Thứ Sáu, 18/10/2024 05:10 SA
Hồi sinh sau lũ dữ
Thứ Tư, 21/06/2017 08:00 SA

Nửa năm sau trận lũ quét lịch sử, chúng tôi trở lại Trường mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An - nơi bốn cô giáo và 17 học sinh bị mắc kẹt trong phòng học giữa dòng nước hung dữ. Không còn cảnh hoang tàn do lũ gây ra, trường học đã được sửa lại khang trang hơn, có nhiều học cụ mới do các tổ chức và cá nhân tài trợ.

 

Đang trực hè tại văn phòng trường, cô hiệu trưởng Võ Thị Thu Sương hồ hởi khi thấy chúng tôi đến: Cảm ơn nhà báo nhiều lắm. Nhờ báo chí thông tin, nhiều tổ chức và cá nhân biết hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của trường sau lũ mà tìm đến hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần để chúng tôi có thêm nghị lực tiếp tục sự nghiệp trồng người.

 

Cô Thái Thị Tuyết Hồng sắp xếp lại học cụ tại một góc phòng học của Trường mầm non xã An Hiệp - Ảnh: QUANG THUẦN

 

Chuyện bây giờ mới kể

 

Nhắc đến trận lũ quét lịch sử xảy ra ngày 13/12/2016, đôi mắt cô Võ Thị Thu Sương ngấn lệ. Đã theo nghiệp “gõ đầu trẻ” hơn 30 năm, đó là giây phút không thể nào quên đối với cô. Trong cơn nguy khốn, tình đồng nghiệp, tình yêu trẻ đã vượt lên, lấn át nỗi sợ. Giữa cơn cuồng nộ của tự nhiên, các cô giáo động viên nhau, chia sẻ cho nhau từng chỗ đứng trong căn phòng nhỏ, tìm cách cứu học trò.

 

Nhớ lại lúc trò đứng trên vai, cô ngâm mình dưới nước chống chọi với cơn lũ dữ, các cô Võ Thị Thu Sương, Nguyễn Thị Hòa, Thái Thị Tuyết Hồng và Lê Thị Kim Hằng dường như vẫn còn cảm giác bàng hoàng và thấy mình thật may mắn vì đã thoát chết trong gang tấc. Cô Lê Thị Kim Hằng kể lại: Khi nước dâng gần đến miệng mà không thấy ai đến ứng cứu, tôi nghĩ tất cả cô trò sẽ chết. 5 cháu nhỏ đu bám xung quanh người tôi, la khóc. Tôi ôm bé Đỗ Khánh Thương (5 tuổi) vừa vớt dưới nước lên vào lòng và hỏi các con có sợ không? Các cháu đáp: Dạ, sợ. Tôi động viên: Có cô ở đây rồi, các con đừng sợ. Cứ đu trên mình cô, đừng thả ra, cô giận đó. Rồi sẽ có người đến cứu chúng ta. Vậy là cô trò ôm nhau khóc. Nhìn gương mặt ngây thơ của các cháu, chúng tôi như có thêm sức mạnh để đứng vững trong lũ dữ suốt nhiều giờ liền. Và thật may mắn là khi nước dâng lên đến miệng tôi thì dừng lại, rồi rút từ từ cho đến khi nhóm thanh niên địa phương vào ứng cứu.

 

“Sau khi được cứu, về nhà, tôi cứ ám ảnh mãi cảnh tượng 21 cô trò vật lộn nhiều giờ liền trong dòng nước. Đến bây giờ có nhiều đêm tôi không ngủ được, hình ảnh ấy luôn thường trực, nước mắt cứ tuôn trào”, cô Sương tâm sự.

 

Khâm phục trước sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của các cô đối với học trò, chia sẻ những thiếu thốn của các cô sau lũ, nhiều phụ huynh mang quần áo, mì ăn liền đến tận nhà giúp đỡ với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chị Biện Thị Minh Trang, phụ huynh bé Bùi Quế Mai và Bùi Minh Chương, xúc động: Thật khâm phục các cô giáo ở Trường mầm non xã An Hiệp. Trong cơn nguy cấp, các cô vẫn một lòng yêu trẻ, đầy trách nhiệm với nghề nghiệp. Nếu các cô chỉ biết lo cho bản thân, thoát khỏi dòng nước lũ thì hai con tôi không còn cơ hội sống đến giờ”.

 

Nhiều đổi thay

 

Cơn lũ đi qua làm hư hỏng gần như toàn bộ học cụ của Trường mầm non xã An Hiệp. Bùn đất đóng lớp dày trên nền phòng học và sân trường; tường thì hoen mốc. Ngay sau khi lũ rút, nhiều tổ chức và cá nhân tìm đến hỗ trợ nhà trường khắc phục hậu quả. Giờ đây, phòng học và các phòng chức năng đã được sơn sửa khang trang; máy tính, ti vi, bàn ghế, giường ngủ, đồ chơi cho học sinh cũng được trang bị đầy đủ, phục vụ việc dạy và học của nhà trường.

 

Cô Sương phấn khởi cho biết, sau trận lũ quét đến nay, nhà trường nhận được thư khen, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương và ngành Giáo dục, đồng thời tiếp nhận rất nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân, trong đó có khu vui chơi dành cho học sinh trị giá 80 triệu đồng, 40 bộ bàn ghế học tập, 35 giường ngủ học sinh, 6 máy vi tính các loại… Nhờ vậy mà điều kiện dạy và học của cô trò được cải thiện rất nhiều.

 

Đang là mùa hè, các cháu nghỉ học nên sân trường vắng vẻ. Hàng ngày chỉ có các cô giáo đến quét dọn sân trường, bảo quản học cụ theo lịch phân công trực hè. Đang sắp xếp lại mấy con thú làm bằng nhựa ở khu vui chơi học sinh trước sân trường, cô Thái Thị Tuyết Hồng vui vẻ: “Phải giữ gìn thật kỹ để sử dụng được lâu dài. Đây là tấm lòng của các nhà hảo tâm gửi tặng trường, mình phải quý trọng”.

 

Nghĩ về ngôi trường tan hoang sau trận lũ và giờ chứng kiến ngôi trường khang trang, sạch đẹp không thua gì trường mầm non ở thành phố, tôi thầm mừng cho cô trò Trường mầm non xã An Hiệp sẽ không phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn như cách đây nửa năm.

 

Sau trận lũ, ba trong bốn cô giáo ở ngôi trường mầm non này được các đơn vị tạo điều kiện tham gia nhiều sự kiện. Cô Thái Thị Tuyết Hồng được Báo Tuổi trẻ mời tham gia chuyến hành trình đến với biển đảo quê hương tại quần đảo Trường Sa; cô Lê Thị Kim Hằng được Đài Truyền hình kỹ thuật số (kênh VTC14) mời tham dự chương trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống. Còn cô Nguyễn Thị Hòa thì cómặt trong lễ tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2017 vừa diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

 

Cô Hồng bộc bạch: Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình được đặt chân lên quần đảo Trường Sa, thăm phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy mà việc đó đã đến với tôi rất bất ngờ. Chuyến đi kéo dài 10 ngày để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Qua đó, tôi học hỏi được nhiều điều về nghị lực của các chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng canh giữ biển đảo quê hương trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt. “Môi trường sống khắc nghiệt như vậy mà các anh vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; còn mình ở trong đất liền, điều kiện sống tốt hơn thì lẽ nào không trở thành cô giáo hiền, yêu trẻ”, cô Hồng nói.

 

Với cô Lê Thị Kim Hằng, việc tham dự chương trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống là dịp để cô gửi đến mọi người thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường sống, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

 

“Thật lòng mà nói, chúng tôi cứu các cháu nhỏ không phải để được khen hay hỗ trợ cái này cái nọ đâu. Trong cơn hoạn nạn, cận kề cái chết thì ai cũng làm như vậy thôi. Những lời khen đã động viên chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống và trong công việc sau này”, cô Võ Thị Thu Sương trải lòng.

 

Mong sớm xây trường mới

 

Khi được hỏi về ước muốn trong cuộc sống và công việc, các cô Sương, Hòa, Hồng, Hằng tâm sự rằng là giáo viên, các cô chỉ muốn có một ngôi trường ở vị trí cao ráo, với đầy đủ học cụ để học trò của mình không phải gặp hiểm nguy như trận lũ quét vừa rồi.

 

Khi ra Hà Nội dự chương trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều người hỏi cô có ước muốn gì không, cô Hằng trả lời: “Tôi không có ước muốn gì cho riêng mình. Tôi chỉ có ước muốn làm sao Trường mầm non xã An Hiệp sớm được xây mới ở vị trí cao hơn để không phải thường xuyên chứng kiến cảnh ngập nước. Tôi cũng muốn chính quyền địa phương sớm xây kè bằng bê tông dọc con suối để nước không còn tràn vào khu dân cư thôn Mỹ Phú 2 - nơi tôi đang sống và dạy học”.

 

Cô Võ Thị Thu Sương thông tin thêm: Xã An Hiệp đã bố trí một mặt bằng rộng 2.000mtại thôn Mỹ Phú 1, gần quốc lộ 1 - cách điểm trường cũ chừng 500m để xây dựng trường mới. Nhiều tổ chức và cá nhân hứa sẽ hỗ trợ kinh phí để xây trường, nhưng đợi mãi đến nay vẫn không thấy. “Từ sau trận lũ, nhiều phụ huynh ngại đưa con đến trường học cũng vì sợ mưa lớn, nước dâng bất thường. Chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của cộng đồng để sớm xây dựng điểm trường mới, giúp cô trò yên tâm dạy và học”, cô Sương nói.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người phương Nam say thì say trọn...
Thứ Bảy, 03/06/2017 14:00 CH
Kỳ cuối: Đi sứ một ngày
Chủ Nhật, 28/05/2017 11:18 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek