Thứ Sáu, 18/10/2024 11:19 SA
Thợ rèn Bảy Búa
Thứ Ba, 17/01/2017 14:00 CH

Chồng rèn, vợ đập búa - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Ông Huỳnh Văn Bảy (60 tuổi), người quanh vùng gọi Bảy Búa, hiện làm nghề thợ rèn ở thôn Tân An, xã An Hòa (huyện Tuy An). Nghề thợ rèn truyền thống cha truyền con nối có từ thời ông cố, đến thế hệ ông nữa là 4 đời và truyền nghề lại cho 4 anh em ruột làm nghề với tên gọi Năm Đe, Bảy Búa, Tám Rèn, Chín Kìm. Các anh em của ông trùi trũi với nghề thợ rèn, riêng cái tên Bảy Búa mà cha sanh mẹ đẻ đặt cho ông còn “nổi bật” nhiều thứ nghề và cũng lắm thăng trầm.

 

4 đời “đỏ lửa” 

 

Quê ông ở thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), ngôi nhà từ đường (nhà gốc cha mẹ) dựa lưng dưới chân núi Kỳ Sơn, phía trước là dòng sông Cái (hay còn gọi là sông Kỳ Lộ). Từ những ngày tháng long đong cuộc đời, bôn ba đủ thứ nghề cho đến bây giờ trụ lại với cái nghề thợ rèn, cứ đến mùng 5, ngày tết, giỗ chạp ông bà, ông về quê thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang thành kính. Ông cho hay: Hồi ba tôi còn sống ông kể, nghề thợ rèn có từ đời ông nội, đến thế hệ tôi gọi là ông cố, tức là đời thứ tư. Gia đình tôi có 4 anh em ruột làm nghề thợ rèn với tên Năm Đe, Bảy Búa, Tám Rèn, Chín Kìm. Thời gian gần đây, Tám Rèn sức khỏe yếu nên bỏ nghề, hiện còn lại 3 người nằm trong danh sách thợ rèn của gia tộc còn đỏ lửa lò rèn.

 

Hồi nhỏ đi học một buổi còn một buổi ông ra chỗ lò rèn trước nhà phụ ba tra lại khâu rựa, làm nguội các công đoạn như dũa cái mép lưỡi rìu, bào láng cán câu liêm. Khi “nhổ giò” ra trai có sức mạnh thì làm nóng, cầm búa tạ đập sắt đang nung đỏ. Khâu làm nóng, từ miếng sắt thép thô sơ muốn làm ra cái rựa, cái dao…, người thợ rèn hầm than cho cháy rực để luộc sắt, thép cho đỏ đến độ mềm, dẻo rồi đặt lên cái đe, thợ rèn cầm cái búa nhỏ gõ xuống chỗ nào thì người cầm búa tạ đập mạnh vào chỗ đó. Cái búa nhỏ gõ “làm phép” để chỉ lối, còn cái búa tạ đập “ăn theo” nhưng nhờ sức đập mạnh búa tạ uốn cục sắt, thép thành cái rựa, cái dao theo dự tính trước.

 

Nghề thợ rèn có thuật ngữ lạ, đó là khi làm ra sản phẩm mới gọi là “cháy”, như cháy cái rựa, cái dao. Còn cái rựa cùn làm thành rựa bén gọi là “o” lại cái rựa, hay như cái cuốc cùn dày lưỡi, thợ rèn đập ra cho mỏng mép gọi là “me” lại cái cuốc.

 

Chúng tôi cùng ông Bảy ngồi “bày” ra câu chuyện thợ rèn dài thượt thì có người đến lò rèn đặt ông “cháy” cái rựa. Ông Bảy liền chui vô ngồi trên cái sạp cho than vào lò quạt lửa, hơ miếng sắt đỏ rồi đặt ra đe, ông gõ búa nhỏ còn vợ ông vun hai tay đập búa tạ. Sau 3 lần nung đập, tay trái ông cầm kìm “nghiêng qua ngửa lại” miếng sắt, cái phần lưỡi rựa hình thành. Ông tiếp tục luộc sắt rồi đặt ra đe, ông ra hiệu cái búa tạ không đập, tay phải ông cầm cái búa nhỏ “vót” nhọn chui rựa (để cắm vào cán bằng gỗ), hình thành nguyên cái rựa. Tuy nhiên đó chỉ mới phần thô, còn phần làm nguội nữa.

 

Theo kinh nghiệm, nghề thợ rèn của ông Bảy, “cháy” cái rựa phải có độ cong để khi chặt lưỡi rựa “ôm” vào thân cây, còn “cháy” cái rìu phải bo góc khi chặt lưỡi rìu “táp” mạnh vào cây. Người thợ không rành “cháy” rựa, rìu về chặt vô thân gặp loại cây gỗ cứng không ăn vô mà bị dội ra.

 

Cái cuốc cũng vậy, người thợ không tinh ý khi đắp cái đai cuốc lúc tra cán vào làm lưỡi cuốc bị đơ thì cuốc cù nhầy không đứt cỏ. Cặp lưỡi cày cũng vậy, có người cặp về cày lật đất lại sử dụng được lâu, còn có thợ cặp về cày mau cùn.

 

Bí quyết của người thợ rèn “ăn thua” ở chỗ nước trui, vì vậy ngoài đôi tay khéo léo đòi hỏi cặp mắt phải tinh, quan sát nước trui. “Trui” có nghĩa là khi sản phẩm hoàn thành, người thợ rèn cho sản phẩm vào lò luộc lại cho đỏ rồi nhúng vô chảo nước. Tuy nhiên, không phải ngâm trong chảo nước mà thao tác nhanh, nhúng vô lấy ra, canh sao cho sắt thép đủ độ chín, gọi là nước trui. Nếu cái rựa trui già thì giòn khi chặt cây bị mẻ, còn trui non thì dễ bị cong. Cắt răng câu liêm cũng vậy, có thợ rèn tay nghề giỏi cắt răng câu liêm, người cắt lúa mướn cắt được 2 mùa lúa, có thợ rèn làm xong đem về cắt chưa hết mùa lúa là cùn. Nước trui của người thợ rèn không có công thức của sách vở nào ghi lại mà thử bằng cặp mắt nhìn thành thạo. 

 

“Bước” qua nghề thợ rèn

 

Ông Bảy nhớ lại, sau khi học THPT, năm 1978, ông về làm cán bộ VHTT xã Xuân Sơn Nam. Thời gian đó, ông được UBND xã đưa đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về văn hóa, vẽ panô, áp phích, cắt dán chữ khẩu hiệu. “Năng khiếu cắt và viết chữ đẹp lúc đó tôi còn lưu giữ trong bàn tay đến bây giờ. Mới đây cô giáo Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường tiểu học An Hòa, đến lò rèn o lại cái dao, thấy tôi viết bút lông lên cán dao tên người chủ hàng, cô giáo Hồng nhìn chữ tôi trầm trồ: Chữ chú “cứng” (đẹp) quá!”, ông Bảy nói. 

 

Đến năm 1979, ông tiếp tục đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn nghệ quần chúng, về ông dàn dựng vở tuồng cải lương Hương Xuân. Ông kéo 2 người em ruột của ông đang làm thợ rèn là Tám Rèn, Chín Kìm vào đóng vai hề, vở tuồng lưu diễn các thôn trong xã. Lớp già trang lứa như ông bây giờ gặp nhau nhắc mãi tuồng cải lương xưa cũ.

 

Sau đó, ông Bảy chuyển sang làm việc ở Công ty Cầu đường Bắc Phú Khánh, do có năng khiếu bóng chuyền, ông làm huấn luyện viên đội bóng chuyền của công ty và đi thi đấu cấp tỉnh. Cái tài đánh bóng chuyền của ông, cả huyện Đồng Xuân ai cũng biết, ngoài việc đánh bóng chuyền theo đội hình, ông còn đánh sô lô (1 đánh 1). Thường thì 6 người bên phần sân, riêng đánh sô lô thì 1 người bao hết 1 phần sân, thế nhưng với ông không chỉ đánh bóng một mình mà chỉ đánh bóng một tay, tay còn lại không được để “thong thả” mà phải cầm ghế gỗ chạy đi cứu bóng. Ông Nguyễn Văn Phương ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) - một cựu cầu thủ Công ty Cầu đường Bắc Phú Khánh, cho biết: Hồi đó còn trẻ, tôi lanh như con sóc, đánh bóng chuyền sô lô giỏi có tiếng ở xã, nhưng ông Bảy Búa chấp đánh một tay, tay còn lại ông phải cầm cái ghế gỗ, vậy mà khi bắt được bóng ông có tài “bỏ nhỏ” bóng vào góc chết, nhiều người trong đó có tôi đánh không thắng nổi.

 

Ông công tác tại Công ty Cầu đường Bắc Phú Khánh được 8 năm. Trong khoảng thời gian đó ông cưới vợ, vì xa gia đình nên ông chuyển về quê vợ, mở quán kinh doanh tại thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3. Lúc mới mở quán, khách tấp nập ra vào, thời gian sau quán ế ẩm, ông dẹp quán.

 

Sau nhiều năm bôn ba nhiều nơi, đầu tư kinh doanh nhưng cuối cùng làm ăn thất bại, đêm nằm gác tay lên trán ông suy nghĩ mình không thể “bước” qua nghề thợ rèn nên ông đi “ôn rèn” ở nhà ông anh ruột ở thôn Phú Tân, xã An Cư (huyện Tuy An). Trước đây, đến với nghề thợ rèn lúc ba ông còn sống, ông Bảy chỉ cầm cái búa tạ đập phụ, thời gian này ông mới ra tay “cháy” cái rựa, “o” cái dao, nhúng nước trui. Thạo nghề, ông mới chính thức “lên chức” thợ rèn.

 

Ông trở lại quê vợ tại thôn Phước Lộc mở lò rèn, sản phẩm rựa, dao làm ra, vợ con ông đem bán xuống tận xã An Hòa. Nơi đây tiêu thụ mạnh nhất nên ông chuyển lò rèn từ thôn Phước Lộc về thôn Tân An (xã An Hòa) thuận tiện cho việc phục vụ dụng cụ cho bà con nông dân. Hai năm nay tiếng tăm lò rèn Bảy Búa cả xã An Hòa, An Mỹ ai cũng biết.

 

Các thợ rèn khác, sản phẩm làm ra “trụi lủi” (không có nhãn hiệu), riêng cái rựa, cái dao từ lò rèn của ông đều gắn “Made in Bảy Búa”. Với ông làm vậy khi ai mua về hay thì sử dụng, dở thì đem trả lại.

 

Ông trải qua nhiều thứ nghề nhưng đều “năm trầy mười trật”. Nghề thợ rèn “chấp nối” nhưng đến giờ, ông trụ lại với nghề trên 10 năm. Và ông nguyện giữ nghề thợ rèn. Ông nói: Nghề này gần gũi với nông dân nên dù tôi sống ở đâu thì tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt. Còn đối với quê nhà thì tôi cũng không “mất gốc”, cứ đến mùng 5, ngày tết, giỗ chạp ông bà, tôi về quê, trước thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang, sau sum họp anh em trong gia đình.

 

Ông tên Bảy, thứ 7, sinh ra 7 người con hiện tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

 

Ông Trương Văn Thoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa, cho biết: Ông Huỳnh Văn Bảy (Bảy Búa) về làm lò rèn ở chỗ đầu cầu thôn Tân An được 2 năm nay. Lò rèn của ông rất đắt khách, ngày nào cũng có người đến đặt hàng làm dụng cụ phục vụ nông nghiệp. Ngoài rựa, dao, cuốc, xẻng, ông còn làm ra cái quằn, một dụng cụ truyền thống đặc thù ở địa phương, nông dân sử dụng làm cỏ lúa.

 

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lắng lòng nước mắm bể Đông
Chủ Nhật, 15/01/2017 14:00 CH
Ông Hùng “chạy lụt”
Chủ Nhật, 01/01/2017 07:00 SA
Charm bracelet - “nhật ký” tốn bộn tiền
Thứ Bảy, 03/12/2016 09:52 SA
Ông chống đò Chín Cu
Thứ Bảy, 26/11/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek