Thứ Năm, 17/10/2024 04:37 SA
Người Nhật ăn Tết
Chủ Nhật, 03/02/2019 15:00 CH

Chùa Asakusa-tera ở Tokyo, nơi du khách thường đến xin xăm và cầu may - Ảnh: TRÂN HUYỀN

Tôi là một du học sinh từng học tập ở Nhật Bản trong các năm 1997-1998. Sau này tôi thường xuyên đến Nhật Bản để nghiên cứu, tham dự hội thảo và du lịch. Vì thế, tôi đã có hai lần đón Tết ở Nhật Bản.

 

Người Nhật ăn Tết vào dịp đầu năm dương lịch. Tiếng Nhật gọi là shogatsu (chính nguyệt). Là một nước nằm trong thế giới Hán hóa, nhưng khác với Trung Hoa và Việt Nam, Nhật Bản đã chuyển sang dùng Tây lịch hoàn toàn. Sự chuyển đổi này xảy ra vào năm 1873, dưới thời Minh Trị. Tuy ăn Tết dương lịch nhưng một số tập tục của người Á đông vẫn được người Nhật duy trì trong dịp Tết, như tục trồng cây nêu, tục lì xì, tục đi Tết thầy giáo hay thượng cấp.

 

Cây nêu của người Nhật, gọi là kadomatsu, ngắn hơn so với cây nêu của người Việt nhưng lại rườm rà hơn. Ðó là ba cây tre tươi cắt chéo, cây ở giữa cao hơn, hai cây hai bên thì bằng nhau, thêm vài cành thông ở sát gốc. Tất cả được quấn lại bằng rơm. Khoảng hạ tuần tháng 12 dương lịch, kadomatsu được bày bán trên đường phố. Người Nhật mua kadomatsu về đặt hai bên cửa ra vào nhà. Vài gia đình còn treo thêm những mảnh giấy trắng cắt xoắn, gọi là shimenawa để ếm bùa, ngăn không cho ma quỷ vào nhà ăn Tết.

 

Trong phòng khách, người Nhật thiết trí một bàn thờ nhỏ, trang hoàng rất đẹp để đón Tết. Trên bàn thờ có chưng hai chiếc bánh omochi (bánh dầy) chồng lên nhau, một lớn, một nhỏ, đường kính từ 10-50cm. Trên bánh có cắm quả quýt, biểu trưng cho kichi (cát: tốt lành), gắn thêm con tôm giả biểu trưng cho tuổi thọ, vài nhánh rong tươi và những dải giấy trắng - đỏ cắt xoắn, gọi là shimezaki, để cầu cho mùa màng được phong đăng hòa cốc.

 

Những nữ trợ tế ở đền Izumo-taisa - Ảnh: TRÂN HUYỀN

 

Trước đây, người Nhật thường tự làm bánh omochi để ăn Tết. Trước Tết ít hôm họ thường tổ chức giã bánh omochi tại gia. Gạo nếp được ngâm trước một đêm rồi nấu thành xôi. Sau đó cho vào cối giã 15 hay 20 phút thì được. Có hai loại bánh omochi, loại lớn được dùng để trưng trên bàn thờ, loại nhỏ thì được kèm thêm ít sợi rong biển khô, vắt thành từng miếng nhỏ để mời khách. Ngày nay, bánh omochi được bày bán trong các cửa hàng và siêu thị, người ta chỉ việc mua về để cúng (hoặc dùng) cho tiện.

 

Người Nhật có ba món ăn truyền thống, nhất định phải ăn trong dịp Tết. Đó là món toshikoshi soba, ozoni và oden. Món toshikoshi soba là món mì sợi làm bằng bột kiều mạch, ăn vào trước giờ giao thừa để chia tay năm cũ, đón chào năm mới. Người Nhật cho rằng cây kiều mạch có thể sống sót trong thời tiết khắc nghiệt và phát triển mạnh sau mùa đông băng giá. Vì thế, ăn một bát toshikoshi soba trong giờ phút chuyển giao năm mới là để cầu mong trường thọ và thịnh vượng trong năm tới.

 

Món ozoni thì thường ăn vào ngày đầu năm mới. Đó là món canh nấu bằng các nguyên liệu: omochi, đậu phụ, khoai tây, thịt gà, rau xanh và các loại rau củ khác. Món ăn này lúc đầu chỉ dành cho samurai trong thời Trung thế, nhưng sau này trở thành món ăn ngày Tết của thường dân Nhật Bản. Còn oden là món lẩu truyền thống của người Nhật, nhưng cách chế biến lại tương tự các món hầm, với nguyên liệu là củ cải trắng, trứng gà, đậu hũ, các loại chả cá, bạch tuộc và gân bò. Món này thường được dùng từ ngày mùng 2 Tết trở đi.

 

Ngôi đền Yasaka-taisa ở Kyoto quanh năm đón khách đến xin xăm và bùa cầu may - Ảnh: TRÂN HUYỀN

 

Ngày Tết, nam giới cũng như nữ giới Nhật Bản thường mặc kimono và đi geta, một loại guốc gỗ truyền thống của người Nhật. Kimono là trang phục dệt bằng lụa tơ tằm, gồm nhiều lớp, mỗi lớp một kiểu hoa, một loại màu khác nhau. Một bộ kimono của phụ nữ giá từ 5.000-30.000USD. Vì thế, hiếm khi phụ nữ Nhật có được một bộ kimono theo đúng tiêu chuẩn truyền thống.

 

Trong các cuộc hội hè, lễ, Tết, mỗi khi cần mặc kimomo thì họ đi thuê để mặc với giá từ 500-1.000USD, còn áo cưới thì phải thuê từ 3.000-10.000USD. Kimono của đàn ông thì rẻ hơn, khoảng 500-1.000USD. Một bộ kimono đầy đủ, ngoài các lớp áo còn có khăn quàng, khăn quấn lưng, quạt xếp, ví nhỏ, ví to, áo khoác ngoài... và hàng chục sợi dây khác nhau dùng để cột vì kimono không dùng nút hay dây kéo. Vì thế, người ta không thể tự mặc kimono cho mình, mà phải có người giúp đỡ khi mặc, cũng như lúc cởi.

 

Ngày đầu năm mới, người Nhật có tục đi viếng đền chùa, tiếng Nhật là hatsumoude. Họ đến đây cầu nguyện, cúng dường công đức, xin xăm, viết sớ cầu an hay chỉ để mua omamori (vật may mắn) về treo ở nhà, hay mang theo bên mình để mong được may mắn, bình an trong cả năm.

 

Lá xăm, tiếng Nhật là omikuji, có “bán” trong tất cả các đền chùa ở Nhật. Khách viếng đền chùa, trả 100 yên cho thủ từ hay nhà sư là được rút một thẻ tre có ghi số từ một chiếc hộp kim loại. Tùy vào số ghi trên thẻ, khách sẽ nhận được một omikuji tương ứng.

 

Ema của du khách treo ở đền Meiji-jingu - Ảnh: TRÂN HUYỀN

 

Đó là tờ giấy nhỏ có ghi chữ cát (kichi: tốt) hay hung (kyou: xấu) bằng chữ Hán, với các cấp độ tốt xấu khác nhau, kèm những chú giải bằng tiếng Nhật. Người nhận được lá xăm tốt thường cất vào ví, luôn mang theo bên người để luôn được may mắn, tốt lành. Người gặp lá xăm xấu thì gấp lại, treo lên những cây thông nơi đền chùa. Cây thông, tiếng Nhật là matsu, đồng âm với động từ matsu có nghĩa là “đợi chờ”.

 

Việc treo lá xăm xấu ở cây thông hàm ý thân chủ cứ kiên tâm chờ đợi, điều xấu sẽ qua đi và vận may lại đến. Vì tục lệ này mà những cây thông trong khuôn viên đền chùa ở Nhật Bản luôn luôn “trĩu nặng” omikuji, nhất là ở những đền chùa danh tiếng như Asakusa-taisa (ở Tokyo), Ise-taisa (ở Mie), Kyomizu-tera (ở Kyoto), Izumo-taisa (ở Shimane)...

 

Ngoài omikuji bằng giấy, người Nhật còn viết điều ước của mình lên ema. Đó là những phiến gỗ thông, kích thước cỡ 20x14cm, có dây treo màu đỏ. Khách viếng đền chùa bỏ 500 yên để mua một ema, ghi điều ước nguyện của mình lên đó, rồi mang treo vào những chiếc giá dựng sẵn trong sân. Những lời ước nguyện ấy sẽ được lưu giữ trong suốt một năm trong khuôn viên đền chùa, trước khi bị thay thế bởi những lời ước của năm mới.

 

Đền Meiji-jingu thờ Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1913) ở Tokyo là nơi đón nhiều du khách đến ghi ước nguyện lên ema bậc nhất Nhật Bản, nhất là trong những ngày đầu xuân. Đến cầu may ở đền này, người viếng còn có cơ hội bói thơ, giống như người Việt bói Kiều. Người nhà đền tuyển chọn 100 bài thơ của Minh Trị Thiên Hoàng, mỗi bài hai câu, in vào hai mặt của một mẩu giấy nhỏ, gấp làm đôi. Các bài thơ được đánh số từ 1-100. Khách viếng đền trả 200 yên để được rút một chiếc thẻ có ghi số và được nhận tờ giấy có in bài thơ tương ứng với con số ghi trên thẻ.

 

Nội dung bài thơ được xem là lời “phán” về vận hạn trong năm, hay đơn giản chỉ là lời khuyên đầy ẩn dụ và giàu triết lý đối với người bói thơ. Hiện nay, do có nhiều người nước ngoài đến viếng đền Meiji-jingu, nên ngoài các bài thơ in bằng tiếng Nhật, nhà đền còn in thơ của Minh Trị Thiên Hoàng bằng tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung để du khách quốc tế dễ dàng bói thơ.

 

Đối với người Nhật, tục đi viếng đền chùa đầu năm không chỉ để cầu may, cầu an hay cầu phúc mà còn là dịp để hạnh thí công đức. Sau khi vào đền rung chuông hành lễ, người Nhật thường đến nơi tiếp nhận công đức để cúng dường. Mỗi đền chùa đều in sẵn các tờ sớ mẫu, để trống các mục ghi tên, địa chỉ và số tiền công quả để người cúng dường tự tay điền vào.

 

Sau khi tiếp nhận công đức, thủ từ hoặc sư trụ trì đích thân trao tờ sớ chứng nhận cùng với các kỷ vật của đền chùa cho thí chủ. Những kỷ vật này được gọi chung là omamori, thường là các mẩu giấy, mẩu vải được tạo hình khéo léo, xinh xắn, trên đó có in tên của đền chùa cùng những lời chúc may mắn, hạnh phúc. Những omamori này được bọc trong những túi plastic nho nhỏ, hay tạo thành những món quà kỷ niệm xinh xắn, có dây đeo, để thí chủ mang về treo ở nhà, ở trong ô tô, hoặc đeo nơi túi xách, điện thoại...

 

Đặc biệt, tỉnh Shimane ở miền Trung Nhật Bản có ngôi đền Izumo-taisa, được coi là đền tổ của Thần đạo Nhật Bản. Ngôi đền này có mái lợp làm bằng các lá gỗ xếp lớp dày chừng 20cm. Cứ 60 năm, mái của ngôi đền này sẽ được tu bổ và thay mới một lần. Những lớp gỗ từ lá mái cũ sẽ không bị đốt bỏ mà được cắt thành từng mảnh nhỏ, gói vào giấy chỉ (washi), làm thành các omamori để thủ từ trao tặng cho những thí chủ cúng dường công đức trong suốt 60 năm sau đó, cho đến kỳ tu bổ kế tiếp.

 

Ngoài các omamori để cầu an và cầu may, các đền chùa Nhật Bản còn bán những lá bùa trừ tà, gọi là hamaya. Đó là những vật hình mũi tên, có gắn các mảnh giấy hoặc các phiến ema kích thước nhỏ, trên đó ghi các câu bùa chú để tiễu trừ ma quỷ. Người Nhật tin rằng nếu có hamaya trong nhà hay giữ bên mình thì sẽ tránh được mọi điều xúi quẩy và không bị yêu ma làm hại.

 

Có thể thấy rằng, tuy là một nước công nghiệp rất phát triển, nhưng Nhật Bản vẫn bảo lưu nhiều phong tục và văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa Tết. Đó cũng là một cách để người Nhật thu hút du khách đến với xứ sở hoa anh đào trong những dịp xuân về, Tết đến để thưởng lãm, du ngoạn và trải nghiệm nét đẹp của Tết Nhật.

 

TRÂN HUYỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lãng mạn Amsterdam
Thứ Hai, 04/02/2019 11:00 SA
Dấn thân cùng bánh tráng gia truyền
Chủ Nhật, 27/01/2019 10:40 SA
Đường truông năm cũ
Thứ Ba, 22/01/2019 10:27 SA
Kỳ cuối: Đảo Sentosa và bờ vịnh Marina
Thứ Hai, 14/01/2019 11:00 SA
Kỳ 2: Phát triển du lịch từ con số không
Chủ Nhật, 13/01/2019 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek