Thứ Tư, 27/11/2024 13:40 CH
Rộn ràng vó ngựa đầu xuân
Thứ Tư, 08/02/2006 08:30 SA

Từ lâu, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng đã thành một lời hẹn với bà con các vùng lân cận mỗi dịp xuân về. Những con ngựa quanh năm suốt tháng nhọc nhằn kéo xe, thồ hàng, có một ngày trở thành kỵ mã tung vó trong tiếng reo hò. Những nông dân lam lũ bám ruộng bám nương có một ngày trở thành kỵ sĩ rạp mình trên lưng ngựa trong những tràng pháo tay cổ vũ. Mỗi năm một lần, Gò Thì Thùng, một địa danh lịch sử của An Xuân (Tuy An) và Phú Yên, đắm trong không khí rộn ràng náo nhiệt với nườm nượp người xe và những nụ cười tươi như nắng xuân trên ngàn gương mặt. 

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHÚ YÊN LÊ KIM ANH: SẼ XÂY DỰNG, ĐƯA HỘI ĐUA NGỰA GÒ THÌ THÙNG VÀO HỆ THỐNG LỄ HỘI CỦA TỈNH

 

Năm nay, lần đầu tiên Hội đua ngựa Gò Thì Thùng được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức, mở rộng quy mô ra toàn huyện và các huyện lân cận. Hội đua ngựa đã thu hút khá đông kỵ mã ở những xã truyền thống có ngựa trong huyện, và quan trọng hơn là số lượng khách xem hội đông hơn cho thấy sức sống của một hội truyền thống và nhu cầu vui xuân đầu năm của nhân dân trong huyện, trong tỉnh. Từ thực tế này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở VHTT, UBND huyện Tuy An sớm xây dựng đề án nâng cấp Hội đua ngựa Gò Thì Thùng hàng năm lên quy mô cấp tỉnh gắn với việc đề nghị Bộ VHTT công nhận địa đạo Gò Thì Thùng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Trước mắt tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho địa phương mua giống ngựa tốt nhằm duy trì đàn ngựa đang có nguy cơ biến mất. Buớc tiếp theo sẽ là đưa Hội đua ngựa Gò Thì Thùng vào hệ thống lễ hội hàng năm của tỉnh gắn với phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Bác Trần Hảo, ngoài 60 tuổi, sống ở thôn 2 xã An Xuân, kể: “Hội đua ngựa có từ hồi 9 năm (1945 – 1954). Lúc ấy chỉ là hội làng để thi thố tài nghệ của ngựa và những thanh niên trong thôn với nhau. Bẵng đi một thời gian dài do chiến tranh, sau khi giải phóng, người dân về lại làng xã, hội đua ngựa lại tiếp tục được tổ chức cho đến bây giờ”.

 

Năm nay, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng được Trung tâm Văn hoá-Thông tin -Triển lãm Phú Yên phối hợp với Phòng VHTT huyện Tuy An và xã An Xuân tổ chức vào sáng mùng 9 Tết (tức sáng 6 – 2 – 2006). Theo các bậc cao niên thì đây mới là ngày hội đua truyền thống của An Xuân.

 

Từ chiều hôm trước, cuộc vui đã bắt đầu trên Gò Thì Thùng với các trận đấu bóng chuyền. Đêm đó, An Xuân tổ chức chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ bà con. Sáng mùng 9 Tết, dân từ các xã, các huyện lân cận nườm nượp đổ về Gò Thì Thùng, còn bà con địa phương thì đã có mặt từ rất sớm. Tất cả hào hứng cổ vũ cho các trò chơi dân gian: đẩy gậy, kéo co, nhảy thụng, đi cà kheo… Bà Võ Thị Nhiều, 68 tuổi ở thôn 2 An Xuân đang nóng lòng chờ xem đua ngựa. Bà móm mém kể: “Năm nào tui cũng đi coi. Vui ghê lắm! Năm nay đông hơn mọi năm”. Đúng là đông vui hơn. Theo Phó Bí thư  Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Xuân  Đặng Thanh Sơn, không như  mọi năm chỉ có các thôn của An Xuân tham gia đua ngựa, năm nay cuộc tranh tài trên chiến địa xưa này còn có sự góp mặt của các tay đua đến từ An Lĩnh, An Cư, An Hiệp và An Thọ, mỗi xã 4 kỵ sĩ. Điều đó càng làm cho Hội đua ngựa truyền thống và duy nhất ở Phú Yên thêm khí thế.

 

Gần 8 giờ sáng, trên con đường đất đỏ au, quanh co dốc đứng dẫn lên “trường đua”, dòng xe cộ vẫn cứ nối dài và cày lên những đám bụi màu đỏ. Chốc chốc, dòng xe ấy lại tách ra làm hai khi trước mặt, một chiếc xe bục bịch đang chậm chạp, nặng nề leo dốc, trên xe chật ních người và phất phới một lá cờ.

 

Trên đường đua - Ảnh: D.T.X

 

Trên Gò Thì Thùng, khán giả lớp trong lớp ngoài bao bọc hai bên hàng rào của hơn 500 m đường đua. Ngàn cặp mắt đổ dồn ra cổng chính, nơi đang tung bay phần phật lá cờ hội, khi các kỵ sĩ  lần lượt đưa ngựa đua vào.

 

Gọi là ngựa đua, kỳ thực đấy là những chú ngựa nhọc nhằn thồ hàng kéo xe năm này tháng nọ. Mỗi năm chỉ có một lần, chú ta trở thành kỵ mã tung vó trong tiếng hò reo. Mỗi năm cũng chỉ một lần, những nông dân bám ruộng bám nương trở thành kỹ sĩ rạp mình trên lưng ngựa trong những tràng pháo tay cổ vũ. Điều đó thật đặc biệt!

 

Kỵ sĩ nhỏ tuổi nhất Võ Văn Lưu (thứ hai, bên trái) - Ảnh: D.T.X

 

8 giờ 45 phút, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Phan Văn Hào đánh trống khai hội. Ngay sau đó, 36 kỵ sĩ diễu hành trên đường đua. Tiết trời An Xuân lành lạnh song không khí trên Gò Thì Thùng lập tức nóng lên khi đợt đua thứ nhất của vòng loại bắt đầu, với sự tranh tài rất quyết liệt của 3 kỵ sĩ. Tay đua Võ Văn Thiên về đích trước tiên.

 

Trưởng thôn 2 Nguyễn Quý Phúc cũng là trưởng đội đua của thôn với 11 kỵ sĩ, nói: “Hiện tại toàn thôn chỉ còn khoảng 35 con ngựa, cả xã An Xuân cũng chưa đến 100 con, chủ yếu là ngựa cái và giống ngựa địa phương nên nhỏ con, sức bền yếu. Đây sẽ là khó khăn lớn nhất trong việc duy trì Hội đua ngựa truyền thống này, nhất là khi nó được nâng lên cấp tỉnh”.

Không như những cuộc đua mà chúng ta thường thấy trên TV, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng vẫn còn dân dã, mộc mạc rất… dễ thương. Ở đợt đua thứ hai, cả ba chú ngựa nhất quyết không chạy, mặc cho các kỵ sĩ nôn nóng quất roi (gọi là roi cho sang, kỳ thực đó là một đoạn dây dùng để buộc ngựa) còn khán giả thì ồ lên cười, chỉ trỏ. Ba chú ngựa cứ túm tụm vào sát hàng rào đường đua, ngạc nhiên và có phần lo lắng. Các chú ta không hiểu vì cớ gì mình phải chạy thật nhanh trên con đường bé tẹo, trong khi hàng ngàn cặp mắt đang nhìn và hàng ngàn cái miệng đang hò hét.

 

Sự mộc mạc còn thể hiện trên trang phục của các kỵ sĩ và trên… lưng ngựa. Trong 27 chú ngựa đua, chỉ một chú có yên. Điều này gây không ít khó khăn cho các kỵ sĩ, vì họ không có điểm tựa và rất dễ trượt khỏi lưng ngựa khi nó phi nước đại.

 

Bất chấp trở ngại đó, các kỵ sĩ vẫn hào hứng tranh tài. Kết thúc đợt đua thứ 9 của vòng loại, 9 kỵ sĩ  bước vào vòng bán kết, chia thành 3 đợt. Vòng đua này càng sôi nổi hơn và về đích trước tiên vẫn là các kỵ sĩ  của An Xuân: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Khắc Luân, Võ Văn Lưu. Sinh năm 1990, Lưu là kỵ sĩ nhỏ tuổi nhất của cuộc thi. Ở đợt thi bán kết, sau vòng đua thứ nhất, Lưu đang ở vị trí cuối bất ngờ vượt lên một cách ngoạn mục để dẫn đầu vòng đua thứ hai và về đích trước tiên. Tiếc là trong cuộc thi chung kết, điều này đã không lặp lại. Em không vượt qua được tay đua cùng xã Nguyễn Văn Thành. Lưu nói: “Được giải nhì, em cũng rất vui. Mấy nay trước, em chỉ tham gia diễu hành, năm nay mới đua”. Lưu cho biết, trước cuộc đua, em không tập tành nhiều, được cái người và ngựa đã quen nhau. Đây là con ngựa của ông chú, em thường cưỡi ra rẫy.

Khác với Lưu, kỵ sĩ Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1979, ở thôn 2, An Xuân) đã tham gia Hội đua ngựa đến lần thứ 5, trong đó có một lần đoạt giải nhất, một lần nhận giải ba. Tích lũy kha khá kinh nghiệm cộng với chừng nửa tháng tập luyện cùng chú ngựa thồ hàng lên rẫy của gia đình, Thành qua mặt các tay đua khác để đoạt giải nhất cuộc thi năm nay. “Rất mừng, rất phấn khởi” - đó là tâm trạng của người chiến thắng.   

 

Cuộc thi chung kết rất sôi động với 3 kỵ sĩ  của An Xuân và một kỵ sĩ của An Hiệp (có mặt do bốc thăm). Rất tiếc một kỵ sĩ  đã ngã ngựa. Không quan tâm đến điều đó, con ngựa của anh này vẫn hồn nhiên và hăng hái nối đuôi ba con kỵ mã kia cho đến khi kết thúc cuộc đua!

 

Các giải cao đều thuộc về các kỵ sĩ của thôn 2 xã An Xuân. Anh Nguyễn Văn Liên, một chủ ngựa tiết lộ: “Ngựa An Xuân không lớn con bằng ngựa các xã bạn mang đến hội đua, nhưng điều quan trọng là nó đã quen và được tập luyện kỹ. Trước khi vào hội gần nửa tháng, tất cả ngựa được chọn lựa đều tập trung huấn luyện. Nhờ vậy mà vào cuộc đua, ngựa An Xuân không quẩn đàn như ngựa xã khác”.

 

Tan hội, dòng người xe rồng rắn trở về, hẹn nhau mùng 9 Tết năm sau. Bà con ước ao sẽ có một ngày, chiến địa xưa của An Xuân trở thành điển hẹn của người dân trong tỉnh, ngoài tỉnh mỗi dịp xuân về. Đến đây theo con đường quanh co đã được trải bê tông, họ tham quan địa đạo Gò Thì Thùng và xem đua ngựa. Những ai còn luyến lưu có thể nán lại nơi đây đôi ba hôm, trong những biệt thự xinh xinh hoặc nhà nghỉ cất theo kiểu quê. An Xuân có nhiều tiềm năng, đặc biệt là khí hậu, để trở thành một “Bà Nà của Phú Yên”, trong đó Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một điểm nhấn. 

 

 

PHƯƠNG TRÀ - TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Huyền thoại dấu chân Y Rít
Thứ Năm, 02/02/2006 08:35 SA
Thăm đảo quốc Sư tử
Thứ Ba, 24/01/2006 16:57 CH
Đi xem đua chó
Thứ Hai, 23/01/2006 13:42 CH
Cuối năm trên những con tàu xa bờ
Thứ Ba, 17/01/2006 08:39 SA
Ngôn ngữ của điệu xoang
Thứ Hai, 09/01/2006 10:13 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek