Phải làm gì để bệnh nhân AIDS thực sự quan tâm tới bảo hiểm y tế (BHYT) là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý, bởi mốc thời gian 2017 đã đến rất gần. Nếu người bệnh không được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) liên tục thì tình trạng dịch HIV lan rộng ra cộng đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bệnh nhân AIDS cần ý thức rằng tham gia BHYT là quyền lợi cho sức khỏe của chính mình. Trong ảnh: Nhân viên y tế đang khám cho một bệnh nhân - Ảnh: NGỌC VIỆT |
Làm gì để tăng số người tiếp cận BHYT?
Hiện nay, bệnh nhân chưa tiếp cận được với nguồn thuốc ARV từ BHYT. Thuốc ARV hiện chủ yếu nhận từ các dự án viện trợ. Tuy nhiên, những năm gần đây, chúng ta đang triển khai việc mua thuốc trong nước. Cụ thể năm 2014-2015, đã đấu thầu việc mua thuốc ARV trong chương trình mục tiêu quốc gia. Bảo hiểm xã hội cũng ủng hộ việc mua thuốc ARV tập trung, đấu thầu rộng rãi trong nước để có nguồn thuốc với giá cả hợp lý. Các công ty, doanh nghiệp được khuyến khích tăng cường nhập khẩu hoặc nghiên cứu sản xuất ARV trong nước, đặc biệt là thuốc cho các phác đồ yêu cầu cao. Khi sử dụng phương thức mua trong nước, lúc đó thị trường thuốc ARV sẽ phát triển.
Gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cam kết sẽ chi khoảng 250 tỉ đồng để mua thuốc ARV. Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng có quan điểm: Khi nguồn tài trợ dành cho ARV bị cắt theo lộ trình 2017, sẽ góp phần cùng với nguồn tài chính khác của Nhà nước, xã hội hóa nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc điều trị thường xuyên cho những người không may nhiễm HIV.
Mặc dù vậy, phải làm gì để người nhiễm HIV hiểu được quyền lợi của mình và chủ động tham gia BHYT là điều hết sức quan trọng. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: “Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã khảo sát, tìm hiểu tại sao số lượng bệnh nhân AIDS tham gia BHYT lại thấp như vậy. Đó là do lâu nay ARV vẫn được cấp phát miễn phí nên nhiều người bệnh chưa quan tâm. Thứ hai, nhiều người bệnh chưa hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của BHYT. Thứ ba, nhiều người lo lắng về sự kỳ thị, lo rằng khi tham gia BHYT thì danh tính bị tiết lộ. Cuối cùng là khả năng chi trả. Mặc dù BHYT mang lại lợi ích rất lớn khi bệnh nhân phải điều trị bệnh nhưng tiền mua BHYT vẫn là khó khăn đối với nhiều người nhiễm HIV. Thế nên, thời gian tới, để phát triển BHYT cần có biện pháp lâu dài”.
Những biện pháp hữu hiệu được đưa ra như: Tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT; có cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT; nếu là người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách thì sẽ được hưởng theo quy định hiện hành. Truyền thông thay đổi hành vi, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, triển khai hệ thống y tế xã, y tế cơ sở để đưa dịch vụ đến gần dân. Chính người nhiễm HIV cần vượt qua sự mặc cảm và tự kỳ thị để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị.
Không lo vỡ Quỹ BHYT khi điều trị cho bệnh nhân AIDS
Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý BHYT lo ngại việc “gánh” điều trị bằng ARV cho bệnh nhân AIDS có thể sẽ gây nguy cơ khó khăn cho cơ quan BHYT, nguy cơ gây “vỡ” quỹ. Tuy nhiên, theo TS Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, điều này là sự lo xa không cần thiết. Bởi, bình quân chi phí điều trị theo phác đồ bậc 1 cho một bệnh nhân AIDS tại Việt Nam là khoảng 6 triệu đồng/năm. Chi phí trung bình cho một bệnh nhân nội trú liên quan đến HIV/AIDS chỉ là 4,3 triệu đồng/đợt điều trị. Theo tính toán, nếu tỉ lệ tham gia BHYT như hiện nay và trong những năm tới sẽ tăng nữa (trung bình mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 150-200 tỉ đồng) thì với con số như vậy, BHYT hoàn toàn có thể đáp ứng đủ khi chúng ta chi trả cho việc điều trị bằng ARV, không lo bị vỡ Quỹ BHYT. Do vậy, chi phi điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS không làm tăng gánh nặng cho BHYT.
TS Phạm Lương Sơn khẳng định: “Chúng tôi sẽ chung tay với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan để bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được tiếp tục điều trị, coi đây là một trách nhiệm xã hội. Việc thanh toán chi phí điều trị nói chung và chi phí thuốc ARV nói riêng có những nguyên tắc nhất định. Thứ nhất, những người muốn hưởng lợi phải là những người tham gia BHYT. Tuy nhiên, khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT, nên sự phát triển và độ lớn của Quỹ BHYT vẫn có những khó khăn nhất định. Thứ hai, các cơ sở điều trị cho bệnh nhân AIDS cũng phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với các cơ quan tổ chức xã hội. Theo những thông tin gần đây, nhiều trung tâm điều trị HIV/AIDS chưa đảm bảo những quy định này. Đây cũng là một trong những rào cản để thanh toán BHYT cho những bệnh nhân AIDS. Còn điều thuận lợi là Bộ Y tế đã đưa thuốc ARV vào danh mục được chi trả cho những người nhiễm HIV”.
Để ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở y tế cũng phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế. Trước mắt, các cơ sở y tế đang điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ hoàn thiện những tiêu chuẩn đó, chủ yếu là liên quan tới những lĩnh vực chuyên môn, chứng chỉ hành nghề và việc quản lý điều trị bệnh nhân nói chung, bệnh nhân AIDS nói riêng; phải có những đổi mới để quản lý bệnh nhân tốt hơn.
BHYT sẽ chi trả những khoản gì cho người điều trị bằng ARV - đây là điều mà nhiều người thắc mắc. TS Phạm Lương Sơn cho biết: Không có sự phân biệt giữa người điều trị bằng ARV và người điều trị các bệnh khác. Các khoản BHYT chi trả được quy định rất rõ trong Luật BHYT. Có thể cụ thể hóa như sau: Một người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng, khi vào viện sẽ được hưởng các chi phí cho các dịch vụ khám, các dịch vụ y tế như: xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và thuốc điều trị. Riêng với bệnh nhân AIDS, khi nguồn tài trợ không còn nữa thì Quỹ BHYT sẽ đảm nhiệm việc chi trả thêm cho việc điều trị bằng ARV.
YÊN LAN - NGỌC VIỆT