Thứ Năm, 28/11/2024 21:39 CH
Người Phú Yên ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt
Chủ Nhật, 23/07/2023 11:00 SA

Xóa dần những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, người Việt Nam nói chung, người Phú Yên nói riêng ở nước ngoài đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì tiếng Việt và phong tục, tập quán của quê hương. Với họ, gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam là cách để gắn kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài với quê hương, qua đó thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, luôn hướng về Tổ quốc thân yêu.

 

Gia đình anh Lê Vũ Kiên (ở Mỹ) vẫn giữ phong tục của người Việt cúng thôi nôi cho cháu gái tròn 1 tuổi. Ảnh: CTV

 

Tiếng Việt là cội rễ dân tộc

 

Với mỗi người con Việt Nam dù ở nơi đâu, tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ luôn được xem là sợi dây gắn kết với quê hương. Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết giữa cộng đồng người Việt trên khắp thế giới cũng như giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương.

 

Với quan điểm đó, nhiều gia đình người Phú Yên đang sống ở nước ngoài mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã nỗ lực dạy con nói tiếng Việt. Anh Lê Vũ Kiên, quê huyện Phú Hòa theo gia đình sang Mỹ định cư từ khi còn nhỏ. Mặc dù sống ở nước ngoài, ảnh hưởng văn hóa của nước sở tại, nhưng anh Kiên và gia đình vẫn giữ được hồn Việt. Cho rằng tiếng Việt là cội rễ dân tộc, người Việt phải nói được tiếng Việt, hằng ngày, anh và các thành viên trong gia đình đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt để tạo môi trường cho các con giao tiếp. Vì ở tiểu bang anh Kiên sống không có trường dạy chương trình tiếng Việt nên vợ chồng anh tự nghiên cứu qua internet, dạy các con nói và viết tiếng Việt. Ngoài ra, anh thường xuyên mở các chương trình tiếng Việt cho các con xem.

 

Anh Kiên chia sẻ: “Thuận lợi của gia đình tôi là ông bà, cha mẹ, cô bác đều là người Việt nên các con có môi trường để giao tiếp tiếng Việt thường xuyên. Các bữa ăn hàng ngày của gia đình cũng đều nấu theo cách truyền thống của người Việt”.

 

Gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung, quê TP Tuy Hòa, đang sinh sống ở TP Bruxelles, vương quốc Bỉ. Vợ chồng chị Nhung đều sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, gặp nhau khi du học tại Pháp hơn 10 năm trước, nên cả hai mong muốn sẽ duy trì văn hóa và nếp sống của người Việt cho hai con trai.

 

Chị Nhung tâm sự: “Ở nhà, vợ chồng tôi luôn duy trì nói tiếng Việt với hai con. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên gọi điện về Việt Nam cho các con nói chuyện với ông bà, họ hàng. Vậy nên, các con có môi trường thực hành, nghe nói tiếng Việt hàng ngày. Từ việc xưng hô theo cấp bậc ngôi thứ ở Việt Nam, dạ thưa trong giao tiếp với người lớn, các cháu đều được vợ chồng tôi chỉ dạy. Bên cạnh đó, để phát triển thêm ngôn ngữ tiếng Việt cho các con, từ nhỏ, tôi cho các bé nghe nhạc thiếu nhi, thơ, đồng dao bằng tiếng Việt. Con trai lớn của tôi đang học lớp 1, ngoài học đọc, viết tiếng Pháp và Hà Lan, 2 ngôn ngữ chính ở Bỉ, cháu được tôi chỉ thêm cách đọc, viết tiếng Việt”.

 

Ngoài ra, mỗi khi đến tết cổ truyền Việt Nam, cả nhà chị Nhung cùng một số gia đình người Việt Nam ở Bỉ tề tựu cùng nhau gói bánh chưng. Mỗi năm, Tổng hội Người Việt Nam tại Bỉ đều tổ chức gặp mặt vào các dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu và hầu như dịp nào, gia đình chị Nhung cũng tham gia. Người lớn gặp nhau chúc mừng năm mới; các cháu thiếu nhi mặc áo dài truyền thống, chúc tết và nhận lì xì.

 

“Cũng như ở Việt Nam, tết Trung thu tại Bỉ có múa lân, rước đèn lồng và phá cỗ, nên trẻ em rất thích thú, còn bậc cha mẹ như chúng tôi như được tìm về với tuổi thơ, nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương”, chị Nhung bộc bạch.

 

Sống ở Bỉ nhưng gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung vẫn giữ phong tục của người Việt gói bánh chưng vào dịp tết Nguyên đán. Ảnh: CTV

 

Hòa nhập nhưng không hòa tan

 

Không chỉ nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ, các gia đình người Phú Yên ở nước ngoài còn đặc biệt coi trọng giữ gìn và duy trì nền nếp gia phong, phong tục tập quán, uốn nắn con cái theo truyền thống và văn hóa Việt Nam. Qua Đức định cư 33 năm, nhưng ông Trần Hữu Huynh, quê TX Đông Hòa vẫn luôn gìn giữ văn hóa của người Việt. Mâm cơm hàng ngày của gia đình ông rất thuần Việt với các món ăn được nấu theo kiểu Việt, từ cơm, xôi, phở, bún, bánh tráng, bánh xèo… Mỗi khi có dịp, ông đưa các con về Việt Nam để thăm quê, gặp gỡ họ hàng. Mới đây, đám cưới con gái của ông được tổ chức tại Đức, đan xen hài hòa hai nét văn hóa Đông - Tây với các phong tục chính và nghi lễ truyền thống cơ bản như ở Việt Nam, có lễ ăn hỏi, lễ đón dâu, cô dâu mặc áo dài truyền thống…

 

Ông Huynh cho biết: “Vì áp lực mưu sinh, lập nghiệp nên nhiều người Việt Nam ở nước ngoài không còn coi trọng việc giữ truyền thống văn hóa dân tộc, duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo. Xu hướng này ngày càng tăng lên sẽ tạo ra nguy cơ mai một văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở con cháu cùng với nỗ lực hòa nhập cộng đồng sở tại để học tập, làm việc thì cần phải gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt bởi “văn hóa còn, tiếng Việt còn, là dân tộc còn”, làm gì cũng phải tự hào vì mình là người Việt Nam”.

 

Đã 4 năm, chị Lương Thủy Phương Hiền (quê TP Tuy Hòa) lấy chồng và sang Hà Lan định cư. Theo chị Hiền, cộng đồng người Việt ở Tây Âu rất ít; thêm vào đó, văn hóa giữa phương Tây và phương Đông có nhiều khác biệt nên để duy trì, gìn giữ phong tục tập quán, bản sắc văn hóa Việt ở thế hệ thứ 2, 3, nhất là với những gia đình có chồng hoặc vợ là người nước ngoài thật sự là thử thách lớn. Song, người Việt ở nước ngoài ngày càng có dân trí cao, tiếp cận công nghệ, thích nghi nhanh, sẵn sàng tranh luận, góp phần thay đổi suy nghĩ của người bạn đời ngoại quốc.

 

Chị Hiền cho hay: “Người phương Tây không có quan niệm hiếu thuận. Với họ, con cái qua 18 tuổi được cư xử như người lớn, phải tự lập trong cuộc sống và con cái không có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi về già. Trong khi đó, người phương Đông rất coi trọng hiếu thuận, thường hướng về gia đình. Qua rất nhiều lần tranh luận, giải thích, tôi đã phần nào thay đổi được suy nghĩ, cách nhìn nhận của chồng tôi về vấn đề này. Bạn bè người Việt của tôi lấy chồng ngoại quốc cũng đã tạo ảnh hưởng, thay đổi suy nghĩ của người bạn đời. Thay vì thời gian nghỉ đi nghỉ dưỡng nơi này nơi kia trên thế giới, họ quyết định về Việt Nam nhiều hơn để thăm gia đình, kết hợp du lịch tìm hiểu văn hóa Việt”. 

 

Sống xa quê hương nên vợ chồng tôi mong muốn các con hướng về cội nguồn và gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt và cảm nhận được mình thực sự là người Việt Nam.

 

Chị Nguyễn Hồng Nhung, Việt kiều Bỉ

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek