Thứ Sáu, 10/01/2025 18:58 CH
Kỳ Co - Chuyến đi hãi hùng:
Bài cuối: Ngày thứ hai - tùy cơ ứng biến
Thứ Bảy, 21/01/2017 14:00 CH

4 giờ 30, tôi vén lều nhìn ra ngoài thấy đằng đông đã ửng hồng, gọi anh bạn cùng dậy đi chụp ảnh bình minh. Phong cảnh rất đẹp nhưng tôi không có cảm hứng lắm, có lẽ trong lòng bất an nên cảnh vật cũng… vô hồn.

 

Vách đá nơi mọi người nhảy xuống biển Kỳ Co - Ảnh: NGUYỄN NGỌC BÍCH TRÂM

 

5 giờ 30, mỗi người ăn một cây xúc xích nhỏ và uống ngụm nước rồi chuẩn bị lên đường. Thực phẩm đã hết, nước chỉ còn khoảng 3 lít. Sau khi hội ý, cả nhóm quyết định không đến bãi Kỳ Co vì không đủ sức nên sẽ tìm đường xuống biển rồi gọi tàu thuyền đến cứu. Nhưng vách đá cheo leo, làm sao xuống được?

 

6 giờ 15, cả nhóm leo đến một vách núi thì không xuống được nữa vì quá nguy hiểm. Mọi người tản ra tìm đường. Một số người bắt đầu có tâm lý hoảng loạn.

 

7 giờ 10, không xuống được bờ biển, mọi người lại leo lên và đi về phía đỉnh núi phía trước. Trên đường đi, mọi người luôn miệng nhắc nhau: “Không được phép mắc sai lầm!”. Đến lưng chừng núi, cây cối khá um tùm, phải vừa đi vừa chặt cây. Mọi người bắt đầu kiệt sức, đành phải đứng tại chỗ chờ trưởng đoàn tìm cách leo lên đỉnh núi phía trước dò đường xuống biển. Đi được một lúc, anh điện thoại bảo rằng, muốn leo đến đỉnh núi mất khoảng 30 phút, nhưng có thể các bạn nữ không leo được. Phải động viên lắm mọi người mới cố gắng lê bước. Nắng càng lúc càng gắt, nước cũng cạn dần.

 

Trong lúc mọi người đang phát cây tìm lối đi thì nghe tiếng người dẫn đường vang lên trong bụi, ông mệt mỏi cho biết đã lạc đường, chắc phải quay lại đường cũ. Tôi nói với trưởng đoàn điện thoại cho nhóm bạn ở Quy Nhơn nhờ trợ giúp, một người khác đề xuất nhờ đội công nhân đang thi công một dự án trên núi này hỗ trợ. Tôi bật định vị GPS và chụp màn hình gửi qua tin nhắn Facebook cho họ. Một lúc sau, anh bạn điện thoại lại, dặn mọi người không di chuyển nữa và chờ nhóm công nhân đang tìm cách tiếp cận. Mọi người sốt ruột chờ đợi, gọi điện liên tục cho anh ấy nhưng máy bận suốt. Rồi anh ấy gọi lại nói đội công nhân không giúp được vì đường núi khá nguy hiểm, họ không thể leo qua dãy núi nơi chúng tôi đang đứng.

 

Lúc đó, tôi chợt nghĩ có lẽ nên hỏi số điện thoại của UBND xã để nhờ trợ giúp, nhưng sợ làm náo động cả khu vực nên thôi. Cả nhóm kiểm tra nước và thấy chỉ đủ cho mỗi người 2-3 ngụm nữa là hết. Sau khi hội ý, mọi người quyết định ngồi nghỉ tại chỗ vì kiệt sức và không đủ nước để đi xa. Một số người bắt đầu nghĩ đến tình huống xấu nhất và gọi điện cho người thân để nói… những lời cuối cùng.

 

8 giờ 30, cả nhóm quyết định để trưởng đoàn cùng với một người quay lại hẻm núi phía sau kiểm tra lại một lần nữa và tìm cách xuống bờ biển. Nước còn rất ít nhưng phải sớt một nửa cho hai người đi tìm đường tự giải cứu. Những người còn lại thì hoặc là ngậm chanh hoặc lâu lâu làm một ngụm bia (còn 6 lon) cho đỡ khát.

 

9 giờ 15, trưởng đoàn gọi nói là có thể leo xuống vực, nhảy xuống biển bơi vào bờ cát bên cạnh nhưng rất nguy hiểm. Tôi thầm nghĩ những thứ này chỉ có trên phim chứ sao lại diễn ra giữa đời thường!

 

9 giờ 40, sau một hồi lang thang đâu đó, người dẫn đường lê lết đến chỗ mọi người, hình dạng thê thảm đến mức không thể diễn tả bằng lời. Ông ta chỉ biết nói xin lỗi vì đã đưa mọi người đến tình cảnh này. Ông bảo đã điện thoại cho con trai đi thuyền mang thực phẩm, nước uống ra bãi Kỳ Co chờ mọi người ở đó. Trời ơi, từ hôm qua đến giờ cả nhóm mới đi được nửa đoạn đường thì chờ ở đó phỏng có ích gì. Lát sau, ông lại thông báo, anh trai và con trai ông đang tìm cách leo lên đây, mọi người ráng đợi, hy vọng nước và thực phẩm được tiếp tế kịp thời.

 

Tàu cứu hộ đưa đoàn về đất liền - Ảnh: NGUYỄN NGỌC BÍCH TRÂM

 

10 giờ, những người đi tìm đường quay về, mang được một bình hai lít nước mưa tù đọng trong khe đá. Những câu hỏi dồn dập được đặt ra: chỗ đó có nhảy được không, vách núi cao bao nhiêu, dưới biển có đá ngầm không, đường đi có nguy hiểm không... Theo ước lượng của hai người đi tìm đường thì vực núi để nhảy cao 3-4 tầng lầu, đường xuống cực kỳ nguy hiểm, có thể bị sạt lở, sẩy chân là chết. Thời gian di chuyển đến mép vực khoảng 30 phút. Nghe đến đây, ông dẫn đường quyết định băng núi đi tìm anh trai và con trai đang di chuyển từ bãi Kỳ Co đến.

 

10 giờ 30, mọi người điện thoại cho người dẫn đường để hỏi thăm tình hình và xin số điện thoại của con ông để liên lạc trực tiếp, nhưng chẳng thấy ông trả lời. Một lúc sau ông quay lại, bảo đã làm rớt điện thoại cách đó 50m. Thế là mọi người đổ xô đi tìm điện thoại và rất may là tìm được, liền gọi ngay cho con ông hỏi đã đi đến đâu, có xác định được vị trí của đoàn không. Anh đáp, đã xác định được và đang tìm cách tiếp cận.

 

11 giờ 25, nước và lương thực đã đến. Cả nhóm vỡ òa trong nước mắt và niềm vui. Câu nói đầu tiên khi anh con trai người dẫn đường gặp mọi người là: “Tui lạy mấy người, bộ khùng hết hay sao mà băng núi kiểu này? Người địa phương thông thạo địa hình còn chưa dám đi. Trời đất ơi, lại có cả trẻ con và phụ nữ nữa! Mọi người đi kiểu gì mà đến được chỗ này thì cũng tài thiệt?”. Cả nhóm không ai nói lời nào, chỉ hướng ánh mắt về phía người dẫn đường. Sau khi giải quyết xong cơn đói, khát, mọi người hỏi đường xuống bãi Kỳ Co. Anh đáp: “Tui leo từ bãi Kỳ Co đến đây mất gần 4 tiếng. Đường đi cũng nguy hiểm như mọi người đi từ hôm qua tới giờ”. Cả nhóm thừ người ra, cân nhắc: nên xuống bãi Kỳ Co hay quay lại vực đá để nhảy xuống biển? Thật ra, với số thực phẩm và nước uống hiện có mà đi xuống bãi Kỳ Co là không thể, hơn nữa mọi người cũng chẳng còn sức để đi. Cuối cùng mọi người quyết định sẽ quay lại vực đá và nhảy xuống biển. Ở dưới sẽ có đội cứu hộ bờ biển của xã vớt đưa lên canô. Tuy nhiên, để cho chắc chắn thì trưởng đoàn và con của người dẫn đường sẽ đến đó kiểm tra lại một lần nữa. Nếu an toàn thì mọi người mới di chuyển.

 

12 giờ 30, trưởng đoàn và anh con trai người dẫn đường đến vực đá. Sau một hồi ngắm nghía, anh nói vực này quá cao, nhảy không được, hơn nữa ở dưới sóng lớn canô không thể cập vào. Thế là phải tìm vị trí khác và rất may là kề bên có vách đá thấp hơn, canô và thuyền thúng dễ tiếp cận, nhưng buổi chiều sóng to có thể đánh úp tất cả.

 

13 giờ 10, cả nhóm di chuyển đến vực đá. Đúng như dự kiến, đường đi khá nguy hiểm, nhiều đoạn chỉ nhìn đã chóng mặt, ngoài ra phải đảm bảo đưa cháu bé xuống đến nơi an toàn. Đoạn nguy hiểm nhất là chỗ vách đá dựng đứng cheo leo, từng người không thể tự leo xuống mà phải chia người ra đứng ở các điểm để đón nhau, người nào xuống trước thì đứng lại để đỡ người sau. Tôi bảo mọi người cởi khăn rằn mang trên cổ ra, cột thành sợi dây dài thòng xuống, nếu chẳng may có chuyện gì thì còn có cái để bám víu. Chẳng những thế, đoạn này không thể mang hành lý theo nên phải thả hành lý xuống trước. Căng thẳng nhất là anh bạn cõng con nhỏ và các bạn nữ, nghĩ lại vẫn còn sởn gai ốc. Có một anh trong nhóm sợ độ cao nên leo xuống mà chân tay run rẩy, mặt tái nhợt, chúng tôi phải kè kè bên cạnh, động viên và hướng dẫn anh đặt từng bước chân. Sau một thời gian khá lâu, rồi mọi người cũng dìu nhau leo xuống đến vách đá. Sau khi hành lý đã được chuyển hết lên canô thì mọi người lấy tinh thần và lần lượt nhảy ùm xuống biển, ở dưới có đội cứu hộ kéo đưa lên canô. Riêng đối với em bé, mọi người thống nhất phương án là cha em bé sẽ bế cháu cùng nhảy, khi gần tiếp nước sẽ thả bé ra, đội cứu hộ chờ sẵn ở dưới sẽ lặn xuống đưa em bé lên ngay để tránh sặc nước.

 

14 giờ 15, cả nhóm lên được canô nhưng sóng khá lớn nên nó lắc lư liên tục làm một số người ói mật xanh mật vàng. Lúc canô chạy ngang qua chỗ đợi tiếp tế, chúng tôi nhìn lên thấy đoạn đường từ đó đến bãi Kỳ Co phải vượt qua ít nhất 5-6 eo núi. Tôi thầm nhủ, quyết định nhảy xuống biển của chúng tôi là đúng đắn.

 

Sau vài chục phút lênh đênh trên biển thì bãi Kỳ Co cũng hiện dần trong tầm mắt. Bãi biển tuyệt đẹp với những khối đá lô nhô, bãi cát trắng mịn, sạch bong, làn nước mát lạnh, trong xanh có thể nhìn đến tận đáy, khi thủy triều rút xuống để lộ ra các hang động đầy bí ẩn. Khi canô vừa cập bãi Kỳ Co, tôi liền nhảy ùm xuống nước rồi bơi vào bờ. Quay lại, thấy mọi người cũng nhảy bùm bùm xuống nước và cười đùa vui vẻ thì tôi lại nghĩ, đáng lẽ chúng tôi phải có những khoảnh khắc đó sớm hơn.

 

Chuyến đi đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi những kỷ niệm khó quên và những trải nghiệm đắt giá. Nhưng cái cách chúng tôi đến đó có quá nhiều điều để suy ngẫm và rút ra cho mình những bài học vô giá về tình thương yêu, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm vượt khó. Tôi đã nhiều lần xem kênh Discovery về kỹ năng sinh tồn của những người đi khám phá và chúng tôi cũng may mắn trở về an toàn sau cuộc mạo hiểm bất đắc dĩ. Chỉ khác một điều, họ là những người chuyên nghiệp, còn chúng tôi chỉ là những kẻ “tay ngang thích xê dịch”. Dẫu không có những thước phim ghi lại những khoảnh khắc ấy, nhưng chúng đã im đậm trong trí nhớ và sẽ đi theo chúng tôi trong suốt cuộc đời.

 

Bút ký của ĐÀO LÊ VĨNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thợ rèn Bảy Búa
Thứ Ba, 17/01/2017 14:00 CH
Lắng lòng nước mắm bể Đông
Chủ Nhật, 15/01/2017 14:00 CH
Ông Hùng “chạy lụt”
Chủ Nhật, 01/01/2017 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek