Họ là những nam thanh nữ tú tóc vàng mắt xanh, khác nhau về quốc tịch, văn hóa, phong cách sống; có người đang đi học, có người đã tốt nghiệp nhưng tất cả đều có chung mục đích: Tình nguyện xoa dịu nỗi đau, đem lại niềm vui cho những đứa trẻ có số phận không may mắn ở Phú Yên.
Meghan Anderson, tình nguyện viên người
MIỆNG CƯỜI NHƯNG MẮT ĐỎ
Sáng hôm ấy, trời trở gió lạnh căm, nhưng lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Người tàn tật tại Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) diễn ra trong không khí thật ấm áp bởi sự xuất hiện của các “ông, bà Tây” thuộc tổ chức Global Volunteer Network (GVN) Việt Nam. Các tình nguyện viên quốc tế này đã khuấy động buổi lễ bởi sự năng nổ, nhiệt tình của họ. Cả nhóm phân ra mỗi người vào từng tốp các em nhỏ, hát cho chúng nghe, làm điệu bộ cho chúng cười… Samuel Bakkila, thành viên trẻ nhất trong nhóm, cứ loay hoay giữa những đứa trẻ, tay liên tục quẹt mồ hôi trên trán, chỉ cho các em những hình ảnh thân thương của thầy, cô, cha, mẹ bằng những động tác mà anh học “nhuyễn” sau những đêm thức trắng.
Còn Kristine Hardy thì miệng kể, tay cười, nhưng mắt lúc nào cũng đỏ mọng vì cố nén dòng xúc cảm tràn đầy khi chứng kiến thời khắc vui vẻ hiếm hoi trong cuộc đời thiệt thòi của trẻ khuyết tật. Có tình nguyện viên chỉ ở trong phòng được vài phút, lại phải vội vàng chạy ra chỗ khuất để trút bỏ những nỗi thổn thức đang dâng lên trong lòng. Khi vào phòng, họ đều nhanh chóng lấy lại vẻ tự nhiên và tiếp tục làm bạn với trẻ.
Em Lê Thị Kim Vân, học lớp 3, nhiều năm qua mặt lúc nào cũng buồn, nhưng suốt buổi lễ, hoa như nở trên khuôn mặt của cô bé. Vân mừng một phần được nhận quà từ các anh, chị “Tây” tình nguyện, nhưng có lẽ lớn hơn hết là tấm lòng của họ dành cho. Bởi với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, sự linh cảm và khả năng đo lường mức độ chân thành của người đối diện bao giờ cũng cao hơn những trẻ bình thường khác.
Không dừng lại ở đấy, mỗi tuần một lần, các tình nguyện viên quốc tế còn đến Trường Niềm Vui để truyền đạt những kỹ năng sống và tổ chức trò chơi cho các em. Ngoài việc xây dựng một phòng tranh cho trường, dạy vẽ, nhóm còn thông qua tổ chức để mua lại những bức tác phẩm do chính các em thực hiện nhằm mục đích gây quỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các trẻ.
VƯỢT MỌI RÀO CẢN ĐỂ CHIA SẺ VỚI CỘNG ĐỒNG
Các tình nguyện viên nước ngoài hiện đang hoạt động tại Phú Yên đến từ tổ chức phi chính phủ GVN được sáng lập tại
Anh Samuel Bakkila, 20 tuổi, người Mỹ, là sinh viên Đại học Harvard, tình nguyện gắn bó gần nửa năm với Phú Yên, tâm sự: “Tôi nghe kể về Việt Nam từ bạn bè thầy cô, từ những tư liệu trên Internet, biết cuộc sống của các bạn hiện vẫn còn khó khăn nên muốn góp chút công sức để đem lại niềm vui cho mọi người”. Còn Kristine Hardy, 33 tuổi, đến từ đất nước của những chú kangoroo, cho biết: “Ước mơ làm cô giáo đã nhen nhóm trong tôi từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi nghĩ dạy học là một nghề cao cả nên muốn đem những gì mình học được để truyền lại cho những đứa trẻ không may trong đời. Hiện tôi cảm thấy thật hạnh phúc bởi người thân, bạn bè đều rất tự hào về những việc tôi làm với tư cách là thành viên của đội tình nguyện”.
Công việc của một tình nguyện viên “Tây” ở Phú Yên quả thật không hề đơn giản, bởi các anh chị đến một nơi xa lạ, khác về phong tục, tập quán, phải thay đổi thói quen, phong cách sống, đồng hồ sinh học… Không chỉ vậy, công việc tình nguyện đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh của bản thân: sáng 8g là đi làm, tối thì 18g30, thậm chí sau 24g mới về đến nhà trong trạng thái mỏi mệt. Vậy là, các tình nguyện viên chỉ còn 7 tiếng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. Có người không có lấy ngày nghỉ cuối tuần cho riêng mình vì bận lên kế hoạch cho “giáo án”, suy nghĩ những ý tưởng truyền đạt có hiệu quả hay đơn giản là chỉ “làm thế nào để được trẻ tin tưởng”.
Dù gặp nhiều khó khăn, các tình nguyện viên quốc tế đều tìm được cách vượt qua và hòa nhập tốt, say mê với công việc được giao. Nữ tình nguyện viên Romi Grossberg, 33 tuổi, người Australia nhiều năm liền gắn với công việc tình nguyện ở các nước Kenya, Ấn Độ, Việt Nam… đang học thêm để lấy bằng thạc sĩ về xã hội học. Chị dự định sau khi lấy xong bằng sẽ không đi nhiều như trước mà sẽ thành lập riêng cho mình và người thân một tổ chức tình nguyện để tiếp tục hoàn thành ước mơ cả đời về công việc giàu tính nhân văn này. Khi tạm biệt, chị Romi nói một cách ngắn gọn với tôi: “Đã tham gia công việc tình nguyện là không bao giờ đặt lợi ích của bản thân lên trên người khác. Bởi đơn giản chúng tôi là tình nguyện viên. Tết này, anh nhớ mời chúng tôi về nhà ăn bánh tét nhé!”.
XUÂN HUY