Thứ Sáu, 18/10/2024 05:08 SA
Người phương Nam say thì say trọn...
Thứ Bảy, 03/06/2017 14:00 CH

Đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên và đại diện Hội VHNT Bạc Liêu bên di tích Đồng hồ đá Thái Dương - Ảnh: TRẦN LÊ KHA

Tựa đề của bài này, tôi “mượn tạm” của nhà văn Vũ Hồng, một người phương Nam chính hiệu, mặc dù khuôn khổ của chuyến đi này chúng tôi không có điều kiện gặp anh. Chuyến đi chóng vánh gần như cưỡi ngựa xem hoa qua hai tỉnh Bạc Liêu và Tây Ninh là chính, sau đó thăm địa đạo Củ Chi rồi trở về. Chuyến đi ngắn nhưng cảm xúc lại đầy. Về đất, về người, về lịch sử. Trong chuyện viết, tôi nhớ đâu như nhà văn - học giả Thu Giang, Nguyễn Duy Cần, cũng là người phương Nam lớp trước, có nói đại ý: Nghệ thuật viết văn không phải cố viết cho nhiều, mà là nghệ thuật của việc chắt lọc và bỏ bớt! Vậy mà lần này (và cũng không riêng gì lần này), trong chuyến đi tôi thấy gì nghe gì cũng muốn viết, nên cuối cùng chẳng viết được gì. Định thôi, lại chợt nhớ câu thơ của nhà văn Vũ Hồng như đã nói, được in trong tập thơ khoảng năm 1993-1994, hồi đó anh có tặng sách cho mấy anh em văn nghệ Phú Yên là Huỳnh Thạch Thảo, Trần Quốc Cưỡng và tôi. Xem ra cũng khá lâu, vắt qua hai thế kỷ rồi còn gì! Mới thấy thời gian thật là “mềm mại” mà dữ dội! Cho đến chuyến đi lần này, trong tôi lại vẳng lên hai câu thơ về phương Nam của anh:

 

Người phương Nam say thì say trọn

Người phương Nam buồn thì buồn sâu!

 

Ồ, tôi đã tìm thấy được chỗ “chắt lọc” trong chuyến đi rồi, để gom về với say trọn buồn sâu này! Quả đúng như vậy khi đến phương Nam, không chỉ một lần.

 

Tôi ấn tượng nhất năm 2005, khi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Sóc Trăng là chú Nguyễn Văn Bình đã lớn tuổi, đón đoàn Phú Yên trong chuyến đi thực tế do nhà văn Đào Minh Hiệp lúc ấy là Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên làm trưởng đoàn. Khi đoàn đến Sóc Trăng thì trời đã vào đêm, tối mịt, lại mưa tầm tã. Tới một nơi chưa quen trong hoàn cảnh này, dễ có cảm giác “bơ vơ” dù đoàn có đến chục người! Dĩ nhiên cái cần ở đây là cần cái cảm giác “gia đình”, cảm giác “quen thuộc” ở nơi xa; chứ còn liên hệ công việc hay địa điểm nào đó thì không nói làm gì. Giữa lúc ấy thì chú Bình gọi tới, hướng dẫn lái xe đưa đoàn đến gặp ở đầu một con đường dẫn vào TX Sóc Trăng! Xe chạy vòng vòng, lại ới lại à: đã tới đâu rồi, dzậy hả, một lát nữa thôi, sắp tới rồi đó. Và lát sau, phía trước hiện ra một người trùm áo đi mưa kín mít, đứng bên chiếc xe máy, đang giơ tay vẫy vẫy. Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên: chú Bình đó sao? Trông chú cứ như một ông tía hay ông anh hai miệt vườn đang chờ đón anh em con cháu xa quê lâu ngày nay “trở về” thăm! Sau này tôi được biết chú đã quen biết nhà văn Đào Minh Hiệp tại một đợt công tác và đã ngỏ lời mời cho chuyến viếng thăm này.

 

Ở một số tỉnh, chúng tôi cũng có quen biết một số anh chị em văn nghệ sĩ đang hoặc đã công tác tại hội VHNT các tỉnh, như anh Phạm Khiêm, Hữu Nhân… ở Đồng Tháp; chị Lê Thanh My, anh Trịnh Bửu Hoài, Hồ Thanh Điền… ở An Giang; các anh Kim Ba, Hồ Trường, Nguyên Tùng, Vũ Hồng, Phong Hân… ở Bến Tre… Nhưng chuyến đi năm 2017 này, đoàn văn nghệ sĩ Hội VHNT Phú Yên lại thống nhất lựa chọn hai tỉnh chưa quen biết ai ở đó: Bạc Liêu và Tây Ninh. Vì vậy khi đến hai tỉnh này, tôi và các thành viên trong đoàn đều suy nghĩ mọi việc cứ để “tùy duyên”.

 

TP Bạc Liêu hiện ra lúc đã… quá ngọ. Văn phòng Hội VHNT Bạc Liêu cử chị Mỹ Châu canh đón đoàn từ sáng, chờ “mỏi” mới gặp. Cảm động nữa là anh chồng chị, nghe nói công tác tại Công an tỉnh Bạc Liêu, vẫn sẵn sàng dành thời gian giúp vợ làm tài xế đèo xe máy đi đón đoàn. Nơi ăn chốn ở được vợ chồng chị Mỹ Châu hướng dẫn tận tình, xong mọi thứ chưa kịp nghỉ ngơi đã quá một giờ chiều. Nhưng bên Hội Bạc Liêu nhắn sang là đoàn “phải” đến Hội VHNT Bạc Liêu lúc một rưỡi chiều, không thì không kịp các chương trình đặt ra! Chúng tôi ngáp vắn ngáp dài lên xe đến trụ sở Hội. Ồ, bên Hội bạn đã đứng chờ đông đủ rồi kìa. Phải dẹp cơn buồn ngủ lại, tươi tỉnh lên để “đáp lễ” chứ.

 

- Xin chào các anh chị. Tôi là Nguyễn Dzũ (Vũ), Phó Chủ tịch Hội VHNT Bạc Liêu!

 

Trước mặt chúng tôi là một người có dáng dấp phong trần nhưng lại rất “công tử Bạc Liêu”, nho nhã và lịch lãm. Một cái bắt tay thật chặt, một giọng thổ trầm và ấm, một cuộc giới thiệu nhanh gọn, không màu mè, đã ngay lập tức đưa hai đoàn chủ và khách vào không khí thân tình. Được biết, anh Vũ là phó nhưng hiện tại phụ trách Hội, vì chị chủ tịch Hội đã được luân chuyển về Trung ương công tác. Trước kia anh Vũ từng là Chủ tịch huyện Gành Hàu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL.

 

Đúng như anh Nguyễn Vũ nói, nếu không khẩn trương thì đoàn khách chúng tôi sẽ không biết bắt đầu từ đâu, đi vào giờ nào cho thích hợp. Vì khu di tích Đồng hồ đá và nhà công tử Bạc Liêu gần ngay trụ sở Hội, đến lúc nào cũng được, cũng như vậy đối với khu di tích Nhà hát Cao Văn Lầu; còn khu Điện gió trên biển Bạc Liêu phải đến vào tầm 4-5 giờ chiều mới tránh được nắng gắt trong ngày. Chúng tôi nhất nhất theo sự “thiết kế” chương trình của anh và đích thân anh đưa đoàn đi cũng như thuyết minh khi cần.

 

Chuyện về công tử Bạc Liêu, nhiều người đã viết, đã kể và có hẳn vài cuốn sách viết về ông, tôi chẳng nói lại làm gì. Tôi chỉ tâm đắc quan niệm của anh Nguyễn Vũ: đừng hỏi câu hát Tiếng đồn công tử Bạc Liêu/ Đốt tiền nấu trứng tự kiêu rằng giàu là nấu trứng hay nấu chè, hay là có đốt tiền thật không, nếu có thì lúc ấy sao không bị phạt tù? Cũng như câu hát Anh còn nợ em/ Chim về núi nhạn, đừng hỏi núi Nhạn Phú Yên hay núi nhạn nào? Tôi đồng ý với anh, hãy cứ để những điều đó đi vào thơ ca nhạc họa, đi vào giai thoại, thậm chí là huyền thoại.

 

Câu chuyện bác Sáu Lầu (nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cũng thật nhiều tài liệu viết về ông, nhắc lại là thừa. Tôi chỉ xin trở lại với từ buồn sâu ở trên. Ai cũng biết bản Dạ cổ hoài lang khơi nguồn cho dòng nhạc cải lương Nam Bộ, là do cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu soạn và ca dưới ánh trăng thâu, mượn nỗi lòng người chinh phụ tưởng nhớ người chinh phu đang tòng quân ngoài biên ải, để gửi gắm nỗi lòng của ông và người vợ “tam niên vô tử bất thành thê” (ba năm không sinh con thì không còn là vợ - có nghĩa là phải ly hôn để chồng lấy vợ khác, theo luật bất thành văn thời đó). Những lời ca ứa lệ: …Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi! Gan vàng quặn đau/ Đường dầu xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Đêm luống trông tin bạn/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/ Vọng phu vọng luống trông tin chàng/ Lòng xin chớ phụ phàng… Chính nỗi buồn sâu thăm thẳm, quặn gan thắt ruột này của người nghệ sĩ Cao Văn Lầu mà không chỉ có bản Dạ cổ hoài lang của riêng ông, từ đó đã có cả một kho tàng cải lương đặc trưng cho văn hóa Nam Bộ. Cố GS-TS Trần Văn Khê từng khẳng định: “Trong nền cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác tập thể, sinh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh khỏe, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.

 

Buồn sâu thì đã vậy, còn say trọn? Ở Tây Ninh, chúng tôi gặp một nhà thơ cao tuổi, tên ông là P.M. Khi chúng tôi đến, Hội VHNT Tây Ninh cử anh Đặng Văn Thức (họa sĩ) và anh Nguyễn Trọng Quý (nhạc sĩ) làm hướng dẫn viên đưa đoàn đi tham quan núi Bà Đen, Khu di tích Trung ương Cục miền Nam, cửa khẩu Xa Mát. Đến cửa khẩu tầm trưa đứng bóng, nắng chang chang lóa mắt, chẳng có gì ngoài cột mốc phân định biên giới và các “quan quân trấn ải” là bộ đội biên phòng; ai cũng mệt và đói, định trên đường về tạt vào quán cơm nào đó để qua bữa. Bất ngờ anh Thức đề nghị: Có ông nhà thơ mời uống… cà phê! Ai cũng ngơ ngác, giờ này sao uống được? Tôi thoáng nghĩ “cũng là cái duyên”, thôi thì cứ gặp theo lời các anh. Đến điểm hẹn là quán nước dừa ven đường. Bác nhà thơ P.M tặng sách: một tập thơ in chung gồm 5 tác giả, trong đó có thơ bác! Bác đưa tôi tập thơ, tay run run, không có chữ ký tặng. Anh Thức nói nhỏ với tôi, giải thích: “Bác bị bệnh tai biến, đang hồi phục. Nhưng bác sống chết cũng vì thơ. Lúc trẻ bác làm kinh doanh; sau mê thơ, vợ con đều xa nên sống một mình, anh chị em văn nghệ sĩ ở đây đã cưu mang bác”. Tôi thấy nghẹn lòng, có việc say trọn nào hơn thế nữa? Tôi vội lật tìm chùm thơ của bác in trong tập, đúng là thơ ra thơ! Nhưng sự “hy sinh vì nghệ thuật” của bác thật quá lớn lao, ngoại trừ Bùi Giáng, tôi nghĩ chắc hổng ai dám bắt chước! Ồ không, nói vậy cũng chưa chắc, khi tôi nhìn sang nhà thơ Triệu Lam Châu cùng đi trong đoàn! Anh Triệu Lam Châu có thừa đam mê thơ ca, chẳng thua gì bác P.M, chỉ khác một điều thơ và anh luôn có sự hài hòa, vì thơ không “quật ngã” được anh như đối với bác M.P. Anh là thầy giáo Địa chất dạy học tại Tuy Hòa hơn 20 năm, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT Phú Yên; nghỉ hưu, đầu tháng 4/2017 anh về lại quê hương Cao Bằng bên bà con cật ruột. Chuyến đi này đối với anh như một cuộc lãng du tạm biệt cùng văn nghệ sĩ Phú Yên trên những nẻo đường phương Nam. Anh Châu đã say trọn với thơ khi có liền một chùm thơ ngay trên đường đi thực tế, mà bài nào cũng đạt tầm chứ không phải viết cho có, không phải để… trả bài! Viết đến đây, bất giác tôi lại nhớ hai câu thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du:

 

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

 

Với bác M.P và anh Châu, cùng theo nghiệp thơ, nhưng người bị thơ hành; người được thơ nâng. Chẳng ai giống ai cả. Trong Phật giáo gọi đó là có “biệt nghiệp” trong “cộng nghiệp”. Tôi lại nhớ huyền thoại công tử Bạc Liêu, giàu sang ngang hàng với vua Bảo Đại thời đó, mà đến đời con đã bị tán gia bại sản, có người phải chạy xe ôm để kiếm sống. Ở miền Bắc có câu ca: Vua Ngô băm sáu cái tàn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì/ Chúa Chổm mắc nợ tì tì/ Chết xuống âm phủ chẳng khác gì vua Ngô!. Cho nên, việc say trọn với niềm đam mê, sống hết mình vì nó, là việc không bao giờ nên quá hối tiếc hoặc quá tự trách mình đối với lựa chọn của mỗi người, miễn đó là niềm đam mê thánh thiện!

 

Sẽ là thiếu sót nếu tôi không nhắc đến chị Đặng Thị Phượng, từng là đại biểu Quốc hội 2 khóa liền, là Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Tây Ninh, nay là Phó Chủ tịch Hội VHNT Tây Ninh, bố trí giao lưu với đoàn chúng tôi giống như người nhà, ngay tại trụ sở Hội. Cũng như ở Bạc Liêu, khoảng cách chủ khách dường như không tồn tại. Chị hát tặng đoàn câu vọng cổ khá hay. Anh Tấn Phát, nhạc sĩ bên đoàn Phú Yên, khen “nói trộm vía khi so với các bạn trẻ mà em được nghe, chị ca nghe mùi hơn”. Hình như chị Phượng hơi bẽn lẽn, một phản ứng cũng bình thường thôi mà! Cái chất Nam Bộ ở người phương Nam thật gần gũi, khi chị Phượng nghe tôi nói tuổi mình so với chị, liền trêu: “Ồ, dzậy thì em còn con nít quá hà. Đứa em út ở nhà chị lớn tuổi hơn em đó”. Chà chà… 

 

Ồ, người phương Nam say thì say trọn/ Người phương Nam buồn thì buồn sâu, nói tóm lại là không khách sáo, không màu mè, miễn là hết lòng với mình và với người. 

Tùy bút của HUỲNH VĂN QUỐC 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ cuối: Đi sứ một ngày
Chủ Nhật, 28/05/2017 11:18 SA
KỲ 1: Non xanh nước biếc vùng Đông Bắc
Thứ Bảy, 27/05/2017 10:15 SA
Khi cán bộ, chủ doanh nghiệp làm nông
Thứ Ba, 02/05/2017 07:00 SA
KỲ CUỐI: Văn hóa Lệ Giang, xưa và nay
Chủ Nhật, 23/04/2017 14:00 CH
KỲ 1: Nơi thời gian như ngưng đọng
Thứ Bảy, 22/04/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek