Thứ Năm, 03/10/2024 09:34 SA
“Kỳ thạch” sông Ba hạ
Thứ Tư, 09/01/2008 15:00 CH

Theo thông tin chưa được kiểm chứng từ người chơi đá cảnh, kỳ thạch (đá lạ) ở sông Ba hạ nhiều và...lạ thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.

 

080109-da-song-ba.jpg

Một điểm bán đá cảnh ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) với rất nhiều loại đá có nhiều màu sắc sặc sỡ được lấy từ lòng sông Ba hạ - Ảnh: L.K

 

KỲ THẠCH BẬC NHẤT VIỆT NAM

 

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, chủ xưởng gỗ - đá cảnh Sơn Phước (TP Tuy Hòa), một trong những người sành đồ gỗ và kỳ - dị thạch sông Ba hạ nhất hiện nay ở Phú Yên thì dân chơi kỳ thạch chính hiệu không bao giờ chơi đá có độ cứng thấp hơn 4/10 so với kim cương. Tại Việt Nam có 3 lưu vực sông mà kỳ - dị thạch được sưu tầm nhiều nhất: sông Mã ở Thanh Hoá; thượng lưu sông Đồng Nai thuộc Lâm Đồng và lưu vực sông Ba hạ của Phú Yên. Tại sông Mã và thượng lưu sông Đồng Nai, kỳ - dị thạch mang dáng dấp và chủng loại, màu sắc khá đặc trưng. Riêng vùng sông Ba hạ, kỳ - dị thạch có tới hàng trăm loại, niên đại khác nhau và hình dáng rất phong phú. Chính điều này đã làm cho sông Ba hạ mấy năm trước bị đào bới rất nhiều.

Theo dân chơi kỳ thạch ở các thành phố lớn đã lấy đá sông Ba, kỳ thạch sông Ba hạ thường ở ngưỡng từ 5/10 – 5,5/10 so với độ cứng của kim cương. Còn đá hiện nay được dân chơi đá cảnh Phú Yên săn tìm phần lớn là những loại đá “amateur”, tuy có độ cứng cao nhưng khó tìm được những kỳ - dị thạch đúng nghĩa. Thế nhưng, điều này cũng không cản được nhiều người vẫn cố công săn tìm đá.

 

Đá cảnh chủ yếu nằm dưới lòng sông. Hiện trên lưu vực sông Ba hạ có hơn 5 đội quân chuyên tìm đá. Họ mang theo gạo, muối, vật dụng để có thể ăn ngủ ngay trên những tảng đá dưới sông. Không ít lần, ông Sơn cùng nhiều người tìm đá đã phải vất vả hàng tuần để lấy những tảng đá nặng hàng tấn nằm vùi dưới đáy sông.

 

TÀI NGUYÊN “BỊ ĐÁNH CẮP”

 

080109-da-nam.jpg

Một viên đá “nạm ngọc” có rất nhiều màu sắc sặc sỡ được dân chơi kỳ thạch đánh giá là tác phẩm độc đáo của sông Ba hạ - Ảnh: L.K

Gần đây, dân chơi đá cảnh, kiểng, gỗ lũa của Phú Yên mới chú ý tới lũa và kỳ thạch sông Ba hạ. Nhưng biết thì đã muộn vì phần lớn kỳ thạch sông Ba hạ đã bị “chảy” đi khắp nơi mà những người ngồi ngay trên “mỏ” đá này không biết. Ngay tại hai thành phố lân cận là Nha Trang và Quy Nhơn, dân chơi kỳ thạch hầu hết đều có những bộ sưu tập riêng về những loại đá kỳ dị được lấy từ sông Ba hạ. Ông Nguyễn Thái Sơn, cho biết: “Những gì tôi có chẳng thấm vào đâu so với những nhà sưu tập khác. Kỳ thạch ở sông Ba hiện còn ít lắm, chủng loại cũng không còn độc đáo như trước”.

 

Tuy ít, nhưng tại xưởng của ông Sơn, có tới hàng trăm loại đá được nhiều dân chơi đá ngưỡng mộ. Ngoài những viên đá có màu sắc sặc sỡ, bóng loáng, niên đại được cho là đến hàng triệu năm, xưởng của ông Sơn còn có hàng loạt những loại gỗ hoá thạch theo nhiều niên đại khác nhau. Một mảng gỗ hoá thạch có màu trắng và xám được xẻ làm đôi, tạo nên đôi ngà voi thiên dựng bên trên một tác phẩm gỗ lũa rất đẹp; hoặc một mảng gỗ hoá thạch màu xanh đen được ông phác họa thành một lâm thần với vẻ mặt ưu tư và chòm râu huyền bí tựa những cây thần đại thụ trong tác phẩm điện ảnh “Chúa tể những chiếc nhẫn”.

 

Ông Sơn khẳng định: “Sau rất nhiều thời gian cất công sưu tầm, nghiên cứu, tôi mới biết tại sao người ta biết về kỳ thạch sông Ba hạ, còn người dân địa phương thì chưa. Tại các trường đại học cũng như các tài liệu nghiên cứu về địa chất, địa lý đều nói tới vết nứt gãy Tây Nguyên Việt Nam. Đó là vùng sông Ba hạ hiện nay. Hàng trăm triệu năm trước, do chấn động của địa chất và núi lửa, vùng cao nguyên phía tây bị gãy, đổ ập xuống vùng đồng bằng, tạo nên lưu vực sông Ba hạ. Từ đó, vùng đất này được ban tặng nhiều tác phẩm kỳ thú của tự nhiên”. Ông Sơn bảo rằng, ông đã từng chứng kiến những mảng đá mà nhìn vào có thể thấy dáng dấp anh bộ đội đang vác súng; một người mẹ đang cho con bú; đức Maria đang bồng Chúa hài đồng; hình Phật Di Lặc… Hàng loạt những hình tượng, những nhân vật lẫy lừng, danh nhân thế giới, hình tượng tôn giáo… được thiên nhiên tạc tượng qua đá ở lưu vực sông Ba hạ. Chỉ tiếc rằng, tất cả tài nguyên của sông Ba mà ông Sơn nhìn thấy giờ đã thuộc về nơi khác, do những nhà sưu tập đã mua hoặc tự lấy đi từ hàng chục năm trước.

 

LY KHA

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tôi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự
Thứ Sáu, 04/01/2008 10:00 SA
Cảm nhận ngày đầu năm mới
Thứ Tư, 02/01/2008 07:00 SA
Đi mua thú rừng
Thứ Ba, 25/12/2007 10:00 SA
Trường Sa - điểm tựa trong bão tố
Thứ Ba, 18/12/2007 15:00 CH
Về Hà Tiên…
Thứ Sáu, 14/12/2007 09:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek