Thứ Sáu, 18/10/2024 07:25 SA
Lệ Giang - miền đất “hút” khách
KỲ 1: Nơi thời gian như ngưng đọng
Thứ Bảy, 22/04/2017 14:00 CH

Một góc Lệ Giang với hàng liễu rủ đặc trưng - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

Học giả người Mỹ Joseph Locke (1884-1962) là nhà thám hiểm, nhà văn và nhiếp ảnh gia của kênh truyền hình National Geographic Chanel, được coi là “Cha đẻ của những nghiên cứu về người Nạp Tây ở Lệ Giang”. Ông đã sống ở đây 27 năm và bắt đầu những nghiên cứu của mình từ năm 1923. Trong những ngày cuối đời, ông viết cho một người bạn: “Tôi thà chết giữa những bông hoa của núi tuyết Ngọc Long ở Lệ Giang còn hơn hấp hối một mình trên giường bệnh viện”.

 

Con đường lát đá ở phố cổ Lệ Giang - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

Có một dạo, trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, những người trẻ sành điệu thường bày tỏ giấc mơ đến Lệ Giang (Lijiang) mở khách sạn, nhà nghỉ của riêng mình. Điều này càng được khẳng định bởi thế hệ “yuppie” - một khái niệm đa văn hóa để chỉ thế hệ thanh niên được hình thành từ tổng hợp các khái niệm: young (trẻ), urban (sống ở thành phố), professional (có nghề nghiệp) và hippie (lập dị). Theo đó, nếu trước đây có 4 thứ khiến giới trẻ Trung Quốc thích thú là trang sức hàng hiệu Cartier, túi xách Louis Vuitton, khăn quàng cổ Burberry và xế đẹp Mercury, thì hiện tại, có 4 thứ khác làm họ thèm muốn hơn, đó là mở quán cà phê trong nội thành, đạp xe trên con đường huyết mạch - quốc lộ 318 và mở nhà nghỉ ở Tây Tạng hoặc Lệ Giang. Vì sao Lệ Giang được thèm muốn đến như thế, và đó chính là lý do thôi thúc tôi một ngày nào đó phải đặt chân đến vùng đất này.

 

Trong một dịp ghé thăm các đồng nghiệp đang học tập tại Đại học Bách khoa Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, tôi rủ các bạn đặt vé tàu lửa đi Lệ Giang (khoảng 527km) để khám phá vùng đất này. Sau một đêm ngủ trên tàu, 6 giờ sáng hôm sau chúng tôi đã đến nơi. Ra khỏi sân ga, sau một hồi loay hoay tìm xe buýt để vào trung tâm thành phố, chúng tôi quyết định chọn phương án tìm thêm người để chia sẻ chi phí đi taxi giá rẻ. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được hai bạn sinh viên người Thượng Hải và một anh chàng người Tứ Xuyên.

 

Lệ Giang là một đơn vị hành chính cấp địa khu trong thung lũng miền núi Tây Bắc tỉnh Vân Nam, với tên đầy đủ là “Lệ Giang Thị” (Lijiang Shi) tức là thành phố trực thuộc tỉnh Lệ Giang, bao gồm cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, gồm có Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sà. Đây là một trong bốn thành phố tượng trưng cho bốn mùa của tỉnh Vân Nam: Côn Minh tượng trưng cho mùa xuân gọi là Xuân thành, Đại Lý là Hạ thành, Cảnh Hồng là Thu thành và Lệ Giang là Đông thành. Khu phố cổ Lệ Giang là một trong hai khu phố cổ được bình chọn là đẹp nhất Trung Quốc. Hơn nửa thế kỷ trước, trong một dự án về hợp tác xã công nghiệp giữa Trung Quốc và Liên Xô, một người Nga tên là Peter Goullart (1901-1978) được phái đến Lệ Giang để tham gia vào dự án. Sống ở Lệ Giang 9 năm, ông bị mê hoặc bởi con người và phong cảnh nơi đây. Sau này, trong cuốn hồi ký “Vương quốc bị lãng quên” (The Forgotten Kingdom), ông viết: “Lệ Giang là vương quốc Nạp Tây cổ (Naxi) bị lãng quên ở phía nam Trung Quốc, hầu như không được thế giới bên ngoài biết đến...”.

 

Người ta chỉ biết nhiều đến Lệ Giang sau trận động đất thảm khốc xảy ra vào năm 1996, san bằng 186.000 ngôi nhà, giết chết hơn 300 người và làm bị thương khoảng 14.000 người. Trận động đất đã tàn phá Lệ Giang một cách nặng nề, khiến nhà chức trách địa phương nhận ra kho tàng vô giá mình đang sở hữu có nguy cơ biến mất, liền nhanh chóng khắc phục hậu quả và biến đống đổ nát thành di sản văn hóa của thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1997. Ngày nay Lệ Giang không còn là “vương quốc bị lãng quên” nữa, mà đã trở thành thành phố du lịch nổi tiếng, là đầu mối quan trọng trong mạng lưới giao thương giữa cao nguyên Tây Tạng với các vùng trồng chè ở phía nam, còn người Nạp Tây - dân tộc chính ở Lệ Giang là một trong 26 dân tộc thiểu số của tỉnh Vân Nam, được xem như là những người trung gian kết nối giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Đô thị cổ Lệ Giang được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên, có tuổi đời hơn 800 năm, diện tích khoảng 3,8km2, nằm ở độ cao 2.400m trên cao nguyên Vân Quý, là sự hòa trộn giữa kiến trúc của người Hán, người Bạch và người Tạng, nhất là trong việc trang trí nhà cửa và phố xá. Tất cả đều toát lên sự hài hòa và gần gũi giữa con người với thiên nhiên. Đô thị cổ còn được tô điểm bởi mạng lưới kênh đào đan xen như mạng nhện với những hàng liễu rủ dọc theo đôi bờ và 354 chiếc cầu bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành. Nói không ngoa, có thể coi đây là thành phố “Venice” của phương Đông hay “Tô Châu” trên cao nguyên.

 

Toàn cảnh khu đô thị cổ Lệ Giang - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

 

Vừa ngắm nhìn phố xá, tôi vừa tự hỏi, Lệ Giang có gì đặc biệt mà được xem là điểm đến hàng đầu đối với người Trung Quốc. Có thể họ đến để trở về với quá khứ, để ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình, để trải nghiệm văn hóa ẩm thực, hay chỉ để thử bộ trang phục Nạp Tây truyền thống, hoặc mua một chiếc trống làm từ da thằn lằn Đông Ba. Dạo quanh trên những con phố nhỏ lát những viên đá có tuổi đời hàng trăm năm, tôi cứ ngỡ như lạc vào một vương quốc cổ xưa xen lẫn những mảng màu hiện đại: một ông lão với chiếc áo phông in hình lá cờ sao vạch của Mỹ, một người thợ thủ công vừa làm việc vừa dán mắt vào chiếc smartphone, người khác giặt quần áo trong chiếc chậu nhựa composite… Cuộc sống phát triển nhanh đến mức những người suốt đời sống trong đô thị cổ dù có cố gắng đến đâu cũng chạy theo không kịp, mặc dù vậy họ vẫn phải sống và hít thở bầu không khí của lối sống hiện đại. Còn chính quyền Lệ Giang thì đặt ra một mục tiêu cụ thể: phải bảo vệ những di sản quý giá của lịch sử cho muôn đời sau. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc giao tiếp giữa các du khách và người địa phương: tiếng Anh hầu như không làm ai quan tâm, dù là chỉ để trao đổi những điều đơn giản nhất. Ở Lệ Giang, toàn cầu hóa cũng được nhắc đến nhiều nhưng có sự khác biệt: không có Facebook và Google, và bây giờ không có cả Instagram.

 

Một số người dân địa phương nói rằng, muốn tìm hiểu lịch sử độc đáo của Lệ Giang hãy ghé thăm làng Bạch Sà. Những người Nạp Tây sống ở đây là hậu duệ của bộ lạc người Tạng của Tây Tạng, bắt đầu định cư tại đây vào khoảng năm 400 sau Công nguyên. Khoảng 1.200 năm trước, Bạch Sà là một địa điểm quan trọng trên “con đường chè”, một tuyến thương mại từ các cánh đồng trồng chè của Vân Nam đến thủ đô truyền thống Lhasa của Tây Tạng. Những bức tranh bích họa bằng sơn dầu trong tu viện Bạch Sà vẽ vào khoảng năm 1385 được các linh mục và người dân địa phương bảo tồn gần như nguyên vẹn trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Một nơi cũng không thể bỏ qua là Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đông Ba trong công viên Hắc Long Đàm. Đây là đầu mối quan trọng để tìm hiểu về văn hóa Nạp Tây cổ xưa. Tôn giáo Đông Ba cổ chịu ảnh hưởng nặng nề của Phật giáo Tây Tạng, còn người Nạp Tây thì theo mẫu hệ. Người ta kể, vào thời cổ đại, khi cuộc chiến giữa các nhóm sắc tộc diễn ra, chỉ cần một người phụ nữ bước vào giữa trận tiền và xòe bàn tay ra, cuộc chiến sẽ chấm dứt ngay lập tức.

 

KỲ CUỐI: Văn hóa Lệ Giang, xưa và nay

 

Bút ký của ĐÀO LÊ VĨNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ CUỐI: Sông nước miền Tây
Chủ Nhật, 09/04/2017 13:00 CH
KỲ 1: Bạn cũ trường xưa
Thứ Bảy, 08/04/2017 13:02 CH
Hai họa sĩ, một mái nhà và những tình yêu
Thứ Bảy, 01/04/2017 15:00 CH
Chuyện con gái người anh hùng Gạc Ma
Thứ Bảy, 18/03/2017 10:34 SA
Mưa trên biển
Thứ Bảy, 04/03/2017 14:00 CH
Tây Nguyên - một thời để nhớ
Thứ Bảy, 25/02/2017 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek