Thứ Sáu, 10/01/2025 18:59 CH
Tây Nguyên - một thời để nhớ
Thứ Bảy, 25/02/2017 15:00 CH

Đoàn nhà báo Phú Yên chụp ảnh lưu niệm với các đồng nghiệp Gia Lai trên quảng trường TP Pleiku - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

Gần 10 năm công tác ở Tây Nguyên trong ngành địa chất từ những ngày mới tốt nghiệp đại học năm 1975, có thể nói, tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình với bao buồn vui và thử thách khắc nghiệt. Và mỗi lần có dịp ghé lại, những hồi ức cứ hiện về như những thước phim quay chậm.

 

Khi chiếc xe chở đoàn nhà báo của tỉnh đi thực tế sáng tác ở Tây Nguyên mới đây chạy ngang qua ngã ba Hàm Rồng trên quốc lộ 14 rẽ sang quốc lộ 19 dẫn đến cửa khẩu Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, tôi như sống lại những ngày đầu khi mới ra trường xung phong vào Tây Nguyên công tác. Đức Cơ chính là nơi đóng quân đầu tiên của Đoàn Địa chất 702 thuộc Liên đoàn Địa chất thủy văn miền Nam, và là nơi đầu tiên tôi đến nhận nhiệm vụ. Từ môi trường “nệm ấm giường êm” ở Moskva, tôi bước ngay vào môi trường “phản gỗ lán trại”, suốt ngày lang thang trong rừng theo những tuyến lộ trình địa chất để khảo sát, thăm dò, tìm kiếm nước ngầm cho miền đất đỏ Tây Nguyên, với những bữa cơm chỉ có bầu bí với cá khô và những cơn sốt rét ác tính. Gần mười năm sau, khi đã được điều động xuống vùng đồng bằng, tôi vẫn còn bị sốt rét lay lắt thêm vài năm nữa. Thế mới biết, tôi đã có duyên nợ với miền đất này biết nhường nào.

 

Sáng thứ bảy, nằm trong khách sạn bên chợ Đà Lạt, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga gợi cảm giác yên bình, thanh thản, tôi lại lan man nghĩ về những năm tháng tuổi xuân của mình ở Tây Nguyên. Chỉ hai tháng sau khi vào Đức Cơ, tôi đã bị một cơn sốt rét ác tính quật ngã, cả người run lên bần bật, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Có hôm đang đi lộ trình, cơn sốt ập đến, đồng nghiệp phải cởi hết áo lạnh quấn cho tôi rồi khiêng ra phơi nắng, chờ cho hết cơn mới dìu nhau đi tiếp. Chúng tôi còn chạm trán với cả Fulro, hai bên bắn qua bắn lại vài viên để thăm dò, biết chúng tôi không phải là bộ đội, họ bỏ đi. Công bằng mà nói, thời ấy, dân địa chất chúng tôi cầm cự được một phần cũng là nhờ các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn: Sốt rét hả? Khiêng ngay sang trạm xá quân đội, họ là chuyên gia về sốt rét, cả về tay nghề lẫn thuốc men. Đói quá. Lại chạy sang bộ đội xin lương khô - những thỏi lương khô bằng bao thuốc lá rất ngon và giàu dinh dưỡng, ăn một thỏi, uống một bi đông nước có thể cầm cự cả ngày. Hết đạn đi săn, chúng tôi lại chạy sang bộ đội. Hồi ấy, mỗi tổ địa chất được phát một khẩu súng để tự vệ, đủ loại, từ AK-47 báng gỗ, báng gấp, cho tới AR-15. Các anh bộ đội rất thông cảm và hào phóng cho chúng tôi cả thùng đại liên. Nhìn chúng tôi mặt mày tái mét, môi thâm sì, phờ phạc vì đói, vì sốt rét, có anh bộ đội thốt lên: “Các cậu là dân sự mà còn khổ hơn cả bọn tớ”. Tôi ngẫm nghĩ, đúng thật, bộ đội đóng quân ở đâu cũng có doanh trại cả trăm người, đông vui, mọi chế độ chính sách được đảm bảo, chẳng may hy sinh còn được công nhận liệt sĩ. Còn chúng tôi, ngoài tiêu chuẩn 21kg gạo và vài lạng thịt ra, chẳng có gì hơn so với các ngành nghề khác. Trong một lần làm đất tăng gia sản suất, một đồng nghiệp của tôi cuốc trúng một quả đạn M79 chết không kịp trăn trối. Tôi nghe mọi người bàn tán, đề nghị công nhận liệt sĩ, không biết có được hay không, nhưng lần đầu tiên trong đời tôi bị sốc mạnh vì chứng kiến một cái chết kinh hoàng ngay sát nách. Sau sự việc này, một số người xin chuyển công tác.

 

Thác Dray Nur Đắk Lắk - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Một lần trong tuyến lộ trình địa chất, chúng tôi đi ngang qua một bản nằm tít trong rừng sâu, nhà cửa thưa thớt, xập xệ, với những con người chân tay lở loét. Hỏi ra mới biết, đó là nơi ở của những người dân tộc bị bệnh phong. Nhìn những con người ốm đau đang hàng ngày phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, chúng tôi nhận ra mọi nỗi vất vả của mình chẳng nghĩa lý gì so với họ và mình còn may mắn hơn họ gấp ngàn lần. Tôi chợt nhớ đã đọc được ở đâu đó: lúc bất hạnh hãy nhìn xuống để thấy nhiều người còn bất hạnh hơn mình, lúc khó khăn hãy nhìn lên để phấn đấu cho bằng người. Cũng chính trong những tháng năm đầy thử thách khắc nghiệt này, chúng tôi đã có dịp đắm mình vào các lễ hội của đồng bào dân tộc Ê Đê, Ba Na quanh đống lửa hồng ngay tại buôn làng, nghe già làng hát Khan, xem những điệu múa dân tộc độc đáo với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, trong tiếng cồng chiêng huyền ảo mà giờ đây đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Chúng tôi còn được biết thế nào là hương vị cà phê Tây Nguyên chính gốc và men rượu cần nồng nàn hơi thở của thiên nhiên hoang dã. Chính môi trường sống khắc nghiệt nhưng cũng rất lãng mạn này đã bồi đắp và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong tâm hồn, cho tôi vốn sống phong phú và bổ ích để hình thành nên những tác phẩm văn học nghệ thuật sau này. Cuối cùng, sau một thời gian tìm kiếm, thăm dò, chúng tôi đã có được niềm hạnh phúc khi nhìn dòng nước ngọt phun lên từ miệng các giếng khoan, góp phần mang lại sức sống mới cho vùng đất bazan “khát” từ bao đời nay.

 

Biển Hồ Gia Lai - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Tết đầu tiên sau ngày đi làm, về quê, tôi gặp ông dượng hồi đó làm giám đốc công an tỉnh. Nhìn bộ dạng “xuống cấp” nghiêm trọng của tôi so với ngày mới ở Nga về, ông bảo: Con có muốn chuyển về quê công tác không, dượng nói dùm cho? Tôi nhã nhặn cảm ơn dượng rồi tiếp: Con đã lỡ leo lên lưng cọp rồi, mọi chuyện cũng đã nếm trải, bây giờ mà tháo chạy thì còn mặt mũi nào nữa. Ông dượng lắc đầu, cười khì, và cho đến giờ, chưa một lần tôi phải hối tiếc vì điều đó. Quả thật, chính trong môi trường sống khắc nghiệt của những năm 70, miền đất đỏ bazan này đã dạy cho tôi nhiều điều bổ ích, ít ra là về kỹ năng sống, nghị lực sống, về tình yêu với thiên nhiên hoang dã và với những con người bình dị, chân chất nơi đây. Thực ra người Tây Nguyên bản địa không nhiều, còn người Kinh là từ các tỉnh vùng đồng bằng duyên hải lên lập nghiệp. Nhưng sống ở đây lâu họ cũng bị nhiễm tính cách hào phóng, chân thành và giản dị của miền đất này. Điều đó có thể nhận ngay ra qua thái độ đón tiếp của các đồng nghiệp Tây Nguyên, bất kể là người dân tộc thiểu số hay người Kinh.

 

Buổi tối, lúc ngồi nhâm nhi cà phê bên bờ hồ Đà Lạt, biết tôi đã từng công tác ở nhiều nơi, cô phóng viên trẻ Hoa Siêm tò mò hỏi: Anh đi đó đây, vậy vùng đất nào đã để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất? Tôi đáp ngay: Tây Nguyên. Cô lại hỏi: Nơi nào anh có những kỷ niệm sâu sắc nhất? Tôi lặp lại: Tây Nguyên. Cô vặn vẹo: Thông thường khi nói đến kỷ niệm sâu sắc là liên quan tình cảm nam nữ đấy. Tôi lại đáp: Thì anh suýt lấy một cô vợ ở Pleiku mà. Dẫy na? - cô phóng viên tròn mắt. - Nhưng rồi sao? Tôi bình thản: Rồi anh lấy người khác vì đã hẹn ước với người đó trước. Cô gái thở phào một tiếng, không rõ là tán thưởng hay tiếc nuối.

 

Thế đấy, tôi trộm nghĩ, vùng đất cũng như một cô gái, càng khó khăn gian khổ, càng có nhiều kỷ niệm sâu đậm thì lại càng nhớ lâu.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nước mắm Phú Yên bắt nhịp @
Thứ Ba, 07/02/2017 11:00 SA
Chuyện những chủ tàu dọc ngang trùng khơi
Thứ Bảy, 04/02/2017 08:51 SA
Thợ rèn Bảy Búa
Thứ Ba, 17/01/2017 14:00 CH
Lắng lòng nước mắm bể Đông
Chủ Nhật, 15/01/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek