Lần đầu tiên trong lịch sử, 2016 đã trở thành một năm “suýt chết” của nước mắm - đặc sản truyền đời của biển Việt. Dải đất chữ S luôn được biển vỗ về ôm ấp, nuôi nấng. Và nước mắm ủ từ cá tươi là một sáng chế không gì lay chuyển của trí tuệ làng chài bên sóng biển Đông.
Nước mắm và “kềnh kềnh”
Tổng hợp từ cơ quan hữu trách, đợt truyền thông “kềnh kềnh” chỉ diễn ra khoảng mươi ngày (12-23/10/2016) nhưng đã có hàng trăm ngàn tin bài bình luận “ném đá” nước mắm truyền thống. Tưởng chừng “nước mắt bể Đông” đã quỵ ngã bởi đòn hội đồng hiểm ác, thế nhưng “cái gì của Caesar trả lại cho Caesar”, mà phải trả gấp nhiều lần! Không lâu sau, một đợt xử phạt “kinh thiên động địa” đã diễn ra đối với ít nhất 50 cơ quan báo chí.
Nước mắm cũng chẳng lấy gì làm vui. Và hàng nhà máy nước chấm công nghiệp “không cá” vẫn còn trà trộn đạo danh nước mắm. Thế rồi nước mắm truyền thống bất ngờ “lên ngôi”. Trước đó, người dân hết sức bức xúc trước thông tin “cố chơi” các lò nước mắm truyền thống; thế nhưng “kỳ này mắm thủ công bỗng nhiên được chuộng dữ!”. Đó là lời ông Võ Văn Kin - chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Đất Phú (TP Tuy Hòa).
Ông Kin cho biết thêm: “Kỳ này, cơ sở ủ cất nước mắm của gia đình tui bất ngờ “bứt phá ngoạn mục” về lượng khách hàng, doanh số sản phẩm. Trước đây, chỗ tui chỉ bán được khoảng 200 lít nước mắm/ ngày. Thiệt bất ngờ, khoảng mười ngày qua, gia đình đều bán ra trên 300 lít nước mắm/ngày. Điều này là do từ khi có thông tin “nước mắm nhiễm asen”, nhiều khách hàng đã quay lưng hẳn với nước mắm công nghiệp, chuyển sang ăn nước mắm thủ công truyền thống. Trước đây, cơ sở tôi chỉ thường bán cho một số bạn hàng “ruột”, giờ lại có thêm nhiều khách hàng mới khả năng sẽ là bạn hàng thường xuyên. Mừng lắm!”.
Theo ông Kin, dòng họ ông đã 3 đời làm nước mắm gia truyền. Cá cơm mua về được trộn tỉ lệ “3 cá/1 muối”, rồi ủ chượp từ 8-12 tháng, mới có thể cho ra nước mắm thành phẩm. “Quá trình ủ cá - muối yếm khí dài ngày này sẽ khống chế, loại trừ tất cả vi khuẩn có hại, làm nước mắm thơm ngon. Nước mắm nhỉ cốt ở Phú Yên thường từ 32-35 độ đạm là tuyệt vời. Còn mấy nhãn nước mắm ghi là năm, bảy chục độ đạm, chắc là nói… giỡn chơi!”, ông Kin nói thêm.
Hàng loạt làng nghề nước mắm nức tiếng trên đường xuyên Việt cũng “tủi tủi mừng mừng” sau sự cố bị dựng chuyện đổ vấy. Tại làng nghề Gành Đỏ thuộc phường Xuân Đài, TX Sông Cầu, ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập đã đứng ngồi không yên vì chuyện “không đâu”. Theo ông, từ bao đời nay, ngoài nguyên liệu cá cơm ướp muối ủ chượp hàng năm ròng, những mẻ nước mắm ở đây không sử dụng, pha chế bất kỳ loại phụ gia nào khác.
“Làng nghề nước mắm Gành Đỏ đã được du khách xuôi Nam ngược Bắc tín nhiệm bao năm nay. Bà con muối mắm ở đây đã thực sự “lên não” căng thẳng trước thông tin nước mắm có hàm lượng thạch tín do Vinastas và một số báo tung ra. Từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, rồi đến Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên…, nhiều khách hàng “ruột” đã điện thoại chia sẻ tới tấp. Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ, trách móc. Chúng tôi đã dự định vác đơn đi “kiện ai” nhưng thấy lấn cấn, không quen. May quá, vụ “loạn mùi” này đã mau chóng được sáng tỏ”, ông Cảnh trần tình.
Tại làng Gành Đỏ, khoảng 10 cơ sở sản xuất nước mắm đã được chứng nhận đăng ký thương hiệu, tiêu chuẩn đo lường chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với những thương hiệu gia truyền: Ông Già, Bà Mười, Tân Lập, Vạn Tín, Thanh Hải, Thanh Tân, Bà Bảy, Thanh Thủy… Bình quân mỗi năm, một cơ sở đưa vào ướp chượp từ 150-200 tấn cá cơm, với tổng sản lượng khoảng 150.000 lít nước mắm thơm ngon. Hàng trăm năm nay, sản phẩm nước mắm Gành Đỏ đã “róc rách” hòa điệu trên biết bao mâm cơm gia đình, nhà hàng sang trọng; không thể thiếu trên đầu lưỡi, trong huyết quản bao kẻ quê mùa, thị thành, xa xứ muôn phương. Chưa bao giờ nước mắm nơi này bị chê trách, bởi sự dụng tâm của người làng chài duyên hải Nam Trung Bộ.
Chiết nước mắm ra chai tại một cơ sở muối mắm truyền thống ở TP Tuy Hòa - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN |
Người tiêu dùng tỉnh ngộ
Thực sự, câu chuyện nước mắm bùng bùng lòng người suốt những ngày qua đã trở thành cuộc chiến bảo vệ “nước mắt biển Đông” của truyền thống tinh hoa Việt. “Vậy là ông trời có mắt”, những người yêu mắm Việt đã thốt lên như thế. Nhiều người không hiểu mắt ông trời thế nào, nhưng đã cảm nhận rõ “chính, tà” trong giới truyền thông, giới doanh nghiệp và nhiều giới khác nữa.
Trong cái rủi lại có may! Sau cơn phẫn nộ vì thông cáo “hầu hết nước mắm đều vượt ngưỡng về… thạch tín”, lập tức các lò mắm truyền thống được đền bù “từ gấp rưỡi đến gấp đôi”. Theo nhiều chủ vựa muối mắm, những ngày vừa qua, lượng nước mắm từ các lò thủ công bỗng nhiên được bán ra tăng vọt, bởi sự xuất hiện thêm nhiều khách hàng mới. Có bà nội trợ trần tình: “Mấy năm nay, không hiểu “trời xui, đất khiến” thế nào, tôi cứ mua đại nước mắm công nghiệp đóng chai ở đại lý gần nhà. Rồi cả nhà đều… tấm tắc khen ngon. Nhà tôi ở vùng biển, sống giữa vựa nước mắm gia truyền, vậy mà… lững quên”.
Một chuyên gia thị trường cho hay: “Không phải “đòn truyền thông” nào của doanh nghiệp cũng có kết cuộc như ý, nhất là trong giai đoạn “thế giới mạng” hiện nay. Người tiêu dùng bây giờ đang dần có thêm nhiều thông tin và sự lựa chọn mặt hàng tiêu dùng. Có thể một lúc nào đó, họ bị cuốn theo dòng “dỗ ngọt” của các đại gia nước chấm công nghiệp. Nhưng “nhờ đòn công bố vượt ngưỡng asen” mà người tiêu dùng chợt… tỉnh ngộ. Và họ đủ sức thông minh để biết đâu là “chính, tà” và thêm phần dứt khoát chọn sản phẩm… phía nước mắt!”. Rồi ông ví von, đây như là một màn “vô tình kiếm, gậy ông đập lưng ông” của kẻ cố tình đạp trên lưng đồng loại, nhân dân mình…
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Phú Yên, tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm không hề đề cập đến chỉ tiêu hàm lượng asen mà chỉ quy định dư lượng kim loại nặng đối với chì tối đa là 1mg/lít. Do vậy, thông tin một số loại nước mắm truyền thống có độ đạm cao nhiễm thạch tín gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng là không có cơ sở; nước mắm truyền thống Việt muôn đời bất diệt!
Như trong truyện cổ tích, vậy là so với vụ Formosa, vụ “Fornastas” đã kết thúc có hậu. Người ăn nước mắm sẽ bớt một phần lo sợ đầu độc tứ phía. Một mùa xuân mới mẻ cho giọt nước mắt ngàn đời giữa mâm cơm Việt.
Bút ký của ĐÀO ĐỨC TUẤN