Thứ Tư, 02/10/2024 21:22 CH
Dòng sông huyền thoại
Thứ Hai, 26/01/2009 11:00 SA

Truyền thuyết của người Chăm đã tôn vinh sông Ba là dòng sông “anh cả” ngay từ khi “Trời cho ra đời”. Dù trải qua bao biến động của thời gian, dòng sông huyền thoại này vẫn luôn luôn mới, ngay cả với những người suốt đời gắn bó với phù sa, sông nước của dòng chảy dài nhất miền Trung.

 

DẤU TÍCH HUYỀN THOẠI

 

Cuối năm, tôi ngược lên miền Tây tìm nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng - nơi ông đang dốc hết tâm lực cho nền văn hóa Chăm. Câu chuyện của chúng tôi xung quanh dòng sông đã gắn liền với cuộc đời của hàng triệu con người thuộc nhiều dân tộc khác nhau, trải dài từ Tây nguyên đến đồng bằng vùng Nam Trung bộ. Dưới chân một dãy núi ở Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng chỉ dòng sông Ba ngoằn ngoèo uốn lượn vượt qua những rặng rừng xanh rì, nói rằng: “Dòng sông này mang theo mình một kho tàng huyền thoại, mỗi khúc sông gắn liền với một huyền thoại riêng. Lần nào tôi đi tìm những nét văn hóa về sông này, tôi cũng đều bắt gặp những điều mới mẻ”. Ông Ka Sô Liễng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chuyến đi điền dã, tìm hiểu về nền văn hóa người Chăm, trong đó có dòng sông Ba và ông vừa trở về sau một chuyến đi như thế.

 

Tren-song-Ba.gif

Những cánh buồm lộng gió sông Ba - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng nói rằng càng ngược dòng sông Ba càng có nhiều điều bí ẩn về dòng sông này. Người Chăm ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên - nơi sông Ba chảy qua - có rất nhiều truyền thuyết gắn liền với dòng sông này, từ việc ra đời cho đến những đặc điểm, dấu tích của dòng sông. Người Chăm ở Phú Yên kể rằng, theo phân định của Trời, sông Ba là sông anh, các sông Ayun, Krông H’Năng, Krông Hinh, Ea Nho, sông Con, sông Cau, Cà Lúi… đều là sông em. Ngày nọ, Trời quy định đúng canh năm các sông bắt đầu lên đường cùng chảy theo từng khu vực để mang nước về con người, muông thú, cuộn phù sa bồi đắp ruộng đồng. Tuy nhiên, chỉ có sông Ba thực hiện đúng giờ, các sông còn lại nóng vội chảy trước nên Trời nổi giận và buộc tất cả các sông phải nhập vào sông Ba. Chính vì thế, dù uống nước ở sông suối nào, bao giờ người Chăm ở Phú Yên cũng nhớ ơn và tự hào về sông Ba.

 

Đứng trên rặng núi cao, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng chỉ xuống sông Ba đoạn phía trên lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ - nơi lòng sông rất nông, hẹp, mùa khô có thể lội qua bên kia bờ sông Hinh - nói rằng người Chăm bảo đó là nơi trước kia Chơ Rấk - một người có sức mạnh phi thường ở nước Hỏa Xá - đã vùi lấp đất đá để bắt cá. Ngày xưa, tôm cá còn dày đặc trên sông Ba. Ngày nọ, Chơ Rấk - có nghĩa là ông khỏe - đã vác những tảng đá lớn từ Phước Tân (Sơn Hòa) đến, lấp dòng sông Ba để đơm đó bắt cá. Sau khi bắt được nhiều cá, Chơ Rấk lại vác ba tảng đá to chụm lại để làm bếp nướng cá. Theo thời gian, những tảng đá to ngày xưa giờ đã biến thành núi, một ngọn nằm ở đoạn hợp lưu giữa hai sông Cà Lúi và sông Ba, một ngọn ở Phước Tân, ngọn còn lại ngày nay ở huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai; cư dân các địa phương này gọi chung là núi Taoking Chơ Rấk.

 

Già làng Oi Nhót, ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) nói rằng cư dân các buôn làng ở phía đông Tây nguyên, thuộc lưu vực sông Ba có thể kể từ ngày này sang ngày khác vẫn không hết những truyền thuyết về dòng sông đã cho họ nước uống hàng ngày này. Mùa xuân, khắp các buôn làng rộn ràng tiếng cồng chiêng. Ban đêm, bên ánh lửa hồng trong các ngôi nhà sàn, các già làng kể cho con cháu nghe những huyền thoại về chiếc gươm thần trên Ea Ba (tên khác của sông Ba), chuyện hai con rắn thần, chuyện về con rồng lửa một thời vẫy vùng từ thượng nguồn đến hạ lưu của dòng sông… Những huyền thoại này như có phép lạ với dân làng và họ đều tin rằng nó có thật bởi mỗi câu chuyện đều gắn với những đoạn chảy, bến nước, dãy núi ven sông...

 

Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng trầm tư: “Sông Ba đã vượt lên sứ mệnh của một dòng sông thông thường, nó đã thực sự trở thành một dòng chảy văn hóa. Dòng sông này mang trên mình cả một nền văn hóa mà không biết bao giờ chúng ta mới khám phá hết”.

 

BỪNG SÁNG DÒNG CHẢY HÔM NAY

 

Trở về sau một chuyến khảo sát sông Ba, Giáo sư - tiến sĩ Ngô Đình Tuấn - ở Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiềm năng dòng sông này- lại thốt lên: “Hiếm có dòng sông nào có tiềm năng đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực như sông Ba!”. Hiện nay, sông Ba đã được đưa vào qui hoạch một trong năm con sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước. Ông Ka Sô Liễng tự hào chỉ nơi Chơ Rấk lấp đất đá để bắt cá ngày xưa giờ đã hình thành nhà máy thủy điện lớn nhất trong chín bậc thang của hệ thống thủy điện trên sông Ba - thủy điện Sông Ba Hạ. Đây là nhà máy thủy điện thứ tư được xây dựng trên sông Ba, cùng với các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Ajun Pa, Krông H’Năng. Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đã báo tin vui: Trong năm nay, Sông Ba Hạ tiếp tục bừng sáng để trở thành nhà máy thủy điện thứ ba trên sông Ba hòa vào lưới điện quốc gia. Và tương lai không xa, những nhà máy thủy điện tiếp theo trên sông Ba sẽ được xây dựng. 

 

Giáo sư Ngô Đình Tuấn khẳng định: “Hiếm có dòng sông nào có thể tạo ra được một hệ thống thủy lợi dày đặc và thuận tiện như sông Ba. Cùng với bàn tay xây dựng của con người, sông Ba đã tạo ra hàng vạn hồ chứa, kênh mương, đập dâng, đường giao thông… phục vụ cho cuộc sống của hàng triệu cư dân trong một lưu vực rộng lớn. Song con người chỉ mới khai thác một phần nhỏ trong tiềm năng mênh mông của dòng sông này”. Cũng theo giáo sư Tuấn, trên sông Ba có thể xây dựng nhiều công trình tương tự như đập Đồng Cam, hay nhiều hồ chứa khác như Ayun Hạ, hồ Sông Hinh… Vị giáo sư này nói rằng bình quân mỗi cư dân trong lưu vực sông Ba đã được hưởng một lượng nước gấp hai lần so với nguồn nước nội địa bình quân đầu người trong cả nước. Có lẽ, nhờ thế mà cuộc sống của dân cư ven dòng sông này quanh năm luôn xanh mát.

 

Nắng vàng chiều cuối năm, mỗi đoạn sông Ba uốn lượn, len lỏi giữa những rặng núi, làng mạc, phong cảnh đẹp hơn những bức tranh. Hình như văng vẳng đâu đây:

 

Nước sông Ba chảy qua Thạnh Hội

 

Lỡ thương nhau rồi nỡ vội đi đâu

 

Để cho thác Thá u sầu

 

Hòn Ngang, dốc Võng đâu đâu cũng buồn.

 

 

Số liệu của các nhà nghiên cứu ghi rằng, bắt nguồn từ độ cao 1.549 mét ở dãy núi Ngọc Rô thuộc tây bắc tỉnh Kon Tum, chảy dài 374 km, mở ra một lưu vực rộng đến hơn 13.900 km2, sông Ba đã tạo nên một nền văn hóa rộng lớn, hết sức phong phú và hiếm có dòng sông nào có tiềm năng kinh tế đa dạng như sông Ba.

 

 TẤN LỘC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Saint Petersburg – nơi mùa thu vĩnh cửu
Thứ Sáu, 30/01/2009 19:00 CH
Lên rừng săn dơi
Chủ Nhật, 11/01/2009 14:00 CH
Mai này còn tiếng cuốc kêu?
Thứ Tư, 24/12/2008 18:30 CH
Ra biển ngày gió mùa
Thứ Tư, 10/12/2008 07:30 SA
Xé gió, vượt sóng cứu nạn trong đêm
Thứ Sáu, 05/12/2008 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek