Buổi trưa trời hanh, nóng, bỗng chuyển gió nồm mát rượi. Ngồi trong quán cà phê cuối phố Tuy Hòa, nhìn về phía bên kia quảng trường 1 Tháng 4 là biển rộng mênh mông đến tận chân trời, gió từ biển thổi vào mỗi lúc mang theo nhiều hơi nước mát lạnh.
Bà Lê Thị Yến, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và ông Nguyễn Trọng Cảnh (Vũ Linh) bên tượng đài liệt sĩ ở Đà Lạt. Ảnh chụp khi ông là đại tá Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng (ảnh tư liệu của gia đình) |
Những chiếc lá vàng rơi nghiêng trên đường phố bị cuốn theo chiếc ô tô vút qua đường như muốn chạy nhanh để tránh một cơn mưa sắp ập đến. Biển xanh, trời xanh đang chuyển dần sang màu xám, mấy đám mây từ những góc biển xa nào đó kéo đến tụ lại, đen kịt. Mưa, mưa đổ mù trời, mưa trắng lăng mặt biển gợi nhớ một thời lũ trẻ chúng tôi thường mang áo tơi, đội nón lá đi cắm câu, để lờ giữa mùa đông trên cánh đồng Tuy Hòa ngập nước. Mặt nước trên đồng của mùa đông ngày xưa cũng trắng lăng như mặt biển bây giờ và mưa bay mịt mù, đan kín đất trời, đỉnh núi Chóp Chài lúc ẩn lúc hiện trong mưa, mơ hồ như một câu chuyện cổ tích mà nội tôi đã kể.
Những kỷ niệm thời thơ ấu lội khắp ruộng đồng, suốt những xuân hạ thu đông đã in sâu vào ký ức và theo tôi bôn ba trên mọi nẻo đường, cho đến nhiều chục năm sau trong một chuyến đi công tác tôi ghé về quê thăm nội. Năm ấy, bà tôi đã ngoài 90 nhưng vẫn còn xách giỏ ra chợ và rất minh mẫn. Như một thói quen từ thời con gái, bà vẫn thường dậy sớm để đi chợ phiên, gà vừa gáy đã nghe tiếng bước chân của bà đi lại và tiếng giã trầu lộp bộp trong chiếc cối nhỏ xíu. Tôi cũng thức dậy đến ngồi bên bà như những ngày còn bé tôi vẫn thường ngồi bên như thế để nghe bà kể chuyện đời xưa. Bên ngoài, trăng sáng vằng vặc soi rõ vườn trầu quấn quanh những thân cau đổ bóng xuống mặt đất im lìm cho những chú dế mèn lên ăn sương cất tiếng gáy trong vắt. Trong ký ức tuổi thơ tôi in dấu hình ảnh quen thuộc nội vừa nhai trầu vừa chậm rãi kể chuyện…
Bà tôi thường gọi cuộc kháng chiến chống Pháp là kháng chiến một. Bà nói về người con trai trưởng của bà: “Hồi kháng chiến một, ba mày tham gia Việt Minh, ngày đêm lặn lội, ăn dầm nằm dề quanh các đồn Tây, nhiều lần cải trang bí mật đi vào thị xã, đi lại trong vùng tạm chiếm để nắm tình hình của giặc, lâu lâu mới về nghỉ mấy ngày nhưng cũng ra đồng cày cuốc, gặt hái rồi lấy gạo vào đầy ruột nghé mang đi cho anh em trong đơn vị cùng ăn. Ba mày ra Bắc lúc 27 tuổi, để lại ở nhà vợ trẻ, con thơ…”.
Khi tôi lớn lên, ba tôi đã ở miền Bắc. Hiệp định Genève với dòng sông Bến Hải đã chia cắt nhiều gia đình Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Người con trai thứ hai của nội là chú Năm Thịnh của chúng tôi cũng tham gia Việt Minh chống Pháp nhưng không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam hoạt động hợp pháp để tiến tới tổng tuyển cử thống nhất nước nhà sau 2 năm đình chiến theo các điều khoản của Hiệp định Genève. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm không thực hiện hiệp định, đã bắt đày ông ra đảo Côn Lôn. Sau này, ông Hóa, một người bạn tù với chú Năm Thịnh, kể lại rằng chú Năm Thịnh đã tranh đấu rất kiên cường chống chào cờ, tuyệt thực, bị đòn roi tra tấn bầm dập đến kiệt sức rồi ông hy sinh trong nhà tù Côn Đảo vì lý tưởng cho một ngày mai đất nước thanh bình, hết áp bức, bất công, không tham nhũng!
Tôi lớn lên nơi làng quê, khi xóm làng chìm trong không khí ngột ngạt, sợ sệt, hoang mang. Những vụ bắt bớ bí mật lúc nửa đêm, những tin đồn thì thầm truyền miệng nhau: Trên xã Hòa Quang có nhiều người bị chôn sống, ở thôn Long Tường có mấy người bị thủ tiêu và làng trên xóm dưới có nhiều người bị bắt đi tù... Những cuộc bố ráp liên miên đã làm cho xóm làng quê tôi trở nên lặng lẽ, âm thầm! Rồi hàng loạt trai, gái làng bỏ ruộng đồng “nhảy núi”, đêm đêm vác loa về kêu gọi đồng bào đứng lên đánh đổ Mỹ - Diệm. Các cô tôi, người “nhảy núi”, người bí mật hoạt động tại địa phương. Cô út (cô Mười) thông minh, giỏi giang là cựu học sinh Trường trung học Lương Văn Chánh, người có uy tín nhất trong nhà, trong họ. Cô đã nói điều gì thì mọi người từ lớn đến nhỏ đều nghe, được bà con xóm làng quý mến, được những bạn học cùng thời ngưỡng mộ vì cô học rất giỏi. Cô thoát ly, tham gia kháng chiến. Trong một trận đánh không cân sức, cô bị thương, bị bắt nhưng đã từ chối băng bó, chấp nhận hy sinh để chứng tỏ khí tiết của những người yêu nước sẵn sàng chết vì một xã hội tương lai tốt đẹp. Tay đại úy tiểu đoàn trưởng lính Sài Gòn kể lại một cách thán phục với dân trong vùng là: “Cô ấy đẹp, ăn nói thông minh, lưu loát nhưng lý tưởng cao quá! Tôi đã cố thuyết phục để cho quân y băng bó cứu sống cô nhưng cô nhất quyết xé bông băng chịu đau cho đến chết. Là một người lính tôi thực sự khâm phục”.
Nghe tin cô Mười hy sinh, ông nội tôi là một Đông y sĩ nổi tiếng ở quận Tuy Hòa thời bấy giờ đã ngã bệnh. Và bệnh kéo dài mãi cho đến hơn một năm sau, ông trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ vì ông dành rất nhiều tình yêu thương cho cô con gái út thông minh giỏi giang của ông, cho nên cái chết của cô đã làm cho ông đau đớn đến mức không có gì giúp ông vượt qua được!
Nghe tin cô tôi hy sinh, bà ngồi lặng người rất lâu, quẹt nước mắt ướt đẫm hai tay áo. Rồi bà đứng dậy xách nón đến trụ sở xã gặp xã trưởng, xin phép cho bà đưa xác cô về mai táng tại vườn nhà. Tay xã trưởng trợn mắt quát: “Con bà theo Cộng sản chống lại Quốc gia, chết trên núi thì bỏ trên núi, không cho đem về”. Bà đấu lý với xã trưởng: “Tui là người dân ít học, già cả rồi, không biết Cộng sản hay Quốc gia nào cả. Còn các ông làm quan có học mà không giữ được dân thì sao lại trách dân! Con tui nó lớn rồi nó làm theo ý hướng của nó nhưng nó chết thì tui đem về chôn cất. Ông cũng có vợ có con chắc là ông hiểu tấm lòng người mẹ, con có thể bỏ mẹ chứ mẹ không bao giờ bỏ con được”. Lý sự một hồi, viên xã trưởng có vẻ đuối lý đành đồng ý với điều kiện là “không được mang đồ tiếp tế cho Việt cộng; chỉ chọn người già đi theo; và lên núi gặp Việt cộng, về phải báo cáo với chính quyền quốc gia”. Bà tôi “thống lĩnh” một “đội quân” gồm khoảng chục người đàn ông lớn tuổi trong làng vác cuốc xẻng, khiêng hòm đi lên núi Cẩm Tú. Bà đưa được cô út tôi về chôn cất ở vườn Gò Gia, bên những cây xoài cây ổi mà lúc còn ở nhà, cô tôi thường ra ngồi đọc sách vào những trưa hè.
* * *
Năm 1962, học bài của Mã Lai (Malaysia) về cách chống quân du kích thành công ở đó, chính quyền nhà Ngô đã du nhập mô hình xây dựng ấp chiến lược về miền Nam Việt Nam, biến vô số làng xã nông thôn thành những trại tập trung trá hình. Xóm Lẫm quê tôi trở thành một trại tập trung như thế. Tre làng được chặt hạ xuống, vạt nhọn, kết thành hàng rào tre nhọn kiên cố bao bọc quanh làng, bên trong cắm chông, bên ngoài gài lựu đạn. Nhiều chòi canh được dựng lên, nhìn xa ra đồng, cổng làng được lính dân vệ canh gác nghiêm ngặt, 6 giờ sáng mở cổng, người dân mới được ra đồng, 5 giờ chiều tất cả phải về làng. Mục đích là cách ly dân với các đội công tác của ta, mà cách mạng không bám được dân thì như cá không nước. Nghe nói chiến lược này rất thành công ở Mã Lai, nhưng tại xóm Lẫm quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác ở miền Nam Việt Nam chỉ sau vài năm đã bị phá sản hoàn toàn vì Việt cộng không chỉ nằm ngoài rừng, ngoài đồng mà còn nằm ngay trong lòng ấp chiến lược; mối quan hệ giữa những người bên ngoài và bên trong là máu thịt không thể chia cắt nên họ đã có 1.001 cách liên lạc móc nối và thống nhất hành động, dẫn đến những cao trào đốt phá hàng rào ấp chiến lược rần rần từ làng này sang làng khác!
Cánh đồng đã nuôi bao người thành tài đi khắp đó đây, đi đến những chân trời xa lắc, xa hơn chân trời trong ký ức tuổi thơ - Ảnh: TRỌNG HOÀNG |
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi miền Nam bước đầu chuyển sang đấu tranh vũ trang, hoạt động của các đội Mũi ở quê tôi đạt hiệu quả rất cao và các đội Mũi vẫn duy trì hiệu quả cho đến ngày giải phóng. Họ phần lớn là nông dân trong làng “nhảy núi”, như bác bốn Thạch, bác bảy Là, chú bốn Khích, anh sáu Thể, anh bảy Hường, anh Trương Tấn Mẫu... Vừa bỏ cày cầm súng, họ đã sớm trở thành những chiến sĩ cách mạng gan dạ, mưu trí, “xuất quỷ nhập thần” với những trận đánh chớp nhoáng rồi biến mất, những trận phục kích ngay trên địa bàn vùng sâu do đối phương làm chủ... làm cho kẻ địch, nhất là bộ máy chính quyền xã - ấp khiếp vía. Đến năm 1963, hầu như ta đã làm chủ phần lớn vùng nông thôn trong chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị, đêm đêm các đội Mũi công tác đã bám được ven TX Tuy Hòa.
Tháng 11/1963, nhà Ngô bị lật đổ, các tướng lĩnh Sài Gòn đã giết chết anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, tiếp theo là hàng loạt cuộc đảo chính lật đổ diễn ra liên miên đã làm cho chế độ Sài Gòn càng suy yếu. Các lực lượng cách mạng lớn mạnh nhanh chóng, uy thế cách mạng lên cao. Đến năm 1966, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, gây cho ta rất nhiều khó khăn, tổn thất. Lính Mỹ, lính Đại Hàn đi càn trên núi, đóng đồn ở Vườn Làng, phục kích ven rừng, máy bay trực thăng từng bầy như chuồn chuồn báo bão, máy bay ném bom gầm rú như xé rách bầu trời, pháo bắn ùng oàng suốt ngày đêm. Bom nổ trên rừng, pháo rơi ngoài đồng, đạn cày trong xóm. Nhà cháy, người chết, xóm làng tiêu điều. Bác bốn Thạch hy sinh trong trận đánh đồn Núi Sầm, chú bốn Khích, anh sáu Thể hy sinh trong những chuyến đột ấp, anh Mẫu bị địch bắn chết rồi lôi xác bỏ bên đầu cầu Đá và hàng chục bà con trong làng, trong xã thoát ly ra rừng lần lượt hy sinh, nhưng người còn sống thì vẫn tiếp tục bám thắt lưng địch mà đánh. Mỹ đổ quân càn quét trên núi, đội Mũi dạt ra đồng, hòa vào xóm, nằm trên mái nhà, đào hầm bí mật trong các bờ tre... Bà tôi, má tôi, các cô tôi cùng bà con trong làng bám trụ tại chỗ dưới bom đạn, đào hầm chống phi pháo ngay trong nhà, hoạt động bí mật hỗ trợ đắc lực cho các đội Mũi, cung cấp tin tức và lo gạo, muối, thuốc men cho các lực lượng xã, huyện. Năm nào cũng thế, má tôi và các cô tôi gần như thay phiên nhau đi ở tù tháng này sang tháng khác! Lũ trẻ chúng tôi vừa đi học, vừa nắm tin tức cho đội Mũi, vừa... đem cơm cho mẹ đi tù!
Sau những đợt đấu tranh nảy lửa trên đường phố với hàng chục cuộc hội thảo, hàng ngàn người xuống đường chống bầu cử tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu (3/10/1971), Thị ủy Đà Lạt triệu tập nhóm sinh viên hoạt động bí mật nội thành ra căn cứ.
Nhận được thư của Thị ủy, nhóm chúng tôi tổ chức lần lượt ra rừng vào những đêm tối trời để học tập chính trị và bàn phương thức, nhiệm vụ mới trong hoạt động đô thị. Trong dịp này, lần đầu tiên tôi được gặp ba tôi sau hơn 18 năm. Từ một đứa trẻ lên 3, tôi đã là một thanh niên cao lớn, sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, là một cán bộ hoạt động bí mật nội thành. Nằm trên núi Voi, tôi kể chuyện về gia đình, về xóm làng, về phong trào cách mạng ở quê mình, ba lắng nghe với nhiều cảm xúc và hỏi han rất cụ thể như chia sẻ những vui buồn với cố hương mấy mươi năm xa cách. Ba kể cho tôi nghe nhiều về đại gia đình mình trước ngày ông ra đi. Tôi nhận ra rằng ông rất tự hào về ông bà nội tôi và dành rất nhiều tình yêu thương cho má tôi, cho những người em trai, em gái của ông.
* * *
Ngồi trong thành phố quê hương, nhìn mưa sa trên biển, hồi tưởng về thuở thiếu thời tung tăng trên đồng rộng, hoài niệm về những người thân đã ra đi, nhớ chuyện của nội kể ngày xưa và những kỷ niệm không nhiều lắm khi tôi được ở với cha trong những năm chiến tranh, lòng tôi tràn dâng niềm kính yêu ông!
Trời đất cứ ngày đêm tiếp liền; biển cả khi yên bình, lúc dữ dội. Biển đời cũng lắm kiếp người lận đận và mãi còn đó những nỗi truân chuyên trong từng cuộc đời. Nhấm nháp ly cà phê trên tay, tôi nhìn ra xa. Ngoài kia, mưa vẫn bay lấp kín chân trời và biển đời vẫn mênh mông nhưng đầy cảm xúc như những cơn mưa trên biển lớn!
Bút ký của TRỌNG HOÀNG