Vực Lò nằm trên dòng sông Kỳ Lộ hay còn gọi là sông Cái, chảy qua địa phận xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Vực Lò là một trong hai vực sâu trên sông Kỳ Lộ. Bên bờ vực Lò có suối nước nóng Triêm Đức, một trong những suối nước nóng lộ thiên, nhiệt độ cao. Suối nước nóng, vực Lò còn có câu chuyện kỳ bí…
Vực Lò “ôm” suối nước nóng
Đến vực Lò, suối nước nóng Triêm Đức đi theo 2 đường. Đi trên tuyến đường thị trấn La Hai - Đồng Hội (xã Xuân Quang 1), đến cuối thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2) rẽ trái là vào vực Lò, đến suối nước nóng Triêm Đức. Và tuyến đường nữa là từ thị trấn La Hai đi đường vòng lên thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, rẽ qua đường Truông Sỏi mới đến xóm Gò Ổi thuộc thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2). Từ bến Gò Ổi bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) qua vực Lò đến suối nước nóng Triêm Đức.
Vực Lò còn là vực dài nhất của sông Kỳ Lộ. Từ phía trên thác Lỗ Cá xuôi theo sông Kỳ Lộ, qua khỏi Hố Sung rồi đến vực Lò. Vực Lò dài gần cây số, “ôm” suối nước nóng (dòng nước nóng chảy ra vực Lò), chảy qua bến Gò Ổi rồi đến vực Chùa.
Nói về độ sâu của vực Lò, ông Nguyễn Văn Tùng ở gần vực Lò chia sẻ: Nhà tôi ở gần vực Lò, tối thường ra sông bơi sõng câu thả lưới bắt cá. Trước đợt lũ lịch sử cuối năm 2009, tôi lặn xuống vực Lò. Lấy hơi dài lặn một hồi, từ phía trên nhìn thấy cát thôi chứ chưa thò tay đụng cát, hết hơi nên ngoi lên, về đến nhà thấy tức ngực, chảy máu lỗ tai (áp suất của nước nén). Vùng này khó có ai lặn xuống chỗ sâu nhất.
Cũng theo ông Tùng, vực Lò trước đây có nhiều cá, cá lúi, cá đá, cá mương, cá diếc, tôm sông con dài cả gang tay người lớn… Tôm cá nhiều nên tối có gần chục người bơi sõng câu thả lưới. Có người ở tận thị trấn La Hai lên đây thả lưới ngủ lại đêm trên vực Lò, mờ sáng xuôi xuống. Sau đợt lũ lịch sử dòng sông chảy qua vực Lò cạn, có chỗ ló cát. Lợi dụng nước cạn, nhiều người dùng biến thế (xung điện), tầm sát thương lớn, châm cá… Đánh bắt hủy diệt nên tôm cá thưa dần.
Sau biến cố thiên nhiên, dòng sông có nơi sâu, nơi cạn, nhưng suối nước nóng không thay đổi, ngày đêm vẫn chảy ra sông. Chỗ có cái vòi chảy ra sông là nóng nhất, luộc trứng chín. Địa hình suối nước nóng là một núi đá nhỏ, từ bên trong phun ra 3 lạch nước chảy qua tảng đá, sau đó về chung một dòng chảy đổ ra vực Lò. Suối nước nóng chảy từ xa xưa. Mùa mưa suối nước nóng bốc khói…
Ông Trương Thắng (86 tuổi) ở thôn Thạnh Đức, cho hay: “Trước đây, người dân ở trong thôn, nhà nào có trẻ nhỏ mọc ghẻ chóc thì qua suối nước nóng Triêm Đức “xin” bình đông nước về tắm trẻ nhỏ; vài lần ghẻ chóc lặn mất. Sở dĩ “xin” là vì phía trong suối có một miếu Bà, quan niệm của người dân quanh vùng là bà tạo ra cái lò nấu nước nóng. Ông bà xưa đặt tên vực Lò có cái tích kỳ bí như vậy, đó là cái lò bên sông nấu nước nóng”.
Ông Thắng còn chia sẻ, phía trong suối nước nóng nhìn từ vực Lò hướng vô chếch xuống phía tay phải có đám ruộng sình, bước chân xuống sụp lớp bùn non, chỗ này “độ nóng” vừa đủ ấm bàn chân. Người dân quanh vùng cho rằng đó là miệng lò để bà chụm củi lửa. Nhiều người hốt lớp bùn non về đắp lên da giống như tắm bùn khoáng…
Ngày lễ Tết, người dân quanh vùng đến bến Gò Ổi, bên này suối nước nóng Triêm Đức vui chơi. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Du lịch… hai thôn
Ngày lễ Tết, suối nước nóng Triêm Đức là điểm thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Du khách đến tham quan suối nước nóng thường mang theo trứng gà, trứng cút… luộc để thử “độ nóng” của dòng nước. Suối nước nóng còn rất hoang sơ, nằm cạnh bờ sông, cách xa khu dân cư… Địa hình suối nước nóng, xung quanh bán kính chỗ núi đá phun ra nước nóng 200m không có bóng cây. Phía trên là dãy núi đá sắc nhọn trải dài đến đầu vực Lò. Còn phía dưới qua khỏi núi đá nước nóng là bãi cát trắng mênh mông chạy dọc dòng sông Kỳ Lộ. Do địa hình “thiếu bóng mát” nên khách du lịch không lưu trú được lâu. Dịp lễ Tết vừa qua, nhiều người quanh vùng chọn cách đi từ thị trấn La Hai vòng lên thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, rẽ qua đường Truông Sỏi đến bến Gò Ổi, bên này suối nước nóng.
Chị Lê Thị Quy ở thôn Phước Lộc (xã Xuân Quang 3) cho rằng, đi du lịch đường vòng theo kiểu gần nhà mà xa ngõ có một cái hay, đó là bên này có bóng cây che mát bãi cát nên con cái vui chơi cả buổi được. Vừa rồi vợ chồng tôi rủ 3 gia đình mua thịt bò, gà, vịt… ra bờ sông quơ củi nhóm lửa nấu nồi lẩu, rồi chế biến món “bò ôm bếp lửa” (thịt bò xỏ lụi cắm xuống cát quanh bếp lửa), hay món “cá bơi trên lửa” (cá mương, cá lúi nguyên con kẹp gắp nướng trên lửa than). Các món này mua về nhà tẩm ướp gia vị cho thấm rồi mang ra bờ sông. “Ở nhà trẻ con thấy bếp gas, chảo chống dính, nồi áp suất, ra đây thấy củi lửa… Tôi muốn sau này con cái lớn lên nhớ lại ký ức của tuổi thơ yên bình qua những hình ảnh “củi lửa” bên bờ sông. Những món ăn không cao lương mỹ vị, nhưng đều có một câu chuyện, như sợi chỉ xuyên suốt kết nối các thế hệ gần gũi với làng quê”, chị Quy nói.
Còn anh Bùi Văn Tùng cũng ở thôn Phước Lộc, đưa gia đình đến bến Gò Ổi, phân trần: Bờ sông bên phía Gò Ổi, có chỗ cát trong bờ chòm ra tạo thành doi cát mịn màng. Trẻ con chạy nhảy, “ô, vui quá xá là vui”. Vui chơi bên này, bỏ ra 5 phút bơi sõng qua “thăm” suối nước nóng. Gọi là du lịch… hai thôn, vì bờ bên này xóm Gò Ổi thuộc thôn Phú Sơn, còn bờ bên kia suối nước nóng thuộc thôn Triêm Đức.
Ông Năm Thọ (Nguyễn Văn Thọ), người dân ở xóm Gò Ổi cho biết: Gần đây, du lịch bờ bên này “ăn theo” suối nước nóng nên rất đông người. Người dân ở đây qua UBND xã (trung tâm thôn Triêm Đức) ký giấy tờ hay nhận tiền trợ cấp người già thì bơi sõng câu qua cập bến gần suối nước nóng. Ở xóm Gò Ổi, mùa nắng giếng khô cạn, người dân ra sông gánh nước bằng đôi thùng, nhiều người ở xa đến thấy “cảnh lạ” nên dùng điện thoại chụp hình, quay phim sõng câu, thùng gánh nước…
Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, suối nước nóng Triêm Đức được thiên nhiên ban tặng có nhiệt độ lên đến 70oC, rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và nghỉ dưỡng. Thời gian qua, các chuyên gia Hungary và Việt Nam đến suối nước nóng Triêm Đức khảo sát, đưa ra nhận định, đây là nguồn tài nguyên vô giá, nếu khai thác hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch văn hóa kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái.
MẠNH HOÀI NAM