Thứ Sáu, 18/10/2024 07:36 SA
Lệ Giang - miền đất “hút” khách:
KỲ CUỐI: Văn hóa Lệ Giang, xưa và nay
Chủ Nhật, 23/04/2017 14:00 CH

Một phần núi tuyết Ngọc Long - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

Cạnh Lệ Giang có dãy núi Ngọc Long với đỉnh cao nhất là Phiến Tử Đẩu, với 5.596m, còn phía bên kia là vách núi Hổ Khiêu nổi tiếng hiểm trở, luôn là thách thức đối với các nhà leo núi dày dạn kinh nghiệm. Nhìn xa xa, dãy núi trông như một con rồng nên được gọi là “Ngọc Long”.

 

Đây là nơi mà các du khách khi đến với Lệ Giang không thể bỏ qua vì có một chương trình nghệ thuật sân khấu hoành tráng của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu với sự tham gia của 500 vũ công và 200 con ngựa trên sân khấu ngoài trời bên những vách đá dựng đứng ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, còn phông nền trực tiếp chính là đỉnh núi tuyết Ngọc Long. Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc sống và những nét lịch sử văn hóa độc đáo của người Lệ Giang. Ở đây còn có các gian hàng mộc mạc bán các loại thảo dược Tây Tạng và đồ thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ. Điều đáng ngạc nhiên là với các hoạt động du lịch sôi động như vậy, nhưng nơi đây vẫn bảo tồn được bầu không khí nguyên sơ, hoang dã như thời cổ đại.

 

Trung tâm của thành cổ Lệ Giang là con đường Tứ Phương với bốn đường phố chính kéo dài theo bốn hướng. Các con phố đều nhỏ, lát đá, nhà xây theo kiến trúc cổ, mái lợp ngói âm dương, với tông màu chủ đạo là xám đen huyền bí, tạo cảm giác như đã được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ, cùng với những con kênh đào và cây xanh tạo nên bầu không khí trong lành tràn ngập đường phố. Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar đóng cửa, tuyến đường này đã trở thành một điểm giao thương quan trọng cho việc buôn bán các loại thuốc, hàng thủ công và hàng da truyền thống giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Mỗi căn nhà trong phố đều là cửa hàng bán đồ trang sức, đồ lưu niệm hay quán cà phê hoặc nhà hàng. Điều dễ dàng nhận thấy là tất cả các cửa hàng đều rất giống nhau và sắp xếp theo cùng một khuôn mẫu. Đầu tiên là quần áo phụ nữ, sau đó là trống, rồi đồ cổ Tây Tạng và quần áo nam giới... Nếu không để ý, du khách rất dễ bị lạc trong cái mê cung cửa hàng và phố xá đó. Trong những con hẻm nhỏ ở khu phố cổ, du khách có thể thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Nạp Tây ở các nhà hàng và quán cà phê nằm bên bờ kênh. Chúng tôi ghé vào một quán, nhâm nhi ly cà phê Cappuccino với món bánh hoa, là loại bánh truyền thống của tỉnh Vân Nam, được làm từ bột mì còn nhân làm từ cánh hoa hồng, có vị ngọt.

 

Phụ nữ Nạp Tây trong trang phục truyền thống, múa vũ điệu của dân tộc - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

 

Khi màn đêm buông xuống là lúc du khách có thể tham dự lễ hội âm nhạc đường phố Nạp Tây truyền thống. Âm nhạc Nạp Tây đã tồn tại và phát triển khoảng 700 năm, là sự kết hợp đặc biệt giữa nghệ thuật sân khấu, thi ca và âm nhạc, “gần gũi với đấng tối cao” của cao nguyên Tây Tạng. Một trong hai dòng chính của âm nhạc Nạp Tây là Dongjing, được các nhạc công Trung Quốc cổ đại sử dụng như một phần của nghi lễ âm nhạc truyền thống. Ngày xưa, các môn đệ của Khổng Tử đã sử dụng nó để làm cho tâm hồn được siêu thoát, còn các tôn giáo sau đó đã sử dụng nó cho các bài tập thể dục thể chất. Một điều đặc biệt là hầu hết dòng nhạc Trung Quốc là theo thể thức Pentatonic (ngũ âm) với 5 nốt nhạc, nhưng âm nhạc Nạp Tây thì Hexatonic (lục âm) với 6 nốt nhạc. Do vị trí địa lý của Lệ Giang bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi những ngọn núi cao, khiến cho việc giao lưu với Lệ Giang rất khó khăn, nhất là vào mùa đông, bởi vậy mà hàng trăm năm qua, nền văn hóa người Nạp Tây hầu như không bị ảnh hưởng gì từ văn hóa bên ngoài. Trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nhạc Dongjing trở nên phổ biến, nhưng vào đầu thế kỷ XX, với sự xâm nhập của âm nhạc phương Tây, dòng nhạc Dongjing cũng bị mai một ít nhiều. Trải qua bao biến động, nhất là cuộc Cách mạng văn hóa vào những năm 60, các hình thức âm nhạc dân tộc truyền thống ở Lệ Giang bị coi là lạc hậu, cổ hủ, một số nghệ nhân đã phải chôn giấu các nhạc cụ dân tộc, chờ đến khi cơn bão chính trị qua đi mới dám đào lên, rồi khôi phục lại dàn nhạc dân tộc Nạp Tây và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Có một điều đặc biệt, là theo truyền thống thì chỉ có nam giới mới được tập luyện và sử dụng các nhạc cụ dân tộc, nhưng một số nghệ nhân tiên phong đã quyết định phá bỏ rào cản bất hợp lý đó và truyền nghề lại cho các em gái. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng quan trọng trong nền âm nhạc dân gian Nạp Tây. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nghệ nhân tâm huyết đã cố gắng nghiên cứu, phục hồi các loại nhạc cụ, trang phục sân khấu truyền thống và các bản nhạc, điệu múa dân tộc cổ xưa. Trong xu thế đó, thị trưởng thành phố Lệ Giang đã quyết định giao cho các nghệ nhân một tòa nhà ở trung tâm thành phố để làm nơi luyện tập và biểu diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống dân tộc. Từ ngày đó, hàng đêm cứ vào lúc 20 giờ, trong tòa nhà lại vang lên những giai điệu mang đậm bản sắc văn hóa Nạp Tây.

 

Thật ra, tôi cũng chỉ biết được những điều này khi theo chân một cô gái người địa phương trong trang phục truyền thống nhảy múa ở quảng trường thành phố. Chỉ vài phút đi bộ, cô gái đã đưa tôi tới nhà hát âm nhạc dân tộc Nạp Tây. Không gian nhỏ bé nhưng ấm cúng, nhà hát được trang trí cầu kỳ, sân khấu đẹp với rồng mây, chim cá uốn lượn. Điều dễ nhận thấy là các nhạc công đều lớn tuổi, một vài người mù đeo kính đen được các em học sinh dẫn vào sân khấu. Sau màn chào hỏi là ngay lập tức toàn bộ không gian khán phòng tràn ngập âm nhạc mê hoặc lòng người, như đưa du khách vào chốn thiên thai huyền bí của giai điệu. Thời gian trôi qua lúc nào không biết.

 

Sáng hôm sau, tôi quyết định quay trở lại các cửa hàng trong khu phố cổ để tìm mua cho mình một chiếc trống của người Nạp Tây nhưng vì nó quá cồng kềnh nên tôi đành phải chọn món khác. Ngang qua quảng trường trung tâm, tôi tình cờ thấy một số nhạc công của buổi hòa nhạc tối qua. Họ ngồi dưới hàng liễu rủ bóng bên kênh đào và chơi những bản nhạc ưa thích của vùng quê mình. Nhìn những nhạc cụ cổ xưa đã lên nước nâu bóng họ đang cầm trên tay, tôi tự hỏi làm sao chúng vẫn còn tồn tại sau hàng chục năm chôn sâu dưới lòng đất mà vẫn có thể phát ra âm thanh kỳ diệu đến vậy. Còn những nhạc công già nua, suốt đời chưa một lần bước chân ra khỏi miền đất quê hương, đang dồn những hơi thở cuối cùng của mình cố gắng bảo tồn những gì tinh túy nhất trong vốn di sản văn hóa nơi này.

 

Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi chỉ có thể tìm hiểu được đôi chút về đất nước, con người Lệ Giang. Ở đây còn nhiều điều kỳ thú nữa về văn hóa vật thể và phi vật thể, về thiên nhiên hùng vĩ, đó là chưa nói đến một phim trường hoành tráng đã từng là bối cảnh của hàng chục bộ phim truyện lớn nhỏ trong và ngoài nước. Thơ thẩn trên những con phố cổ, chúng tôi có cảm giác như mỗi căn nhà, mỗi hàng cây, mỗi con kênh đều ẩn chứa bên trong những câu chuyện cổ tích hấp dẫn in đậm dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa Trung Quốc. Và chúng vẫn đang tiếp tục cuộc sống của mình trong dòng chảy vô tận của thời gian.

 

Bút ký của ĐÀO LÊ VĨNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ 1: Nơi thời gian như ngưng đọng
Thứ Bảy, 22/04/2017 14:00 CH
KỲ CUỐI: Sông nước miền Tây
Chủ Nhật, 09/04/2017 13:00 CH
KỲ 1: Bạn cũ trường xưa
Thứ Bảy, 08/04/2017 13:02 CH
Hai họa sĩ, một mái nhà và những tình yêu
Thứ Bảy, 01/04/2017 15:00 CH
Chuyện con gái người anh hùng Gạc Ma
Thứ Bảy, 18/03/2017 10:34 SA
Mưa trên biển
Thứ Bảy, 04/03/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek