Thứ Sáu, 10/01/2025 14:37 CH
Bạn cũ rủ nhau “đi Tây”:
KỲ CUỐI: Sông nước miền Tây
Chủ Nhật, 09/04/2017 13:00 CH

Nói đến du lịch miền Tây là phải nói đến các tour trên sông Tiền, sông Hậu và dạo chơi trên các cù lao. Nhiều năm trước, tôi đã từng đến cù lao Thới Sơn, còn gọi là Cồn Lân (một trong số bốn cù lao Long, Lân, Quy, Phụng trên sông Tiền), nhưng hồi đó trên cồn chỉ có các vườn cây ăn trái.

 

Bạn cùng lớp chụp ảnh lưu niệm trước mô hình nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp - Ảnh: CTV

 

Giờ đây, cù lao thơ mộng này mỗi ngày thu hút hàng trăm du khách đến đây không chỉ để ngắm cây trái mà còn được trực tiếp trải nghiệm những công việc nhà nông thú vị. Sau khi thay quần áo và quấn lên cổ những chiếc khăn rằn đủ màu sắc, bỗng chốc chúng tôi biến thành các chàng nông dân “Hai lúa” chính hiệu, xúng xính trong những bộ quần áo nâu sồng, lội ào xuống mương dùng nơm bắt cá.

 

Khó có thể diễn tả được sự thích thú của những người trực tiếp lội bùn và những người đứng trên bờ cổ vũ ầm ĩ mỗi khi có người bắt được một con cá tràu bằng bắp tay. Hầu hết mọi người đều xuất thân từ nông dân, và thời thơ bé chắc hẳn không chỉ một lần theo bạn đi bắt cá bằng cách này hay cách khác. Có ai mà không thích thú khi được quay về với tuổi thơ của mình, dẫu chỉ vài chục phút. Tôi phục lăn người nào đã nghĩ ra cái trò này để giữ chân du khách trên cái cù lao hoang dã.

 

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, du khách có thể tự mình nướng những con cá do chính tay mình bắt, rồi cuốn bánh tráng, rau sống, nhâm nhi rượu đế Nam Bộ, dưới bóng mát của vườn cây ăn trái và nghe các cô gái miệt vườn ngân nga Dạ cổ hoài lang. Rồi du khách còn được mời tham quan trại nuôi ong, tự mình cầm trên tay những bộng ong đầy mật, đầy ong, thưởng thức các loại trái cây trong vườn và dĩ nhiên là món trà quất mật ong ngọt lịm, để rồi sẵn sàng móc hầu bao ra mua những chai mật ong nguyên chất về làm quà cho người thân. Du khách còn được mời tham quan trại nuôi trăn với những con trăn to bằng bắp chân dài vài mét, cho nó quấn lên người, lên cổ để chụp ảnh. Sô diễn rất ấn tượng nên không ai bỏ qua.

 

Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, du khách còn được mời lên thuyền bồng bềnh trên kênh rạch trong rừng dừa nước, bơi ra tận sông Tiền, ngắm nhìn các bè nuôi cá và cảnh vật thơ mộng hai bên bờ rồi cập bến cồn Phụng.

 

Cồn Phụng được nhiều người biết đến chủ yếu là nhờ Khu di tích ông đạo Dừa có cửu trùng đài và 9 cây cột ốp rồng phượng màu sắc sặc sỡ. Đạo Dừa (còn gọi là Hòa đồng Tôn giáo) do ông Nguyễn Thành Nam (1910-1990) sáng lập ra trên cồn Phụng tại Bến Tre, mặc dù không được Nhà nước công nhận là một tôn giáo, nhưng khu thờ tự trên cồn Phụng vẫn được phép hoạt động như một điểm tham quan du lịch. Những năm trước, du khách lên cồn Phụng chỉ để tham quan đạo Dừa, giờ đây, để thu hút khách, người ta đã phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như cơ sở sản xuất kẹo dừa, giới thiệu về các công đoạn làm kẹo, từ khi trái dừa còn nguyên vỏ cho đến khi thành viên kẹo dừa vừa ngọt vừa bùi, vừa dẻo vừa dính, đến nỗi cậu hướng dẫn viên phải nhắc khéo: cô chú nào có răng giả coi chừng dính theo kẹo. Trên cồn Phụng còn có khu công viên với nhiều tiểu cảnh thơ mộng được xây dựng công phu và chăm sóc kỹ lưỡng, và dĩ nhiên là các nhà hàng đặc sản rất dân dã nhưng luôn có sức hút kỳ lạ đối với du khách.

 

Chia tay sông Tiền, chiều hôm đó chúng tôi đi Cần Thơ. Bữa tối đặt trước trên Nhà hàng du thuyền Cần Thơ bồng bềnh trên sông Hậu, vừa ăn vừa ngắm nhìn phong cảnh hai bên bờ, vừa ngắm trăng sao và nghe đờn ca tài tử. Ở Cần Thơ có hai loại chợ là chợ đêm và chợ nổi, đến đây mà không ghé lại thì coi như chưa biết gì về Cần Thơ, bởi vậy mà sau khi ăn tối xong chúng tôi quyết định thả bộ ngang qua chợ đêm Cần Thơ nằm ngay trên đường về khách sạn. Tôi đã từng đi chợ đêm Đà Lạt, mỗi chợ đều có đặc trưng riêng. Hai vợ chồng lang thang hồi lâu trong chợ, bên các quầy hàng lưu niệm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt và ăn uống, cuối cùng mua được hai sợi dây cột tóc cho vợ. Chợ nổi Cần Thơ thì sinh động và hấp dẫn hơn nhiều. Sáng sớm, chúng tôi có mặt trên bến Ninh Kiều, lên thuyền chạy vài chục phút tới chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Một khúc sông dày đặc các loại ghe thuyền lớn nhỏ, chở đầy các loại nông sản địa phương. Biết chúng tôi là khách du lịch nên các thuyền chở trái cây ập tới, kèm sát hai bên mạn. Thôi thì đủ cả, từ dưa hấu cho tới cam, vú sữa, xoài, mít… Việc mua bán cũng rất linh hoạt và mau lẹ: Xoài tượng hả? Trăm ngàn 3 ký. 4 ký nhen? Rồi, cân ngay. Nè, trăm ngàn 5 ký được không? Cũng được. Còn vú sữa? Trăm ngàn 8 ký. Có bớt không? Bớt gì nữa, giá bán sỉ đó… Với cái cách bán hàng hào phóng, lởi xởi, đúng tính cách người nông dân Nam Bộ như thế, chỉ trong chớp mắt, du khách nào cũng lặc lè 5-10 ký trái cây, và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Hai vợ chồng phải tha hơn chục ký xoài và vú sữa lên thuyền, rồi lên ô tô, lên tàu hỏa, qua hơn nửa ngàn cây số về tới nhà (trong khi nhà sát nách siêu thị và chợ, không thiếu thứ gì).

 

Du khách bắt cá ở Khu du lịch sinh thái Cồn Lân

 

Trước khi chia tay chợ nổi, hướng dẫn viên còn cho thuyền cặp bờ, đưa du khách vào một cửa hàng lớn bán bánh kẹo và đủ loại hải sản khô hoặc đã qua sơ chế. Các bạn ở Hà Nội đổ xô vào mấy món mực khô, cá khô, rắn khô các loại. Cô bán hàng đẹp như tranh vẽ cất tiếng mời, giọng ngọt như mía lùi: Anh thử món “vũ nữ” này đi, đặc sản đó. Bạn tôi bốc một miếng thịt khô, hình dạng trông như vũ nữ balet, bỏ vào miệng nhai, chưa kịp nuốt đã vội nhả ra. Có người nhắc: “Vũ nữ” là nhái khô, nướng lên nhậu đã lắm, nhưng chưa nướng làm sao ăn? Cả bọn cười ầm lên, có người còn mắng: May là chưa chết vì gái. Cười chán chê, rồi người nào cũng tay xách nách mang đặc sản sông nước miền Tây.

 

Rong chơi sông nước miền Tây mà không ghé thăm các điểm di tích lịch sử ở Đồng Tháp sẽ là một thiếu sót lớn. Điểm đầu tiên là Khu di tích Mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với một khuôn viên gần 10ha, sau nhiều lần được tôn tạo, chỉnh trang, giờ đây Khu di tích Mộ Cụ Phó bảng đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, với các hạng mục chính là mộ, đền thờ, tượng chân dung bằng đá trắng, nhà trưng bày giới thiệu về thân thế sự nghiệp, một góc làng Hòa An xưa kia, nơi Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh sống ở Đồng Tháp và nhà sàn Bác Hồ được phục dựng lại theo tỉ lệ 1/1. Khu di tích Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Đồng Tháp tên là Xẻo Quýt nằm trong khu rừng tràm nguyên sinh, thuộc huyện Cao Lãnh. Nơi đây khi xưa kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng, nhưng ngày nay Xẻo Quýt đã trở thành một khu du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp, với những chiếc xuồng ba lá và những cô du kích áo bà ba, khăn rằn, nón tai bèo đưa du khách bồng bềnh trên những con lạch ngoằn ngoèo, ngang qua các căn cứ kháng chiến cũ của các thế hệ tiền bối.

 

Ngồi thuyền dập dềnh trên sông nước Nam bộ mấy ngày, quan sát và trải nghiệm các sản phẩm du lịch cũ và mới, tôi nhận ra hầu hết các điểm du lịch ở miền đất này cũng chẳng có gì là ghê gớm, vậy mà du khách cứ nườm nượp kéo nhau tới đây, hết đoàn này tới đoàn khác, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, cả ta và tây. Suốt mấy ngày, chúng tôi không vô một nhà hàng 4-5 sao nào, cao cấp nhất chỉ là nhà hàng trên thuyền, nhưng cũng chỉ là loại trung bình. Hóa ra, hình như mọi người cũng như tôi, đều quá bão hòa với những công trình kiến trúc đồ sộ, với cảnh phố xá nhộn nhịp, xe cộ ồn ĩ, hay những nhà hàng máy lạnh, với bảng thực đơn dài thượt các món ăn nước ngoài đầy dầu mỡ và chất phụ gia. Có lẽ, dân thành phố đi chơi là để trở về với gốc gác nhà quê chân chất của mình, về với tuổi thơ với những trò chơi dân dã, những công việc đồng áng giản đơn nhưng đã từng nuôi sống cả một dân tộc. Có thể chính vì vậy mà các loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, làng nghề, dịch vụ homestay càng ngày càng chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của các du khách.

 

Viết đến đây tôi lại chạnh nghĩ đến tiềm năng du lịch của Phú Yên, suốt bao nhiêu năm vẫn cứ là “tiềm năng”, vẫn là “cô công chúa ngủ trong rừng”. Tôi lại nhớ tới câu nói cửa miệng quen thuộc của mục sư da đen người Mỹ Martin Luther King, Giải Nobel Hòa bình 1964: “Tôi mơ ước đến một ngày”… sẽ có con đường từ trên Gành Đá Đĩa xuống thẳng ngôi làng rợp bóng dừa bên bãi biển hình lưỡi liềm, để sau khi tham quan di tích danh thắng cấp quốc gia, du khách chỉ cần bước vài bước là có thể xuống ngôi làng thơ mộng đó, ngồi đong đưa trên võng hay ngả người trên ghế xếp, uống một ly nước dừa non cho đã cơn khát, rồi nhào xuống biển ngâm mình trong làn nước mát lạnh và kết thúc bằng một bữa cơm dân dã với các món tôm cá, cua ghẹ, sò mực đặc sản của địa phương. Nếu muốn, du khách có thể ngủ lại trong những nhà nghỉ bình dân kiểu homestay, còn các bạn trẻ đi phượt có thể căng lều ngủ ngay trên bãi biển. “Tôi lại mơ ước đến một ngày”… tôi có thể ngủ lại bên ngọn hải đăng Mũi Điện, với các tiện nghi sinh hoạt, dịch vụ ăn uống đầy đủ để sáng dậy sớm đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền. “Tôi mơ ước đến một ngày”… tôi có thể đưa bạn từ phương xa tới thăm làng rau Ngọc Lãng với những luống rau hoặc hoa tùy theo mùa, sắc màu rực rỡ, đều tăm tắp như những đường kỷ hà hút hồn các nhà nhiếp ảnh, rồi bồng bềnh trên du thuyền giữa dòng sông Ba chất chứa bao huyền thoại, và khi kiến bò bụng thì ngồi dưới bóng cây thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo, hay cá thu, với rau sạch hái trong vườn nhà. “Tôi mơ ước đến một ngày”… tôi có thể đưa bạn lên núi Đá Bia, nếu sức dài vai rộng thì thử sức trên vài trăm bậc thang đá, còn già như tôi thì đã có cáp treo để có thể đứng đối mặt với khối đá khổng lồ trên đỉnh núi, ôn lại truyền thuyết vua Lê Thánh Tông khắc bia lên đá, sau đó xuống vịnh Vũng Rô, ngồi trên nhà hàng nổi, vừa nhâm nhi ly rượu Quán Đế vừa ngâm bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan…

 

Những ước mơ của tôi nào có cao sang gì lắm đâu, nhưng có lẽ tôi phải dừng lại, kẻo có người lại trách, mơ mộng hão huyền.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ 1: Bạn cũ trường xưa
Thứ Bảy, 08/04/2017 13:02 CH
Hai họa sĩ, một mái nhà và những tình yêu
Thứ Bảy, 01/04/2017 15:00 CH
Chuyện con gái người anh hùng Gạc Ma
Thứ Bảy, 18/03/2017 10:34 SA
Mưa trên biển
Thứ Bảy, 04/03/2017 14:00 CH
Tây Nguyên - một thời để nhớ
Thứ Bảy, 25/02/2017 15:00 CH
Nước mắm Phú Yên bắt nhịp @
Thứ Ba, 07/02/2017 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek