Thứ Bảy, 30/11/2024 09:41 SA
Blouse trắng
Thứ Ba, 25/02/2020 13:00 CH

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật thần kinh - cột sống do Bệnh viện Nhân dân 115 chuyển giao. Ảnh: YÊN LAN

Kỳ cuối: Mồ hôi thầm lặng

Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thầy thuốc áp dụng nhiều kỹ thuật mới, góp phần giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Ở tuyến xã, những “người gác cổng” thầm lặng chăm sóc sức khỏe ban đầu, nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

 

Hiệu quả từ các kỹ thuật mới

 

Thận trọng bước từng bước ra hành lang đơn nguyên Nội Thần kinh - Nội tiết, bà Củng Thị Hoa (xã An Thọ, huyện Tuy An) mỉm cười vui sướng: “Tui đi được rồi, không cần phải có người dìu đỡ”. Những lo lắng về chuyện liệt nửa người hoàn toàn được trút bỏ sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Bà Hoa là bệnh nhân đầu tiên được điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan cục máu đông gây tắc dòng chảy trong lòng mạch máu não và gây ra nhồi máu não), sau khi bệnh viện triển khai kỹ thuật này vào cuối năm 2019.

 

Hơn một tuần trước đó, sau khi đi cắt cỏ và giặt giũ, bà Hoa thấy choáng váng rồi ngã sang một bên. Lúc đó bà vẫn còn nói được nhưng không thể cử động tay và chân phải được nữa. Sợ đến bật khóc, bà vội gọi chồng con đưa vào bệnh viện.

 

BSCKII Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó Trưởng Khoa Nội Tim mạch - Lão học, Phó đội Đột quỵ, cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt nửa người bên phải, cơ lực chỉ còn khoảng 1-2/5 và mất ngôn ngữ Broca (mất khả năng nói ra những câu từ có thể hiểu được).

 

Sau khi tìm hiểu bệnh sử và thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng, các bác sĩ đội Đột quỵ bơm thuốc tiêu sợi huyết vào tĩnh mạch bệnh nhân. Bác sĩ Ngô Hoàng Lê Vinh nói: “Kể từ khi khởi phát cơn nhồi máu não đến khi bơm thuốc tiêu sợi huyết là 4 giờ 15 phút. Sau khi bơm thuốc, tình trạng liệt của bệnh nhân được cải thiện một phần. Vài ngày sau, bệnh nhân khá hơn. Sau khoảng một tuần, bệnh nhân bắt đầu đi lại được”. Cũng theo bác sĩ Lê Vinh, nếu nhập viện muộn, bệnh nhân có thể mất khả năng lao động và sống trong cảnh tàn phế do liệt nửa người.

 

Ngày 16/1, bà Hoa xuất viện trong niềm vui của gia đình. Chị Nguyễn Thị Lựu, con gái bà, chia sẻ: “Thấy má hồi phục, tôi mừng lắm! Lúc nhập viện, má không còn nhận ra con cháu, tôi rất sợ má sẽ không qua khỏi”.

 

BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết để triển khai điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa: Cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, đơn nguyên Nội thần kinh - Nội tiết, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Ngoại thần kinh... Bệnh viện đã cử 4 bác sĩ và 6 điều dưỡng đi đào tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thành lập đội Đột quỵ, chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết, tổ chức tập huấn…

 

“Bệnh viện sẽ tiếp tục mời các chuyên gia đầu ngành đến để cập nhật kiến thức và tập huấn cho tuyến huyện nhằm phát hiện sớm các ca nhồi máu não, báo động đỏ và chuyển tuyến sớm để có thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết trong khoảng thời gian vàng: < 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng”, bác sĩ Phạm Hiếu Vinh nói.

 

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết cho 3 trường hợp, cả ba đều hồi phục tốt.

 

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, các bác sĩ đã làm chủ kỹ thuật treo tử cung lên mỏm nhô trong điều trị sa sinh dục (hiện tượng tử cung sa xuống thấp, thường gặp ở những phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh, trải qua nhiều lần sinh nở, lao động nặng, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo). Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Hồ Văn Thanh, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Trước đây, ở những bệnh nhân sa sinh dục, sau khi điều trị cắt tử cung hoàn toàn, tỉ lệ tái phát khá cao, từ 20-30%. Biến chứng sau khi mổ sa sinh dục là sa bàng quang hoặc sa trực tràng. Kỹ thuật treo tử cung lên mỏm nhô có nhiều ưu điểm trong điều trị sa sinh dục, ngăn không tái phát”.

 

Kỹ thuật này được Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao cho Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên trong hai năm 2018-2019, theo đề án Bệnh viện vệ tinh. Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã làm chủ kỹ thuật và thực hiện hơn 10 ca treo tử cung lên mỏm nhô. Bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên điều trị, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí.

 

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, đơn nguyên Điều trị âm ngữ trị liệu và bệnh tự kỷ được triển khai từ năm 2019, sau khi chuẩn bị các bước cần thiết và được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển giao kỹ thuật. Đơn nguyên này đang điều trị cho 20 bệnh nhân, từng bước giúp trẻ tự kỷ, bại não biết cách phát âm, giao tiếp…, đồng thời điều trị rối loạn phát âm, rối loạn nuốt cho bệnh nhân sau đột quỵ.

 

Ở khu vực Nam Trung Bộ, Bệnh viện PHCN Phú Yên là cơ sở y tế duy nhất có đơn nguyên Điều trị âm ngữ trị liệu và bệnh tự kỷ. Điều này rất ý nghĩa, bởi nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp, có sự phối hợp tốt giữa người nhà bệnh nhi với nhân viên y tế thì trẻ tự kỷ có thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

 

Những “người gác cổng” thầm lặng

 

Trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai nhiều kỹ thuật mới, góp phần giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thì mạng lưới y tế cơ sở (y tế thôn/buôn, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố) như người gác cổng thầm lặng chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh.

 

Giữa bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona đang phủ mối lo lên nhiều quốc gia, tại Việt Nam đã ghi nhận 16 trường hợp mắc COVID-19, những người thầy thuốc ở cơ sở càng bận rộn. Bác sĩ Nguyễn Bá Sơn, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) nói: “Y tế xã là tuyến đầu. Tuyến đầu làm tốt thì tuyến trên đỡ vất vả”.

 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết, trong phòng chống COVID-19, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng, đặc biệt là ở hoạt động truyền thông và nắm bắt thông tin. Bên cạnh các hoạt động truyền thông đại chúng, hoạt động truyền thông nhóm nhỏ đến từng hộ gia đình có vai trò rất lớn của y tế cơ sở. Nhân viên y tế phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng nhà phát tờ rơi, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh. Việc nắm bắt thông tin để kịp thời phát hiện các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế cũng nhờ mạng lưới này. Họ theo dõi tình hình người dân trên địa bàn và du khách.

 

“Qua đường dây nóng, chúng tôi nhận được nhiều thông tin của người dân địa phương, của y tế cơ sở và cử ngay tổ công tác đến địa bàn để nắm thông tin, sàng lọc trường hợp nào cần cách ly, trường hợp nào cần theo dõi sức khỏe. Y tế cơ sở chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe và báo cáo với ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương”, bà Ngọc nói.

 

25 năm khoác áo blouse trắng, y sĩ Trần Thị Thanh Tuyền, Phó Trưởng Trạm Y tế xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), chia sẻ: “Tuyến xã như cái túi đựng trăm thứ chuyện. Niềm vui của chúng tôi là hoàn thành tốt nhiệm vụ, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh, trong chuyên môn không có sai sót. Còn trăn trở là cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã đảm nhận nhiều công việc mà thu nhập thì ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống”.

 

Gắn bó với Trạm Y tế xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) từ năm 1988, trong đó 5 năm đầu làm việc không lương, được cấp một sào ruộng để trồng lúa, y sĩ y học cổ truyền Huỳnh Thị Tiến, Phó Trưởng Trạm nói rằng nhân viên y tế xã không thể thiếu sự nhiệt tình.

 

“Phải yêu nghề, coi sự đau đớn của bệnh nhân như sự đau đớn của người thân mình thì mới gắn bó lâu dài được. Vì yêu ngành yêu nghề nên dù đồng lương ít ỏi vẫn thấy vui trong công việc, vui nhất là trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh”, chị Tiến thổ lộ.

 

Việc triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị và PHCN đã góp phần giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh cấp cứu nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não, chấn thương sọ não… trước đây không có hy vọng cứu chữa, nay nhờ triển khai các kỹ thuật mới đã nâng cao khả năng sống sót và hồi phục. Việc triển khai điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh cần liệu trình điều trị dài ngày như viêm gan siêu vi, bệnh tự kỷ… đã góp phần giảm tỉ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí và tiết kiệm được thời gian cho gia đình người bệnh.

 

Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Blouse trắng
Thứ Hai, 24/02/2020 13:01 CH
Ông Mười “nuôi” tre
Thứ Bảy, 15/02/2020 09:58 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek