Thứ Sáu, 04/10/2024 12:20 CH
“Rẩu nước”
Thứ Tư, 27/05/2009 15:00 CH

Không cần giăng câu, bủa lưới, chỉ bật đèn pha chạy thâu đêm và dừng lại khi gặp tàu khác, thế nhưng sáng hôm sau khi trở vào bến thì tàu thuyền nào cũng đầy ắp cá. Đó là đội tàu dịch vụ chuyên “săn” thu mua hải sản trên biển mà ngư dân thường gọi là “rẩu nước”. “Rẩu nước” không chỉ là nghề ăn nên làm ra của một số ngư dân ở làng biển Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), mà còn giúp cho nhiều ngư dân ở Phú Yên và các tỉnh lân cận bám biển dài ngày và giảm chi phí sản xuất.

 

ll.jpg

Tàu “rẩu nước” về bến đầy ắp cá.

 

“TẬP ĐOÀN RẨU NƯỚC” 19 KỲ

 

Cá nục, cá ồ khiêng từ các tàu “rẩu nước” vào bày la liệt tại trại cá 19 Kỳ. Rổ, rá dùng để đựng cá đều in rõ tên “19 Kỳ”. Người khuân, kẻ vác hồ hởi đưa cá đi cân, vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh…

 

Ông Phạm Kỳ - Chủ cơ sở 19 Kỳ, vừa hướng dẫn công nhân phân loại cá, vừa vui vẻ cho chúng tôi biết:

 

- Sáng nay, “tập đoàn rẩu nước” của tôi vào bờ được hơn 10 tấn cá các loại.

 

- Có phải lúc nào tàu trở về bến cũng đều cá nặng đầy khoang? – Tôi hỏi.

 

- Thường thì được 5 – 7 tấn, nhưng đi mua cá trên biển trong mùa vụ cá Nam luôn đạt sản lượng rất cao.

 

- Thời gian tàu “săn” mua hải sản trên biển là bao lâu và cơ sở 19 Kỳ đã phát triển được bao nhiêu tàu cá?

 

- Tàu chạy mua cá từ 17 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng có khi chỉ cần 5 tiếng đồng hồ là mua cá đầy khoang tàu rồi chạy vào bờ. Anh em trong gia đình và người thân cùng nhau góp vốn đầu tư phát triển được 12 chiếc tàu thuyền chuyên mua cá trên biển, trung bình được 10 tấn đến vài chục tấn cá, mực/ngày đêm.

 

hh.jpg

Ông Phạm Kỳ - chủ cơ sở 19 Kỳ

 

Ông Kỳ có thâm niên 13 năm làm nghề “rẩu nước”. Khi mới vào nghề trong tay ông Kỳ chỉ có chiếc thuyền máy với công suất nhỏ, chỉ mua cá ở gần bờ. Do vậy, sản lượng cá mua được rất ít và cho thu nhập thấp. Nhưng, kiến tha lâu cũng đầy tổ, ông Kỳ sử dụng vốn liếng tích góp quyết định đầu tư chuyển đổi tàu có công suất lớn trên 60CV để mua cá của tàu khác  khai thác xa bờ vài chục hải lý; xây dựng trại thu mua cá 19 Kỳ và vận động bà con cùng nhau thành lập “tập đoàn rẩu nước” 19 Kỳ chuyên mua cá trên biển từ tỉnh Quảng Ngãi đến Ninh Thuận… Bây giờ, 19 Kỳ đã trở thành một “tập đoàn rẩu nước” hùng mạnh và nổi tiếng nhất ở làng biển Phú Thọ 3.

 

“Tập đoàn rẩu nước” 19 Kỳ được trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại, thu mua các loại hải sản có giá trị cao, nhất là mực, luôn hoạt động bám biển và mua cá theo sát giá thị trường, nên được bà con ngư dân tin tưởng. Điều đáng nói là, “Tập đoàn rẩu nước” 19 Kỳ còn cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các tàu khai thác hải sản để bám biển dài ngày. “Ngư dân ở nhiều làng biển đánh bắt được con cá rất vất vả, đến khi vào bờ tiêu thụ lại vất vả hơn, thu lãi thấp do đầu ra sản phẩm bấp bênh lại bị cơ sở thu mua ép giá, ép phẩm cấp. Do vậy, thời gian tới tôi muốn phát triển mạnh loại hình dịch vụ này để giúp bà con bán được cá tươi ở ngay trên biển với giá cao, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận kinh tế!” – ông Kỳ bộc bạch.

 

CÁ TƯƠI PHÚ THỌ 3

 

Sáng nào cũng vậy, ngoại trừ những ngày biển động, sóng to, gió lớn, hàng chục chiếc tàu thuyền “rẩu nước” chở nặng hải sản chạy ì ạch vào cập bến cá Phú Thọ 3. Nhiều tàu thuyền khai thác “trúng đậm” cá chù bông, cá nục, ồ, cơm, mực, tôm… cũng tranh nhau vào cập bến cá này để bốc dỡ cá ra khỏi tàu, sau đó đưa cá, mực xuống thúng chai chuyển lên bờ hoặc đổ cá vào thùng nhựa to đậy nắp lại, dùng dây buộc bỏ xuống nước kéo vào bờ. Ở đây có đến hơn 300 người chuyên làm nghề khuân vác cá cho các tàu thuyền. Điều dễ thấy, bến cá Phú Thọ 3 thu hút rất nhiều tư nhân trong và ngoài tỉnh đến mua cá với sản lượng bình quân trên 100 tấn/ngày, cá biệt có ngày lượng cá, tôm mua vào lên đến hơn 500 tấn. Ông Chín Anh - một chủ cơ sở mua cá, cho biết: “Cá tươi láng da, thẳng đuôi như thế này, đảm bảo tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu, nên bán được giá cao hơn các nơi khác trong tỉnh. Và tàu “rẩu nước” tiêu thụ sản lượng hải sản với số lượng lớn bao nhiêu cũng hết!”.

 

Đưa chúng tôi “mục sở thị”, những chiếc tàu “rẩu nước” đang neo bốc dỡ cá trước bến, ông Nguyễn Văn Sang, Phó thôn Phú Thọ 3, cho biết, những năm gần đây “đội” tàu thuyền ở Phú Thọ 3 phát triển rất mạnh, chiếm khoảng 50% tổng số tàu thuyền trong xã Hòa Hiệp Trung. Có 66 chiếc trong tổng số hơn 250 chiếc tàu thuyền trong thôn này chuyên làm nghề “rẩu nước”. Hải sản khai thác chủ yếu bằng cản ni lông, lưới rút trủ, rút ngày, lưới ba màn, cước ồ, thu… được các tàu “rẩu nước” mua ngay trên biển chuyển vào bờ trong thời gian ngắn nên cá ở đây thuộc hàng cá tươi nhất trong tỉnh. Nhiều tàu “rẩu nước” trang bị đầy đủ máy định vị, hải đồ, bộ đàm và hệ thống đông lạnh hiện đại để bảo quản cá tươi, như các tàu của ngư dân Huỳnh Nhịn, Trần Phương, Lê Thành Thức, Nguyễn Hữu Trường… “Có thể nói, trong nhiều năm qua, tiếng tăm cá tươi Phú Thọ 3 đã lan xa ra ngoài tỉnh. Và hàng chục doanh nghiệp, nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu đã đến đây đăng ký thành lập trại cá, tranh nhau mua cá, mực. Mỗi ngày cũng có nhiều tàu thuyền của ngư dân ngoài tỉnh làm nghề lưới rút trủ, rút ngày đánh bắt được nhiều cá tươi ở vùng biển Phú Yên vào cập bến cá này để tiêu thụ sản phẩm với giá cao. Điều này làm cho bến cá chỉ mới thành lập từ tháng 1/2007, đến nay đã trở nên… quá tải” – ông Sang tâm sự.

 

LỢI CẢ ĐÔI BÊN

 

Nghề “rẩu nước” - một loại hình dịch vụ chuyên thu mua hải sản trực tiếp trên biển đang phát triển mạnh ở làng biển Phú Thọ 3. Phương thức kinh doanh này khá năng động, hỗ trợ cho ngư dân bám sát ngư trường khai thác hải sản đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Phương - một chủ tàu chuyên khai thác hải sản ở Phú Thọ 3, phấn khởi nói: “Từ khi có tàu “rẩu nước”, tàu của tôi luôn khai thác rồi bán hải sản ngay trên biển và tiếp tục bám biển dài ngày. Nhờ đó, chuyến biển nào tàu của tôi cũng khai thác đạt sản lượng cao, chưa bao giờ bị lỗ vốn…”.

 

Ông Phạm Kỳ - chủ cơ sở 19 Kỳ, phân tích: Tổ chức tốt khâu dịch vụ nghề cá trên biển đều có lợi cho cả tàu khai thác và tàu “rẩu nước”. Trước tiên, tàu đi khai thác tiêu thụ hải sản ở ngay trên biển theo giá giảm hơn khoảng 25% so với giá cùng thời điểm bán trên bờ, nhưng bù lại, tiết kiệm đến 70% nhiên liệu vì không phải chạy vào bờ tiêu thụ hải sản rồi quay tàu trở ra ngư trường. Bên cạnh đó, nhờ tàu “rẩu nước” cung cấp thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu dầu, nhớt… nên tàu khai thác bám biển trong thời gian dài ngày và dĩ nhiên sản lượng khai thác hải sản đạt cao hơn. Đồng thời, bạn đi tàu không phải thức suốt đêm để sơ chế, phân loại cá. Tính ra ngư dân tiêu thụ hải sản trực tiếp trên biển có lợi hơn rất nhiều so với chạy tàu vào bờ. Đối với tàu “rẩu nước”, nhờ thu mua cá tươi rồi bảo quản cá trong hệ thống đông lạnh hiện đại trong thời gian ngắn nên khi vào bờ được các đầu nậu, vựa, nhà máy chế biến hải sản mua lại cá tươi với giá cao. “Tính trung bình mỗi chuyến mua hải sản trên biển trong thời gian vài tiếng đồng hồ hoặc một ngày đêm, các tàu chuyên làm nghề “rẩu nước” đều thu lãi khoảng 10% trở lên” – ông Kỳ cho hay.

 

Dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đánh bắt hải sản, do vậy cần được khuyến khích đầu tư nhân rộng trong toàn tỉnh Phú Yên.

 

NGUYÊN LƯU

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi đường bộ đến... cực Đông
Thứ Tư, 13/05/2009 07:00 SA
Điện Biên không xa
Thứ Tư, 06/05/2009 07:30 SA
Tiếp sức cho người nghèo
Thứ Bảy, 02/05/2009 07:24 SA
Thạch đạo trên non cao
Thứ Sáu, 01/05/2009 18:16 CH
Tự “mở cửa” vào bầu trời
Thứ Năm, 23/04/2009 18:34 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek