Thứ Năm, 03/10/2024 09:47 SA
Nơi bảy dân tộc anh em chung sống
Thứ Tư, 23/07/2008 07:33 SA

Khoảng 150 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu là người của 7 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Chăm H’roi, Ba Na, Ê Đê và Mán đang sinh sống tại thôn Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa). Những sắc màu văn hóa, lối sống, tập quán của từng dân tộc đã hòa quyện vào nhau tạo nên một cuộc sống khá độc đáo của vùng đất từng là “khu kinh tế mới” này.

 

thang1-080723.jpg
Vợ chồng Nguyễn Quốc Thắng - Vi Thị Danh trong ngôi nhà mới xây

 

ĂN ĐÁM NHÀ MỚI CỦA NGƯỜI TÀY

 

Tôi tình cờ được mời đi ăn đám về nhà mới của anh Nguyễn Công Nghiêm, một người Tày gốc Lạng Sơn, di cư vào rồi định cư tại Lạc Đạo từ năm 1991 đến giờ. Anh Nghiêm vừa mới xây xong một ngôi nhà rộng rãi, có gác lửng, trị giá hơn 200 triệu đồng. Nghiêm bảo, đó là số vốn vợ chồng anh dành dụm được kể từ khi vào vùng đất mới này lập nghiệp. Đến ăn mừng nhà mới của anh Nghiêm có gần đủ người dân thôn Lạc Đạo! Anh Nguyễn Văn Công, cán bộ của Trạm sử dụng nước sau Thủy điện Sông Hinh (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam), trụ sở tại thôn Lạc Đạo, cho chúng tôi biết: “Ở đất này là vậy. Hễ nhà nào làm đám tiệc gì thì hầu như cả làng đều được mời đến dự như bà con ruột rà. Người ta nghỉ lên nương lên rẫy để cùng đến chia vui”.

 

Đám nhà mới của anh Nguyễn Công Nghiêm, chỉ khách mời không thôi đã dọn 30 mâm, “còn trong gia đình, bạn thân thì chơi với nhau hai ngày rưỡi”. Anh Nghiêm cho hay, một năm dân Tày ăn đến 8 lễ, tết khác nhau và hầu hết đều “hoành tráng”, theo đúng phong tục, như tết cúng nương rẫy 16 tháng tư âm lịch, tết rằm 14 tháng bảy, tết mùng 10 tháng mười... Lễ về nhà mới của anh Nghiêm cũng khác so với người Kinh. Ngoài phần lo lắng của chủ nhà, ba người anh em ruột của anh mỗi người mang đến một con heo quay, những người thân thuộc góp can rượu trắng. Mẹ của anh Nghiêm từ Lạng Sơn cũng vào chung vui với con, bởi theo bà “phong tục của chúng tôi là con về nhà mới, cha mẹ buộc phải đến để mừng cho chúng có nơi an cư”. Bởi vậy, dù xa cả ngàn cây số, bà cụ hơn 70 tuổi, đầu chít khăn vuông đen vẫn đón xe đò vào vui vầy cùng con cháu...

 

Những món ăn đặc trưng của dân tộc Tày cũng đã được chế biến để đãi khách, gồm có những bạn bè là người Kinh, người Nùng, cả già làng người Ba Na thưởng thức. Anh Nguyễn Công Sang, một người Tày ở Lạc Đạo, cho tôi biết dân tộc anh thường cúng heo quay và gà trống. Nhưng anh giới thiệu một món ăn mà tôi chưa nghe bao giờ: món “khổ nhục”, nghĩa là “thịt khổ”. “Phải chọn những miếng thịt thật tươi, nạc nhiều hơn mỡ, đem luộc sơ rồi nướng nhẹ. Tiếp đó, phải dùng tăm tre vót nhọn xăm kỹ miếng thịt, đưa vào ướp thêm gia vị rồi chiên với khoai môn sọ” – vừa gắp cho tôi một miếng “khổ nhục”, anh Sang vừa giới thiệu.

 

VĂN HÓA GIAO THOA

 

Cùng ăn đám nhà mới của anh Nghiêm, già làng Y Chương – người Ba Na, nói: “Người Ba Na, người Ê Đê sống khép kín hơn người Kinh, người Tày, nhưng tất cả đều là người trong thôn, là hàng xóm của nhau cả. Mỗi khi có hội hè đều vui chung”.

 

Ông Lê Thanh Đoạt, trưởng thôn Lạc Đạo, thổ lộ: “Trong những ngày hội đại đoàn kết hàng năm hoặc một số chương trình văn nghệ, các dân tộc ở Lạc Đạo cùng nhau biểu diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, tạo nên một tổng thể văn hóa khá đa dạng. Có những cụ người Tày, người Nùng ở đây từng đi biểu diễn văn nghệ ở huyện, ở tỉnh rồi. Tại đây, ban đêm, bạn có thể gặp những nhóm thanh niên người Kinh, người Tày, người Nùng... cùng chơi với nhau, cùng biểu diễn đàn tính, đàn then, đàn ghi ta, cùng ca cùng hát... Nếu Nhà nước hỗ trợ cho thôn xây dựng một nhà sinh hoạt văn hóa thì còn tuyệt hơn”.

 

Ở Lạc Đạo bây giờ, khá nhiều cặp vợ chồng là những người khác tộc người với nhau. Anh Nguyễn Quốc Thắng là người gốc Nha Trang, theo gia đình đến Sơn Giang (huyện Sông Hinh) lập nghiệp. Anh làm quen rồi cưới chị Vi Thị Danh là người Tày từ Lạng Sơn vào. Anh Thắng kể, ngày cưới, gia đình hai bên đã tổ chức đúng phong tục của mỗi bên: Phía trai sang nghe phía gái thách cưới, “giao nộp” đủ tiền cùng 1 con heo sống, 1 con heo quay, 1 con gà sống để rước dâu về... Chị ruột của Danh là Vi Thị Công, cùng chồng vào Lạc Đạo lập nghiệp, đã xây xong ngôi nhà bề thế ở đây, thổ lộ: “Vợ chồng chúng tôi nói chuyện tiếng Tày, nhưng nói với con thì bằng tiếng Kinh để các cháu đi học được dễ dàng hơn. Mấy cháu giờ nói rặt tiếng Phú Yên thôi”.

 

Tại Lạc Đạo có phân trường Tiểu học Sơn Thành Tây. Trưởng thôn Lê Thanh Đoạt tiếc giùm chúng tôi khi đến đây vào thời điểm giữa hè, “nếu không anh sẽ thấy trong một lớp có đủ các cháu là người của các dân tộc khác nhau cùng học tập, chụp hình chắc là hay lắm”.

 

“THAY ĐỔI ĐẾN KHÓ TIN”

 

Anh Nguyễn Văn Công đến Lạc Đạo công tác từ năm 2003. Cùng đi với chúng tôi trên con đường láng nhựa dài 4 cây số nối ĐT645 đi xuyên qua Lạc Đạo vào Nhà máy Thủy điện Sông Hinh, Công vẫn không giấu được sự ngạc nhiên khi nhìn thấy ven đường nhiều đống gạch đỏ tươi, cát, thép, xi măng... chuẩn bị xây nhà mới. “Mới 5 năm trước, khi tôi vừa đến đây, Lạc Đạo vẫn còn hoang sơ lắm. Nhà cửa thưa thớt, chỉ một hai căn nhà xây, vài ngôi nhà gỗ, còn lại toàn là nhà tạm bợ vây bằng phên cót. Vậy mà giờ đây, hầu hết cư dân nơi này đã xây dựng được nơi an cư bề thế. Thật là một sự thay đổi đến khó tin” – Công bảo.

 

Nhưng Công không phải là người thấu hiểu hết sự thay da đổi thịt của Lạc Đạo. Chủ tịch xã Sơn Thành Tây Nguyễn Văn Toản và trưởng thôn Lê Thanh Đoạt thuộc nhóm những người đầu tiên đặt chân đến Lạc Đạo. Ông Toản nói: “Tôi từ Thanh Hóa vào Sơn Thành năm 1980, vùng đất Lạc Đạo bấy giờ chỉ là rừng núi hoang vu, bạt ngàn cây cối, chỉ có một nhóm nhỏ của người Ba Na và người Chăm H’roi sống du canh du cư”. Còn ông Đoạt là một trong hai cư dân người Kinh đầu tiên ở thôn này. “Năm 1988, tôi là công nhân của Lâm trường Tháng Tám (bây giờ là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Con – PV). Đất thôn Lạc Đạo này thuộc về lâm trường. Thôn chỉ có độc đạo nhầy nhụa đất đỏ vì xe kéo gỗ ra vào. Núi rừng hoang vu đến độ khoảng 5 giờ chiều là đóng cửa, không ai dám bước ra ngoài vì rừng rú còn cọp beo”.

 

Nhưng rồi người dân ở huyện Tuy Hòa cũ và các nơi khác đổ dần về đây làm kinh tế mới. Khoảng năm 1989-1990, người Tày, người Nùng từ phía Bắc vì thiếu đất sản xuất, thời tiết khắc nghiệt đã di cư đến Lạc Đạo và chọn mảnh đất này đứng chân. Dần dà, những ngôi nhà mọc lên, đất được khai hoang vỡ hóa, được trồng trọt sản xuất... đã đem lại đời sống từ ổn định đến dần khá giả cho người dân. Khoảng giữa thập niên 1990, con đường thuộc tuyến năng lượng của Thủy điện Sông Hinh được xây dựng, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Lạc Đạo phát triển. Cộng vào đó, các chương trình 134, 135 của Chính phủ cũng hỗ trợ đáng kể về cơ sở hạ tầng, đất đai... cho cư dân trong thôn. Giở sổ quản lý của thôn, ông Lê Thanh Đoạt cho biết: “Bây giờ hộ nào ít cũng phải 1,5ha, nhiều thì 5-6ha đất sản xuất. Hai loại cây trồng chính ở đây là mì, mía; ngoài ra bà con còn chăn nuôi bò, heo khá hiệu quả. Cho đến giờ, Lạc Đạo không còn hộ đói, chỉ còn 13 hộ nghèo theo tiêu chí mới”.

 

QUỐC THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ II: Quán Trang: “Bảy ngày ba trận”
Thứ Ba, 15/07/2008 07:28 SA
Trên dòng sông Ngân Sơn
Thứ Sáu, 11/07/2008 11:04 SA
Cuộc đời thật của một huyền thoại
Thứ Tư, 09/07/2008 09:40 SA
Cuộc đời thật của một huyền thoại
Thứ Hai, 07/07/2008 07:30 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ cuối)
Thứ Năm, 03/07/2008 14:04 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek