải sản quý hiếm ở Sông Cầu, chúng tôi được biết, mỗi ngày có hàng trăm con hải sâm, bào ngư được đưa đi khỏi địa bàn Sông Cầu. Lúc cao điểm, có đến hàng chục ký hải sâm, bào ngư cả tươi sống lẫn sấy khô được giao cho khách hàng vào
Theo lãnh đạo các địa phương, mặc dù chính quyền đã ban hành các quy định về việc cấm khai thác bừa bãi nguồn hải sản quý giá này, nhưng việc quản lý là rất khó. Mỗi khi nước triều rút, hàng trăm ngư dân lại lén lút lặn bắt. Đó là chưa kể đến việc họ dùng lưới giã cào khiến cho bào ngư, hải sâm không kịp lớn đã bị bắt sạch để ngâm rượu, làm thuốc.
Được biết, hiện nay đã có một số ngư dân Sông Cầu đầu tư khoanh vùng nuôi bào ngư, hải sâm nhưng chưa có mô hình nào thành công. Vì vậy, nếu quản lý tốt ngư trường và khai thác có kế hoạch thì bào ngư, hải sâm sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi tài nguyên biển.
Hải sâm có tên khoa học là Stichopus japonicus selenka, là một loại động vật không xương sống, sống ở biển, trên đáy cát hoặc san hô chết, tập trung nhiều nhất ở độ sâu 2-5m, hay gặp ở vùng vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm. Hải sâm phân bố ở vùng biển Đông châu Phi, Đông Ấn Độ, Tây và Nam Thái Bình Dương. Ở nước ta, có khá nhiều ở vùng biển Khánh Hòa, Phú Yên, đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu... Ở vùng biển Sông Cầu có bốn loài hải sâm được phát hiện phổ biến là: Hải sâm đen, hải sâm trắng, hải sâm vú và hải sâm mít. Đây cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu hải sâm phục vụ nghiên cứu và sản xuất thực phẩm bổ dưỡng Hasamin. Bào ngư là động vật giáp xác, thuộc họ hàu hến. Bào ngư thiên nhiên khai thác từ biển sâu 5 - 20 m; có hai loại là bào ngư vành tai và bào ngư 9 lỗ, có kích cỡ cả vỏ trung bình 5 - 6 cm. Từ xa xưa, bào ngư đã được xếp cùng với nem công, chả phượng, yến sào, hải sâm, vi cá mập, gân nai, tay gấu, tạo thành “bát trân” - 8 món ăn quý trong các buổi tiệc cung đình của vua chúa và giới quý tộc. Ở Phú Yên, từ năm 2004, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên là đơn vị đầu tiên đã sản xuất thành công giống bào ngư vành tai và đã cho đẻ được trên 16.000 con. Đây là vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, việc đưa ra thả nuôi thương phẩm trong các vùng biển ở Phú Yên vẫn chưa thành công.
VĂN TÀI-XUÂN HUY