Khoảng ba năm nay, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch cho đến cuối Chạp, sau khi gặt xong vụ lúa, những người dân tộc thiểu số ở hai buôn Ma Đao, Ma Lúa thuộc xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa lại lên rừng kiếm lan Tai trâu. Có thời điểm, người dân ở đây ăn tết thong thả nhờ loài lan rừng này. Thế nhưng càng ngày, lan Tai trâu trên rừng càng hiếm…
THEO HƯƠNG TÌM HOA
Những năm gần đây, “phong trào” cuối năm lên núi kiếm lan Tai trâu phổ biến ở nhiều nơi tại Phú Yên, từ miền ngược đến miền xuôi, song nơi nổi tiếng nhất vẫn là buôn Ma Đao của xã Cà Lúi, một địa phương núi giáp núi giữa Phú Yên với Gia Lai. Nói nổi tiếng bởi vài năm trước, thời điểm khởi đầu cho “nghề” hái phong lan rừng, ban ngày, cả buôn Ma Đao rủ nhau “đi núi” hái lan rừng. Ông Ma Nhon, 58 tuổi, một trong những người “săn” lan tai trâu giỏi nhất ở buôn Ma Đao. Nghe tôi xin theo một chuyến để tận mục sở thị việc kiếm lan rừng, Ma Nhon đồng ý dù ái ngại cho tướng tá hơi… phì nhiêu của tôi so với cái sự vất vả luồn rừng.
Hoa lan Tai Trâu
Chúng tôi cùng lên ngọn núi Chư Mrôn. Ma Nhon cho biết, theo kinh nghiệm của ông, lan Tai trâu ít sinh trưởng ở đỉnh núi, mà thường ở “triên núi” – khu vực lưng chừng. Nhưng ngặt nỗi đường đi không có, dù là một con đường mòn nho nhỏ, nên chúng tôi phải luồn rừng. Tôi cứ theo chân của Ma Nhon mà bước. Ngoài bìa rừng đi còn dễ, khi vào sâu hơn thì khó khăn hơn bởi nhiều khi phải vượt qua những bụi rậm có gai, đất rừng sau những cơn mưa lớn cũng khó đi hẳn vì trơn.
Ma Nhon cho hay: “Đi kiếm lan rừng cũng như đi… mò kim dưới suối bởi không biết đâu là điểm đến. Cứ đi và nhìn nghiêng nhìn ngửa, hên thì gặp lan, còn không thì đem cái bụng với cái bao lép kẹp mà về. Bởi vậy, phải đến những nơi người ta chưa đến thì cơ hội tìm thấy lan Tai trâu càng lớn. Nhưng thường vào mùa này, một số lan Tai trâu đã nở sớm, tỏa hương thơm lắm. Nếu phát hiện mùi thơm thì đi theo hướng đó, thể nào cũng gặp lan” – Ma Nhon nói.
Đi gần một tiếng đồng hồ, trong khi tôi bùng tai vì mệt, Ma Nhon vẫn luôn căng mắt nhìn lên những cây lành ngạnh, cây hương thông – hai loài cây ông cho biết là lan Tai trâu “ưa” nhất vì sinh trưởng tốt trên lớp bì dày nhưng dễ mục của chúng. Phổng mũi theo chiều gió để hít cũng không phát hiện được mùi thơm lan rừng. Nhai vốc cơm trưa, Ma Nhon bộc bạch rằng rất nhiều lần ông luồn rừng cả ngày nhưng không kiếm được nhành lan nào. “Mấy năm qua, dân làng mình đi hái lan nhiều quá khiến chúng không kịp lớn. Có người chặt luôn cả gốc rễ nên lan không sinh sôi như trước nữa. Để khỏi mất ngày công, mình thường chặt dây mò o về để Mí Nhon đan gùi, một cái gùi bán cũng được 50.000 đồng” – Ma Nhon nói.
Trên đường về, tình cờ Ma Nhon thấy một chiếc lá lan Tai trâu khô rụng dưới một gốc cây lành ngạnh, ông ngước nhìn lên, phát hiện được một cây lan đang nằm giữa chạc ba. Ma Nhon leo lên, dùng rựa khéo léo rạch lấy nhánh lan chừng 2kg, nhưng chỉ có lá và rễ chứ chưa có vòi hoa nào…
LAN TAI TRÂU TRÊN RỪNG NGÀY CÀNG HIẾM
Ma Nhon chuẩn bị lên núi hái lan Tai trâu
Theo lời ông Ma Bren, trưởng buôn Ma Đao, ba năm trước, người người ở buôn của ông ban ngày bỏ việc để lên rừng tìm lan. Người ta không chỉ đi những núi gần ở Cà Lúi, mà còn đến những dãy như Cà Te, Thuôn K’Nhe, suối K’Rai… nằm giáp tỉnh Gia Lai. Nơi càng có độ ẩm cao, cây cổ thụ nhiều thì lan Tai trâu càng nhiều. Hồi đó, một người một ngày có thể kiếm được trên dưới 10kg lan, đem về bán cho một chủ thu mua tại buôn với giá 30.000 đồng/kg. Nhiều người “trúng” đến mức phải xâu từng chuỗi lan lại, chặt cây rừng gánh về buôn. Anh Nguyễn Ngọc Sơn ở buôn Ma Lúa, người thường thu mua lan Tai trâu của người dân ở Ma Đao, Ma Lúa cho biết: Ba năm trước, một ngày có khi người ta bán cho tôi vài tạ lan tai trâu. Những người như Ma Tí, Ma Nhon, Ma Noen, Oi Dam… thường mỗi ngày kiếm được từ 10 đến vài chục ký. Nhưng hai năm nay, lượng lan tai trâu được người dân đem về đây bán ít lắm, có thể nói là hiếm, giá cũng tăng, khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Bây giờ, có ai dưới xuôi đặt thì họ mới cất công đi tìm, vì phải đi rừng rất xa.
Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi Kpá Y Vương cho biết, vì lan Tai trâu cho người dân ở những buôn làng khó khăn một nguồn thu nhập đáng kể vào dịp tết nên chúng tôi dù có tuyên truyền, ngăn cấm cũng không hiệu quả được. Xã cũng nhiều lần yêu cầu bà con không nên chặt tận gốc rễ lan Tai trâu để chúng còn đẻ lại cây con, song nhiều người vẫn chặt tận gốc rễ vì muốn tăng thêm trọng lượng lan khi cân bán… “Bây giờ thì lan Tai trâu hiếm rồi, nên phong trào lên núi hái lan cũng chìm dần, ở Ma Đao cũng chỉ vài người đi rừng thường xuyên mới kiếm được loại lan này” – ông Kpá Y Vương nói vậy.
Hương sắc vẹn toàn Theo giới sành lan, phong lan Tai trâu có tên khoa học là Rhynchostylis Gigantea, còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau: lan Ngọc điểm, lan Nghinh xuân, lan Lưỡi bò, lan Me. Loài lan này thường ở cao độ thấp, nhưng ở vùng nóng thì xuất hiện nhiều hơn. Không như cái tên hơi… xấu xí, hoa phong lan Tai trâu có màu trắng, trên cánh hoa điểm lấm tấm những chấm tím, vừa mang vẻ đẹp hoang dại của rừng, vừa có nét kiêu sa độc đáo. Mỗi cây lan Tai trâu thường có hai vòi hoa, nhưng cũng có cây có 3-4 vòi, mỗi vòi dài khoảng 15-30cm, dày đặc hoa. Lan Tai trâu còn cho mùi thơm rất lạ - một ưu điểm mà những loài lan ngoại phải ganh tị. Mỗi năm, lan Tai trâu chỉ nở một lần vào dịp đầu xuân. Người ta nói lan Tai trâu là một loài lan “hương sắc vẹn toàn”! Theo ông Kpá Y Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, những người địa phương cho rằng sở dĩ có tên gọi lan Tai trâu là bởi lá của loài phong lan này to, dài như cái tai con trâu. “Hơn nữa, đồng bào mình cứ thứ gì to, mạnh thì gọi là “trâu”, như trái sim trâu, mạnh như trâu…” – ông nói. Ông cũng cho biết, lan Tai trâu là loài dễ trồng, chỉ cần cột vào thân cây nào đó hoặc cho vô chậu, bỏ vài viên than củi, thêm ít cây mục, giữ ẩm tốt, treo ở nơi có ánh sáng xiên là phát triển tốt.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG