Thứ Sáu, 18/10/2024 07:23 SA
Bạn cũ rủ nhau “đi Tây”:
KỲ 1: Bạn cũ trường xưa
Thứ Bảy, 08/04/2017 13:02 CH

Với một người thích xê dịch như tôi, Phía Tây không có gì lạ”(1) vì tôi đã đến đây nhiều lần, thậm chí còn tiện đường bơi ra tận mũi Cà Mau, nhưng chủ yếu là đi công tác, được đồng nghiệp tranh thủ đưa đi tham quan danh thắng địa phương theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Lần này nhóm bạn ở Đại học Thăm dò địa chất Moskva rủ đi miền Tây với đúng nghĩa là du lịch với bạn cũ sau hơn 40 năm tốt nghiệp.

 

Bạn cũ gặp nhau trên cảng Sài Gòn - Ảnh: CTV

 

Ra trường vào giữa những năm 70, các chàng trai 24-25 tuổi tràn đầy nhựa sống, không chút băn khoăn vác ba lô lên tận Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, gắn bó với ngành nghề mình được đào tạo, có đứa còn bị cuốn cả vào cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, được tuyên dương, khen thưởng, đề bạt lên tới trợ lý bộ trưởng Bộ Công thương, khiến cả bọn đều nể phục. Do đặc thù nghề nghiệp, hầu hết chúng tôi đều phải sống xa gia đình, những đồng lương ba cọc ba đồng thời bao cấp chỉ đủ để lót đường cho những lần tranh thủ về nhà thăm vợ con, tất cả đều phải lăn lộn với nghề và bươn chải làm thêm để nuôi sống bản thân và gia đình. Đến một lúc nào đó, khi đã có một vị trí nhất định trong nghề nghiệp, mọi người đều cố gắng xin chuyển công tác về gần nhà để có điều kiện lo cho tổ ấm của mình. Đứa về Đại học Mỏ - Địa chất, đứa về Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, về cơ quan Tổng cục Địa chất, Bộ Công thương, có người thành lập công ty riêng, tất cả đều ở Hà Nội và Sài Gòn, chỉ có tôi từ Tây Nguyên về Trường trung cấp địa chất Tuy Hòa, vẫn ở tỉnh lẻ.

 

Thực ra, do điều kiện công việc, tôi vẫn gặp các bạn ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng không lần nào đông đủ, kể cả lần tôi “đăng cai” họp lớp ở Tuy Hòa vào năm 2014 cũng thiếu mấy người vì lý do sức khỏe và công việc. Tám chàng trai trẻ của lớp Kỹ thuật thăm dò địa chất RT-69 ngày nào, giờ đã thành ông nội, ông ngoại, dấu ấn thời gian in đậm trên nét mặt. Thời buổi công nghệ thông tin, chúng tôi vẫn biết rõ tình hình sức khỏe và gia cảnh của nhau, nhưng khi tận mắt nhìn bạn bằng xương bằng thịt, có đứa mập trắng, có đứa ốm nhom, một cảm giác ngậm ngùi dâng lên khóe mắt. Tôi bảo với các bạn, những giây phút như thế này, không tiền bạc nào có thể mua được. Sau chuyến đi, một người bạn viết trên Facebook: “Sáu năm học cùng lớp, chưa một lần có dịp ngồi với nhau đông đủ, thế rồi về già, lại lặn lội tìm đến với nhau. Tháng năm và tuổi tác đã làm mềm lòng tất cả mọi người, biết lần sau có còn đông đủ”.

 

Những năm ở đại học, chúng tôi cũng đã nhiều lần đi “du lịch” với nhau. Hàng năm, vào dịp nghỉ đông hay nghỉ hè, nhà trường thường tổ chức cho các sinh viên nước ngoài tham quan cố đô Saint - Peterburg (hồi đó mang tên Leningrad) - một trong những thành phố cổ đẹp nhất châu Âu với vô vàn lâu đài, cung điện và danh lam thắng cảnh. Nhà trường cử một cán bộ của Phòng Sinh viên nước ngoài (thường là nữ) làm trưởng đoàn lo tất cả mọi việc liên quan đến chuyến đi, nhưng công việc cũng rất đơn giản. Từ Moscow, chúng tôi ngủ một đêm trên tàu tốc hành, sáng hôm sau đã có mặt tại Saint - Peterburg, được đưa đến nhận phòng ở ký túc xá của một trường đại học nào đó (hai trường đã thống nhất trước với nhau), còn việc ăn uống thì đã có nhà ăn sinh viên cạnh đấy, ăn gì trả nấy. Cô trưởng đoàn chỉ lo xe đưa đón chúng tôi đến các điểm tham quan, mua vé vào cửa (nếu có bán vé). Suốt một tuần, chúng tôi lang thang khắp các địa danh nổi tiếng như Cung điện Mùa đông, Vườn Mùa hè, Bảo tàng Mỹ thuật Ermitazh, Cung điện Hoàng Thôn, Chiến hạm Rạng Đông, Cung điện Pe­terhof, Vịnh Phần Lan… Cuối đợt, có một ngày tự do để thăm bạn bè hay đi đâu tuỳ thích, rồi cô trưởng đoàn lại đưa chúng tôi lên tàu về Moskva, thế là xong. Đối với đám sinh viên vừa nghèo, vừa ham hiểu biết, thì cách tổ chức “du lịch bụi” như thế này vừa rẻ, vừa vui.

 

Kênh rạch miền Tây Nam Bộ - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Cứ tưởng hình thái du lịch này chỉ còn lưu lại trong ký ức lứa sinh viên Việt Nam chúng tôi ngày ấy, nhưng nó lại vừa được “tái bản”. Một người bạn trong lớp liên lạc với lãnh đạo trường cũ ở Moskva, cho biết một số cựu sinh viên Việt Nam muốn về thăm trường, nhờ nhà trường gửi giấy mời để làm visa, đồng thời xin được ở nhờ ký túc xá. Nhà trường đồng ý ngay. Và thế là tour “du lịch bụi” của các cựu sinh viên chỉ tốn tiền máy bay qua lại, ngủ trong ký túc xá sinh viên không mất một xu, ăn uống thì đã có nhà ăn tập thể của sinh viên ngay cạnh, còn đi chơi thì thỏa sức vùng vẫy trên miền đất đã nhiều năm gắn bó. Ngoài ra còn phải kể đến đám bạn Nga cùng lớp, nghe tin, mời cả nhóm tới nhà chơi liên tục, phải xếp lịch để không bỏ sót đứa nào. Chuyến đi đã cho mọi người được sống lại những tháng năm hạnh phúc của một thời trai trẻ xa quê. Còn các bà vợ đi cùng thì cứ trầm trồ mãi về một chuyến du lịch thú vị và thấm đẫm tình cảm nồng hậu của các bạn Nga. Năm sau, nhà trường sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, tôi không thể hình dung nổi, cuộc gặp mặt sẽ hoành tráng đến mức nào.

 

Cuộc họp lớp lần này ở miền Tây Nam Bộ được chuẩn bị khá kỹ, chủ yếu là chọn thời gian để tất cả mọi người, cả chồng và vợ đều có thể tham gia, rồi giao cho một bạn ở TP Hồ Chí Minh hiện là lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Xunaco Tours tổ chức. Hắn gọi điện cho tôi, cười bảo, chuyện vặt, quan trọng là đi hướng nào và bao nhiêu ngày, rồi sau khi thống nhất với các bạn, hắn ấn định ngày giờ và khách sạn tập kết tại TP Hồ Chí Minh. Tối đó, trước khi đi miền Tây, hắn chiêu đãi cả đoàn một bữa ở nhà hàng du thuyền trên sông Sài Gòn. Các bạn từ Hà Nội vào mang theo cả một “kho vũ khí” gồm nửa tá Vodka Nga chính hiệu, nhưng bạn thân lâu ngày mới gặp, chỉ “trận đầu” đã bay hết mấy chai, những ngày sau phải mua thêm Vodka Hà Nội. Ăn xong, chúng tôi thả bộ trên đường Nguyễn Huệ, tiết trời mát mẻ, tâm hồn thư thái, bụng dạ no nê, tinh thần phấn chấn, lang thang trên phố đi bộ Nguyễn Huệ quả là một trải nghiệm thú vị.

 

Trên đường đi miền Tây, xe khách thường ghé lại điểm dừng chân Mekong Rest Stop. Tuy nhiên, cái điểm dừng chân này không chỉ giới hạn ở chức năng thư giãn và vệ sinh cá nhân, mà là một tổ hợp không gian du lịch sinh thái làng quê Nam Bộ. Ở đây có vườn hoa cây cảnh, nhà cổ, ao sen, cầu khỉ, xe bò bánh gỗ, vườn cây trái… với những đặc điểm văn hóa mang đậm chất Nam Bộ mà không một du khách thích chụp ảnh nào có thể bỏ qua. Ngoài ra, còn có cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhà hàng đặc sản với những món ăn mang đậm hương vị miền Tây. Sau khi tham quan một vòng, chụp mớ ảnh, ăn no bụng, có người nói đùa: Đến đây rồi quay về, chỉ cần khoe bộ ảnh này, coi như đã đến miền Tây.

 

KỲ CUỐI: Sông nước miền Tây

--------------

(1) Tên tác phẩm của nhà văn Đức E.M. Remarque và một bộ phim truyện chuyển thể từ tác phẩm này.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hai họa sĩ, một mái nhà và những tình yêu
Thứ Bảy, 01/04/2017 15:00 CH
Chuyện con gái người anh hùng Gạc Ma
Thứ Bảy, 18/03/2017 10:34 SA
Mưa trên biển
Thứ Bảy, 04/03/2017 14:00 CH
Tây Nguyên - một thời để nhớ
Thứ Bảy, 25/02/2017 15:00 CH
Nước mắm Phú Yên bắt nhịp @
Thứ Ba, 07/02/2017 11:00 SA
Chuyện những chủ tàu dọc ngang trùng khơi
Thứ Bảy, 04/02/2017 08:51 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek