Chúng tôi đến Đà Nẵng giữa lúc câu chuyện bán đảo Sơn Trà đang “dậy sóng” vào những ngày đầu tháng 6/2017. Tuy nhiên, cách trung tâm thành phố bên bờ sông Hàn gần 20km về phía tây bắc, giữa làng quê núi đồi yên ả bên dòng sông Cu Đê thì lại là một câu chuyện khác…
Cầu treo Phò Nam - Ảnh: PHAN HOÀNG |
Thành phố Đà Nẵng vừa kỷ niệm tròn 20 năm ngày tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1997-2017). Nói đến Đà Nẵng mọi người thường nghĩ ngay tới sông Hàn với những chiếc cầu hiện đại hoành tráng liên tục mọc lên nối trung tâm thành phố với bán đảo Sơn Trà. Ít ai nhớ hay biết rằng nơi đây còn có các con sông khác như Cu Đê, Cầu Đỏ, Vĩnh Điện, Chu Bái, Túy Loan, Phú Lộc, Cổ Cò, Yên… Đó là những nguồn nước ngọt góp phần tạo nên hệ thống thủy văn đa dạng, bệ phóng phát triển kinh tế bền vững, lưu giữ không gian văn hóa truyền thống cho thành phố lớn nhất miền Trung; trong ấy Cu Đê là lưu vực sông quan trọng thứ hai sau sông Hàn.
Từng nhiều lần đến Đà Nẵng nhưng hai tiếng Cu Đê đối với tôi vẫn hết sức xa lạ khi các bạn sinh viên Khoa Văn - Báo chí Trường đại học Duy Tân rủ rê đi ngắm hoàng hôn trên dòng sông này như một cách “chiêu đãi” khách phương xa. Chỉ gần 20 phút đi xe máy lên phía tây bắc, tách khỏi không gian tráng lệ náo nhiệt của trung tâm TP Đà Nẵng, chúng tôi đã bắt đầu được sống trong một không gian khác với khung cảnh quen thuộc của làng quê yên tĩnh xen lẫn đồi núi chập chùng dọc hai bên con sông Cu Đê hiền hòa. Một không gian văn hóa may mắn vẫn còn tương đối thuần Việt giữa cơn lốc đô thị hóa đang xâm lấn mạnh mẽ, dù một số công trình hiện đại và khu du lịch cũng đã dần mọc lên.
Như nhiều dòng sông nhỏ khác ở nước ta, sông Cu Đê cũng bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, có chiều dài gần 38km, tổng diện tích lưu vực khoảng 426km2, được hình thành từ hai nhánh sông Bắc và sông Nam rồi uốn lượn chảy qua một vùng núi non, thung lũng, đồng bằng của huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu của Đà Nẵng trước khi đổ ra cửa biển Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Bắc. Nằm cách chân đèo Hải Vân chừng 5km về phía nam, Nam Ô có làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng và là địa danh lịch sử gắn liền với mối tình của công chúa Huyền Trân thời nhà Trần, rồi sau đó là bước chân mở cõi khẩn hoang của đoàn hùng binh minh quân Lê Thánh Tôn hướng về phương Nam. Dừng xe bên cầu Nam Ô bắc qua cửa sông Cu Đê ngắm mây nước thanh bình, chúng tôi nghe vọng về trong tâm tưởng bao ký ức thiêng liêng từ ngàn xưa!
Hai nhánh sông Bắc và sông Nam gặp nhau ở Cầu Sập để hình thành dòng chính Cu Đê cũng đồng thời tạo nên ngã ba sông với vũng Bọt như một Hạ Long thu nhỏ thật kỳ thú. Một vùng châu thổ khi hẹp khi rộng xanh ngan ngát trải dọc hai bên bờ sông. Màu xanh cây cối, màu ngói làng mạc soi mình xuống dòng sông nước xanh ngắt. Khi chúng tôi chạy xe dọc bờ sông thì thi thoảng có những chiếc thuyền chở du khách ngược xuôi dưới lòng sông. Sinh viên Ngô Sanh Tuyết Nhi người Đà Nẵng cho biết nếu đi thuyền rẽ vào sông Bắc khoảng 20km lên thượng lưu sẽ đi qua các cánh rừng nguyên sinh phong cảnh hữu tình với những địa danh nghe rất lạ tai như Hố Giếng, Lỗ Cối, Khe Mun, Khe Giao, Thác Xếp, Thác Rễ, Đá Bò, Côn Đờ Bay, Trạng trao trạng trợt…
Khi chúng tôi dừng chân trên cầu Trường Định ở địa phận thôn Trường Định, xã Hòa Liên để ngắm chiều tà, người chở tôi là “thổ công” Ngô Thanh Hảo nói rằng người dân ở đây còn gọi sông Cu Đê là sông Trường Định và cây cầu này là một trong 33 cây cầu lớn, nhỏ của huyện Hòa Vang được dựng lên gần đây. Việc đầu tư xây dựng cầu đường cộng với sự xuất hiện của dòng điện hòa vào mạng lưới quốc gia đã làm thay đổi diện mạo cả một vùng bán sơn địa vốn bị biệt lập trong nghèo khó hàng trăm năm nay.
Cảnh hoàng hôn trên sông Cu Đê nhìn từ cầu treo Phò Nam - Ảnh: PHAN HOÀNG |
Giống như những vùng sâu vùng xa trên cả nước, mỗi chiếc cầu ở vùng cao huyện Hòa Vang được khánh thành đã mở ra cơ hội thuận lợi cho địa bàn dân cư về kết nối giao thông, giáo dục, sản xuất, kinh doanh, cứu hộ cứu nạn mùa mưa bão. Đó thực sự là những chiếc cầu văn hóa mở ra ánh sáng tương lai! Chẳng hạn như thôn Trường Định có địa thế một bên núi, một bên sông vốn như ốc đảo cách ly bên ngoài, đường sá lầy lội đi lại khó khăn. Mùa lũ học sinh cấp 2, 3 thường xuyên nghỉ học vì không ai dám đưa đò dọc đò ngang lúc dòng nước sông Cu Đê dâng cao. Từ năm 2010, nhờ khánh thành cây cầu vững chắc cùng với việc bê tông hóa đường nông thôn, cộng với dòng điện vượt sông trước đó đã giúp Trường Định kết nối với các vùng lân cận và cả trung tâm TP Đà Nẵng, nhà nhà được thắp sáng, sản xuất phát triển. Ngoài trồng trọt người dân còn chuyển sang chăn nuôi, đặc biệt là thêm nghề nuôi tôm nước lợ, giúp đời sống bà con nâng cao, bộ mặt làng quê cũng tươi mới hẳn lên.
Rời cầu Trường Định, “thổ công” am hiểu vùng đất này là Nguyễn Quang Khánh đi trước dẫn chúng tôi chạy theo con đường bê tông ngoằn ngoèo giữa ruộng mía ngút ngàn lên cầu treo dây văng Phò Nam cho kịp ngắm hoàng hôn. Ngay phía dưới đầu cầu là trung tâm văn hóa thôn Nam Yên, trong đó có một sân vận động mà các nam thanh niên đang cởi trần trùng trục chơi bóng đá khá sôi động. Trên cầu, một số người dân lần lượt chở vợ con đến hóng mát và ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở phía tây cho tới khi ráng vàng mặt trời mờ dần sau những đỉnh núi. Anh Trần Lý ở thôn Phò Nam chở hai đứa con nhỏ một gái một trai đến ngắm hoàng hôn về trễ nhất. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết nhờ có cây cầu này mà hơn 10 năm nay, người dân hai thôn Nam Yên và Phò Nam mới dễ dàng giao thương với bên ngoài, làm ăn khấm khá, trẻ em không còn sớm bỏ học. Những chiều hoàng hôn hay những đêm trăng thanh gió mát, bà con hay tề tựu về đây ngắm cảnh vui chơi.
Tương tự thôn Trường Định của xã Hòa Liên, hai thôn Nam Yên và Phò Nam của xã Hòa Bắc vốn bị con sông Cu Đê chia cắt khỏi huyết mạch giao thông ĐT610 nối liền các xã miền núi huyện Hòa Vang với trung tâm TP Đà Nẵng. Mùa nắng thì sang sông bằng đò ngang đò dọc nhưng đến mùa mưa nước lũ dâng cao ngập cả thôn xóm, con sông như rộng thêm cả trăm mét, nước chảy cuồn cuộn, không ai dám đưa đò. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến nay, các công trình giao thông công cộng lần lượt mọc lên cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, những rẻo đất hai bên dòng sông Cu Đê thoát khỏi cảnh cách núi ngăn sông, nhanh chóng đổi đời, từng bước hòa nhập với các thôn xã khác của huyện Hòa Vang. Nhiều du khách cũng tìm đến đây để tham quan khu nhà rường truyền thống tại thôn Phò Nam hoặc khu du lịch sinh thái Hòa Bắc, tiếp đó là khu du lịch Khe Trí ở thôn Nam Mỹ, nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Lang…
Dù vậy, theo anh Trần Lý, cơ sở hạ tầng giáo dục cho con em vẫn là vấn đề mà người dân ở đây còn trăn trở. Vì là địa phương miền núi, giáo viên miền xuôi ít chịu lên giảng dạy, số lượng học sinh lại ít, nên xã Hòa Bắc mới chỉ có trường mầm non, tiểu học và THCS, còn học sinh muốn học tiếp THPT thì phải hàng ngày đạp xe hoặc mướn nhà ở trọ cách gia đình gần 20 cây số ở dưới trường huyện. Nhìn vào hai đứa con nhỏ của mình, anh Trần Lý nói rằng hy vọng sau 10 năm nữa khi con anh lớn lên thì ở đây đã có trường cấp 3 cho các con học, khỏi phải đi xa.
Ở bình độ cao hơn 10m so với mực nước biển, từ trên cầu treo Phò Nam ngắm ánh mặt trời hoàng hôn vàng cam rực rỡ trên đỉnh núi phản chiếu xuống lòng sông Cu Đê trông thật kỳ thú. Có lẽ ở Đà Nẵng không đâu ngắm cảnh hoàng hôn đẹp hơn nơi này. 20 năm qua với chiến lược khai thác quỹ đất đổi lấy cơ sở hạ tầng, TP Đà Nẵng đã phát triển hết sức mạnh mẽ, trở thành đô thị hiện đại lớn nhất miền Trung và hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng làm thu hẹp hoặc mất đi nhiều giá trị văn hóa vốn có bên bờ sông Hàn, mà câu chuyện bảo vệ môi trường ở bán đảo Sơn Trà trước những dự án du lịch được dư luận cả nước quan tâm là một sự cảnh tỉnh. Trong lúc đó, Đà Nẵng vẫn còn lưu vực sông quan trọng thứ hai là Cu Đê đầy tiềm năng về phát triển kinh tế và du lịch nhưng vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống giống như Hội An. Tôi tin như vậy và nhiều bậc thức giả của xứ Quảng mà tôi có dịp trao đổi cũng nghĩ như vậy. Từ trên cầu treo Phò Nam, tôi cũng cầu mong cho ước mơ của anh Trần Lý cùng người dân Hòa Bắc về một ngôi trường cấp 3 cho con em mình sớm thành hiện thực, một hiện thực sống động như không gian văn hóa lưu vực sông Cu Đê mãi trường tồn trong bản sắc tươi xanh.
PHAN HOÀNG