Thứ Sáu, 18/10/2024 09:34 SA
Chuyện con gái người anh hùng Gạc Ma
Thứ Bảy, 18/03/2017 10:34 SA

Trung úy Trần Thị Thủy rơi nước mắt trong chương trình gặp mặt truyền thống bộ đội Trường Sa do Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Phú Yên tổ chức vào tối 14/3 - Ảnh: DƯƠNG TRÍ

Khi ngã xuống trên đảo đá Gạc Ma, thiếu úy Trần Văn Phương không hề biết mình sẽ có một cô con gái. Anh càng không biết rằng hơn 20 năm sau, con gái tiếp bước cha, trở thành một người lính đứng dưới ngọn cờ Hải quân nhân dân Việt Nam, mà anh cùng đồng đội đã dùng máu tô thắm truyền thống anh hùng.

 

Đưa cô con gái 6 tuổi đến Phú Yên tham dự chương trình gặp mặt truyền thống bộ đội Trường Sa và tưởng nhớ 64 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh, trong đó có bố mình, trung úy Trần Thị Thủy rưng rưng xúc động. Khi được mời lên khán đài giao lưu, cô nhiều lần nghẹn lời trong nước mắt. Con gái của người anh hùng Gạc Ma thổ lộ rằng mỗi lần gặp lại đồng đội của bố, cô lại mơ ước bố còn sống, như các chú ở đây. Thủy rất tự hào về bố và xúc động trước những tình cảm mà đồng đội của bố dành cho gia đình cô, sau bao nhiêu năm. “Cháu cảm ơn các chú đã luôn quan tâm đến gia đình cháu”, Thủy nói và lại khóc.

 

“Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”

 

Thiếu úy Trần Văn Phương, bố Thủy, là người con của mảnh đất Quảng Bình. Chào đời và lớn lên ở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch), anh đã quen với công việc nhà nông trước khi lên đường nhập ngũ và trở thành lính hải quân, là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Đầu năm 1986, anh là Trung đội trưởng và mang quân hàm thiếu úy.

 

“Mẹ tôi bảo, bố tôi nghỉ phép, cưới mẹ được 10 ngày thì trở về đơn vị, cùng đồng đội lên tàu ra đảo. Đi được nửa chặng đường thì gặp bão, tàu phải quay về tránh bão. Bố viết thư về cho mẹ, bảo giờ tàu đang trú bão, bố viết đôi dòng để báo tin và chuẩn bị lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ. Bố bảo khi nào có địa chỉ cụ thể thì sẽ gửi thư về. Đấy là lá thư cuối cùng bố gửi cho mẹ”, con gái người anh hùng Gạc Ma kể.

 

Theo các tư liệu lịch sử mà TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng bốn Biên giới Chính phủ có được, sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi, đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa nhằm thực hiện ý đồ thôn tính đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Khu vực này có từ 9-12 tàu chiến của quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động. Đêm 13/3/1988, Trung Quốc điều thêm hai tàu trang bị pháo 100mm đến khu vực đảo đá Gạc Ma. Khoảng 5 giờ sáng 14/3/1988, chúng xua 40 quân đổ bộ lên đảo, hung hăng giật cờ Tổ quốc của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương lao vào giành lại cờ.

 

Từ tàu HQ 604 thả neo gần đảo đá, nhận lệnh của chỉ huy, hơn 10 người lính hải quân bơi đến đảo Gạc Ma, quyết tâm giữ cờ, giữ đảo. Trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh Nguyễn Văn Lanh (người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang) nhớ lại: “Quân Trung Quốc có súng AK gắn lưỡi lê hung hăng ào lên. Những người lính công binh Việt Nam dùng xẻng, xà beng, cuốc chim… chống cự với bọn chúng. Quân Trung Quốc nổ súng”.

 

Thiếu úy Trần Văn Phương trúng đạn. Anh kiên cường giữ lá quốc kỳ trên đảo Gạc Ma và hô vang: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng!”.

 

Và người con của đất mẹ Quảng Bình đã ngã xuống, dùng máu mình tô thắm truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, dùng thân thể mình làm cột mốc chủ quyền trên biển Đông dậy sóng.

 

Sau khi thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, trung sĩ Nguyễn Văn Lanh tiến lên cắm cờ lại và đánh nhau với quân Trung Quốc. Anh bị chúng đâm vào bả vai. “Rồi tôi trúng đạn. Tôi quấn lá cờ vào người trước khi ngã xuống…”, anh Nguyễn Văn Lanh kể. Trong ký ức của người anh hùng này, sau gần 30 năm, cuộc đụng độ trên đảo chìm Gạc Ma vẫn rõ mồn một.

 

Dù không cân sức, những người lính Hải quân Việt Nam vẫn kiên cường chống trả. 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma, trong đó có 61 chiến sĩ cùng hai tàu HQ 604 và HQ 605 vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển thẳm. Tàu HQ 505 quay mũi, lao thẳng lên bãi cạn, biến thân tàu thành công sự kiên cường trấn giữ đảo Cô Lin.

 

Sự hy sinh anh dũng của thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội trong buổi sáng 14/3/1988 khiến những người Việt Nam yêu nước vô cùng cảm phục. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết những câu thơ bi tráng về các anh:

 

“… Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma

Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm.

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương

Anh đã lấy thân mình làm cột mốc

Chặn quân thù trên biển đảo quê hương…”

 

Đầu năm 1989, liệt sĩ Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Và hơn bốn năm sau trận Gạc Ma, tháng 5/1992, liệt sĩ Trần Văn Phương “trở về” với đất mẹ Quảng Bình. Người anh hùng Gạc Ma yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc.

 

 

Ảnh lưu niệm của thiếu úy Trần Văn Phương và vợ - Nguồn: anninhthudo

 

 

Tiếp bước bố khoác áo hải quân

 

“Mẹ tôi là người phụ nữ rất kiên cường. Bố hy sinh lúc mẹ mới 22 tuổi. Mẹ một mình nuôi con cho đến khi con trưởng thành, có cuộc sống riêng. Mẹ gánh vác cả trách nhiệm của một người bố và chưa bao giờ có một lời than vãn. Tôi vô cùng khâm phục mẹ”, trung úy Trần Thị Thủy nói.

Cô bé Trần Thị Thủy chào đời khi không còn bố. Chị Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ Trần Văn Phương đã đặt tên cho con gái là Thủy. Theo chị Hoa, Thủy nghĩa là nước, với ước mong rằng, cái “mạch nguồn” ngọt ngào ấy sẽ kết nối hai anh chị ở bên nhau.

 

Khi bắt đầu cảm nhận sự khác biệt, thấy bạn bè có bố còn mình thì không, Thủy hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bố con đâu rồi?”. Chị Mai Thị Hoa đã không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt trước câu hỏi ngây thơ đó. Con gái còn quá nhỏ để hiểu chuyện nên người mẹ nghẹn ngào nói tránh: “Bố đi công tác ở xa, rất xa…”.

 

Lên 5 tuổi, lần đầu tiên cô bé Thủy được nghe mẹ kể về bố, và biết bố đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. “Lúc đó vẫn còn nhỏ, tôi chưa nhận thức được rằng mất bố là mất mát vô cùng lớn đối với gia đình mình. Tôi thấy bạn bè có bố, mình thì chẳng còn bố nữa nên tủi thân”, con gái người anh hùng thổ lộ.

 

Đầu năm học cấp 2, Thủy đã hiểu được ý nghĩa sự hy sinh của bố và rất tự hào về bố. Cũng từ đó, cô bé ấp ủ ước mơ lớn lên nối nghiệp bố, trở thành một người lính hải quân. Mong ước đó càng trở nên mãnh liệt khi Thủy vào Nam thực tập và đến thăm Lữ đoàn 146, nơi bố công tác ngày trước.

 

Tốt nghiệp đại học, Thủy làm việc tại Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa trong một năm. Tháng 4/2009, lần đầu tiên con gái người anh hùng ra Trường Sa. Thủy kể: “Đi qua vùng biển có đảo đá Gạc Ma, cảm xúc của tôi không thể nào diễn tả thành lời. Lần đầu tiên tôi được đứng trên vùng biển mà bố và đồng đội của bố đã đổ máu, đã hy sinh để bảo vệ, tôi cảm thấy vô cùng thiêng liêng. Nhìn về phía đảo Gạc Ma, tôi như thấy bố đang đứng dưới lá cờ Tổ quốc. Tôi gọi điện về, nói với mẹ “Mẹ ơi, con thấy bố ở Gạc Ma”. Hai mẹ con cùng khóc”.

 

Chuyến đi Trường Sa năm đó là “cột mốc” không thể nào quên trong cuộc đời cô gái trẻ Trần Thị Thủy. “Trên tàu tôi gặp bác Ninh (chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân - PV) và đề đạt với bác nguyện vọng trở thành lính hải quân. Tôi viết đơn xin vào bộ đội ngay trên tàu, ngay tại Trường Sa. Bác ấy ký đơn ngay trên tàu”, trung úy Trần Thị Thủy mỉm cười nhớ lại.

 

22 tuổi, lần đầu tiên được mặc bộ quân phục hải quân, con gái người anh hùng Gạc Ma vô cùng xúc động và cảm thấy rất gần với bố, vì đã trở thành đồng đội của bố. “Tôi rất sung sướng khi được làm việc trong môi trường mà mình ao ước từ lâu, được trở thành đồng đội của bố và được nghe nhiều câu chuyện về bố từ những người từng kề vai sát cánh, cùng bố lên tàu ra đảo, tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền. Tôi rất xúc động, chỉ biết khóc thôi”, Thủy tâm sự.

 

Làm công tác bảo mật tại Lữ đoàn 146, trung úy sinh năm 1988 này nguyện làm việc, đóng góp hết sức mình, xứng đáng là con của bố Trần Văn Phương.

 

Thủy đã kết hôn với một người lính hải quân và có hai cô con gái. Con gái đầu của họ được đặt tên gắn liền với sự nghiệp của ông ngoại, ông nội và bố mẹ: Nguyễn Trần Navy (Navy, tiếng Anh có nghĩa là hải quân), con gái út mới 18 tháng tuổi, tên Nguyễn Trần Trúc Giang. Thủy chia sẻ rằng vợ chồng cô muốn các con tự hào về truyền thống của gia đình. 

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mưa trên biển
Thứ Bảy, 04/03/2017 14:00 CH
Tây Nguyên - một thời để nhớ
Thứ Bảy, 25/02/2017 15:00 CH
Nước mắm Phú Yên bắt nhịp @
Thứ Ba, 07/02/2017 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek