Chủ Nhật, 12/01/2025 18:37 CH
Chuyện anh em nhà Y Pe, Y Pít
Thứ Hai, 04/02/2008 08:00 SA

Những câu chuyện kể qua nhiều thời kỳ ở vùng rừng núi phía tây Phú Yên thường rất ly kỳ. Tôi về Suối Trai (Sơn Hòa) một ngày cuối năm, lặn lội tìm nhà của tấm gương sản xuất giỏi Ma Hoe ở buôn Thống Nhất, nghe Ma Hoe kể về chuyện làm giàu từ thời còn là anh thanh niên có tên Y Pít với người anh trai Y Pe. Từ thời khó khăn, đi bằng “chân chó” (chân trần, không giày dép) trên các tuyến đường mòn do bộ đội để lại sau ngày giải phóng đến những chuyện Y Pít giúp cho đồng bào Ê Đê, Kinh làm kinh tế bây giờ.

 

080204-mcmh.gif

Ma Hoe nói: “Máy cày này tui mua hết 25 con bò, tiền mười mấy triệu. Giờ, mỗi năm nó cho mình lời 40 triệu” - Ảnh: LY KHA

 

NGƯỜI GIÀU NHẤT SUỐI TRAI

 

Ma Hoe cười thật tươi khi tôi vào nhà ông. Nụ cười hiền khô trên gương mặt tròn, mắt hốc, râu quai nón rậm ri như tộc người Tây Á. Vấn điếu thuốc lá bằng giấy vở học trò, cả ông và tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, đành bắt đầu từ những người xung quanh. Ma Biền, Chủ tịch Hội Nông dân xã, bảo: “Ma Hoe không nói đâu, chỉ biết làm và làm thôi. Bây giờ, Ma Hoe là nông dân điển hình sản xuất giỏi, nhưng từ xưa đã làm ăn khá giả lắm, con gái trong pum, sóc (buôn, làng), ai cũng thích anh em Y Pe, Y Pít!”. Ma Bin (khi còn thanh niên tên là Y Pe – anh trai Ma Hoe), nói: “Khổ lắm, hồi xưa làm ăn không như bây giờ đâu!”. Nhấp ly rượu, Y Pe nhớ lại thời còn cõng Y Pít chạy trên những con “đường Bok Hồ”: “Hồi đó làm gì có đường, dân mình đi trong rừng, trong núi như con nai rừng thôi. Từ ngày bộ đội mình đánh Ksoc (con ma) Mỹ và trước đó là   đánh Ksoc Pháp mới có đường mòn để đi. Nhưng trước đó, mình đã có 6 cặp bò cày, bò nái rồi, nhiều nhất pum này!”…

 

Ngày xưa, hai anh em dắt nhau đi rừng kiếm mật ong, đi đến mỏi cái chân rồi, Y Pít không đi được nữa đành phải ngồi trên lưng của Y Pe. Dắt bò lên núi cũng đi cả hai anh em. Sau giải phóng, để có được chiếc xe đạp, Y Pe phải đổi một con bò cái để được cùng đi xe với em.

 

Trong ngôi nhà sàn, bên cạnh  tôi là  bếp  lửa  cháy  rực, Ma Hoe mời tôi cùng uống cạn một ly rượu, rồi ông kể: “Anh em tui chịu khó làm ăn từ lâu lắm rồi. Sau giải phóng, đường sá còn khó đi mà xe reo 3 của công ty lương thực lên thu lúa, sắn, mỗi lần thu cứ một trăm ký, hai trăm ký, tui đều nộp hết. Lúa của hai anh em hồi đó nhiều lắm, bạt ngàn cả mấy quả đồi. Đến mùa gặt về chất đầy nhà chính, nhà phụ, quanh năm ăn không hết còn để làm ché rượu mà uống. Sau này hiện đại rồi, người ta đo ruộng của tui nói là 8ha. Còn bò thì càng ngày càng nhiều, trong nhà không chăn nổi, nhờ người khác khổ hơn mình chăn bò giúp. Chăn giùm thì họ có quyền lấy bò mình cày ruộng, mỗi năm bê đẻ ra họ nhận một con”. Ma Biền xác nhận: “Ma Hoe nuôi bò hơn một trăm con, hai vợ chồng thay nhau chăn một ít, còn lại là gởi cho người ta, có tới mấy hộ nhận chăn bò giúp Ma Hoe. Nhờ đó mà có sức cày đất trồng lúa, mì, đậu đỏ… Một năm, số bò đẻ ra thì người nuôi được nhận một con. Không ít người nhờ làm việc cho Ma Hoe mà khấm khá lên.

 

Năm 1988, Ma Hoe bị mất cả một valy tiền: “Trong đó đựng 8 triệu 6, mình bỏ trong nhà sàn nè, rồi không biết kẻ xấu nào để ý lấy đi mất. Nhưng cũng may là mình không bị mất vàng vì mẹ mình bỏ trong ống tre thả lăn lóc ngay bên bếp lửa” – Ma Hoe nói. Đây là số tiền, số vàng mà Ma Hoe có được từ bán bò từ những năm còn giá 100 đồng/con cùng với bán lúa nhiều năm để dồn lại.

 

Ấy thế nhưng ngay năm 1992, Ma Hoe cũng xây được căn nhà xây đầu tiên của người dân ở Suối Trai. Căn nhà được tô đá rửa, lót gạch hoa đàng hoàng. “Giá của nó là bò 60 con, vàng một cây, tiền một triệu” – Ma Hoe nhớ lại. Xây nhà xong, Ma Hoe chỉ còn lại 30 con bò nên gầy dựng lại dần dần đến nay đã nhiều hơn 100 con, hai căn nhà xây, một để mẹ ở, một để hai vợ chồng ở đi chăn bò. “Vợ tui không ở nhà, đi lên núi chăn bò rồi. Hai vợ chồng cứ ở trên núi không hà, mười ngày thay nhau một lần” – Ma Hoe tâm sự. Ít năm sau khi xây nhà, Ma Hoe là người đầu tiên của xã mua về một xe máy cày cỡ lớn để cày thuê cho bà con. Giá của chiếc máy cày là “bò 25 con, tiền mười mấy triệu” – ông nói. Riêng tiền cày, mỗi năm Ma Hoe lãi được 40 triệu. Ngoài những tài sản trên, Ma Hoe còn có 2,7ha mía, mỗi năm thu 115 tấn. Nếu tính hết, số thu hằng năm của gia đình Ma Hoe không dưới 150 triệu đồng.

 

080204-cbmh.gif

Người chăn bò cho Ma Hoe mỗi năm được nhận một con bê làm vốn- Ảnh: LY KHA

 

GIA ĐÌNH”NHIỀU CHỮ”

 

Thực tế thì cả hai anh em Y Pe, Y Pít không hề biết một chữ a, chữ b nào. Y Pít kể: “Mình sinh năm 1962, mới giải phóng xong rồi, nhà nước mở lớp bình dân học vụ có vận động hai anh em đi học nhưng đến lớp, thấy mình lớn nhất lớp, mắc cỡ quá nên hai anh em trốn về, không học!”. Bản thân mình vậy, tự chăn bò mà làm nên của cải giàu có, nhưng cả 5 người con của Ma Hoe đều được cho đi học bài bản. “Một con trai học nghề lái xe, 4 đứa còn lại có 1 trai, 3 gái đều đang học từ lớp 9 đến lớp 12. Mình không biết chữ thì phải cho con mình biết, con mình phải học mới làm nên việc tốt được” – Ma Hoe nói.

 

Ma Hoe chỉ người ngồi trước mặt mình, nói: “Nó là thằng Minh, mình thuê nó trông coi mía. Nếu thuê người khác mình trả 50.000 đồng/ngày, mà nó thì mình trả 100.000 đồng/ngày”. Để trả lời cho thắc mắc của tôi, ông lại nói: “Vì nó khổ mà!”. Anh Hoàng Ngọc Minh, trú khu phố Tây Hòa thị trấn Củng Sơn, là người dân tộc Kinh nhưng đã làm thuê cho Ma Hoe từ nhiều năm nay. Anh kể: “Trước đây hai vợ chồng làm nghề “chợ lưu động” chở nhu yếu phẩm đi bán cho bà con mình rồi quen biết anh em nhà Y Pe, Y Pít. Sau đó, do vận chuyển gỗ trái phép, mình bị kiểm lâm bắt, mất hết vốn liếng, may có Ma Hoe nhận làm công. Không cần tới ngày làm gì đâu, khi nào hết tiền tiêu là mình lên hỏi Ma Hoe đưa liền. Nhờ Ma Hoe mà vợ có vốn liếng kinh doanh lại, mình có việc làm. Hai anh em Ma Bin và Ma Hoe sống rất tốt bụng.

 

Cứ mỗi cái tết đến, Ma Hoe lại có thêm nhiều tiền, con Ma Hoe lại học thêm nhiều điều hay, điều tốt ở trường. Tôi tin chắc một điều, Ma Hoe là một trong những người giàu có nhất của vùng rừng núi phía Tây Phú Yên nhờ vốn liếng ông tích tụ được và cả số vốn ông gửi cho những đứa con và cho những người xung quanh…

 

LY KHA

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn chuột đồng
Thứ Ba, 12/02/2008 14:00 CH
Về "Thủ đô kháng chiến" ở miền Nam
Thứ Hai, 11/02/2008 07:00 SA
“Vàng trắng” trên đất núi phía Tây
Chủ Nhật, 10/02/2008 07:00 SA
“Vua” baba
Thứ Bảy, 09/02/2008 07:04 SA
Ra Trường Sa gặp những người “đo bão”
Thứ Sáu, 08/02/2008 14:00 CH
Trang trại... hoang dã
Thứ Năm, 07/02/2008 10:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek