Thứ Năm, 03/10/2024 03:34 SA
Săn “cá cây” giữa đại dương
Thứ Tư, 19/03/2008 10:30 SA

Nghe các  ngư dân ở làng biển Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) kể về chuyện săn “cá cây”, tôi như bị hút hồn bởi những câu chuyện đầy bí ẩn và thú vị nên quyết định theo tàu anh Lê Đức Tuyến (31 tuổi, ở phường Phú Đông) ra khơi một chuyến.

 

080318-tuyen.jpg

Thấy một vật khả nghi, Lê Đức Tuyến chèo thúng đi xem thử

 

Vậy săn “cá cây” là gì? Theo lời các lão ngư ở Đông Tác kể, những lúc đánh lưới gặp “mé nước” (rong, rêu trôi dạt lâu ngày tích tụ thành dề, đám), lượng cá bắt được nhiều hơn bình thường. Từ đó, ngư dân đi săn tìm “mé nước” để đánh bắt cá. Dần dà, họ để ý thấy bất cứ thứ gì trôi dạt giữa đại dương, như cành cây, sợi dây, tấm ván, mảnh xốp..., lâu ngày rong rêu bám vào thì các loài cá kéo theo tụ tập để ăn rong tảo, phù du rất nhiều. Đặc biệt, những khúc cây, loại càng to, càng mục thì cá tụ tập nhiều vô kể.

 

ĐI SĂN “CÁ CÂY”

 

Chiếc tàu của anh Tuyến được trang bị hai động cơ mã lực cỡ lớn cùng nhiều ngư cụ, vật dụng cần thiết dành cho chuyến đi dài ngày và để gặp “cá cây” là đánh bắt ngay. Thấy tôi thắc mắc về nhiều loại ống nhòm đa năng, Tuyến giải thích: “Đây là thiết bị tối cần thiết cho nghề này vì lúc nào cũng phải căng mắt ra tìm giữa đại dương mênh mông”.

 

Rời bến được vài chục hải lý, tàu lắc lư, dập dềnh và tôi bắt đầu díp mắt lại vì buồn ngủ. Cố mở mắt ngó quanh, tôi thấy tất cả thuyền viên trên tàu đều tỉnh như sáo, ai cũng đưa mắt nhìn quanh quất khắp đại dương bao la. Điều này trái ngược với những người đi biển khác, luôn coi giấc ngủ là rất cần thiết để phục hồi sức khỏe. Đến lúc ăn, nhiều người cũng luôn nhong nhóng nhìn ra biển. Tuyến nói với tôi: “Làm nghề này hễ ngủ là mất ăn. Thầy thợ phải căng mắt làm việc suốt ngày đó”. Đã từng nghe nhiều ngư dân kể chuyện, tôi biết những người trên tàu săn “cá cây” phải thường xuyên dán mắt xuống mặt nước để tìm “bửu bối” trôi trên biển.

 

Sau hơn hai ngày, các thuyền viên thông báo tàu đã ra đến ngư trường khai thác, cách bờ hơn 500 hải lý - khu vực chính để săn tìm “cá cây”. Lúc này tàu bắt đầu giảm tốc độ. Tất cả thuyền viên tỏa ra trước mũi, sau lái tàu, cùng đưa ống nhòm nhìn bốn hướng. Trên bộ đàm, các tàu bạn gọi nhau qua lại không ngớt.

 

Cuộc săn tìm diễn ra cả ngày nhưng không gặp “chiến lợi phẩm” nào. Nhiều lần phát hiện vật khả nghi xa xa, Tuyến vội vàng bơi thuyền thúng ra kiểm tra, nhưng lại thất vọng trở lên tàu. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, Tuyến cười, trấn an: “Bình thường thôi! Làm nghề này mà, có khi đi hàng tháng lênh đênh trên đại dương còn không kiếm được gì.

 

Theo lời anh Tuyến kể, cách đánh bắt “cá cây” khá đặc biệt. Tàu phải có tải trọng lớn (trung bình 100 tấn), nhân lực nhiều (từ 10-20 người), dàn lưới chuyên dụng (lưới vây rút chì, phải có độ dài và độ sâu phù hợp, đủ vây vòng diện tích mặt nước có đường kính và chiều sâu hàng trăm mét). Khi phát hiện cây, các ngư dân phải kiểm tra để xác định loại cá, bằng cách dắt câu chạy qua khu vực có cây trôi nhử bắt vài con. Sau đó tiến lại gần, dùng máy tầm ngư kiểm tra số lượng, chủng loại cá rồi cột đèn tín hiệu làm dấu cho cây. Sau đó, phải theo dõi cây, chờ tới lúc trời hừng đông ngày hôm sau mới bắt đầu thả lưới đánh bắt. Nhưng “trời cho” gặp “cá cây” một lần là chở khẳm tàu cũng không hết cá. Tối đến, tàu thả dàm (một loại neo làm bằng nhựa thả lưng chừng giữa lòng biển), thuyền viên nghỉ ngơi đợi sang ngày hôm sau tiếp tục cuộc săn tìm. Các máy đàm thoại vẫn luôn luôn để mở. Tuyến giải thích: “Tụi tôi đã thiết lập quan hệ với nhiều tàu hoạt động trên biển, hễ có dấu hiệu “cá cây” là báo cho biết. Khi thu hoạch, mình chia phần trăm cho tàu báo tin”.

 

ĐỔI ĐỜI NHỜ CƠ DUYÊN

 

Tuyến cho biết, nhờ “cá cây” mà nhiều người dân miền biển có được cuộc sống sung túc. Xuất hiện từ năm 1995, nghề săn tìm “cá cây” đến với dân biển một cách gần như tình cờ và phát triển mạnh ở vùng biển miền Nam Trung Bộ, nhất là Phú Yên và Bình Định, với hàng trăm tàu lớn nhỏ.

 

Tuyến thú thật: “Tôi mang tiếng là dân đi săn tìm “cá cây”, nhưng chưa gặp “cá cây” thật sự bao giờ. Chỉ hay gặp cá “mé nước”, cá núp bóng dây, miếng xốp... Được vậy cũng là may rồi”. Tuyến cho biết, nhiều người từng gặp “cá cây” kể lại, bên dưới khúc cây vài trăm mét là hàng đàn các loại cá ngừ sọc, ngừ bông, chù, dưa gang, cá nhám, cá mập, cá cờ... tụ tập núp bóng.

 

Chuyện phát hiện “cá cây” cũng có khá nhiều điều bí ẩn, thú vị. Nhiều ngư dân tin rằng, chỉ những người ăn ở đức độ, có cơ duyên mới có thể gặp và khai thác được “cá cây”. Chỉ cần một lần gặp “lộc trời cho” này, ngư dân đã có thể đổi đời nhanh chóng.

 

Thông thường, sản lượng cá cây bắt được từ hàng chục tấn cho đến hàng trăm tấn, phải huy động tàu bạn chở phụ mới hết. Đó là chưa kể lúc gặp cây lâu năm, sản lượng quá lớn, khai thác trong 3-4 ngày cũng không hết. “Thậm chí, có khi gặp lượng cá khổng lồ phải cắt lưới thả ra bớt, nếu không bị đứt lưới là mất cả chì lẫn chài” – anh Tuyến kể. Sau khi khai thác xong, thông thường cây sẽ tiếp tục được thả trôi trên đại dương nhưng cũng có người mang về coi như kỷ vật để đời.

 

Tuyến kể, chỉ ở TP Tuy Hòa thôi, anh đã biết gần 10 người gặp “cá cây” và các loại cá “mé nước” khác. Cuối năm 2007, anh Huỳnh Tấn Phát, 36 tuổi, chủ tàu săn “cá cây”, đi gần một tháng vẫn chưa tìm thấy gì, các thuyền viên ai cũng mệt mỏi, bàn chuyện quay về. Một bữa, khi trời hừng đông, trong lúc mọi thuyền viên trên tàu còn đang ngon giấc, Phát đi vệ sinh. Còn đang mắt nhắm mắt mở, bỗng một vật trăng trắng đập vào mắt anh. Dụi mắt cho tỉnh hẳn, nhìn kỹ lại, anh phát hiện một chiếc thùng bằng xốp cách tàu vài trăm mét. Lập tức, Phát vào thúc giục mọi người thức dậy bủa lưới. “Chuyến đó, anh ta khai thác được hơn 40 tấn cá ngừ sọc, kiếm được 300 triệu đồng ngon lành” - Tuyến nhớ lại.

 

Chuyện của chủ tàu Nguyễn Quốc Thắng, 31 tuổi, nghe thật khó tin. Hôm đó, trong chuyến săn “cá cây” mới đây, đang chạy nhanh với tốc độ 10 hải lý/giờ, bỗng nhiên tàu bị đứng khựng lại dù máy vẫn còn nổ. Thắng kinh hoàng, dù chưa biết chuyện gì xảy ra, nhưng kinh nghiệm dân đi biển cho anh biết, đó có thể do trục trặc động cơ, gãy láp (trục chuyền). Mất nửa giờ loay hoay tìm nguyên nhân, cuối cùng Thắng phát hiện chân vịt đã bị một sợi dây dài quấn chặt. Khi lặn xuống gỡ được sợi dây rắc rối này, càng bất ngờ hơn, Thắng phát hiện một đàn cá khổng lồ còn núp bóng sâu phía dưới. Thắng liền cho tàu bủa lưới, nhưng không cách nào đánh bắt xuể, đành phải gọi một tàu Bình Định đang đánh bắt gần đó đến giúp... Kể đến đây, anh Tuyến nói đầy vẻ chiêm nghiệm: “Nghề này là vậy. Nhiều khi “lộc trời cho” đưa đến rất bất ngờ, mình không thể nào biết trước”.

 

Theo Tuyến, anh còn biết một trường hợp gặp “cá cây” đúng nghĩa. Đó là tàu của anh Nguyễn Phi Thoàn (35 tuổi, ngụ Tuy Hòa). Lênh đênh trên biển vài chục ngày, hết nhìn ngược nhìn xuôi cũng chẳng tìm ra “chiến lợi phẩm” nào, mọi người hết sức chán nản. Một tối nọ, các thuyền viên đang ngủ ngon lành, tàu đang chạy chầm chậm thì va vào một vật cứng đang trôi. Khi đó Thoàn đang mơ màng chưa ngủ hẳn. Giật mình tỉnh dậy, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp anh nhận biết đó là khúc gỗ lâu năm và lập tức dừng tàu... “Chuyến lưới hôm đó, anh Thoàn đánh bắt được 30 tấn cá ngừ và hàng chục tấn cá các loại khác” - Tuyến kể.

 

Thông thường, mỗi lần tàu trúng “cá cây” là kiếm được từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Tuyến cho biết, giữa năm 2007, tàu anh cũng trúng “cá cây”- thật ra chỉ một nhánh cây nhỏ trôi dạt lâu ngày, nhưng cũng thu được hơn 30 tấn cá ngừ. Hay cuối năm 2007, tàu BĐ 8631TS của một người thân của anh, ông Trần Văn Cư (46 tuổi, ngụ Phù Mỹ - Bình Định), chỉ sau 10 ngày ra biển đã săn được “cá cây”, kiếm được hơn 800 triệu đồng.

 

080319-thoan.jpg

Nguyễn Quốc Thắng bên khúc cây may mắn anh còn giữ “làm kỷ niệm” -  Ảnh: N.THẠNH

 

CHIM TRỜI, CÁ NƯỚC

 

Trở lại chuyến đi của chúng tôi. Cả một tuần trôi qua, vẻ mặt các thuyền viên trên tàu của Tuyến lúc nào cũng căng thẳng bởi căng mắt, căng óc cả ngày lẫn đêm mà chưa thấy “cây”. Còn tôi thì mất dần hứng khởi. Tuyến đứng trên boong, nhìn xa xăm ra đại dương mênh mông, thở dài: “Chim trời, cá nước mà…”. Tôi không rõ là an ủi tôi hay tự an ủi cho chuyến đi chưa thành công của mình...

 

Một tuần làm ngư phủ bất đắc dĩ, tôi thấy cũng đã đủ, vì chẳng biết lênh đênh đến khi nào mới có cơ duyên gặp được “cá cây”. Nghe tôi thổ lộ, Tuyến cười: “Có lẽ anh không có duyên, còn chúng tôi chưa biết chuyến này sao đây”. Anh bèn gởi tôi sang một tàu cá khác đang trên đường quay vào bờ. Phía sau, Tuyến và 10 thuyền viên vẫn tiếp tục cuộc săn tìm đàn “cá cây” bí ẩn…

 

NGUYỄN THẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ
Thứ Tư, 05/03/2008 07:01 SA
Thương lắm...cá dìa!
Thứ Năm, 28/02/2008 07:30 SA
35 năm sau mới biết con mình là liệt sĩ
Thứ Tư, 27/02/2008 10:03 SA
Chuyện về một tay “sát” chuột
Thứ Tư, 20/02/2008 10:00 SA
Hai Miên săn... “bò gù”
Thứ Tư, 13/02/2008 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek