Sau nhiều lần đắn đo, chị đặt mua một cái vòng charm gồm 5 hạt làm quà mừng sinh nhật con gái tròn 18 tuổi. Món quà khiến con gái chị vui vô cùng, nhưng anh chồng thì… suýt ngất khi tình cờ nhìn thấy hóa đơn. Những hơn 10 triệu đồng cho một cái vòng đeo tay bằng bạc! Ấy thế mà dòng trang sức này đang làm cho nhiều phụ nữ mê mẩn.
Thiếu nữ duyên dáng với vòng charm trên tay - Ảnh: YÊN LAN |
Trang sức bạc, giá… trên vàng
Cần phải nói thêm rằng chiếc vòng xâu hạt trang trí mà người mẹ sành điệu mua tặng con gái là charm bracelet (vòng đeo tay quyến rũ), của một hãng nổi tiếng ở châu Âu chứ không phải món trang sức vô danh tiểu tốt. Theo đánh giá của những người say mê vòng charm, có một sự khác biệt không hề nhỏ giữa sản phẩm của các hãng tên tuổi với những nhãn hiệu bình dân. Thứ nhất là vẻ đẹp và sự tinh tế, thứ hai (và cũng rất ấn tượng) là… giá tiền. Muốn có một chiếc charm bracelet “giản dị” nhất với vài hạt, bạn phải dằn túi chừng… chục triệu đồng, bởi giá một chiếc vòng đeo tay cơ bản (để xâu các hạt charm) đã vài triệu và mỗi hạt charm bạc bé xinh bằng nửa lóng tay cũng lên tới hàng triệu đồng; những hạt thủy tinh Murano rực rỡ màu sắc được chế tác tại đảo Murano của nước Ý cũng không hề rẻ. Còn charm vàng 14k thì, chỉ một hạt be bé xinh xinh cũng có thể “thổi” bay hơn 10 triệu đồng khỏi tài khoản của bạn. Vì vậy, nếu không phải là dân sành vòng charm, nhiều người sẽ choáng khi biết rằng một chiếc charm bracelet bằng vàng 14k hoặc 18k nạm đá quý nhân tạo có thể lên tới hàng trăm triệu đồng!
Charm bracelet có lịch sử lâu đời ở phương Tây và từng là vật phẩm tâm linh có gắn các biểu tượng tín ngưỡng, sau đó mới trở thành một dòng trang sức thu hút đông đảo “tín đồ”, mà Trollbeads là thương hiệu đầu tiên.
Theo các tài liệu, nguồn gốc độc đáo của Trollbeads khởi đầu tại Đan Mạch, vào năm 1976. Tại thời điểm mà những chiếc vòng cổ làm bằng da rất được ưa chuộng, nhà thiết kế Søren Silversmith thiết kế một hạt nhỏ với 6 mặt người rồi bày bán sản phẩm mới này tại cửa hàng trang sức của cha mình. Thêm một sự sáng tạo nữa là, thay vì để cho các hạt treo trong lỗ xỏ dây, Søren Silversmith tạo ra lỗ tròn tại tâm các hạt để dây da đi qua.
Em gái của Søren, bà Lise, đưa mỗi hạt vào một chiếc vòng đeo tay, và món đồ trang trí bé xinh đó trở thành điểm nhấn.
Sự sáng tạo tiếp theo không phải thuộc về nhà Silversmith mà từ một… khách hàng, khi vị khách yêu cầu bà Lise xâu thêm vài hạt nữa vào vòng tay của cô. Có thể nói người khách này đã đưa Trollbeads đến với một bước ngoặt trong việc phát triển các bộ sưu tập mới. Điều thú vị của charm bracelet là, khi lựa chọn các hạt bằng bạc để xâu vào vòng đeo tay theo ý tưởng riêng, khách hàng đã tham gia vào việc thiết kế vòng trang sức cho chính mình. Và những chiếc vòng đeo tay quyến rũ luôn có sự khác biệt.
Dần dần, bên cạnh các charm bạc, sản phẩm bằng vàng và hạt ngọc trai xuất hiện, tô điểm thêm cho dòng trang sức này. Sau 40 năm kể từ khi Søren Silversmith và em gái Lise sáng lập hãng trang sức, Trollbeads vẫn có sức hút lớn đối với những người say mê vòng charm và yêu thích sự sáng tạo. Dân sành charm bracelet nói rằng các hạt charm và hạt thủy tinh mang thương hiệu Trollbeads được làm thủ công nên có vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế, khơi gợi trí tưởng tượng và rất riêng biệt; ngay cả những hạt charm có cùng hình dạng cũng không giống nhau hoàn toàn.
Vòng charm “liên hiệp quốc” và các hạt charm để xâu, treo vào vòng - Ảnh: YÊN LAN |
Đánh dấu ngày đáng nhớ hay… “mai phục” chờ giảm giá?
Charm bracelet gồm: vòng cơ bản (thường được làm bằng bạc, vàng hoặc dây da) dùng để treo charm hoặc xâu hạt, các charm dùng để xâu, cặp hay móc vào vòng và charm chặn (giữ cho các hạt khác không “chạy” lung tung hoặc rơi ra ngoài mỗi khi mở vòng). Charm thường được làm bằng bạc 925 (hàm lượng bạc trong chất liệu là 92,5%, cứng và bóng hơn bạc được làm theo cách truyền thống), vàng 14k, 18k, đồng, thủy tinh Murano, đá quý nhân tạo, gỗ tự nhiên, đá tự nhiên, tráng men…
Điểm đặc biệt của charm bracelet là do người sử dụng tự thiết kế, nên không chiếc vòng nào giống chiếc nào. Có một số nguyên tắc cho việc thiết kế vòng charm, như nguyên tắc đối xứng (các charm đối xứng nhau về hình dạng hai bên khóa, giúp cho vòng đẹp và cân đối), nguyên tắc phối màu (các charm cùng tông màu hoặc tương phản tông màu), nguyên tắc ý nghĩa (trong chiếc vòng, ngoài những charm trang trí là các charm có ý nghĩa đối với mình như nghề nghiệp, sở thích, tên chữ cái đầu những người thân trong gia đình, cung hoàng đạo…). |
Trong số hàng chục hãng danh tiếng trên thế giới chuyên sản xuất, chế tác và kinh doanh charm bracelet, có vẻ như Pandora nổi đình nổi đám hơn cả. Thương hiệu này được cho là đã có mặt tại hơn 90 quốc gia với khoảng 10.000 điểm bán hàng. Xuất hiện ở Việt Nam cách đây chừng 5 năm, Pandora bắt đầu “làm mưa làm gió” tại các thành phố lớn dù giá không hề rẻ (bởi vậy một số người đã phải đặt mua hàng chính hãng từ Úc để bớt tốn kém, vì giá tại Úc rẻ hơn). Sức hút của Pandora lớn đến nỗi, nhiều người cho rằng vòng charm chính là vòng Pandora và chỉ có mỗi Pandora!
Theo các “tín đồ” charm bracelet, nét khác biệt của các sản phẩm mang thương hiệu Pandora chính là sự sang trọng và hiện đại. Vì vậy, nếu nhìn thấy một chiếc vòng charm có dòng chữ Pandora được khắc một cách thô vụng, giá chỉ hai, ba trăm ngàn với những hạt charm ngờ nghệch, thì xin thưa rằng đấy đích thị là hàng giả, mua về đeo dăm bữa nửa tháng là đen sì và không cách nào làm cho nó sáng trở lại, bởi đó không phải là bạc. Những chiếc vòng charm bạc giá “chỉ” 2-3 triệu đồng, đương nhiên cũng không phải chính hãng Pandora!
Trước khi quyết định tậu một chiếc “vòng đeo tay quyến rũ”, tôi sục sạo các trang web và không khỏi hoa mắt trước “rừng” sản phẩm của một số hãng, bèn tham khảo ý kiến của một người bạn sành điệu, ca sĩ Hoàng Lê Vi. Cô ấy nói ngay: “Xài Pandora đi chị, mua cái vòng và 3 charm trước, mỗi năm xâu thêm vài hạt vô, không nhất thiết phải nhiều. Bên Tây họ chơi vòng charm rất từ tốn, mỗi năm xâu thêm 2-3 hạt để kỷ niệm những dịp đặc biệt, không phải muốn là mua. Mỗi charm có ý nghĩa riêng của nó”. Giọng ca “Vắng anh mùa đông” cho rằng, sử dụng vòng charm của thương hiệu này trong 10, 20 năm rồi tặng lại cho con gái, món quà mang giá trị cao, còn nếu mua hàng nhái thì chỉ là một cục bạc. “Nó đắt hơn bạc vàng ngoài cửa hàng là vậy đó”, ca sĩ quê Phú Yên kết luận.
Không chỉ là đồ trang sức thể hiện gu thẩm mỹ và cá tính, charm bracelet còn được coi là nhật ký nhỏ lưu giữ kỷ niệm. Ở phương Tây, những hạt charm thường được chọn mua vào những dịp đặc biệt để xâu vào vòng. Ở ta, do giá charm của các hãng nổi tiếng quá chênh so với mặt bằng thu nhập, nhiều người không thể nhắm mắt “vung tay” gần chục tháng lương cơ bản chỉ để tậu một chiếc vòng charm hàng hiệu nên kỳ công lên mạng “mai phục” các đợt giảm giá. Và nếu không đủ kiên nhẫn chờ các hãng nổi tiếng thì “lùng sục” trang web của các hãng “gần gũi” hơn, như Glamulet hay Soufeel, khi họ giảm giá sâu. Chị T.T.N.L ở phường 4 (TP Tuy Hòa) khoe: “Thứ sáu đen vừa rồi, tôi “săn” được 3 hạt charm rất dễ thương của Soufeel mà chỉ tốn hơn 700.000 đồng”. Thường thì giá các sản phẩm của Glamulet, Soufeel bằng phân nửa, thậm chí bằng một phần ba giá của Pandora. Một trong những mặt hàng bán chạy của hai hãng này là charm ảnh tự thiết kế. Người mua vào trang web của hãng, chọn chiếc charm ảnh ưng ý, đưa hình ảnh của mình hoặc người thân vào charm sau vài cú click chuột rồi đặt hàng. Thế là một khoảnh khắc khó quên sẽ được lưu giữ trên chiếc vòng tay (cũng có thể là trên dây chuyền) của bạn.
Sở hữu một chiếc charm bracelet tuyệt đẹp là niềm ao ước của nhiều cô gái, nhưng một khi đã chán chiếc vòng có chủ đề này và muốn chuyển sang chủ đề khác thì sao? Hãy chịu khó tìm một người có cùng sở thích vòng charm để “chuyển giao” nó, “thu hồi vốn” và “đầu tư” cho bộ sưu tập mới. Đừng dại mà chìa nó ra trước những người chưa từng “quen biết” các hạt charm. Họ sẽ nghĩ bạn điên khi “hét” giá năm, bảy triệu đồng cho một chiếc vòng xâu đủ thứ hình thù bằng bạc.
Không nhất thiết phải là hàng hiệu
Sau khi các “tín đồ” charm bracelet ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… “phát sốt” với dòng trang sức này, một số phụ nữ trẻ ở Phú Yên bắt đầu quan tâm đến vòng charm. Có điều kiện, họ đặt mua sản phẩm của các hãng qua mạng, bằng không thì vẫn có thể tìm thấy những chiếc vòng charm bạc tại chợ Tuy Hòa, giá rất “mềm”. Chị Trần Thị Hồng, chủ tiệm trang sức Kim Hồng Phong trên đường Ngô Quyền (TP Tuy Hòa), cho biết: “Tôi bắt đầu bán vòng charm cách đây 2 năm. Một số bạn trẻ sưu tầm mẫu trên mạng rồi mang đến đây, tôi kêu thợ làm cho họ. Vòng charm có vẻ là lạ, hay hay nhưng chưa thịnh ở Phú Yên, chủ yếu dành cho những người thong thả về kinh tế”.
Theo ông Dương Kim Hoàng, chủ tiệm kim hoàn cùng tên trên đường Ngô Quyền, giá một chỉ bạc là 60.000 đồng. Khi chế tác trang sức, thợ bạc cho thêm một số hợp chất. Có lẽ vì vậy mà giá một charm bạc dễ thương được chế tác tại chỗ khá “mềm”, chỉ trên dưới 100.000 đồng, tuy nhiên mẫu mã chưa phong phú và cũng không sang trọng, tinh xảo như sản phẩm của các thương hiệu lớn. Riêng vòng cơ bản, do không có máy móc nên thợ kim hoàn ở Tuy Hòa bó tay, phải nhập hàng từ TP Hồ Chí Minh, giá hơn 400.000 đồng/chiếc. Charm bạc Thái cũng được nhập về từ trong Nam, mẫu mã phong phú, sắc sảo hơn và giá cũng cao hơn so với các sản phẩm được chế tác tại địa phương. Ngoài những sản phẩm bình dân được nhập về từ các nước lân cận, người chơi vòng charm tại địa phương cũng có thể đặt mua các hạt charm xinh xinh được làm thủ công từ một số cửa hàng vàng bạc trên phố cổ Hà Nội, giá khá vừa túi tiền.
Sau nhiều lần cân nhắc, dù rất thích những hạt charm mộc mạc, tinh tế, khơi gợi trí tưởng tượng của Trollbeads và cũng rất khoái những sản phẩm tinh xảo, sang trọng của Pandora, rốt cuộc tôi chọn mua một cái vòng cơ bản của Soufeel cùng vài hạt charm của Glamulet, đơn giản vì chúng rẻ hơn nhiều. Rồi thi thoảng, tôi đến chợ Tuy Hòa, chọn một, hai hạt charm dễ thương bổ sung vào chiếc vòng và cảm thấy khá vừa ý. Không cần phải bỏ ra cả chục triệu đồng cho một chiếc vòng đeo tay bằng bạc.
Khi chơi charm bracelet, điều quan trọng là món trang sức này đánh dấu những dịp đặc biệt và lưu giữ kỷ niệm của bạn, chứ chẳng ai cầm tay bạn mà săm soi nhãn mác xem bộ vòng thuộc thương hiệu nào.
Nhiều người thắc mắc rằng sau một thời gian dùng, trang sức bạc bị xỉn màu, thậm chí đen, có phải do chất lượng kém? Theo các thợ bạc, đấy là do sự kết hợp của bạc với lưu huỳnh (có trong không khí, trong suối nước nóng, đặc biệt là trong mồ hôi…) tạo thành muối bạc, kết tủa đen bám trên bề mặt bạc. Ngay cả trang sức bạc để lâu không dùng vẫn có thể bị xỉn màu.
Khi trang sức bạc xỉn màu hoặc bị đen, có thể làm chúng sáng trở lại bằng cách bôi một ít kem đánh răng lên món đồ và dùng bàn chải đánh nhẹ rồi rửa sạch, hay dùng dung dịch chanh - muối đun sôi nhẹ... Nếu vẫn không khắc phục được thì hãy mang đến các tiệm bạc để đánh sáng trở lại. Tuy nhiên, với các hạt charm bạc điểm những chi tiết đen (đã được oxy hóa có chủ ý) thì không nên đem đánh bóng, vì rất có thể chúng sẽ sáng bóng sạch sành sanh. |
YÊN LAN