Ông tên Nguyễn Chín, nhưng người quanh vùng thường gọi là ông Chín Cu. Ông ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân). Ông có tật lạ là quanh năm suốt tháng chỉ mặc chiếc quần đùi, còn mặc áo thì không bao giờ gài nút. Bây giờ tuổi già, ông lại ngồi trước hàng ba đan nong nia, ky giỏ… Cuộc đời của ông có “tam hạp” lạ lùng, ông thứ 9, ở đội 9, với 29 năm chống đò.
Đội 9, xóm Gò Sau
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: Ông Chín Cu (Nguyễn Chín) có công cách mạng nên hiện nay gia đình ông thuộc diện chính sách của xã. Sau ngày đất nước giải phóng, ông về quê làm nghề chống đò. Thế hệ chúng tôi đi học từ cấp 2, cấp 3 rồi ra trường công tác cũng qua lại bến đò này. Gần 30 năm chống đò, không có trường hợp nào thương tâm xảy ra tại bến đò ông Chín Cu. Tuổi già, ông lại đan nong nia, ky giỏ… giúp giữ nghề truyền thống. |
Xóm Gò Sau (thôn Thạnh Đức) nằm bên bờ sông Cái (hay còn gọi là sông Kỳ Lộ, sông lớn thứ 2 ở Phú Yên sau sông Ba). Xóm Gò Sau là tên gọi có từ lâu đời, đến khi HTX Nông nghiệp Thạnh Đức hình thành phân chia trong thôn ra thành 9 đội, riêng đội 9 nằm gọn trong xóm Gò Sau. Hiện là mùa mưa cũng là thời điểm nông nhàn, người dân ở đội 9 đan ky giỏ, rổ rá bán kiếm thu nhập. Đối với ky giỏ, rổ rá, người trong xóm đan đại trà, ai cũng biết đan. Riêng ông Chín Cu, ngoài đan ky giỏ, ông còn đan nong nia, cái nghề truyền thống sắp thất truyền trong xóm khó có ai còn đan được. Ngồi trước hàng ba, ông kể: “Công việc đan nong nia đòi hỏi phải có sự sắc sảo trong khâu léo viền, lận vành nên rất nhọc công mới đan xong, các vật dụng này ít người dùng, lâu lâu có người đặt ông mới đan. Còn đang ky giỏ, phiên chợ nào cũng bán thường xuyên. Ky thì người ta mua về gánh lúa, sắn, dưa… còn giỏ thì người ta mua về mang giỏ cỏ cho bò, nhốt gà… Tuy không mua sắm được gì nhiều nhưng việc đan cũng đủ tiền đi chợ.
Tài sản quý giá của ông Chín Cu là hàng tre chạy dọc theo bờ sông Cái. Trước đây ông trồng hàng tre để ngăn bờ sông sạt lở đám đất soi cạnh triền sông, sau khi tre mọc thành hàng, ông ra sức “nuôi” tre. Theo ông, “nuôi” tre không chỉ ngăn sạt lở mà còn để dưỡng già.
Ông ít khi cười, nhưng khi chúng tôi xin phép hỏi nhỏ về biệt danh Chín Cu thì ông cười mỉm và kể: Ông là con thứ 9 trong gia đình, hồi nhỏ, cha mẹ đặt tên Cu, khi lớn lên thì người trong xóm “mắc cỡ miệng” không gọi tên nữa mà gọi thứ 9, đúng theo tên trong sổ sách của ông là Nguyễn Chín (tên cũng là thứ). Tên Chín có nhiều người trong thôn cùng tên nên để phân biệt họ gọi kèm theo thứ và tên tục: Chín Cu. Từ đó đến nay trước mặt ông, người trong xóm chào hỏi thì gọi tên Chín, còn sau lưng ông từ “đầu trên đến xóm dưới” đều quen miệng gọi ông Chín Cu. “Kệ, tên giữ, chữ đặt mà”, ông nói.
Có một điều lạ nữa là các con ông không gọi ba hay cha mà gọi ông bằng chú. Lý giải việc này ông bảo: Sanh thằng con đầu xấu láy (khó nuôi) nên gọi vậy, theo kinh nghiệm ông bà già xưa để lại, rồi những đứa tiếp theo quen gọi chú vậy luôn. Gọi bằng gì cũng được miễn con nó hiếu thảo là mừng rồi.
Mấy năm nay, hàng ngày, ông cầm cái rựa ra soi gần bờ sông Cái chặt tre về vót nan đan ky giỏ, nong nia. Người xưa có câu: Nhất chặt tre, nhì de gái. Ý nói chặt tre rất khó vì dễ bị gai cào rách da, rút được cây tre ra khỏi gốc thì “chằn ăn, trăn quấn” nhưng với ông đi chặt tre vẫn mặc chiếc quần đùi, áo thì không gài nút. Hỏi chuyện này ông trả lời cụt ngủn: Từ khi lên núi tham gia cách mạng đến giờ vẫn vậy, quen rồi.
Anh Nguyễn Cư, con trai ông, cho hay: Lâu lâu có đám tiệc, dựng vợ gả chồng cho con cháu trong gia đình thì chú tôi mới mặc quần dài, còn không thì quanh năm suốt tháng chỉ chiếc quần đùi. Từ đây ông mang chồng giỏ qua chợ Phước Lộc bán cũng chỉ mặc cái quần đùi, áo lúc nào cũng hở ngực.
29 năm chống đò
Nhà ông phía sau là con sông Cái, còn bên hông nhà đi ra phía tay trái đi qua bên kia cánh đồng Bé là đến sông Con. Người nhỏ con nhưng ông có cái tài chống đò ở hai bến sông.
Ông Chín kể, ông làm nghề chống đò ngang tại bến sông Con từ năm 1981, chủ yếu đưa đón học sinh ở thôn Thạnh Đức đi học, khách vãng lai rất ít. Chống đò ngày ấy không lấy tiền mà lấy lúa. Sông ở đây nước lớn từ tháng 9-11 âm lịch, mỗi mùa chống đò đưa đón một đứa học sinh qua lại 3 tháng chỉ lấy 1 giạ lúa (cái giạ làm bằng gỗ hình thang, tương đương 1 thúng lúa bây giờ).
Ông nhớ lại, đến mùa nước lớn, mờ sáng nào ông cũng ra bến Gò Sau của sông Cái gần nhà xuôi đò xuống ngã ba Chợ Lùng (nơi sông Cái và sông Con giao nhau) rồi chống ngược lên bến Sông Con đưa đò. “Sở dĩ tôi phải nhọc công vậy vì tối phải đưa đò về bến Gò Sau gần nhà, nếu để tại bến Sông Con, mình về nhà, có người qua lại lấy đò chống, không có tay nghề, đò lật chết người thì mình mang tội”, ông nói.
Dòng sông Con nước rất hỗn (nước lớn nhanh cũng rút nhanh), chảy xiết. Ông có một bí quyết, khi chống đò, cầm cây sào thật chắc, kiềm chặt cây sào vào mạng đò, nếu để cây sào lót ngang vào bụng con đò thì đò lật ngay. Đò của ông “tải trọng” chỉ 10 học sinh, vào thêm người thứ 11, ông lấy cây sào gạt, ngăn lại.
Đến những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhà nước bắt đầu thi công xây cầu bắc qua sông Con. Những tưởng cầu xây xong, ông không còn chống đò, nào ngờ đó chỉ là cầu tràn. Mùa mưa, lụt nhỏ thì thôi, lụt lớn nước ngập chỗ mố tràn, ông lại phải chống đò. Lúc này đường sá thông thoáng, người dân đi lại nhiều và ông gồng mình chống đò cho người dân ba xã, từ xã Xuân Quang 3 lên xã Xuân Quang 1 và xã Phú Mỡ qua lại. Cũng từ đó, cái tên bến đò Chín Cu ăn sâu vào lòng của người dân nơi đây.
Ông chia sẻ, có những ngày chống đò tối về mệt rã người, mới ngả lưng đã có người vào tận nhà năn nỉ vì con gái họ đang đau bụng chuyển dạ cần đi xuống bệnh viện, có người giữa đêm khuya con bị sốt rét nhờ chống đò đưa đi cấp cứu. Mệt nhưng nghe họ nói vậy mình cũng mủi lòng, không nỡ từ chối nên ra sông xuôi đò cứu người giữa đêm tối mịt, mưa loi ngoi lóp ngóp. Những ngày ở bến đò, gần trưa con ông dỡ cơm ra nhưng hiếm khi ông ăn đúng bữa, bởi tốp học sinh học buổi sáng về, tốp học buổi chiều cũng đến cùng lúc.
Đến đầu năm 2000, sức yếu, người qua lại ngày càng đông, ông “bàn giao” cây sào cho con trai để chống đò. Rời bến đò Sông Con, ông về chống đò ở bến Gò Sau trên con sông Cái gần nhà. “Chống bến đò Gò Sau chủ yếu cho người xóm Gò Cốc bên kia sông thuộc xã Xuân Quang 2 qua lại, lúc đó bến ít người, một ngày vài lượt người qua lại. Trận lũ lịch sử cuối tháng 11/2009, xóm Gò Cốc chìm nghỉm trong nước, cuốn trôi làm chết 18 người ở xóm Trường (giáp ranh xóm Gò Cốc). Ở vùng gần sông nguy hiểm, năm 2010, Nhà nước di dời xóm Gò Cốc vào khu tái định cư, cũng là lúc ông từ giã nghề chống đò.
Thượng tá Đoàn Cảnh Mai, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Đồng Xuân - người con thôn Thạnh Đức, cho biết: Ông Chín Cu chèo chống đưa hàng ngàn lượt học sinh đi học. Bây giờ trong số đó có người là thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư… làm việc trong các cơ quan nhà nước. Bản thân tôi cũng được ông chèo chống đưa hàng ngàn lượt qua lại bến sông.
Năm nay 84 tuổi, ngồi nhớ lại thời gian cầm sào chống đò ngang, ông nói nhỏ, thiếu một năm nữa là tôi đủ 30 năm chống đò nhưng không có xảy ra tình trạng lật đò chết người.
Từ giã nghề chống đò, ông về đan nong nia, ky giỏ…
MẠNH HOÀI NAM