Thứ Sáu, 10/01/2025 19:07 CH
Ông Hùng “chạy lụt”
Chủ Nhật, 01/01/2017 07:00 SA

Ông Hùng vận chuyển đồ đạc của bà con trong xóm để chạy lụt - Ảnh: LÊ TRÂM

Đợt lụt vừa qua, tuyến ĐT641 từ thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) đi thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) bị ngập sâu trong nước. Bí đường, chúng tôi phải “cuốc bộ” trên đường sắt; đi một đoạn thì thấy mấy người già nắm tay một người đàn ông nói lời cảm ơn. Hỏi ra mới biết, người ấy “làm ơn làm phước” dọn lụt giúp cho nhiều người. Ông tên Nguyễn Ngọc Hùng (49 tuổi) ở thôn Định Trung 2, xã An Định (huyện Tuy An), người trong xóm đặt ông biệt danh là ông Hùng “chạy lụt”.

 

Bỏ ăn đi dọn lụt

 

 

Đợt lũ lụt muộn xảy ra trung tuần tháng 12 vừa qua, nước lớn xộc thẳng vào xóm nhà lúc buổi trưa. Đang giữa bữa ăn, nghe tiếng kêu la, ông Hùng vội bỏ chén cơm chụp cái mũ đội đầu, quơ cái áo mưa mặc vào rồi băng qua đường sắt lao vào xóm nhà đang ngập nước dọn lụt. Ở cùng xóm, ông biết nhà nào có người già cả đơn chiếc cần giúp đỡ nên đến dọn trước rồi đến nhà còn lại. Nơi ông Hùng đến đầu tiên là nhà bà Hai Thọ (Trương Thị Thọ). Tuổi già sống một mình, bà đang loay hoay tìm cách kê cái bàn lên cao để cất thùng gạo. Ông hối bà đi chạy lụt rồi vội vác lúa, các vật dụng khác chạy lên nhà cao gửi nhờ. Cứ thế, ông hết đến nhà này rồi đến nhà khác “chạy lụt” giúp 12 ngôi nhà trong xóm bị ngập lụt. 

 

Ông Hùng kể: Có lần tôi vác bình gas trên vai phải, tay trái xách nồi cơm điện. Mới cầm lên, quai nồi cơm lờn gai bứt ra tôi phải kẹp nách nồi cơm, vai vác bình gas vừa đi vừa chạy lúp xúp trên đường ray xe lửa cho kịp.

 

Trước đó, đợt lụt đầu tháng 11, nước lớn vào ban đêm. Gần 1 giờ sáng, ông Hùng đang ngủ say bỗng dưng nghe tiếng người kêu la. Ông liền vùng dậy xỏ vội đôi dép chạy ra ngoài giữa lúc trời mưa xối xả để đến giúp người dân trong xóm dọn lụt. “Hôm đó nước lớn nhanh. Vừa đến nhà ông Hà (Nguyễn Văn Hà) nước đã ngập đến đầu gối, tôi vội vác bao lúa chạy đi gửi ở nhà cao, khi chạy về đến cửa thì nước ngập ngang bụng, tôi chỉ kịp vác một bao nữa thôi, còn toàn bộ bị ngập lụt hết. Thấy mọi đứng thất thần chảy nước mắt khi nhìn tài sản chìm trong nước, mình cũng ứa nước mắt theo”, ông Hùng nói.

 

Tiếp tục chạy đến những nhà “còn dọn lụt được”, ông Hùng dùng dây buộc bao lúa “treo” lên cây đòn tay nhà, rồi bưng bê các vật dụng khác đi tránh lụt. “Rinh ti vi lên gác, ôm con heo con bỏ lên sõng”, cứ thế ông quần quật từ sáng đến trưa. Khi thấy bụng cồn cào, ông mới nhớ ra từ sáng đến giờ chưa có hột cơm nào trong bụng. Về nhà ăn cơm, mở mâm cơm, thức ăn đã nguội lạnh. Sau đó, ông lại chạy dọc theo đường sắt, thấy ai khiêng tủ bàn, ông cũng phụ một tay.

 

Bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông Hùng, nói: Nước lụt tràn vào xóm Ga (thôn Định Trung 2), nhiều người có nhà ở trên cao trùm mền ngủ, còn ông nhà tôi thì nhiệt tình đi dọn đồ chạy lụt giúp bà con vùng ngập nước. Dầm mình dưới nước bạc lạnh, về đến nhà, người run cầm cập, nhưng sau đó hết mệt ông ấy lại đi giúp mọi người.

 

 

Ông Hùng với cuộc sống đời thường - Ảnh: LÊ TRÂM

 

Không muốn được trả ơn

 

Thôn Định Trung 2 nằm ở vùng trũng, mùa mưa, khi hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) xả lũ, nước đổ xuống dưới hạ lưu dâng cao nhẫy vô xóm nhà. Hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An) cũng xả lũ chảy qua cầu Cây Cam (phía dưới thôn Định Trung 2) tạo thành ngã ba. Dòng nước lũ “kẹp” thôn Định Trung 2 lại, vì vậy vùng trũng khu vực này bị ngập lụt thường xuyên. Có năm lụt cũ chưa rút lụt mới chồng lên, người dân đuối sức chống chọi với lụt. Thường thì tháng 11 là hết lụt, riêng năm nay lụt lớn “tràn qua” tháng 12.

 

Nhà ông Hùng ngửa mặt ra đường sắt, nền nhà cao hơn đường sắt một gang tay nên không bị ngập lụt, vì vậy ông có điều kiện giúp bà con lối xóm dọn đồ “chạy lụt”. Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Định Trung 2, chỉ tay lên vách nhà, nơi đợt lụt vừa qua ngập còn in dấu “gạch ngang” trên vách gần đụng máng thượng, nói: Trận lụt vừa rồi nước tràn vào nhà, tôi già cả lo dọn đồ trong nhà, khi nhớ trực lại nhìn ra sau hè thì con bò kẹt cứng trong chuồng. May quá lúc ấy cháu Hùng đến bơi ra tháo cổng lùa bò bơi qua đến đường sắt. Đợt rồi, nếu không nhờ cháu Hùng giúp chắc con bò chết nước rồi, lấy tiền đâu mà bồi thường cho chủ.

 

Ông Hà kể: Lũ lụt rút, nhà tôi nằm trong “diện” ngập lụt nên được các nhà hảo tâm mang mì tôm, bột ngọt, dầu ăn đến tặng. Mang ơn cháu Hùng dọn lụt giúp, tôi mang ra biếu lại mấy gói mì tôm gọi là ơn nghĩa nhưng cháu Hùng không nhận mang trả lại. Tôi giận hờn, trách trả “ép quá” cháu Hùng mới nhận.

 

Ông Huỳnh Ngọc Hân, Trưởng thôn Định Trung 2, cho biết: Xóm nhà này gần nhà quản lý cung đường tàu nên người ta thường gọi là xóm Ga. Ở hai bên đường ray là vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt. Nhờ những người như ông Hùng “chạy lụt” lúa, gạo, lùa giúp đàn bò trong nước lụt, nhiều người trong xóm rất quý ông. Dọn lụt lâu năm nên ông có kinh nghiệm, khi dọn lụt, ông Hùng còn “to miệng” hô la hối thúc đưa người già, trẻ con chạy lụt cho kịp.

 

Nhà tôi cũng ở trong vùng bị ngập lụt, ông Hùng thường đến “chạy lụt” giúp. Đợt lụt vừa rồi một mình tôi chạy lụt không kịp nên lúc nước lớn dâng cao, nhà tôi kẹt lụt 5 con bò, ông Hùng ra tận chuồng mở cổng, tháo dây. Bò bơi đi trước, ông dầm mình trong nước lụt bơi theo sau. Còn đợt lũ lụt lịch sử cuối năm 2009, cả xóm nhà bị ngập lụt sâu, gia đình tôi đến nhà ông Hùng ở nhờ. Lúc đó, nhà ông Hùng “chứa” gần 100 người quanh vùng cùng đến ở nhờ.

 

Phó Bí thư Đảng ủy xã An Định Huỳnh Kim Anh

 

MẠNH HOÀI NAM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek