Ở Quảng Ninh, không chỉ có Hạ Long, Tuần Châu, Yên Tử, Sa Vĩ là những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mà còn nhiều nơi khác không thể bỏ qua như núi Bài Thơ, cầu Bãi Cháy, Chùa Ba Vàng, cáp treo Nữ Hoàng, vòng quay Mặt Trời, cột đồng hồ cao 28m… toàn những cái tên mà chỉ cần nhắc đến cũng đủ sức cuốn hút những người ưa khám phá. Có thể nói không ngoa, Quảng Ninh là địa phương có nhiều điểm di tích lịch sử và danh thắng nhất cả nước. Mục đích chuyến đi này của tôi là đến nơi địa đầu Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc số 0 là toại nguyện lắm rồi, nhưng với khí thế “hồ hởi phấn khởi”, đã “lỡ bước” tới nơi địa đầu này thì còn e ngại gì nữa mà không tranh thủ “bước tiếp” qua biên giới để ngó xem thiên hạ sống ra sao. Cái kiểu xuất ngoại sáng đi tối về như thế này, dân phượt chuyên nghiệp gọi là “đi sứ một ngày”, và tôi cũng đã đi nhiều lần.
Với tôi, đất nước Trung Hoa không có gì lạ. Cuối những năm 60, trên đường sang Nga học tập, tôi đã từng chứng kiến cuộc Cách mạng Văn hóa vào đúng thời kỳ cao trào tại thủ đô Bắc Kinh. Trong con mắt của một cậu bé mười bảy tuổi, tôi chỉ thấy phố xá dán đầy báo chữ to với hàng đoàn Hồng vệ binh trong trang phục áo trắng quần xanh, nữ tóc ngang vai, nam cạo trắng gáy, suốt ngày tuần hành, mittinh, hô vang khẩu hiệu, gây cho con người cảm giác bất an. Đầu những năm hai ngàn, tôi lại có dịp rong ruổi từ Bắc Kinh cho tới Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Thâm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao trong chương trình giao lưu hợp tác về văn hóa - văn nghệ giữa hai nước. Ấn tượng sâu đậm nhất của chuyến đi này là các đô thị rất sạch, không thấy bóng dáng một chiếc xe máy mà thay vào đó là mạng lưới giao thông công cộng đa dạng và rất tiện nghi, còn trong các công viên thì trăm hoa đua sắc gợi cho con người một cảm giác yên bình, thanh thản.
Đó là những chuyến đi dài ngày, còn “đi sứ một ngày” sang Trung Quốc, thì tôi cũng đã lang thang trong TP Hà Khẩu chỉ cách TX Lào Cai con sông nhỏ Nậm Thi, một nhánh của sông Hồng và cũng là nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt” như lời bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến. Lần khác, qua Hữu nghị quan ở Lạng Sơn, tôi lại “xuất cảnh” sang TX Bằng Tường, nơi có ga đường sắt rất to mà các chuyến tàu liên vận từ Việt Nam sang Nga đều phải dừng lại khá lâu để làm các thủ tục nhập cảnh phức tạp. Còn lần này, theo chân các đồng nghiệp ở Móng Cái, sau khi nộp 300.000 lệ phí xuất nhập cảnh chúng tôi có thể vượt sông Bắc Luân trên một cây cầu nhỏ để rong chơi một ngày trong thành phố cửa khẩu Đông Hưng. Tuy nhiên, trước khi đặt chân lên cây cầu biên giới này, chúng tôi phải qua một mạng lưới ngân hàng di động chỉ có một chức năng duy nhất là đổi tiền gồm các bà sồn sồn ngồi la liệt bên cầu. Nhiều người đổi từng xấp, từng xấp, tôi chỉ có mỗi hai tờ 500.000 đồng cũng đổi hết luôn, kể từ lúc ấy trong túi toàn ngoại tệ, như một đại gia chỉ quen xài ngoại tệ.
Để có thể tìm hiểu về một vùng đất, không thể chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” theo kiểu “đi sứ một ngày” như các tour du lịch tổ chức ở cửa khẩu. Ấy là nói về những người có ý định tìm hiểu thực sự, còn đa số du khách đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý mua sắm, chí ít cũng là một món hàng lưu niệm đặc trưng gì đó nơi mình ghé thăm. Chúng tôi lên chiếc xe taxi đã đặt trước, chạy một vòng quanh TP Đông Hưng, rồi dừng lại khu trung tâm hành chính để du khách xuống ngắm nghía, chụp ảnh. Cảnh quan khu vực này khá đẹp, phố xá sạch bong, bồn hoa cây cảnh được chăm sóc, xén tỉa kỹ lưỡng, rất nhiều biệt thự xây theo phong cách châu Âu, giống như quận Ba Đình ở Hà Nội. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng ở Đông Hưng hiện đại hơn TP Móng Cái, các hoạt động thương mại với nước ta rất sôi động và sầm uất, có thể chính vì vậy mà người Việt Nam thường gọi Đông Hưng là thành phố trong khi nó chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện - thị.
Sau khi chụp ảnh chán chê, xe chở chúng tôi đến siêu thị để mọi người tiêu hết số ngoại tệ đã đổi. Tòa nhà siêu thị ba tầng rộng mênh mông, người đông như kiến và hai ngôn ngữ chủ yếu vang lên ở đây là tiếng Hoa và tiếng Việt. Lang thang trong tòa nhà gần một giờ, thấy chỗ nào đông người cũng len vào nhòm, vậy mà tôi cũng chẳng chọn mua được thứ gì ưng ý: hàng hiệu thì không có tiền, hàng nhái thì chê, tuy nhiên có một điều rất dễ nhận ra là hầu hết hàng hóa ở đây là hàng nội địa với nhiều đẳng cấp khác nhau. Tôi đứng khá lâu ở khu vực hàng điện tử, ngắm nhìn những chiếc điện thoại thông minh cao cấp Xiaomi chính hãng Trung Quốc hình thức sang trọng, màn hình lớn, cấu hình mạnh chẳng thua kém gì iPhone của Mỹ mà giá thì rẻ hơn nhiều, rồi nhìn sang quầy hàng giá rẻ, chỉ cần vài trăm ngàn VND cũng có thể sở hữu một chiếc “thông minh”, mà nếu không để ý rất khó phân biệt với loại cao cấp. Đó là chưa nói đến các loại smartphone của các hãng khác được sản xuất tại Trung Quốc, giá cả cũng rất linh hoạt. Dễ hiểu vì sao mà hàng hóa tiêu dùng của nước này cứ ùn ùn chảy qua biên giới nước ta.
Cuối chiều, khi quay về đổi lại mấy đồng nhân dân tệ, chị đổi tiền nhìn tôi ngạc nhiên hỏi: hàng bên ấy rẻ thế mà anh không mua gì à, rồi chị trả lại tôi 2 tờ năm trăm ngàn và không quên nói thêm: cho em xin 5.000 đồng. Vậy là chuyến đi buôn của tôi lỗ mất 505.000 đồng, gồm 300.000 đồng lệ phí xuất nhập cảnh, 100.000 đồng taxi, 100.000 đồng cho bữa trưa, 5.000 đồng phí đổi tiền mà chẳng thu được một đồng lợi nhuận nào, ngoài mấy pô ảnh chụp bên tòa nhà hành chính TP Đông Hưng. Các bạn cùng đoàn, hầu hết cũng như tôi, chẳng ai mua được cái gì, chỉ có một cô mua được chiếc váy, vậy mà lúc đi, đổi cả xấp tiền, hăng hái lắm, tưởng có thể vét sạch cả siêu thị của người ta. Ấy vậy mà nhìn dòng người lặc lè “tay xách - nách mang - đầu đội” những kiện hàng to tướng, tấp nập qua lại cửa khẩu, nói năng rổn rảng bằng hai thứ tiếng Việt - Hoa là đủ biết công việc buôn bán nơi cửa khẩu này, không có chúng tôi, vẫn nhộn nhịp đến mức nào. Các đồng nghiệp ở đây cho biết, hàng từ Việt Nam sang chủ yếu là nông sản, thực phẩm, còn hàng từ Trung Quốc vào chủ yếu là vải vóc, quần áo, giày dép, hàng điện tử…
Trở về TP Móng Cái, chúng tôi ghé chợ cửa khẩu rộng mênh mông với hàng ngàn hộ kinh doanh, cả người Việt lẫn người Hoa và tất cả đều nói được cả hai thứ tiếng. Hàng hóa nhiều nhất trong chợ là vải vóc, quần áo, chăn màn và bánh kẹo Trung Quốc. Đặc biệt nhất là các tiệm thuốc Bắc của các thầy lang Trung Quốc, vừa bắt mạch, vừa kê đơn, vừa bốc thuốc, bệnh nhân ra vào tấp nập. Tôi định ghé vào một tiệm để xem các thầy lang phán xét mình sống được mấy chục năm nữa, nhưng lại sợ lòi ra bệnh này bệnh khác, tự nhiên rước nỗi lo vào thân, mất ăn mất ngủ. Thôi thì phó mặc cho số mệnh, cái gì đến ắt phải đến. Vậy là bỏ qua cái vụ y học dân tộc, bước sang khu quần áo, chăn màn. Thôi thì tha hồ lựa chọn, tiền nào của nấy, dĩ nhiên là hàng Trung Quốc, nhưng tem nhãn có cả tiếng Việt, chu đáo đến thế là cùng, bởi vậy mà nhiều du khách không thể cưỡng nổi.
Đi sứ một ngày sang nước bạn và nhớ lại những chuyến đi trước, dẫu có những lúc thăng trầm, nhưng ấn tượng bao trùm vẫn là một không khí thanh bình, thân thiện giữa hai dân tộc trong một môi trường kinh doanh năng động và sầm uất. Tôi tin chắc, đó là xu thế chung trong mối quan hệ giữa các quốc gia láng giềng trên toàn thế giới.
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP