Thứ Năm, 28/11/2024 08:34 SA
Về ATK - Thủ đô kháng chiến, “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Hai, 28/07/2008 07:32 SA

VỀ THÁI NGUYÊN THĂM ATK

 

Đoàn cán bộ hưu trí tỉnh Phú Yên đang nghỉ dưỡng tại nhà nghỉ TW Đại Lãi (tỉnh Vĩnh Phú) về thăm tỉnh Thái Nguyên theo lời mời của Tỉnh ủy vào một ngày cuối xuân 2008. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là sự đón tiếp chân tình, trọng thị của những người bạn Thái Nguyên dành cho đoàn. Trong tình cảm thắm thiết, đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đã giới thiệu tóm tắt tình hình kinh tế, xã hội, sự khởi sắc, vươn lên của tỉnh nhà trong thời gian gần đây. Dù rất tóm tắt, nhưng cả đoàn Phú Yên cũng hiểu được tỉnh bạn Thái Nguyên có những thế mạnh kinh tế đang được phát huy tích cực và đúng hướng: Sản xuất gang thép đạt gần một triệu tấn/năm; Cụm cơ khí Sông Công sản xuất, cung cấp hàng ngàn máy công cụ, hàng vạn động cơ điện cho cả nước; chè Tân Cương, đặc sản độc đáo của Thái Nguyên dù sản lượng đạt cao hơn trước vẫn chưa đáp ứng kịp thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Khu du lịch Hồ Núi Cốc đang được đầu tư, nâng cao chất lượng, đón tiếp hàng vạn du khách viếng thăm… Đặc biệt, một vùng di tích cách mạng lịch sử ATK rộng lớn đang được mở ra, vừa khôi phục, vừa tôn tạo, hấp dẫn cả triệu người trong cả nước cùng bạn bè quốc tế. Tỉnh bạn đang hình thành con đường du lịch sinh thái gắn với di tích và thắng cảnh vào loại nhất nhì trong cả nước, con đường các thế hệ, người Việt Nam, đặc biệt những người vốn gắn bó với các cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc luôn cảm thấy gần gũi, thân thương.

 

htri-080728.jpg

Đoàn cán bộ hưu trí tỉnh Phú Yên thăm nhà thờ Bác Hồ tại Đèo De -ATK (Định Hóa - Thái Nguyên)

 

Từ đây, đoàn chúng tôi đi thăm ATK tình sâu, nghĩa nặng, một chuyến đi thú vị, đầy ý nghĩa.

 

ATK! Đó là an toàn khu giữa núi rừng Việt Bắc, một vùng căn cứ rộng lớn gồm các huyện: Đinh Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên; chợ Mới, chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn và Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang, nơi đây là thủ đô kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt chín năm chống thực dân Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng TW Đảng, Chính phủ bám trụ trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến. Tại đây, Bác Hồ cùng TW Đảng đã đưa ra và thực thi nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc sáng suốt, dẫn đến thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta. Còn “Thủ đô gió ngàn”, tên gọi thân thương từ một bài thơ của Tố Hữu đã nhập tâm vào mọi người.

 

“Vui sao một sáng thắng năm

Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Suối dài xanh mướt nương ngô

Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn!”

 

Đoàn thăm nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật toàn bộ vùng căn cứ ATK tại trung tâm huyện Định Hóa. Qua những hình ảnh mộc mạc, chúng tôi biết thêm cơ quan Phủ Chủ tịch ở đồi Khau Tý, nơi làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn, cơ quan Chính phủ của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Thẩm Khen, Văn phòng của quyền Trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng ở Đồng Mụa; Tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở Nà Lọm và cơ quan làm việc, nơi ở của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội như cụ Bùi Bằng Đoàn, luật sư Phan Anh, cụ Hoàng Minh Giám, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Chí Thanh… những người đã góp nhiều công sức, trí tuệ vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tất cả đều đơn sơ nhưng đều toát lên dáng uy nghi, lộng lẫy như từng ngôi sao lấp lánh giữa núi rừng Việt Bắc hợp thành một vùng sáng chói lọi, lan tỏa khắp bầu trời cả nước và cả nước “Hướng về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

 

Càng chiêm nghiệm, cả đoàn Phú Yên chúng tôi càng thấm thía về lời tiên đoán của Bác Hồ hơn nửa thế kỷ trước được khắc thành dòng chữ vàng tại Bảo tàng “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi” với tiêu chí lựa chọn ATK của Người là: “Tiến khả dĩ công. Thoái khả dĩ thủ”, và:

 

“Trên có núi

Dưới có sông

Có đất là trồng

Có bãi là vui

Tiện đường sang tổng bộ

Thuận lối tới trung ương

Nhà thoáng, ráo, kín mát

Gần dân không gần đường”.

 

Tất cả chúng tôi đều vô cùng xúc động nghe cô thuyết minh người dân tộc Tày kể lại, tại nơi đây, TW Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bác Hồ đã khởi xướng các chiến dịch lớn và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường chỉ huy các chiến dịch: Việt Bắc, Hòa Bình, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Biên Giới, Tây Bắc và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là nơi tiễn đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi dự Hội nghị Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Các hoạt động ngoại giao quan trọng diễn ra trong thời kỳ này là: Bác Hồ gặp đại diện Cao ủy Pháp PônMuýt tại Thái Nguyên, đón tiếp đồng chí Lêôphighe (Léofigueres) - đại diện Đảng Cộng sản Pháp, Hoàng thân chủ tịch Lào XuPhaNuVông, nhà làm phim Xô Viết RôMan CacMen sang xây dựng bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”… Trong cảnh “Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng” vô vàn thiếu thốn, gian khổ, mà thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn toát lên vị thế vững vàng, dáng đứng hiên ngang của một nhà nước non trẻ đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng, trường kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc như một mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam.

 

Dẫu không còn dồi dào sức khỏe, nhưng cả đoàn chúng tôi cùng nắm tay nhau trèo lên sườn núi thăm láng Tỉn Keo, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị hoạch định chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhìn hình ảnh Người và Bộ Chính trị đang chăm chú theo dõi báo cáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bàn tay xòe ra rồi nắm lại thành quả đấm đầy tự tin về sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam anh hùng quyết đánh và quyết thắng. Chúng tôi nghĩ: Tư thế ung dung tự tại của Bác Hồ thể hiện một ý chí, một lời hịch của núi sông mà không một trở lực nào có thể ngăn cản nổi.

 

Đối chiếu với hình ảnh tập trận đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở xã Phủ Đình tại nhà trưng bày Định Hóa, chúng tôi càng khâm phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam về công tác chuẩn bị công phu cho một chiến dịch lớn.Từ lán Tỉn Keo, chúng tôi đi ôtô và tiếp tục trèo lên lán Khuôn Tát, nơi ở, làm việc của Bác Hồ. Chính tại nơi đây, Bác thay mặt TW, chỉ định bộ chỉ huy chiến dịch, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Tư lệnh và Bí thư Đảng ủy mặt trận; thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng mặt trận; đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam làm Chủ nhiệm chính trị mặt trận và đồng chí Đặng Kim Giang, Phó Chủ nhiệm Hội đồng cung cấp (Hậu cần) làm Chủ nhiệm cung cấp mặt trận. Bác căn dặn Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác lại nhắc Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng như mọi người đã biết.

 

NHÀ TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ Ở ĐÈO DE

 

htri1-080728.jpg
Hai đồng chí Nguyễn Tường Thuật (phải) và  Nguyễn Văn Trúc gióng chuông tại nhà tưởng niệm
Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2005 nhân dịp Bác tròn 115 tuổi với sự đóng góp của thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích 16.000m2, tọa lạc trên đỉnh Đèo De, dựa lưng vào núi Hồng nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo – Nà Lọm, xa xa là thác nước bảy tầng Khuôn Tát, nơi ở làm việc của Bác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đây đi đến khu di tích lịch sử Tân Trào tỉnh Tuyên Quang chỉ 4km đường ôtô, luồn qua các khu rừng rậm của ATK nên thơ mà hùng vĩ.

 

Đèo De nằm trong cụm quần thể di tích cách mạng huyện Định Hóa, nơi đặt cơ quan Phủ Chủ tịch trong cuộc kháng chiến chín năm, thì ngày nay là nơi hội tụ, thăm viếng của đồng bào các dân tộc trong vùng và du khách bốn phương. Tầng thấp nhà tưởng niệm cao 115 bậc đánh dấu ngày khánh thành vào dịp Bác Hồ 115 tuổi, tầng trên cao 79 mét tượng trưng 79 mùa xuân Bác sống cùng dân tộc, mỗi bậc trồng 2 cây vạn tuế, giữa dốc cách hai dãy bậc là nhà nghỉ chân cho du khách đi bộ. Nhà tưởng niệm có đại sảnh uy nghi, rộng thoáng, bên trong 3 gian, chính giữa đặt tượng Bác được đúc bằng đồng cao 99cm do các nghệ nhân làng Ngũ Xá, Hà Nội chế tác. Nơi cao nhất đặt bức hoành phi “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Đối diện là bức đại tự “Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi”, bệ thờ làm bằng gỗ gụ dài 5,09 mét, rộng 4,07 mét, cao 0,89 mét, khắc nổi câu nói bất hủ của Người:

 

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

Và câu đối của giáo sư Vũ Khiêu:

“Thâu hết tinh hoa kim cổ lại

Xây cao văn hiến nước non này”.

 

Các câu đối, hoành phi đều làm bằng gỗ dổi, sơn son, thiếp vàng, tạo sự kính cẩn, tôn nghiêm cùng với trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ, khiến cho nhà tưởng niệm Bác “Cao mà không xa” (lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) với nhân dân trong vùng cùng bạn bè du khách bốn phương về đây kính viếng Người. Phần còn lại của nhà tưởng niệm là hình ảnh thân phụ Bác, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và thân mẫu Bác, cụ Hoàng Thị Loan. Phía trước về bên phải là gác chuông với chiếc chuông đồng nặng 1.250kg từng hồi gióng lên mỗi khi có đoàn khách đến viếng. Theo số liệu thống kê được, chỉ trong vòng hơn một năm sau khi nhà tưởng niệm khánh thành, từ 19/5/2005 đến 19/12/2006, đã đón hơn triệu du khách, và từ đó đến nay số du khách mỗi ngày một đông thêm.

 

Đến thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Đèo De, thưởng thức điệu hát then của đội văn nghệ Tỉn Keo, xem phường rối Thẩm Rộc diễn lại những tuồng tích thuở xưa khai sơn, phá thạch, càng thấy ATK hình thành trong nửa đầu thế kỷ XX thêm nhiều ý nghĩa, càng thấy sự gắn kết lịch sử của dân tộc Việt Nam.

 

Theo truyền thống, cứ độ 10, 11 Tết âm lịch, dân từ 24 xã trong cả huyện Định Hóa và lân cận tập trung về Đèo De, bên cạnh nhà tưởng niệm Bác Hồ tưng bừng, mở hội lôồng tôồng (xuống đường) cúng tạ ơn thần linh, cầu mùa, cầu trời mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Các cô sơn nữ áo thêu bảy sắc cầu vồng đi lễ hội, cùng nhau hát giao duyên, tung còn, kéo co, múa sư tử… có khi kéo dài đến hai, ba ngày đêm thu hút hàng vạn người tham gia. Lễ hội lôồng tôồng là lễ hội lớn nhất vùng Việt Bắc với nhiều dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chỉ, H’Mông… cùng tham dự, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo trong vùng.

 

Đời sống bà con trong vùng Việt Bắc chưa thật giàu có nhưng cũng không còn đói khổ. Quan trọng nhất là Đảng bộ Thái Nguyên cũng như Đảng bộ các địa phương khác trong vùng Việt Bắc đang có quyết tâm lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm gắn với mở mang du lịch, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc không ngừng, làm cho vùng ATK, căn cứ cách mạng, thủ đô kháng chiến, “Thủ đô gió ngàn” có sức thu hút nhân dân, bạn bè cả nước và quốc tế ngày càng nhiều hơn và sâu rộng hơn.

 

Về “Thủ đô gió ngàn” hôm nay, người mới đến lần đầu luôn có cảm giác bất ngờ, thú vị, người đã từng đến đôi lần cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng về tốc độ, quy mô của quá trình tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng và văn hóa trong vùng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong muốn di tích này được TW quan tâm nhiều hơn, đầu tư tập trung, đồng bộ hơn; có thể đề ra cơ chế cho cả nước góp công, góp sức cùng tham gia, để ATK Việt Bắc bừng sáng, lan tỏa mạnh mẽ hơn như chính nó đã có vai trò to lớn của thời kỳ kháng chiến chín năm đã đi vào lịch sử trước đây.

 

*       *

*

Tôi xin mượn con đường nhựa mới mở từ xã Điềm Mặc, vượt Đèo De băng qua khu di tích lịch sử Tân Trào tỉnh Tuyên Quang với nguồn điện thắp sáng lung linh hoành tráng, người người đi lại tấp nập, đông vui cùng những chàng trai, cô gái các dân tộc khắp mỗi bản làng đang hăng say lao động xây dựng quê hương và múa hát vào mỗi dịp lễ hội làm hình ảnh sống động, để cầu chúc cho sự đổi thay to lớn đang và sẽ diễn ra trên toàn bộ vùng ATK – “Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn”.

 

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vi tính... về buôn
Thứ Bảy, 26/07/2008 07:01 SA
Sắt son một lọn tóc thề
Thứ Sáu, 25/07/2008 07:57 SA
Nơi bảy dân tộc anh em chung sống
Thứ Tư, 23/07/2008 07:33 SA
Kỳ II: Quán Trang: “Bảy ngày ba trận”
Thứ Ba, 15/07/2008 07:28 SA
Trên dòng sông Ngân Sơn
Thứ Sáu, 11/07/2008 11:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek