Tôi về ba xã Hòa Xuân (huyện Đông Hòa) vào một ngày cuối năm, khi dân nơi đây đang tất bật cày cấy vụ đông xuân. Lúc này, những công việc nặng nhọc của nhà nông như cày, bừa, vận chuyển... đều do trâu đảm nhiệm. Với những nông dân sống dưới chân đèo Cả, con trâu là tài sản lớn của họ và được thêu dệt bằng giai thoại thuần hóa trâu rừng. Nhiều gia đình nuôi trâu dưới thung sâu và đã thoát nghèo, một số người trở nên khá giả…
Một góc làng trâu ở khu kinh tế mới Đá Dựng - Ảnh: VĂN TÀI
GIAI THOẠI THUẦN DƯỠNG TRÂU RỪNG
Các cụ cao niên ở ba xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam kể rằng, khi vùng đất sình lầy cạnh biển Hồ còn hoang sơ, trâu rừng thường xuống đầm ngâm mình, đùa giỡn. Chúng cũng không ngần ngại phá sạch lúa, hoa màu mà nông dân cất công cày cấy, trồng trọt. Trâu rừng rất hung dữ, đã thế chúng có trọng lượng khá lớn. Con cái nặng khoảng 800kg, con đực lên tới 1,2 tấn và cao khoảng 1,8m, đó là chưa kể những cặp sừng nhọn có thể xuyên thủng bất cứ vật gì. Bị trâu phá phách, người ta nghĩ đến việc chế ngự, thuần dưỡng chúng thành vật nuôi có ích.
Vào mùa nắng, khi nhiệt độ tăng cao, từng bầy trâu rừng xuất hiện ngâm mình dưới sình lầy để hạ nhiệt và tránh vắt, muỗi cắn. Đây cũng là lúc trai tráng ở ba xã Hòa Xuân được huy động để bẫy trâu. Họ dùng dây rừng bện chặt, đào hố dọc bìa rừng, gần những chỗ sình lầy và nơi trồng hoa màu. Thế nhưng, khi trâu đã dính bẫy thì công việc “áp giải” rất khó khăn, do chúng khỏe và dãy dụa lồng lộn. Nhiều lần người ta bắt hụt do chúng giựt đứt dây. Lúc đó, các cụ cao niên nảy ra ý dùng tre hoặc cây rừng đóng xung quanh và rào dây thật chặt. Đây là cách khống chế, bỏ đói để trâu lả đi, dễ cho việc thuần dưỡng sau này.
Ông Nguyễn Ngọc ở thôn Phú Khê 2 (xã Hòa Xuân Đông), kể: “Chuyện bắt và thuần dưỡng trâu rừng có nhiều giai thoại. Tôi nghe ông tôi, bố tôi kể lại rằng đã bắt được một cặp trâu rừng, thuần dưỡng rồi cho lai với trâu nhà để tạo ra trâu đen, có da xanh đen và trâu trắng, có da sáng hồng như hiện nay. Nhiều năm qua, không thấy trâu rừng xuất hiện. Chỉ có những con trâu nhà người ta nuôi thả giữa rừng bị lạc, dần dần trở thành trâu rừng…”
Một đàn trâu ở Hảo Sơn - Ảnh: KIM LONG
NUÔI TRÂU GIỮA THUNG SÂU
Hiện nay, dân ở 3 xã Hòa Xuân nuôi rất nhiều trâu. Người nuôi trâu ở nhà, người nuôi trâu giữa rừng, trong thung sâu, hóc núi ở Hòa Xuân
Tại Hóc Vũng, Hóc Lầy thuộc khu kinh tế mới Đá Dựng (xã Hòa Xuân Tây) ngay dưới chân núi khu Mương Cát có hàng chục gia đình đưa trâu vào nuôi. Vào làng trâu nơi thung sâu này, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bạn là những dãy chuồng trại, nọc rơm san sát và nhiều đàn trâu đang vô tư gặm cỏ mà chẳng cần người chăn dắt.
Đa số người nuôi trâu ở thôn Bàn Nham
Cũng như những người nuôi trâu khác, ông Thửng ở lại trại, chỉ khi nào hết thực phẩm mới về nhà. Về công việc thường nhật, ông cho biết: “Nuôi trâu cũng vất vả không kém nuôi bò. 5 giờ sáng dậy kiểm trâu, thả cho chúng đi ăn, rồi về quét dọn chuồng trại, chiều đến lại lùa trâu về chuồng. Công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, nhưng đó là những ngày đàn trâu khỏe mạnh. Lúc trâu lạc đàn hay bị bệnh dịch, người nuôi khá vất vả”. Mới đây, hai con trâu đi lạc tận rừng sâu. Ông Thửng phải huy động chủ các trại bên cạnh giúp đỡ. Họ băng rừng núi tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được hai con trâu lạc đàn.
Người nuôi trâu ở thung sâu phải làm quen với bóng đêm, cuộc sống cô quạnh giữa núi rừng, không có phương tiện giải trí. Ông Trần Thành, một người nuôi trâu có thâm niên ở đây, bộc bạch: “Ban ngày thả trâu rồi trồng rừng. Đến vụ gặt thì phơi rơm rạ để dành làm thức ăn trong mùa mưa. Vào vụ cày cấy, tôi đi bừa thuê, cứ bừa một sào lấy 15.000 đồng. Do có nhiều việc làm nên cũng đỡ buồn”.
Hiện nay, giá một con trâu cái từ 8-15 triệu đồng, trâu đực từ 6-10 triệu đồng. Chỉ cần siêng coi sóc, sau một năm phối giống sẽ có một con nghé ra đời. Nuôi thêm một năm thì có thể bán được với giá khoảng 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, họ còn nhận nuôi rẽ cho người khác để kiếm thêm thu nhập. Ông Trần Dừa, một người nuôi trâu ở đây, cho biết: “Những người có vốn đầu tư nhưng không có điều kiện chăm sóc nên gửi trâu cho mình chăn. Cứ hai con trâu cái, một năm đẻ ra hai con nghé thì mình một con, họ một con. Đồng thời, lúc gửi trâu mẹ họ tính ra tiền, đến lúc kết thúc “hợp đồng” thì tính giá trị con trâu ở thời điểm đó. Sau khi trừ vốn ban đầu, số tiền chênh lệch cũng chia hai”. Vất vả là vậy, nhưng nhờ nuôi trâu giữa thung sâu mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, con cái được học hành bài bản như gia đình ông Thửng. Ông Nguyễn Ngọc nuôi trâu xây được nhà lầu, còn ông Nguyễn Dệt sắm được hai xe tải và kiêm luôn nghề lái trâu.
VĂN TÀI