Thứ Bảy, 30/11/2024 07:41 SA
Những người đi trong “bão” (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 28/04/2020 07:03 SA

Nhân viên y tế Khoa Hóa sinh - Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Ảnh: YÊN LAN

Đến thời điểm này, khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tiếp nhận 20 ca bệnh nghi ngờ, may mắn là kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đều âm tính. Công việc của những thầy thuốc mặc trang phục phòng hộ ở bên trong khu cách ly, bên trong phòng xét nghiệm khá đặc biệt. Những giọt mồ hôi thầm lặng dường như có vị mặn riêng.

 

KỲ CUỐI: “Nín thở” chờ kết quả xét nghiệm

 

Trấn an, động viên tinh thần bệnh nhân

 

“Đã chọn nghề, tất phải chịu nghiệp thôi

Như trước đây, rủi ro sao né được

Hát-I-Vê, cúm gà, lao kháng thuốc…

Sát Cô Vi… cũng chừng đó thôi mà!

Ráng làm sao để mai mốt dịch qua

Gặp người ta, không cúi đầu chịu nhục

Chết hiên ngang hơn xó giường chui rúc

Đứng mà đi khi đời gọi tên mình!

Chọn nghề Y, lắm lúc phải hy sinh…”

 

Người viết những vần thơ trên là BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Qua bao mùa dịch, từ HIV/AIDS đến SARS-CoV, H1N1, MERS-CoV, bác sĩ Lãm nói rằng anh đã xác định tư tưởng khi bước vào “cuộc chiến” này. “Gia đình tất nhiên lo lắng, nhưng mình làm nghề này thì phải chấp nhận thôi. Mình đã tính toán, dự liệu đến tình huống xấu nhất”, bác sĩ Lãm chia sẻ.

 

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị các trường hợp nghi mắc và mắc COVID-19, nên đã chuyển tất cả bệnh nhân ở Khoa Truyền nhiễm đến khu vực khác, dành khoa này cho khu vực cách ly, đồng thời chuẩn bị thiết bị, thuốc và các phương tiện cần thiết. “Nếu bệnh nhân đông, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Lao đến cơ sở y tế khác, lấy Khoa Lao làm khu cách ly”, BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc bệnh viện, cho biết.

 

Khoa Truyền nhiễm có 3 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 3 hộ lý, chia thành 3 ca luân phiên trực tại khu cách ly. Khi có ca bệnh nghi ngờ, bác sĩ trực sẽ khám, tư vấn, đưa vào khu cách ly. Người bệnh được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, điều trị và theo dõi diễn tiến hàng ngày. Khi sức khỏe đã ổn định, cách ly đủ thời gian, xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần đều âm tính, bệnh nhân được cho ra viện và hướng dẫn về nhà tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà 14 ngày.

 

Bác sĩ Lãm nói rằng một trong những công việc cần làm khi tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ là trấn an, động viên tinh thần bệnh nhân. “Điều này rất quan trọng. Khi lo lắng, căng thẳng, bệnh nhân dễ có những bức xúc và không kiểm soát được hành vi, như vậy sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị. Do đó phải trấn an, động viên tinh thần bệnh nhân”, bác sĩ Lãm nói.

 

Là một trong những ca bệnh nghi ngờ được điều trị, theo dõi diễn tiến sức khỏe tại khu cách ly, anh N.C.T (quê ở An Giang) cảm nhận: “Các y bác sĩ nhiệt tình, chăm sóc bệnh nhân tốt”.

 

Làm việc tại tuyến đầu, nỗi lo lớn nhất là gì? BSCKI Đặng Sỹ Trung, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, bày tỏ: “Nỗi lo lớn nhất của y bác sĩ ở đây là làm sao không để sót ca bệnh. Nếu để sót, bệnh nhân mắc COVID-19 trở về cộng đồng thì đó là tai họa, ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng cũng như gia đình bệnh nhân. Vì vậy, khi ca bệnh nghi ngờ được đưa đến khu cách ly, đội ngũ y bác sĩ ở đây phải khám kỹ, không để sót ca bệnh nào ra cộng đồng. Và chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhau mang phương tiện phòng hộ đầy đủ, thực hiện đúng hướng dẫn khi tiếp xúc với bệnh nhân để tránh nguy cơ lây nhiễm. Vì cán bộ y tế mà bị lây nhiễm thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bệnh viện, bệnh viện sẽ rất khó khăn. Đó là điều chúng tôi luôn nhắc nhở, luôn phải làm cho tốt”.

 

Theo điều dưỡng Trần Thị Nhị, công việc của điều dưỡng khi tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ là kiểm tra mạch, huyết áp, thân nhiệt bệnh nhân 2 lần mỗi ngày và thực hiện y lệnh của bác sĩ. “Chúng tôi đã được tập huấn, cứ vậy mà làm, xong công việc trong khu cách ly thì tháo phương tiện phòng hộ, sát khuẩn tay, sau đó rửa tay. Trước khi về nhà thì phải vệ sinh sạch sẽ”, chị Nhị cho biết.

 

Dù đã thực hiện theo hướng dẫn, quy trình của Bộ Y tế nhưng khi về nhà, chị Nhị vẫn giữ khoảng cách với các con. Chị giải thích với 2 cô con gái rằng mẹ làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên không thể quấn quýt với các con được. Cô con gái nhỏ cảm thấy buồn.

 

Những hôm có ca bệnh nghi ngờ mới, đang chờ kết quả xét nghiệm, chị gọi điện về nhà, nói: “Mẹ chưa biết thế nào, khi nào có kết quả âm tính thì mẹ mới về”. Vậy là cả nhà hồi hộp chờ. Không chỉ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong ca trực đó hồi hộp mà gia đình họ cũng “nín thở” chờ kết quả xét nghiệm. Nếu bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, ca trực phải ở lại bệnh viện, “theo” bệnh nhân suốt 14 ngày.

 

“Ai nấy đều mừng khi bệnh nhân có kết quả âm tính, và mình được về nhà sau khi kết thúc ca trực”, điều dưỡng Trần Vũ Hồng Nguyệt chia sẻ.

 

Những áp lực ít người biết

 

Sau khi chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, từ ngày 25/3, phòng xét nghiệm trong Khoa Hóa sinh - Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiến hành các xét nghiệm sàng lọc COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (sinh học phân tử). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Thời gian chờ kết quả được rút ngắn, song trách nhiệm và áp lực đặt lên các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Hóa sinh - Vi sinh.

 

BSCKI Nguyễn Học, Phó Trưởng Khoa Hóa sinh - Vi sinh cho biết, khi nhân viên y tế lấy mẫu dịch họng và dịch tỵ hầu, bệnh nhân bị kích thích, cảm thấy khó chịu, dễ ho, hắt hơi hoặc nôn. Lúc này, nếu bệnh nhân mắc COVID-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thời điểm nguy hiểm thứ hai là khi kỹ thuật viên mở lọ đựng mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Nếu mẫu bệnh phẩm có SARS-CoV-2, virus có thể phát tán ra bên ngoài. Cho nên kỹ thuật viên phải làm công việc này trong tủ an toàn sinh học để được bảo vệ trong trường hợp virus phát tán. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là kỹ thuật viên phải được đào tạo, tập huấn để xử lý mẫu một cách thuần thục, nếu không sẽ làm cho giọt bắn bắn ra hoặc dịch rơi vãi trong tủ, rất nguy hiểm.

 

Bác sĩ Học nói: “Dù có nguy cơ như thế nào thì tôi vẫn dặn các nhân viên rằng làm công việc này phải có y đức của người thầy thuốc. Phải lấy mẫu bệnh phẩm cho đúng, nếu lấy không đúng thì dẫn đến kết quả xét nghiệm sai, ví dụ như người đó mắc COVID-19 nhưng kết quả xét nghiệm lại âm tính, người ta trở về cộng đồng và virus sẽ lây lan trong cộng đồng. Điều đó rất nguy hiểm! Cho nên để có kết quả xét nghiệm chỉn chu là cả một quy trình, từ lấy mẫu, xử lý mẫu đến đọc kết quả. Tất cả những công việc đó đòi hỏi người làm phải có kiến thức và có tinh thần trách nhiệm cao”.

 

Khi khu cách ly tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, bác sĩ Học là người lấy mẫu bệnh phẩm. Mặc trang phục phòng hộ rồi mang kính bảo vệ mắt và kính chắn, anh nhận thấy thị lực giảm khoảng 30%, nhìn tương đối khó khăn khi lấy dịch họng. Lấy mẫu máu còn khó khăn hơn bởi phải xác định đúng mạch máu, song các kỹ thuật viên trẻ đều tinh mắt nên làm tốt việc này. Giai đoạn sau này, nhân viên y tế không còn lấy mẫu máu mà chỉ lấy dịch họng và dịch tỵ hầu để làm xét nghiệm SARS-CoV-2.

 

Bác sĩ Học chia sẻ: “Khi đi lấy mẫu, dù nửa đêm gà gáy thì cũng phải ý thức rằng công việc này rất quan trọng đối với cộng đồng nên mình phải làm cho đúng. Nếu lấy mẫu không đúng thì phải lấy lại chứ không được làm qua loa, tắc trách. Như vậy rất nguy hiểm”.

 

Điều thuận lợi là từ đầu mùa dịch đến giờ, các ca bệnh nghi ngờ đều là người trưởng thành, hợp tác tốt với thầy thuốc. Nếu người bệnh là trẻ em, chắc chắn việc lấy mẫu sẽ khó khăn hơn. Các bác sĩ, kỹ thuật viên tuân thủ đúng quy trình lấy mẫu và xử lý mẫu, kết quả xét nghiệm chính xác. Và đến thời điểm này, Phú Yên chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, cũng chưa có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra.

 

*

 

Tại lớp tập huấn về công tác điều trị, hồi sức cấp cứu và sử dụng máy thở trong phòng chống COVID-19, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc đã nói những lời gan ruột với các đồng nghiệp: “Chúng ta đã chọn nghề này. Mình không vào cuộc thì ai? Cho nên chúng ta phải chiến đấu để xứng đáng với sứ mệnh mà xã hội đã tin tưởng giao cho chúng ta, và đúng trong thời điểm mà xã hội cần chúng ta nhất”.

 

Cùng với đồng nghiệp trong cả nước, các chiến sĩ áo trắng trên quê hương Phú Yên đã làm việc không mệt mỏi, xứng đáng với sứ mệnh của họ! 

 

Tôi rất xúc động về lực lượng ở tuyến đầu phòng chống COVID-19. Toàn ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở, từ lãnh đạo cho đến bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…, từ lực lượng làm công tác dự phòng đến lực lượng làm công tác khám chữa bệnh đã dốc tổng lực phòng chống COVID-19. Các chiến sĩ áo trắng làm việc tận tâm, tận lực, tận tình, thể hiện cái tâm, cái đức của người thầy thuốc. Bất kể ngày đêm, giờ giấc, họ cùng các lực lượng khác thực hiện hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó những biện pháp về y tế là hết sức quan trọng. Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng ở tuyến đầu phòng chống COVID-19.

 

Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,

Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Phú Yên

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khám phá suối nước nóng, vực Lò
Thứ Bảy, 14/03/2020 15:00 CH
Blouse trắng
Thứ Ba, 25/02/2020 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek