Thứ Sáu, 18/10/2024 11:21 SA
La Sư Hải - Dấu tích của nền văn hóa Đông Ba
Thứ Bảy, 07/01/2017 14:00 CH

Dịch vụ “trà ngựa”, trải nghiệm gần gũi với nền văn hóa đặc trưng của địa phương - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

La Sư Hải là một vùng đất ngập nước có diện tích gần 20km², cách Lệ Giang (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khoảng 8km về phía tây, là môi trường sống của 198 loài chim và động thực vật khác nhau, nhiều loài được các tổ chức quốc tế đưa vào sách đỏ cần được bảo vệ. Năm 1998, một phần của hồ đã được Chính phủ Trung Quốc công nhận như một khu bảo tồn thiên nhiên.

 

Nơi thờ cúng của người Nạp Tây - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

La Sư Hải là hồ lớn nhất ở Lệ Giang, có hệ sinh học đa dạng và phong phú. Nguồn nước chủ yếu của hồ là do tuyết tan từ Ngọc Long Tuyết Sơn. Do nằm ở độ cao 2.437m nên ngay cả trong những tháng hè, khí hậu ở La Sư Hải vẫn mát mẻ hơn nhiều so với các nơi khác ở tỉnh Vân Nam. Khu vực rừng đầu nguồn của La Sư Hải là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Nạp Tây, khoảng 300.000 người, sống giữa thiên nhiên hùng vĩ với các lễ hội và nghi lễ tôn giáo cổ xưa. Có thể nói, người Nạp Tây chính là di sản sống đại diện cho nền văn hóa Đông Ba vĩ đại. Cho đến nay, người ta đã tìm thấy hơn 20.000 cuốn sách được viết bằng chữ tượng hình của người Nạp Tây. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là những ngôn ngữ tượng hình còn tồn tại và được sử dụng duy nhất trên thế giới. Trên các mạng xã hội tại Trung Quốc, những người trẻ sành điệu đều nuôi ước mơ đến Lệ Giang (còn gọi là Đại Nguyên cổ trấn) mở khách sạn, nhà hàng của riêng mình. Lệ Giang được thèm muốn đến như thế vì ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, nơi đây còn lưu giữ và phát huy rất tốt các giá trị của nền văn hóa Đông Ba qua những điệu múa, bài ca và các lễ hội tôn giáo. Tuy nhiên, để có cái nhìn chân xác về nền văn hóa Đông Ba thì phải tìm về La Sư Hải, một vùng sinh thái quan trọng và là trung tâm văn hóa truyền thống của người Nạp Tây.

 

Từ trung tâm Lệ Giang đến La Sư Hải mất khoảng 30 phút đi xe. Ở đây có rất nhiều trại chăn nuôi ngựa và các bến tàu thuyền. Chúng tôi ghé vào một trại nuôi ngựa ngẫu nhiên và sử dụng một số dịch vụ du lịch. Đặc sản của La Sư Hải là “trà ngựa”, nói nôm na là trà cổ và con đường vận chuyển bằng ngựa. Du khách nhất thiết phải thử “trà ngựa” để có được những trải nghiệm gần gũi với nền văn hóa đặc trưng của địa phương. Đường ngựa là con đường tương tự như con đường tơ lụa ở phía tây nam của Trung Quốc và ngựa là phương tiện giao thông quan trọng trên tuyến đường này. Khác với những con ngựa cao lớn trên thảo nguyên, ngựa ở Vân Nam nhỏ hơn nhưng lại khỏe hơn trong việc vận chuyển. Dịch vụ “trà ngựa” chỉ khai thác một phần rất nhỏ của con đường cổ xưa này. Du khách sẽ đi ngựa qua một số làng ở Nạp Tây để cảm nhận cuộc sống thường ngày, thấy được suối nguồn - một nơi linh thiêng của người Nạp Tây.

 

Người dẫn ngựa đưa chúng tôi đi tham quan là một người Nạp Tây đã lớn tuổi. Khi đưa chúng tôi lên những ngọn đồi cao, ông hát vang những bài ca dân gian Nạp Tây với những giai điệu rất đặc biệt, tạo cảm giác ma mị. Ông bảo, người Nạp Tây rất thích ca hát, nhảy múa trong đám cưới và đám tang. Các bài hát phổ biến thường ngắn, nhịp điệu mạnh, cùng với các điệu múa đơn giản. Ông còn cho biết, dàn nhạc cụ dân gian Nạp Tây đã hơn 1.000 năm tuổi.

 

Dịch vụ tiếp theo là chèo thuyền và câu cá. Nước hồ rất trong và phẳng lặng, du khách có thể thuê thuyền và tự khám phá với sự chỉ dẫn của nhân viên địa phương. Nếu bạn thích yên tĩnh thì họ sẽ đưa bạn đến chỗ yên tĩnh nhất và bạn sẽ có những trải nghiệm thực sự, còn nếu muốn đi câu cá thì sẽ được đưa đến nơi dễ bắt cá nhất. La Sư Hải là vùng đất ngập nước nên cá rất phong phú. Đối với nhiều người dân địa phương, bắt cá được xem là nguồn thu nhập chính. Ngắm các loài chim ở vùng đầm lầy cũng là một dịch vụ không thể bỏ qua vì ở đây vào bất kỳ mùa nào trong năm cũng có rất nhiều loài chim khác nhau với đủ màu sắc, kích thước. Trong mùa chim di trú, có đến hơn 30.000 con chim từ châu Âu và châu Úc đến đây tránh đông.

 

Một góc hồ La Sư Hải - Ảnh: ĐÀO LÊ VĨNH

 

Ngoài điều kiện tự nhiên sẵn có, La Sư Hải vẫn giữ được nét nông thôn bình dị. Những ngôi làng nằm dưới tán cây óc chó cổ thụ và được bao quanh bởi các vườn rau xanh tốt. Trong khi Lệ Giang, thủ đô văn hóa của người Nạp Tây đã thay đổi rất nhiều trong vài thập kỷ qua thì ở La Sư Hải vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa Nạp Tây truyền thống. Chính vì thế mà vào năm 2002, dịch vụ du lịch sinh thái địa phương đã được hình thành với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (The Nature Conservancy) để thay thế cho việc khai thác gỗ, săn bắn và đốt than. Do La Sư Hải nằm không xa phố cổ Lệ Giang, lại có đường đi thuận tiện nên du khách tìm đến đây khá nhiều, chủ yếu là để cưỡi ngựa và đi trên con đường tơ lụa huyền thoại ngày nào. Theo ước tính, ở La Sư Hải có đến hàng trăm con ngựa để phục vụ du lịch. Ngựa là phương tiện giao thông tương đối thân thiện với môi trường, nhưng lượng phân ngựa quá nhiều lại là nguyên nhân đáng kể làm ô nhiễm nước hồ. Những năm gần đây, rất nhiều cơ sở du lịch đã được hình thành, thậm chí có cả một sân bay trực thăng phục vụ các tour du lịch trên hồ và các dãy núi gần đó. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đặc biệt là hệ thống đường bộ, tạo điều kiện cho nông dân địa phương tiếp cận tốt hơn với thị trường khu vực Lệ Giang. Tuy nhiên, chỉ có dịch vụ “trà ngựa” là tăng được thu nhập, còn dịch vụ lưu trú hầu như không có vì hầu hết khách đều quay về Lệ Giang vào cuối ngày. Các hoạt động du lịch ngày một phát triển mạnh đã ảnh hưởng đến các loài chim di trú và sinh vật trong hồ, trong khi đó, tổ tiên của người Nạp Tây luôn tôn thờ thiên nhiên và coi nhiều động vật như thần linh.

 

Khi đặt chân đến La Sư Hải và đứng trước nền văn hóa Đông Ba vĩ đại, lòng người du khách như chúng tôi chỉ biết nghiêng mình kính cẩn. Xa xa, một vệt khói lam chiều bốc lên từ ngôi nhà cổ cũng khiến những bước chân lữ khách như trở nên xưa cũ hơn bao giờ hết.

 

ĐÀO LÊ VĨNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ông Hùng “chạy lụt”
Chủ Nhật, 01/01/2017 07:00 SA
Charm bracelet - “nhật ký” tốn bộn tiền
Thứ Bảy, 03/12/2016 09:52 SA
Ông chống đò Chín Cu
Thứ Bảy, 26/11/2016 13:00 CH
Bài 2: Cánh cửa đã mở
Thứ Ba, 15/11/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek