Thứ Sáu, 10/01/2025 19:00 CH
Du lịch ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
Thứ Bảy, 03/02/2018 13:00 CH

Đi theo đường mòn dẫn đến thác Thiên Thai - Ảnh: NGỌC XUÂN

Đã nhiều lần đến với TP Đà Lạt mờ sương nhưng có lẽ chuyến đi này để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Không chỉ được họp mặt bạn bè cựu sinh viên của ngôi nhà chung Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi nổi, chúng tôi còn được thăm thú một địa danh ít thấy xuất hiện trong tour của các công ty du lịch lữ hành: Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà - điểm đến mới của du lịch sinh thái Đà Lạt.

 

Cách Đà Lạt khoảng 50km, thuộc phạm vi mở rộng của thành phố, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) với diện tích hơn 63.000ha. Bidoup là ngọn núi cao nhất Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và được ví là “nóc nhà” Tây Nguyên với độ cao hơn 2.200m.

 

Vườn quốc gia được thành lập vào năm 2004, riêng Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường được thành lập vào tháng 2/2011 với sự hỗ trợ của dự án JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản). Một trung tâm du khách và 3 tuyến du lịch sinh thái mẫu đã được triển khai. Đó là thác nước Thiên Thai, chinh phục đỉnh Langbian và đỉnh Bidoup.

 

Để đoàn chúng tôi đến được địa điểm này, cô bạn tôi, người Đà Lạt đã đi tiền trạm để xem xét cảnh quan, môi trường, nơi nghỉ đêm, liên hệ với bộ phận quản lý trung tâm và chúng tôi tự tổ chức tham quan, xem như một chuyến “đi phượt bằng ô tô”. Các công ty lữ hành ít đến đây, phần vì xa TP Đà Lạt, phần vì chưa hình thành đầy đủ dịch vụ tiện ích và chưa có các gian hàng bán đồ lưu niệm nhưng địa danh này thật lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, môi trường sinh thái và động vật.

 

Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường là một loại hình du lịch đặc biệt, rất thích hợp với sự năng động, khao khát tìm hiểu thế giới tự nhiên của giới trẻ. Đây là một hình thức giáo dục sinh động giúp du khách và trẻ em, học sinh, sinh viên hình thành ý thức bảo vệ môi trường vì một tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

 

Nơi đây không gian yên ắng, thoáng đãng, tưởng chừng như ta có thể nghe được hơi thở của núi rừng và lời thì thầm của gió.

 

Sau khi vượt qua cổng chào của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đặt tại xóm dân cư, chiếc xe khách lớn đời mới và một xe con đưa chúng tôi đi trên cung đường nhựa đẹp, êm ái, hai bên đường không có nhà dân và hiếm khi gặp xe chạy cùng hay ngược chiều mà chỉ toàn rừng thông xanh mướt, thoắt ẩn thoắt hiện trong bầu trời thu vàng ươm màu nắng, khi lên đồi, khi xuống dốc tạo nên khung cảnh vô cùng nên thơ, thu hút bao ánh mắt hân hoan của khách lữ hành.

 

Bên thác Thiên Thai - Ảnh: CTV

 

Xe dừng lại ở tòa nhà trung tâm khá rộng, bên trong trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về các loài động vật cần được bảo tồn và những thông điệp bằng song ngữ (Việt, Anh) về bảo vệ rừng, môi trường thiên nhiên, động vật hoang dã. Rời trung tâm, chúng tôi thả bộ vài trăm mét theo triền dốc đến các ngôi nhà nghỉ dưỡng được thiết kế tương tự nhưng không cao cấp bằng resort với mái lợp màu xanh, đỏ nằm đan xen với thông, bao quanh một hồ thủy tạ rộng như điểm tô cho khung cảnh thêm nên thơ. Đi dạo trên những con đường nối liền các tòa nhà trong cái se lạnh, ai cũng muốn hít thở thật sâu không khí trong lành của cao nguyên bạt ngàn cỏ cây xanh rì ven bìa rừng vườn quốc gia và tranh thủ ghi hình lưu niệm cho lần đầu khám phá.

 

Giá cả sinh hoạt nơi đây khá bình dân. Xung quanh không có nhà dân, không hàng quán, chỉ có nhà hàng Đỗ Quyên của trung tâm, sức chứa khoảng 30 bàn tiệc. Chỉ cần gọi điện hoặc đặt trực tiếp thì khi đi dạo chơi về đã có sẵn bữa ăn nóng đang chờ bạn; mà mỗi bàn tiệc 10 khách chỉ với giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mỗi ngôi nhà có 4 phòng ngủ và phòng khách, nối mạng internet…, giá chỉ hơn 100.000 đồng/khách/mỗi ngày đêm lưu trú.

 

Sau khi ổn định chỗ ở, chúng tôi theo một thanh niên người địa phương (được thuê dẫn đường) tới thác Thiên Thai. Nghe cái tên mỹ miều cuốn hút nên chúng tôi - phần lớn đến từ TP Hồ Chí Minh và một số bạn ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận - ai cũng hăm hở lên đường. Theo con đường mòn nhỏ, chúng tôi qua đồi thông rồi len lỏi vào rừng với vô số loài cây dại, dây leo và cây to, nơi nào cũng rợp bóng mát, đôi khi còn phải leo qua những tảng đá nhỏ, lội qua con suối cạn… Vài chị còn nhặt cành cây khô làm gậy hỗ trợ đôi chân nhưng mải ngắm cảnh, chụp ảnh, chuyện trò và vài lần nghỉ chân, uống nước, bắt chuyện với đôi nam nữ thanh niên người Canada đi phượt và nghe hướng dẫn viên diễn giải nhiều điều mới lạ nên quãng đường 1,8km đi bộ trở nên không xa lắm.

 

Từ xa, tiếng thác đổ vọng lại, ai cũng reo mừng vì sắp đến đích. Và kia rồi: Thác Thiên Thai. Thác không cao lắm nhưng trải rộng và dài, tung dòng nước trắng xóa giữa nhiều tầng lớp lá xanh, làm tan biến nỗi mệt nhọc của khách đường xa. Ngay bên cạnh dòng thác có một nhà sàn bằng gỗ không vách để du khách ngồi nghỉ ngắm cảnh và một chiếc cầu treo lơ lửng vắt ngang đỉnh thác. Đứng trên cầu treo nhìn toàn cảnh, ta mới thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Nơi đây yên ắng, hữu tình, thật xứng với cái tên ướm màu liêu trai mà người đời đã đặt: Thiên Thai thác.

 

Trên đường về, chúng tôi nghỉ chân bên những vạt chuối rừng, bên hồ nước và được tham quan trại nuôi cá tầm giống. Thật là một buổi đi rừng với nhiều trải nghiệm thú vị.

 

Chúng tôi, những giáo viên với ý thức bảo vệ môi trường, đã thực hiện đúng thông điệp:

 

Không lấy gì ngoài những bức ảnh.

Không giết gì ngoài thời gian

Không để lại gì ngoài những dấu chân.

 

Buổi tối, chúng tôi tổ chức đốt lửa trại, chơi trò chơi, nướng bắp, khoai, hát cho nhau nghe và kể về trường cũ thầy xưa cùng bạn bè một thuở.

 

Sau một ngày vui chơi thăm thú, rũ bụi đường xa, được ngả lưng trong căn phòng thoáng mát, hoàn toàn yên tĩnh, chỉ nghe tiếng thông reo rì rào và văng vẳng tiếng chim hót, lữ khách dường như quên đi những lo toan vất vả của đời thường để hòa mình cùng thiên nhiên, thấy được những giá trị quý báu mà rừng ưu ái ban tặng cho con người, ngoài việc ngăn ngừa lũ lụt và cung cấp nguồn tài nguyên vô giá.

 

Sáng sớm, khi cỏ cây còn đọng hơi sương, chúng tôi giã biệt núi rừng và mong có ngày tái ngộ bởi những gì mình được tận hưởng và còn nhiều điều hấp dẫn khác mà vùng cao nguyên thân thiện này đang ân cần mời gọi.

 

NGỌC XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek