“Tuy về hưu hơn 10 năm nhưng khi cầm cọ, người họa sĩ phải tạm gác lo toan mưu sinh, tạm gác chuyện tuổi tác bản thân… để “độc thoại” cùng tác phẩm. Có như vậy, người họa sĩ mới tập trung tư duy, thể hiện những hình tượng, sắc màu cuộc sống thông qua nét cọ”, họa sĩ Đặng Thị Thọ trải lòng.
Chúng tôi đến phòng tranh cũng là nhà riêng của nữ họa sĩ Đặng Thị Thọ, ở địa chỉ 251 Nguyễn Công Trứ, phường 4, TP Tuy Hòa. Được biết, bà đã 66 tuổi, về hưu hơn 10 năm nay nhưng vẫn đam mê sáng tác và hàng ngày vẫn mải mê hướng dẫn học trò hoàn thiện từng nét vẽ, từng mảng màu, họa tiết... cho những tác phẩm đầu đời.
Duyên với nghề
Lúc chúng tôi đến, họa sĩ Đặng Thị Thọ đang bận bịu hướng dẫn hai cháu ngoại vẽ tranh. Ngừng tay cầm cọ, bà cười, cho biết vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các cháu không tập trung nên phòng tranh vắng vẻ. “Lâu nay, tôi chỉ hướng dẫn các cháu dựng hình, phác thảo bố cục, cách cảm nhận mẫu vật, cách pha màu, phối màu… chứ làm thầy thì... không dám đâu” họa sĩ Thọ khiêm tốn nói.
Bên ly cà phê hòa tan, họa sĩ Đặng Thị Thọ “bật mí” cho chúng tôi biết tại sao cha ruột của bà họ Lê mà bà lại mang họ Đặng và cơ duyên đưa bà đến với hội họa… “Tôi là con gái của cố họa sĩ Lê Sanh (quê ấp Bình An, xã Châu Thành, nay là phường 3, TP Tuy Hòa). Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Long, xã An Dân, huyện Tuy An. Gia đình đông con, lúc đó mẹ tôi lại sinh đôi 2 con gái… Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên người cậu họ là ông Đặng Huỳnh ở thôn Long Uyên, xã An Dân xin nhận tôi về làm con nuôi. Từ đó, tôi mang họ Đặng…”, họa sĩ Đặng Thị Thọ bộc bạch.
Năm 1974, Đặng Thị Thọ thi đậu vào Trường đại học Luật Khoa Sài Gòn. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Trường đại học Luật Khoa Sài Gòn giải thể nên ước mơ làm luật sư của Thọ dừng lại. Do có năng khiếu viết chữ đẹp cho nên tháng 5/1975, bà được tuyển dụng vào làm công tác văn thư ở UBND xã An Dân, sau đó chuyển lên làm văn thư ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy An.
“Thời cách mạng mới giải phóng, công tác viết khẩu hiệu để tuyên truyền chủ yếu kẻ chữ rồi tô sơn đỏ trên băng rôn làm bằng “sóng lá” (lá cây cọ). Có lẽ, do tôi viết chữ đẹp nên năm 1976, các anh chị bên Phòng VH-TT huyện Tuy An tiếp nhận về để làm văn thư và kiêm thêm việc kẻ vẽ khẩu hiệu”, họa sĩ Đặng Thị Thọ kể lại.
Năm 1978, Đặng Thị Thọ thi đậu vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường đại học Nghệ thuật Huế), học hệ trung cấp. Năm 1981, Đặng Thị Thọ tốt nghiệp và được tuyển dụng vào làm ở Phòng VH-TT TX Tuy Hòa (tỉnh Phú Khánh), nay là Phòng VH-TT TP Tuy Hòa, cho đến khi về hưu (2009).
Họa sĩ Nguyễn Quỳnh Ân và họa sĩ Lê Đức Quỳnh, nguyên giảng viên môn Mỹ thuật, Trường đại học Phú Yên, là đồng môn học cùng Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế trước họa sĩ Thọ một năm, đánh giá: “Giai đoạn 1978-1981, sinh viên nữ Phú Yên theo học ngành Mỹ thuật rất hiếm, chị Thọ là một trong số đó. Họa sĩ Thọ tính cách khiêm tốn, nhẹ nhàng trong cuộc sống nhưng trong sáng tác, chị rất đam mê… Dù về hưu nhưng chị vẫn sáng tác đều đặn, chúng tôi rất cảm kích tinh thần tận tâm với nghề của chị”.
Họa sĩ Đặng Thị Thọ đam mê qua nét cọ. Ảnh: H.H THẾ |
Đam mê với nghiệp
Họa sĩ Đặng Thị Thọ trải lòng: “Chọn hội họa là nghề và để sống được với hội họa là điều rất khó trong thời đại 4.0. Đến bây giờ ngẫm lại, tôi thấy đam mê hội họa là nghiệp chứ không chỉ là nghề nữa”. Được biết vì đam mê với nghiệp hội họa nên năm 2002, mặc dù đã 48 tuổi, gia đình còn nhiều khó khăn nhưng Đặng Thị Thọ vẫn tranh thủ vừa công tác vừa học đại học chuyên ngành Mỹ thuật ở Huế. Năm 2007, họa sĩ Đặng Thị Thọ tốt nghiệp, dẫu biết 2 năm sau (2009) bà sẽ về hưu... Gần 40 năm gắn bó với nghiệp cầm cọ, nữ họa sĩ này đã có hơn 1.000 tác phẩm với nhiều chất liệu và chủ đề khác nhau; không ít trong số đó đem lại cho bà những giải thưởng danh giá.
Theo chân họa sĩ Đặng Thị Thọ để xem qua những tác phẩm được trưng bày ở nhà riêng, chúng tôi nhận thấy cảm xúc của bà không lặp lại trong từng tác phẩm. Tranh của Đặng Thị Thọ bước ra từ cuộc sống, được thể hiện bằng nhiều đề tài, thể loại chân dung, tĩnh vật, phong cảnh… với các chất liệu sơn dầu, acrylic, thuốc nước (màu nước) khác nhau... Và dường như nữ họa sĩ luôn làm chủ được ngôn ngữ, chất liệu, kỹ thuật, thể hiện từng tác phẩm của mình rất cụ thể, sinh động.
Qua tìm hiểu được biết, họa sĩ Thọ ngoài công tác chuyên môn, cách đây nhiều năm, bà còn phối hợp với Thị đoàn Tuy Hòa (nay là Thành đoàn Tuy Hòa) mở lớp năng khiếu dạy hội họa cho thiếu nhi ở Phòng VH-TT TX Tuy Hòa (cũ) và Nhà Thiếu nhi Phú Yên. Ngoài ra, bà còn tham gia vẽ tranh miễn phí cho một số chùa ở TP Tuy Hòa.
Kỹ sư, kiến trúc sư Lê Trọng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Delta, là lứa học sinh năng khiếu đầu tiên do họa sĩ Thọ trực tiếp chỉ dạy. Anh cho biết: Cô Thọ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm rất dễ hiểu. Nhờ vậy, tôi có thêm cảm hứng và đam mê để học và làm công việc kiến trúc sư như hiện nay.
Nặng lòng với nghiệp hội họa và tự thấy có trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ, hiện nay, họa sĩ Đặng Thị Thọ mở thêm một lớp dạy vẽ cho trẻ em. Theo họa sĩ Thọ, đó cũng là cách ôn lại kiến thức, bởi làm nghề gì cũng phải đầu tư thời gian và không thể bằng lòng với những gì đã đạt được. Họa sĩ Đặng Thị Thọ còn nung nấu thời gian tới sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân, như một dấu ấn cho cuộc đời hơn 40 năm cầm cọ của mình...
Cái duyên, cái nghiệp với hội họa và tài năng sáng tạo của họa sĩ Đặng Thị Thọ nói riêng, các họa sĩ ở Chi hội Mỹ thuật Phú Yên nói chung đã và đang đóng góp vào việc xây dựng, phát triển lĩnh vực mỹ thuật của tỉnh nhà ngày một khởi sắc.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên |
HOÀNG HÀ THẾ