Thứ Bảy, 30/11/2024 08:40 SA
Hồi ức về một cựu cán bộ công an miền núi Sơn Hòa
Thứ Năm, 16/04/2020 15:11 CH

Thiếu tá Sô Hùng (người mặc veston) cùng một số đồng đội ở Công an huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV

Dù đã về cõi vĩnh hằng gần 14 năm do vết thương chiến tranh tái phát, nhưng hình ảnh một cựu cán bộ công an giàu trải nghiệm trong nghề có gương mặt kiên nghị, phong thái giản dị nhưng nhanh nhạy, giàu nghĩa cử nhân văn trong đời sống, quyết đoán và trí dũng trong chỉ huy đấu tranh phòng chống tội phạm… vẫn còn đọng mãi trong lòng đồng đội và người thân. Ông là thiếu tá Sô Hùng, nguyên Trưởng Công an huyện Tây Sơn và huyện Sơn Hòa.

 

Lập nhiều chiến công

 

Nơi tôi đến đầu tiên là căn nhà tọa lạc trên thửa đất nhỏ bên quốc lộ 25 ở thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Thửa đất đó thiếu tá Sô Hùng cùng người vợ Mai Men Hương, nguyên giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Sơn Hòa mua từ tiết kiệm tiền lương sau hàng chục năm tạm cư trong khu tập thể Công an huyện Tây Sơn. Thời đó, sĩ quan cấp tá còn hiếm, nên Trưởng Công an huyện mang hàm thiếu tá là “oách” lắm, ngặt một nỗi tiền lương công an lẫn giáo viên đều thấp, nên ông có hơn 30 năm công tác trong ngành Công an, bà có gần 28 năm công tác trong ngành Gáo dục, thế nhưng họ chỉ có thửa đất nhỏ là tài sản duy nhất để lại con trai út xây nhà, dành một phòng thờ cúng ông bà.

 

Vẫn còn nhiều chuyện kể về thiếu tá Sô Hùng, không thể chuyển tải hết trong một bài báo. Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ ông - cán bộ công an được đồng đội tin yêu, người dân cảm phục.

Ông Sô Hùng là người dân tộc Ba Na, sinh trưởng ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Nơi ấy là cái nôi cách mạng trong hai cuộc kháng chiến với những mật cứ Thồ Lồ, Ma Dú. Giữa năm 1954, chàng trai Sô Hùng rời quê nhà đến cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) lên tàu tập kết ra Bắc. Thời gian đầu ông làm nhiệm vụ cải cách ruộng đất, sau đó được tuyển chọn đào tạo nghiệp vụ an ninh ở Trường Công an Trung ương. Ông từng sang chiến trường Lào làm nghĩa vụ quốc tế trước khi vượt đường Trường Sơn trở về Nam công tác ở Ban An ninh tỉnh Phú Yên cuối năm 1966, rồi được phân công làm Phó Ban An ninh huyện Miền Tây - sau này là huyện Tây Sơn rồi huyện Sơn Hòa, đến năm 1974 ông về lại Ban An ninh tỉnh Phú Yên. Chặng thời gian đó ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công diệt ác, trừ gian, trong đó có cuộc vây bắt Y Thêm, tay sai tích cực của địch. Lúc ấy địch thực hiện mưu đồ “dồn dân, lập ấp” để cách ly vùng căn cứ cách mạng nên điều Y Thêm cùng hai đối tượng lên xã Krông Pa lợi dụng nhận thức lạc hậu và tâm lý mê tín dị đoan của đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền xuyên tạc chính sách Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam rồi dụ dỗ người dân bỏ buôn làng xuống Củng Sơn sinh sống. Y Thêm còn giở chiêu đe dọa: “Nếu không di tản về vùng quốc gia kiểm soát để sinh sống thì sẽ mất mạng khi máy bay ném bom đạn”.

 

Để ngăn chặn mưu đồ của địch, Ban An ninh tỉnh Phú Yên phân công tổ công tác do ông Phạm Tấn Phát, Chính trị viên phó Đại đội An ninh vũ trang lên Krông Pa đấu tranh bác bỏ luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, đồng thời vây bắt Y Thêm. Bằng biện pháp bố trí cơ sở mời rượu Y Thêm chếnh choáng men say trong đêm tháng 4/1971, tổ công tác ập vào căn nhà hắn đang tạm trú ở xã Krông Pa để bắt giữ đối tượng này cùng khẩu súng Col 45 và khẩu súng bắn pháo hiệu. Sau khi đấu tranh khai thác, tổ công tác chuyển giao Y Thêm cho chính quyền cách mạng huyện Sơn Hòa mở phiên tòa xét xử trước đông đảo người dân. Mức án tử hình Y Thêm đã loại trừ một tay sai gian manh của địch, tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trước những âm mưu của địch.

 

Sống giản dị, gần gũi

 

Cựu trung tá Lê Mạnh Hùng, người dân tộc Chăm H’roi, nguyên Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Sơn Hòa nhớ lại: “Sau khi đất nước thống nhất, ông Sô Hùng là cán bộ Ty An ninh Phú Yên rồi Ty Công an tỉnh Phú Khánh khi thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị hợp nhất một số tỉnh. Đầu năm 1978, ông được điều về làm Phó trưởng Công an huyện Tây Sơn, 4 năm sau ông giữ chức Trưởng Công an huyện Tây Sơn. Khi Tây Sơn chia tách thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh cuối tháng 2/1985, ông làm Trưởng Công an huyện Sơn Hòa hơn 1 năm sau mới nghỉ hưu”.

 

Ngừng một lát, trung tá Lê Mạnh Hùng kể tiếp: “Hồi đó khó khăn trăm bề, giao thông cách trở, cơ sở vật chất nghèo nàn, chiếc xe đạp cũng phải nhường nhau đi giải quyết công việc cấp thiết, ông Sô Hùng là Trưởng Công an huyện cùng vợ và ba người con lưu trú một căn phòng nhỏ hẹp trong khu tập thể cơ quan nhưng chưa bao giờ nghe thấy ông than phiền. Xăng dầu khan hiếm, cơ quan có chiếc xe Jeep nhưng ông chỉ điều đi công tác khi có ba, bốn người, nên nhiều lần ông cùng một cán bộ về những buôn làng xa tít bằng chiếc Honda 67, gần thì ông cọc cạch xe đạp đi kiểm tra. Phát hiện sai sót lớn, nhỏ ông đều phê bình, kiểm điểm công khai, sai phạm nặng hoặc cố ý ông kiên quyết xử lý. Cứng rắn là vậy, nhưng mỗi lần xuống cơ sở, được dân tặng cho năm, bảy trái bầu, bí, mướp, dưa hay chục cân khoai, sắn ông không mang về nhà hay chia cho người thân, mà đưa hết xuống nhà bếp cơ quan để phục vụ bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ”.

 

Trong hồi ức chị Sô Song Hương Ly, con gái đầu của ông Sô Hùng vẫn còn lắng đọng nhiều dấu ấn về người cha. Bằng âm ngữ đậm chất Bắc, chị Ly tâm sự: “Mẹ tôi cũng là người Ba Na ở miền núi Vân Canh (Bình Định), 8 tuổi mẹ theo ông ngoại ra miền Bắc. Tôi chào đời năm 1966 được vài tháng thì ba vào Nam. Hơn hai tuổi, mẹ gửi tôi lên tỉnh Hòa Bình cho người đồng hương để đi học Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó mới về TX Sơn Tây (Hà Tây) - nay thuộc TP Hà Nội. Tôi lên 9 tuổi thì đất nước thống nhất, mẹ về Phú Yên giảng dạy ở Trường PTTH Nguyễn Huệ, TX Tuy Hòa từ tháng 9/1975. Cả nhà tạm cư một căn phòng trong khu tập thể nhà trường vài tháng thì hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh, nên ba tôi vào Nha Trang nhận nhiệm vụ ở Ty Công an Phú Khánh. Hai, ba tuần ba tôi đi xe khách về thăm nhà một, hai hôm. Tôi nhớ giữa năm 1977, ba đi xe Honda 67 về nhà khoe với mẹ tôi đó là phần thưởng của bác Lê Văn Đại, Trưởng Ty Công an Phú Khánh sau khi ba cùng đồng đội truy bắt nhiều vụ vượt biên trốn ra nước ngoài. Khi về làm Phó trưởng Công an huyện Sơn Hòa, ba tôi đưa chiếc xe đó về cơ quan để đi công tác khi thấy không cần sử dụng xe Jeep hao tốn nhiên liệu. Ông lên Trưởng Công an huyện khi tôi 16 tuổi, nên ngoài giờ học, tôi phải nấu ăn khi mẹ bận dạy ngữ văn ở Trường PTTH Phan Bội Châu, huyện Sơn Hòa”.

 

Hương Ly trưởng thành, ông Sô Hùng khuyên chị vào Trường sơ cấp Công an Phú Khánh ở huyện Ninh Hòa - nay là TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) giữa năm 1984. Chị về Công an huyện Sơn Hòa hơn 3 năm thì một sớm tinh mơ ông Sô Hùng nhìn về phía những ngọn đồi hình bát úp, rồi nói với chị: “Đồng bào mình ở nhiều buôn làng đau bệnh nhưng cứ cúng bái vì mê tín dị đoan, trong khi bác sĩ người Kinh lên đây rất ít, lại không biết tiếng nói và tập tục người Ba Na, Chăm H’roi, Ê Đê để vận động bệnh nhân đến cơ sở y tế. Ba muốn buôn làng mình có thêm một bác sĩ người dân tộc thiểu số giúp đỡ đồng bào đổi mới nhận thức khám - chữa bệnh, đẩy lùi tập tục lạc hậu. Nối nghiệp ba còn có hai đứa em trai của con”. Từ đó chị Ly rời ngành Công an khi mang hàm trung sĩ để vào Trường đại học Y Huế. Ra trường năm 1994, chị về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, 5 năm sau được bổ nhiệm Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, nên những ngày này chị cùng nhiều đồng nghiệp tất bật trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.

 

Đúng như ông Sô Hùng định hướng, hai người em trai của bác sĩ Hương Ly là Sô Mai Độ thi đậu vào Trường đại học An ninh nhân dân rồi về Phú Yên công tác 21 năm qua. Trước khi trung tá Sô Mai Độ giữ chức Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Sơn Hòa từ năm 2018, anh đã có 13 năm đảm trách Phó trưởng rồi Trưởng Công an thị trấn Củng Sơn. Người em trai Sô Mai Kha Lin nhập ngũ khi tròn 16 tuổi, sau đó tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 và hiện là thiếu tá, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sông Hinh.

 

Đề cập đến công tác dân vận, cựu trung tá Lê Mạnh Hùng chia sẻ: “Cuối năm 1982, khi tôi là chuẩn úy, cán bộ Đồn Công an số 16, người dân buôn Ma Jai, xã Phước Tân bắt giữ một số đối tượng xâm hại mồ mả để lấy kiềng bạc đã chia cho người chết. Ngoài việc kêu đòi làm lễ bỏ mả lại, bà con còn buộc người xâm hại nộp phạt 8 con bò, 8 con heo, 16 ché rượu cần. Lúc đó chưa có Bộ luật Hình sự, Bí thư, Chủ tịch và Trưởng Công an xã Phước Tân giải quyết nhiều lần nhưng bất thành, nên vụ việc kéo dài nhiều ngày. Chiều cuối tuần, thiếu tá Sô Hùng cùng Bí thư Huyện ủy La Chí Noa lên tận nơi. Trắng đêm bên bếp lửa trong căn nhà sàn, hai ông đã “hóa giải” mọi chuyện êm gọn, người xâm hại công khai xin lỗi trước buôn làng rồi bỏ mả lại cho người chết với lễ cúng đơn giản.

 

Ngoài vụ việc đó, ông Sô Hùng vận động, thuyết phục và đấu tranh ngăn chặn nhiều hiểm họa do nghi kỵ “ma lai”, “cầm đồ thuốc độc” rồi hành xử bằng hủ tục “lặn nước”, “bóp trứng gà”… và đã cứu được nhiều người không chết oan, không bị đuổi ra khỏi làng”.

 

Tháng 5/1980, khi đang trên cương vị Phó trưởng Công an huyện Tây Sơn, ông Sô Hùng cùng Trưởng Công an huyện Nguyễn Hoàng Anh và nhiều đồng đội ngày đêm bám các buôn làng gần 3 tháng để đấu tranh, bắt giữ Ma Thúc - một “chân rết” trong tiểu đoàn 56 Fulro ở Tây Nguyên mò xuống Tây Sơn lôi kéo Y Lắt, Y Dnuot, Y Nhã, Na Ngo hình thành cơ sở phản động. Từ kết quả đấu tranh khai thác, công an phối hợp Huyện đội Tây Sơn mở cuộc truy quét Fulro đến địa phận tiếp giáp huyện Khánh Dương (Đắk Lắk). Phát hiện nhóm Fulro trong một lán trại chống trả, lực lượng truy quét nổ súng khiến 3 đối tượng thương vong, thu giữ 1 khẩu súng AR15 cùng nhiều vật dụng khác…

 

PHAN THẾ HỮU TOÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng tư, về thăm hang Võ Trứ
Thứ Hai, 30/03/2020 09:13 SA
Khám phá suối nước nóng, vực Lò
Thứ Bảy, 14/03/2020 15:00 CH
Blouse trắng
Thứ Ba, 25/02/2020 13:00 CH
Blouse trắng
Thứ Hai, 24/02/2020 13:01 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek