Trong đời, có lẽ ai cũng mong ước được một lần đến những nơi địa đầu của đất nước. Nhờ đặc thù nghề nghiệp, tôi đã được đặt chân đến các điểm cực Đông, cực Tây và cực Nam trên đất liền của Tổ quốc. Lần này, tôi lặn lội ra tận mũi Sa Vĩ ở Móng Cái, nhưng đó vẫn chưa phải là cực Bắc mà chỉ là nơi bắt đầu hình chữ S của dải đất Việt. Với tôi, thế cũng thú vị lắm rồi.
KỲ 1: Non xanh nước biếc vùng Đông Bắc
Mũi Sa Vĩ, còn gọi là mũi Gót, là mũi đất nằm ở điểm cực Đông Bắc của đất nước, trên bán đảo Tràng Vĩ, thuộc phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Địa danh này được đánh dấu bằng bức phù điêu hình ba ngọn thông có ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương/ Đến Cà Mau rừng đước...”, ý nói đến dải đất duyên hải dọc theo chiều dài của đất nước từ cực Bắc đến cực Nam. Bên dưới có hàng chữ: “Mũi Sa Vĩ, Trà Cổ Móng Cái. ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC”. Gần đó là Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, là một công trình kiến trúc văn hóa hoành tráng cao 27m với bố cục và những họa tiết, hoa văn độc đáo, hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra, ở đây, ngay bên bờ biển còn có cột cây số ghi hàng chữ “Tràng Vĩ. 0km” - như một lời khẳng định đây chính là cột cây số đầu tiên, nơi bắt đầu hình chữ S của dải đất Việt Nam.
Chúng tôi đến Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ lúc 6 giờ sáng khi phố xá vẫn còn vắng lặng, cảnh vật nhạt nhòa trong màn sương mờ và cổng vào vẫn còn đóng. Sau một hồi gọi cổng, người bảo vệ lật đật từ trong nhà chạy ra, loay hoay mãi với ống khóa mà không sao mở được, nghe chúng tôi bảo từ miền Nam ra, anh ta càng quýnh, lấy điện thoại gọi liên tục. Chúng tôi đành chạy ra phía biển chụp ảnh bên cột cây số 0 và bức phù điêu mũi Sa Vĩ, lúc quay lại, cổng vẫn chưa mở được. Đúng lúc ấy, một phụ nữ chạy xe máy tới, nhanh chóng mở cổng phụ, mọi người ùa vào theo, tham quan khắp nơi, chụp ảnh xong thì cũng là lúc cổng chính mở được khóa. Chúng tôi vào bằng cổng phụ nhưng ra về bằng cổng chính, không quên trả tiền vé vào cổng và cảm ơn anh chàng bảo vệ vẫn còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra với ống khóa quái quỷ của mình và với đoàn khách đi tham quan sớm như thế. Mọi người lên xe đều hả hê, thỏa mãn vì đã chụp được những bức ảnh quý giá không dễ gì có được.
Tôi nhớ, trong một chuyến công tác Hà Nội cùng với Huỳnh Văn Quốc, Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn Nghệ Phú Yên, tranh thủ ngày nghỉ, tôi rủ Quốc và nhà văn Trần Thiện Lục, khi ấy đã chuyển ra Hà Nội, làm một chuyến du lịch bụi Hạ Long. Trước khi lên đường, tôi bảo: Tôi và Quốc lo trên bộ - taxi khứ hồi Hạ Long, còn anh Lục lo trên biển - thuê thuyền tham quan vịnh. Và thế là chúng tôi có một ngày bồng bềnh trên sóng nước và ngao du trong các hang động trên vịnh được xếp vào loại đẹp nhất thế giới, là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và hai lần được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đến trưa, đói bụng, thuyền ghé vào bè nuôi cá, chúng tôi mua một mớ hải sản, và chỉ sau vài chục phút chế biến là có ngay một bữa tiệc rất lãng mạn trên vịnh, vừa ăn vừa ngắm cảnh, đủ làm cho những ai sành điệu nhất về ăn chơi cũng phải ghen tị. Quả là những giây phút thú vị không thể diễn tả bằng lời, phải trực tiếp trải nghiệm may ra mới cảm nhận được phần nào.
Đầu năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam tại Tuần Châu. Tôi nhận được giấy mời mà tâm trạng cứ lâng lâng vì có dịp được đến những nơi hằng mong ước. Trước kia, Tuần Châu là khu nghỉ dưỡng của cán bộ Nhà nước cao cấp, dân thường không ai được đặt chân, sau này trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng và hiện đại, được các ngành đăng cai tổ chức các hội nghị quan trọng. Năm đó, đảo Tuần Châu đã được nối với đất liền bằng con đường bộ dài 2km nên việc ra đảo rất thuận tiện. Sau 5 ngày làm việc theo các chuyên đề, chúng tôi được đưa đi tham quan hòn đảo xinh đẹp, với các chương trình nhạc nước, xiếc cá heo và sư tử biển.
Trên đường từ Hạ Long về Hà Nội, chúng tôi ghé lại Yên Tử, nơi có cả một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử nằm ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Đó là Khu di tích và danh thắng Đông Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương). Chúng tôi chọn cách lên núi Yên Tử bằng cáp treo vì nếu đi bộ phải vượt qua hàng ngàn bậc đá, không có thời gian mà cũng chẳng đủ sức. Điểm dừng chân đầu tiên là chùa Hoa Yên (còn gọi là chùa Cả) nằm ở độ cao 543m, tiếp đó là chùa Vân Tiêu ở độ cao 700m và cuối cùng là chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068m. Chùa Đồng được xây dựng vào thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự, đến năm 2007, chùa được đúc mới hoàn toàn bằng đồng nguyên chất cao 3m, rộng 12m², nặng 60 tấn, nên được gọi là chùa Đồng, riêng tôi vẫn thích cái tên Thiên Trúc tự hơn. Không thể diễn tả nổi cái cảm giác khi đứng trên đỉnh núi cao hơn một ngàn mét, bên ngôi chùa linh thiêng nhất vẫn còn in đậm dấu vết của người xưa, phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh vịnh Hạ Long với vô số những hòn đảo nhấp nhô trên biển biếc như một bức tranh thủy mặc.
Đoàn cán bộ tỉnh Phú Yên bên bức phù điêu ba ngọn thông nơi địa đầu Tổ quốc - Ảnh: CTV |
Trước khi lên núi, chúng tôi phải đi qua cây cầu đá xanh bắc qua con suối Giải Oan. Chuyện kể rằng, khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi lên núi Yên Tử đi tu, rất nhiều cung tần mỹ nữ đã đi theo vua để khuyên giải ngài trở về kinh nhưng không được nên họ đã tự vẫn tại con suối này. Vua Trần Nhân Tông thương cảm cho lập ngôi chùa bên suối để giải oan cho các cung nữ, từ đó con suối mang tên suối Giải Oan. Lễ hội Yên Tử là lễ hội lớn nhất ở miền Bắc, bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) kéo dài đến hết tháng ba. Vậy nên dân gian mới có câu:
Trăm năm tích đức tu hành.
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu.
Lúc xuống núi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bàn ghế, bát đũa xếp kín khu sân chùa rộng mênh mông, hàng trăm người ăn uống, đông như hội. Hỏi ra mới biết, hôm ấy là ngày rằm (hay đầu tháng gì đó) nhà chùa đãi cơm chay khách thập phương. Chúng tôi cũng chẳng khách sáo, ngồi ngay vào bàn. Tôi phải thừa nhận, đó là bữa cơm chay ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời. Không biết có phải vì đói nên ăn mầm đá cũng ngon, hay cách chế biến cơm chay của ngôi chùa linh thiêng này thuộc một đẳng cấp khác, tôi chỉ biết, mọi người trong đoàn vừa ăn vừa khen nức nở.
KỲ CUỐI: Đi sứ một ngày
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP