Tôi tìm về hang Võ Trứ, căn cứ địa cách mạng một thời trên núi La Hiên hùng vĩ giáp làng Đồng (thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) trong một ngày cuối tháng ba nắng lửa. Giữa bạt ngàn xanh hoang vu, những gộp đá cùng bao chứng tích xưa như chứng nhân âm thầm kể lại những gian khó và oanh liệt một thời.
Anh La Chí Tâm, người dẫn đường bên gộp đá đầu tiên của hang Võ Trứ. Ảnh: NGUYÊN HẬU |
Đường lên gộp đá
Anh La Chí Tâm, người dẫn đường rất nhiệt tình và tạo được sự tin tưởng cho tôi ngay từ chặng đầu tiên. Sự tin tưởng ở đây không phải chỉ độ chính xác, nhanh chóng về phương hướng mà cả những câu chuyện dọc đường vô vàn kiến thức về cỏ cây hoa lá gắn liền với vùng đất này. Những câu chuyện ấy không chỉ giúp cho đoạn đường đi ngắn lại mà còn giúp tôi trở về gần hơn với lịch sử đã qua.
Theo sử sách ghi lại, khi cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo bị kẻ thù đàn áp thì năm 1897, Võ Trứ và Trần Cao Vân tiếp tục đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Từ năm 1895-1905, Võ Trứ cùng Trần Cao Vân đã sát cánh cùng nhau, vận động được sự đoàn kết giữa đồng bào và chọn mật khu là những gộp đá nối liền kề trên đỉnh La Hiên hùng vĩ để rèn đúc khí giới và khuyến khích đồng bào làm cung nỏ. Núi La Hiên còn có tên gọi khác là Hòn Nhọn bởi đứng từ xa nhìn về hướng núi trông giống như một ngọn giáo đâm thẳng lên trời. Ngọn núi này còn mang một tên gọi khác là Hòn Mưa vì gắn liền với điển tích binh lính của Võ Trứ tung ra nhằm áp đảo tư tưởng lính thực dân khi ấy là “Người ở vùng ta tức núi Mưa xuống thành, đạn Tây bắn không thủng”.
Thời điểm này, đồng bào Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ) luôn một lòng một dạ bảo vệ dãy La Hiên và nuôi ý chí diệt Pháp. Bởi vậy, hễ có bất cứ người lạ nào vào khu căn cứ đều bị tiêu diệt. Từ đó, những tin đồn về người Thồ Lồ, Ma Dú, Hà Đan là dữ tợn nên binh lính Pháp không dám bén mảng đến. Đây cũng là một trong những chiến thuật mà cách mạng đã giác ngộ đồng bào nơi này, quyết bám trụ làm cách mạng và bảo vệ căn cứ địa. Và nhờ thế địa trắc trở, đường lên dốc thẳng đứng và rừng núi bao bọc, căn cứ địa hang Võ Trứ có sức chứa hàng trăm người mà thực dân Pháp không thể nào xâm phạm.
Từ đoạn tiếp giáp làng Đồng đi bộ khoảng 3km về hướng núi, lại leo theo đường dốc núi gần 1 giờ đồng hồ với nhiều đoạn gần như thẳng đứng mới đến được gộp đá đầu tiên hang Võ Trứ. Mỗi gộp có cấu tạo nhiều hõm sâu và khe nối tiếp, có thể ẩn mình và ngụy trang một cách dễ dàng. Từ trên cao, có thể quan sát được động tĩnh từ xa khi có sự tấn công từ bên ngoài vào. Trên từng gộp đá, vẫn còn lưu giữ khá nhiều dấu tích của bao con người kiên trung từng bám trụ núi rừng, quyết một lòng đánh giặc giữ làng. Đó có thể là vết chân mòn in trên nền đá, là vết rèn binh cụ, là vết thời gian…
Nghe kể chuyện làng
Cây gạo, chứng nhân một thời còn sót lại. Ảnh: NGUYÊN HẬU |
Trước khi vượt đường dốc rừng lên căn cứ địa, tôi đã dành khá nhiều thời gian ngồi bên già làng La Lan Vỹ, còn gọi là Ma Dỏn nghe kể chuyện làng. Ở tuổi 92, già vẫn rất khỏe khoắn và vô cùng minh mẫn với bao nhiêu ký ức sống động về người xưa, chuyện cũ. Vốn dĩ cái bụng, cái tâm của cộng đồng người Ba Na nơi này rất chân chất, bởi vậy ngay cả trong câu chuyện, già luôn bắt đầu bằng những điều rất gần gũi, mộc mạc và chính điều đó đã dễ dàng lôi cuốn người nghe.
Theo già làng kể, bên góc phải của gộp đá đầu tiên nơi hang Võ Trứ có cây gòn bông trắng. Nhờ nó, cách mạng đã thu bông khô dự trữ làm mồi nhóm bếp vào mùa mưa và một số vật dụng khác. Bên cạnh đó là cây gạo tuy thân nhỏ có vẻ cằn cỗi nhưng đã nhiều năm tuổi. Dưới thời Võ Trứ, do đóng quân lâu tại gộp đá, họ thường tự chế thuốc từ vỏ và hoa gạo để trị thương, sát khuẩn và giải độc. Đến nay, cây gòn đã bị khô thân chỉ còn lại dấu vết là cội gỗ mục cao gần 4m. Bên gộp đá chỉ còn lại những nhánh cây gạo vươn cao đang mùa rụng trái.
Cũng theo già Ma Dỏn, thì đường lên núi La Hiên hay Hòn Mưa, Hòn Nhọn còn có nhiều loại dây, trái ăn được và cấp nước cho người đi đường rừng. Bởi vậy nên nếu có người bản xứ đi lạc, chỉ cần biết đúng loại dây hay trái vẫn có thể sống sót qua mấy ngày liền mà không cần lương thực cũng như nước uống. Để minh chứng cho lời già nói, anh La Chí Tâm đã hái những quả me rừng như viên bi tròn có vị chua làm dịu vị giác trong mùa nắng nóng. Trên suốt dọc đường đi thi thoảng gặp những dây chiều rừng với màu lá xanh um, mặt sau chạm vào nham nhám. Chúng đu mình trên không bám theo các thân cây lớn và chỉ cần cắt một đoạn dây nhỏ, rút chất nhựa uống sẽ tạm thời giảm khát.
Rời hang Võ Trứ, rời làng Đồng được bao bọc bởi những vạt rừng bạt ngàn sim, mua đang mùa hoa tím, tôi mãi nghĩ về ánh mắt chứa đầy hy vọng của già làng La Lan Vỹ. Tôi nhớ cả những gương mặt, ánh mắt chăm chú của tụi nhỏ làng Đồng, chúng háo hức nghe từng câu chuyện về cách mạng, về sự kiên cường của những con người Chăm, Ba Na dưới ngọn cờ của Võ Trứ chống lại ách thống trị của thực dân…
Ông La Lan Vỹ, còn gọi là Ma Dỏn - già làng thôn Phú Đồng, một trong những kho tư liệu sống về lịch sử cách mạng vùng này. Ảnh: CTV |
Rồi đây, chúng sẽ lớn lên và mang trong mình niềm tự hào về quê hương, buôn làng. Rồi đây, cộng đồng đồng bào không chỉ ở thôn Phú Đồng mà cả các thôn còn lại như Phú Giang, Phú Tiến, Phú Hải, Phú Lợi đều sẽ khởi sắc hơn nhờ hệ thống giao thông huyết mạch đã hoàn thành và cây cầu vững chãi bắc qua sông Bà Đài (thượng nguồn của sông Kỳ Lộ). Những con đường gập ghềnh và đầy bụi đất vào mùa khô, cách trở bởi bao nhiêu suối, sông vào mùa mưa đã lùi vào quá khứ. Và đường về Phú Mỡ đã không còn xa xăm nữa!
Từ trên cao, có thể quan sát được động tĩnh từ xa khi có sự tấn công từ bên ngoài vào. Trên từng gộp đá, vẫn còn lưu giữ khá nhiều dấu tích của bao con người kiên trung từng bám trụ núi rừng, quyết một lòng đánh giặc giữ làng. Đó có thể là vết chân mòn in trên nền đá, là vết rèn binh cụ, là vết thời gian. |
NGUYÊN HẬU