Thứ Sáu, 10/01/2025 14:42 CH
Người thầy thuốc “thấm” tinh thần nhân nghĩa
Thứ Bảy, 06/05/2017 14:00 CH

Lương y Nguyễn Cao Định bắt mạch cho một bệnh nhân - Ảnh: YÊN LAN

“Thấm” tinh thần yêu nước và nhân nghĩa từ những áng thơ của cụ Đồ Chiểu, một lương y ở huyện Tuy An đã miệt mài học hỏi, nâng cao tay nghề và làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Ngày ngày, ông vượt gần 30 cây số đi - về để khám bệnh, châm cứu miễn phí cho bệnh nhân.

 

Nơi tình thương lan tỏa

 

4 giờ chiều, bà Phạm Thị Mai có mặt tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Tái Sanh (số 228 Lê Lợi, phường 5, TP Tuy Hòa). Bà lấy chổi quét phòng, dáng vẻ tự nhiên như đang ở nhà mình. Hỏi ra mới biết, bà cụ 76 tuổi này đến từ TX Sông Cầu, bị đau lưng cả năm nay. Nghe anh trai kể rằng tại Tuy Hòa có điểm khám bệnh, châm cứu miễn phí, bà khăn gói vào, ở nhà anh trai, chiều chiều đến đây điều trị trong gần 1 tháng. “Tui thấy bớt nên kiên trì chữa cho khỏi bệnh”, bà Mai móm mém cười.

 

Đến Tái Sanh châm cứu sau bà Mai độ mươi ngày, ông Nguyễn Phú (80 tuổi, ở phường 5, TP Tuy Hòa) vui mừng khi tay và chân phải đã hết tê, đầu cũng không còn cảm giác phừng phừng. Ông Phú bị tai biến mạch máu não cách đây chưa lâu.

 

Chị Phạm Thị Nga ở phường 7 (TP Tuy Hòa) bị đau thần kinh tọa. Nghe tin từ mấy người trong xóm, chị đến đây và được điều trị bằng phương pháp điện châm trong 1 tháng, thấy đỡ đau phân nửa. “Nhờ lương y châm cứu miễn phí nên mình “theo” lâu hơn, thay vì chỉ trong 1 tháng thì mình có thể châm cứu được 2, 3 tháng”, chị Nga nói.

 

Lương y Nguyễn Cao Định mở Phòng chẩn trị y học cổ truyền Tái Sanh và bắt đầu khám bệnh, châm cứu miễn phí cho bệnh nhân từ rằm tháng Giêng năm nay. 3 giờ chiều hàng ngày, từ ngôi nhà của gia đình ở thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), ông đi xe máy vào Tuy Hòa, đến phòng chẩn trị và làm việc cho đến 7-8 giờ tối. Khi người bệnh sau cùng rời khỏi phòng chẩn trị, ông lên xe về nhà. Những hôm đông bệnh nhân hoặc thời tiết xấu thì ông ở lại, sáng sớm hôm sau trở về xã An Mỹ. Hỏi sao mà vất vả vậy, ông cười: “Từ lâu lắm rồi, ước nguyện của tôi là làm việc có ý nghĩa, đem lại lợi ích cho mọi người. Tôi nghĩ mở phòng chẩn trị ở nông thôn thì ít người đến nên đưa vào Tuy Hòa để có thể giúp được nhiều người hơn”.

 

Đến với Tái Sanh phần đông là những người bị tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7, đau thần kinh tọa… Khi được điều trị bằng phương pháp châm cứu, họ chỉ phải trả tiền kim; người nào nghèo thì miễn phí hoàn toàn. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Phòng chẩn trị y học cổ truyền Tái Sanh mở cửa, nhiều người đã biết đến địa chỉ này. Thấy bệnh nhân đông, lương y Nguyễn Cao Định nhờ một người bạn, bác sĩ Phạm Văn Khoa, đến phụ giúp. Đồng cảm với ý nguyện tốt đẹp của lương y, bác sĩ Khoa đã nhận lời và nhiệt tình hỗ trợ ông. Phụ giúp hai thầy thuốc là hai học trò. Công việc cứ thế nhịp nhàng, trôi chảy.

 

Từ lính Trường Sa trở thành lương y

 

Năm 1988, biển Đông dậy sóng; vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước trở nên vô cùng cấp thiết. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cậu học trò Nguyễn Cao Định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Quyết định này vấp phải sự phản đối của mẹ ông bởi gần 10 năm trước, người con trai thứ ba của bà đã tình nguyện nhập ngũ và hy sinh trên chiến trường Campuchia. Người mẹ không muốn đứa con trai thứ năm của mình tiếp tục đi đến nơi nguy hiểm. Nhưng ông Định có lý lẽ riêng. Đó là lý lẽ của một thanh niên đã “thấm” những áng văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Nhân cơ hội mẹ lên Phú Túc mua sắn và ghé thăm ông bác, ở nhà, ông Định khoác ba lô lên đường.

 

Sau khoảng thời gian được huấn luyện tại Cam Ranh, tháng 6/1988, ông Định cùng đồng đội lên tàu ra đảo Trường Sa Lớn. Thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh. Đêm đêm tàu Trung Quốc thả những chiếc xuồng con áp gần đảo. Ông Định cùng đồng đội đối mặt với khó khăn, nguy hiểm bằng sức trẻ và tinh thần lạc quan. Là Tiểu đội trưởng Tiểu đội pháo 85 ly, ông có gần 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn.

 

Năm 1991, xuất ngũ trở về, ông Định đăng ký học lớp lương y do Hội Đông y tỉnh tổ chức vào ban đêm. Ông thổ lộ: “Tôi yêu thích nghề y cũng từ các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Những bài thơ thấm đẫm tinh thần trượng nghĩa, lấy nhân nghĩa làm gốc. Tôi vẫn nói với các con: Sống lấy nhân nghĩa làm gốc là căn bản nhất, mình sẽ luôn vững vàng”.

 

Ước mơ của người thầy thuốc

 

Theo lương y Nguyễn Cao Định, trong quá trình hành nghề y, bên cạnh việc tìm tòi, học hỏi không ngừng, ông đã gặp nhiều may mắn. Hết sức tình cờ, ông chữa cho vợ mình khỏi chứng co giật cơ mặt. Theo y văn, dây thần kinh số 5 còn gọi là dây thần kinh sinh ba (hoặc dây thần kinh tam thoa), là cặp thứ năm trong 12 cặp dây thần kinh xuất phát từ cầu não và được chia thành 3 nhánh gồm nhánh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới. Dây thần kinh này bị tổn thương hoặc bị chèn ép sẽ gây đau dữ dội nửa mặt, giật rút từng cơn. “Đông y cho rằng chứng bệnh này do phong hàn gây ra, tà khí xâm nhập vào cơ thể, tác động đến dây thần kinh số 5. Sau mấy năm trăn trở tìm tòi, tôi đã chữa được chứng bệnh này bằng thuốc đông y”, ông Định cho biết.

 

Bệnh nhân thứ hai là cụ Võ Thị Trang, hơn 80 tuổi, ở xã An Thọ (huyện Tuy An). 4 năm trời, cụ Trang bị chứng bệnh này hành hạ, miệng lệch đi, đau đớn vô cùng, không ăn được. Cụ đã chạy chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Lần nọ, khi đến gặp lương y Định để được châm cứu, chị Đào Thị Ngọc Lan, con dâu bà cụ, kể cho lương y nghe về bệnh của mẹ mình và nhờ ông tư vấn về thuốc giảm đau để mẹ dùng. Lương y nói ông sẽ đến nhà gặp bà cụ. “Sau đó, mới 5 giờ sáng, lương y đến, chẩn bệnh cho mẹ rồi kêu ông xã tôi theo ổng về lấy thuốc. Uống hết một chai thì đỡ. Sau 3 tháng, bệnh của mẹ tôi giảm đến 80%”, chị Lan cho biết.

 

Sau khi điều trị có kết quả cho cụ Trang, lương y Nguyễn Cao Định nhấc điện thoại gọi chị Trần Thị Thơm ở xã Hòa An, giáo viên Trường tiểu học Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa). Hơn 5 năm trước, chị Thơm đã tìm đến ông để chữa chứng co rút cơ mặt đến mức biến dạng nhưng việc chữa trị không thành công. “Tôi hỏi thăm chị ấy đã bình phục chưa, chữa bằng thuốc gì, đông y hay tây y. Chị Thơm kể rằng đã vô TP Hồ Chí Minh mổ, tốn mấy chục triệu đồng nhưng vẫn không khỏi bệnh, mặt vẫn còn co rút. Tôi nói với chị: Giờ tôi đã nghiên cứu thành công bài thuốc này rồi, chị đến lấy thuốc về uống thử đi”, lương y Định nhớ lại.

 

Quả tình, gần 10 năm qua, sau khi chạy chữa nhiều nơi, từ Tuy Hòa đến Quy Nhơn và TP Hồ Chí Minh, tốn khá nhiều tiền mà vẫn không khỏi bệnh, mặt vẫn đau nhức, cơ mặt vẫn co rút đến mức biến dạng, chị Thơm sống khép mình và không dám hy vọng rằng bài thuốc nam nào đó có thể giúp gương mặt mình trở lại bình thường. “Tôi không nghĩ rằng mình sẽ khỏi bệnh, nhưng thầy Định động viên: Chị cứ ra lấy thuốc uống thử đi, khi nào hết bệnh tôi mới lấy tiền, đừng ngại”, chị Thơm kể. Trước sự nhiệt tình của lương y, chị Thơm bèn ra An Mỹ lần thứ hai, nhận thuốc dùng thử. Sau 10 ngày, những cơn co rút giảm dần. Những cơn đau cũng giảm. Nhưng đến khi trở trời thì sự phiền toái lập tức quay trở lại. Và chị Thơm kiên trì uống thuốc. Chị phấn khởi cho biết: “Tết rồi tôi mới dám mặc đồ mới, đi gặp bạn bè. Trước kia, bệnh tật khiến tôi mặc cảm, trừ lúc đi dạy, thời gian còn lại tôi không muốn gặp ai cả. Nhiều khi soi gương còn thấy sợ khuôn mặt của chính mình. Giờ sau 5 tháng uống thuốc, bệnh đã giảm đến 90%. Thầy Định quá tốt, rất nhiệt tình, rất đạo đức”.

 

Hiện tại, bên cạnh sự hỗ trợ của người bạn thân và hai học trò phụ việc tại phòng chẩn trị, lương y Nguyễn Cao Định còn được sự hỗ trợ đắc lực của người bạn đời. Hai người con của lương y cũng nối nghiệp cha, đang học tại Trường đại học Y Dược và Khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

 

Thầy thuốc sinh năm 1969 này thổ lộ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là chữa bệnh mang lại kết quả tốt nhất và ít tốn kém nhất cho bà con. Bệnh nhân đến đông như thế nào tôi cũng không có cảm giác mệt mỏi. Đã say mê thì không bao giờ thấy mệt mỏi”.

 

Lương y Đỗ Văn Sim, Chủ tịch Hội Đông y huyện Tuy An, nhận xét: Lương y Nguyễn Cao Định là người điềm đạm, hòa nhã. Anh đã cố gắng theo học những lớp ban đêm để nâng cao tay nghề. Lương y Định là người rất yêu nghề”.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khi cán bộ, chủ doanh nghiệp làm nông
Thứ Ba, 02/05/2017 07:00 SA
KỲ CUỐI: Văn hóa Lệ Giang, xưa và nay
Chủ Nhật, 23/04/2017 14:00 CH
KỲ 1: Nơi thời gian như ngưng đọng
Thứ Bảy, 22/04/2017 14:00 CH
KỲ CUỐI: Sông nước miền Tây
Chủ Nhật, 09/04/2017 13:00 CH
KỲ 1: Bạn cũ trường xưa
Thứ Bảy, 08/04/2017 13:02 CH
Hai họa sĩ, một mái nhà và những tình yêu
Thứ Bảy, 01/04/2017 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek