Thứ Năm, 17/10/2024 06:30 SA
Đường truông năm cũ
Thứ Ba, 22/01/2019 10:27 SA

Ngựa thồ sắn qua đường truông ở làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân - Ảnh: MẠNH MINH TÂM

Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, do điều kiện công tác phải xa quê, tôi ít có dịp đi qua những đường truông năm cũ. Có chăng chỉ nhờ vào dịp giỗ chạp, một năm đôi lần về tu tảo mồ mả ông bà mới được đi lại con truông đầy ắp kỷ niệm, dù năm tháng trôi xa nhưng tôi không thể nào quên.

 

Làng tôi ven núi, mộ của tổ tiên, ông bà thường nằm trên trảng gò đồi. Từ nơi ở kề với ruộng đồng, muốn đến đây phải đi qua những đường truông vòng vèo, luồn lách dưới những tán duối cổ thụ, dây leo bao phủ, rợp mát, có gió hát, suối reo. Chiều về, đứng trên những gò đồi nằm vắt vẻo dọc theo triền núi, nhìn những đụn khói đá bốc hơi, lững lờ trôi…, tôi thường mơ màng về một thời tuổi thơ cắt cỏ chăn bò.

 

Hôm rồi có dịp đi qua đường truông cũ, tôi thoáng chút ngỡ ngàng khi chợt nhận ra con đường đất năm nào giờ đã láng bê tông thẳng thóm. Đường nới rộng cả thước, lòng truông trở nên sáng sủa, đầy nắng và gió trời. Các em tui nói, nhờ xây dựng nông thôn mới nên hầu hết đường truông ở làng mình, giờ đi lại không còn tù mù, hun hút như hồi nẳm. Khỏe nhất, từ nay những người già ở xóm Hóc Ké hễ ai mất, đưa đi chôn cất được xe bục bịch chuyển chở tận nơi. Đường truông không còn là nỗi ám ảnh, giằng dọc thi thể người quá cố vì phải khiêng bộ luồn qua những khúc cua, truông dốc vặn vẹo, trước khi được về nơi an giấc nghìn thu.

 

Làng tôi có hình thế lưng dựa vào núi, trước mặt là những cánh đồng vuông vắn xanh mượt lũy tre bên dòng Trà Bương thơ mộng. Chính cái địa thế vách núi, sông ngăn đã tạo nên cái lạ lẫm, làng là nơi có nhiều xứ hóc: hóc Bướm, hóc Ống, hóc Kè, hóc Tre, hóc Ké, hóc Màn Gà, hóc Rùa, hóc Chanh, hóc Son, hóc Bà Nổ, hóc Ông Ngõ, hóc Ông Chình… Không chỗ nào dân cư ở mà không có hóc. Có những tên hóc nghe qua là lạ, khó hiểu; chẳng hạn như hóc Bướm, nghe tên gọi ai cũng phì cười… Nhưng thật ra đây là bến nước của xóm Thạnh Trung, nơi quanh năm có vũng nước đọng, hè về thường có đàn bướm vàng về đây lao xao tưới tắm; hóc Ké là hũng núi có nhiều cây ké, loài gỗ dẻo dai dành riêng cho việc lấy gỗ đẽo làm bắp cày và cắm cán dao rựa... Hóc Tre nơi có rừng tre vô chủ, ai cần cứ vào đây đốn lấy về dùng, đây cũng là nơi sinh của cựu Bí thư Huyện ủy Tạ Sơn Xuân. Duy nhất hóc Son, hóc có cái tên đẹp nhất làng, nơi ngày xưa là một rừng cây cà te, lõi gỗ đỏ như son. Cụ Trương Năm nay đã trên 90 tuổi, nói: Tên mỗi hóc là dân làng tự đặt theo cách thấy sao nói vậy. Ví dụ như hóc Ông Chình, ông ấy tên thật Trần Trơn, lão làng của xứ này, tôn trọng và để tránh phạm húy dân làng nói trớt là Chình, “trơn chình”. Tương tự như vậy, ông Cát người tên thường gọi là ông Bãi “bãi cát”, ông Thẳng người ta gọi là Dùng... Người xưa ít “chữ nghĩa” lắm (ý nói là không được học hành nhiều) nên đừng nghĩ người ta đặt điều, thấy sao nói vậy và chẳng có gì khó hiểu cả…

 

Đường truông ở làng Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân - Ảnh: MẠNH MINH TÂM

Làng có nhiều hóc, mỗi hóc là một cụm dân cư, mỗi cụm dân cư ít nhất cũng có vài ba đường truông. Những truông dài là đường của làng xuyên qua các xóm, truông ngắn là đường tắt, lối rẽ láng giềng… Ai cũng coi những đường truông là mạch sống của dân làng. Có những truông lâu năm, nước xói mòn sâu hoắm giống như giao thông hào chống giặc. Vì sao làng có những đường truông? Bởi mỗi hóc núi thường có một con suối cái, nơi đón nước từ những rạch suối cạn ở các triền núi đổ về. Suối cái trên đường dẫn nước về đồng, đưa thác lũ về sông, nước tràn vào nền đất trũng, lối mòn đi lại của cư dân mưu sinh với những vùng đất gò đồi; lâu ngày nước bào mòn những đường truông dọc ngang, rẽ nhánh tới từng ngóc ngách xóm làng, cứ hình thành một cách tự nhiên, thông nối, gắn kết với tất cả hoạt động thôn dã... truông làng được hình thành từ đó. Và khó có câu trả lời chính xác, rằng nó có tự bao giờ?

 

Với tôi, đường truông cũ không đơn giản chỉ là lối đi thời dân làng đói cơm, lạt muối mà còn là kỷ niệm được khắc ghi trong hành trình của cả đời người. Làng có nhiều truông, mỗi truông đều có tên hẳn hoi. Truông Sỏi là con đường đất lẫn đá sỏi cho dân làng đi lại, lùa bò qua chăn thả ở đồng cỏ Gò Ổi; truông Ông Beng thoáng mát bóng duối, nơi đàn bò sau khi tắm sông về trú nắng, nghỉ ngơi những trưa hè; truông Bà Đóng cho dân làng đi lại sản xuất vùng chuyên canh sắn, mía gò Bà Đái; truông Hóc Ống nơi có bến nước cho làng Hạ, làng Thượng qua lại chung vui khi đình làng mở hội; truông Ông Năm Nhót là nơi dân làng tập kết nông thổ sản trước khi được chuyển về chợ Đồng Dài. Truông Hóc Bướm là bến đậu những bè mò o (lồ ô) xuôi con nước từ Phú Sơn, Thác Dài về làm nguyên liệu cho dân làng đan ky bồ bỏ chợ; truông Bà Dễ cho thương thuyền ngược xuôi, trao đổi hàng hóa ở dưới xuôi với vùng thượng du Kỳ Lộ, Phú Mỡ...

 

Ai cũng biết, mỗi đường truông đều xuất phát từ nhu cầu là đường đi, lối lại trong hành trình tìm kế sinh nhai của dân làng. Hệ trọng hơn, đường truông còn là nơi mở ngõ trong mối quan hệ tình người, làng trên xóm dưới “tối lửa tắt đèn có nhau”. Tôi đặc biệt nhớ, nhớ như in những đường truông dặm dài, in dấu chân người “mòn đường chết cỏ” từng đi qua đời tôi. Trong đó, truông Ông Thừa Lớn là nơi mà lũ chăn bò thường về đây nghỉ trưa, mang theo cục cơm dỡ bó trong ngọn lá chuối non, ăn với gói muối é, mắm ruốc; khi đã no nê được xoài mình nằm trên thảm lá ủ phè giấc ngủ ngon lành mỗi trưa hè. Truông che dài bóng mát, truông rộn tiếng chim hót, ai đã từng trải qua đều cảm nhận sự bình yên miền sống dân dã. Nhưng đâu chỉ có vậy. Chiến tranh vùi dập, truông làng cũng hứng chịu những nỗi thống khổ, chết chóc tang thương không kém gì dân làng.

 

Còn nhớ, những năm 1967, khi tôi độ chín mười tuổi cũng là thời kỳ cao điểm của chiến dịch dồn dân, lập ấp. Làng mạc đạn bom giày xéo, sống trong cảnh điêu linh; những trận mưa bom, bão đạn trời nghiêng, đất lở thường xuyên trút xuống truông làng. Vì chúng cho đây là sào huyệt, nơi trú ẩn của bộ đội và dân quân du kích. Trong cảnh sống ấy, dân làng người đi kẻ ở; ai có điều kiện thì “cao chạy xa bay”. Riêng gia đình tui cứ thường xuyên chui vào “cái rọ” ấp chiến lược. Nhà tôi “chạy giặc” gia sản chỉ nằm gọn trong đôi nừng; cứ dăm bữa nửa tháng ở ấp chiến lược lại đùm túm trở về làng cũ. Mỗi lần trở về, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác nên nơi ở chỉ là bóng cây và những đường truông. Truông làng lúc bấy giờ trở thành những mái nhà xanh, nơi che chở nắng mưa không chỉ cho chim chóc mà còn cho cả con người.

 

Con truông dài gần nửa cây số bên dồng Bà Xã trở thành nơi cưu mang đùm bọc không chỉ riêng gia đình tôi và cho cả dân làng. Đó là con truông sâu cách mặt đất hai thước, rộng chừng thước rưỡi. Trên mặt truông là những cây duối cổ thụ to cả người ôm, tán dày và rộng đủ chỗ cho những hộ vài ba người ở. Để tránh những trận không kích của trực thăng, máy bay L19, pháo 105 từ trung tâm Biệt kích Đồng Tre… trong lòng truông được đào sẵn những hầm hố ếch, mỗi hầm cách nhau vài thước. Mỗi hố tránh trú đạn sâu ngập đầu khi ngồi chồm hổm. Truông giờ trở thành “địa đạo” an toàn cho bao dân làng lương thiện và cũng bớt đi sự nơm nớp nỗi lo sự chết chóc đang rình rập.

 

Một lần, từ ấp chiến lược Hòn Chùa trở về làng cũ, cả nhà về tá túc dưới gốc thầu đâu vườn nhà ông ngoại. Không có thức ăn, cha tôi ra sông hóc Ống mó “bắt cá bằng tay” được một ít cá tràu, cá trê. Bên bếp củi đỏ lửa, cha tôi đang cời những mẻ than hồng củi gộc để nướng cá, những con cá phơi mình trên lửa đỏ, ửng vàng, chảy mỡ nổ tí tách, xì xèo… Bữa cơm chiều mẹ dọn ra, không có chén dĩa, những dích cơm vệt vào mảnh lá chuối, đôi đũa là những cây bông bay khô. Nhìn lát sắn cõng trên lưng vài ba hạt cơm, ăn với cá sông nướng, cơn đói khát của cả nhà như được ngấu nghiến…

 

Bữa ăn chưa kịp lưng chén đã nghe tiếng pháo nổ đì đùng quanh gò bên nhà ông ngoại. Cả nhà năm người, cha mẹ tôi và hai đứa em dắt díu chạy vào đường truông hóc Ông Ngõ, nơi có những hầm ếch trú tránh đạn. Những loạt pháo chùm, pháo chụp trút xuống quanh truông như nổ trên đầu, vang rền nghe đinh tai nhức óc. Khi bên ngoài yên ắng, đâu đó không còn tiếng pháo cầm canh, cả nhà trở lại nơi vừa ăn dở bữa cơm chiều… Thì hỡi ôi! Quanh chỗ ngồi chằng chịt những hầm hố, đạn pháo cày xới tan hoang, cây thầu đâu bị cụt ngọn, trơ gốc, mình chằng chịt những mảnh đạn. Tôi chợt rùng mình, ớn lạnh… Phép thần thông nào đã xuôi khiến cho cả nhà mình vừa thoát được cái chết trong gang tấc.

 

Cha mẹ tôi thường nói và tin vào con người sống chết có số. Không biết có phải vậy không. Riêng tôi, được sống tới bây giờ có nhiều điều đáng nhớ lắm nhưng cứ nhớ mãi không thôi về đường truông năm cũ.

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek